© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Phân tích bài Thái phó Tô Hiến Thành (trích Đại Việt sử lược).

Thứ ba - 16/05/2017 07:02
Dàn ý chi tiết đề bài: Phân tích bài Thái phó Tô Hiến Thành (trích Đại Việt sử lược).
I. Mở bài
 
Bài Thái phó Tô Hiến Thành được trích từ tác phẩm lịch sử Đại Việt sử kí - ghi chép lịch sử nước ta từ thời Triệu Đà đến triều Lí Chiêu Hoàng.
 
Thái phó Tô Hiến Thành là vị quan có nhân cách lớn, luôn vì dân vì nước, từng giúp Lí Anh Tông và Lí Cao Tông ổn định chính trị, củng cố và giữ vững nền độc lập dân tộc.
 
II. Thân bài
 
Bài Thái phó Tô Hiến Thành gồm hai sự kiện trọng đại tác động đến các bước đi của lịch sử nước ta đời Lí: việc tôn lập nhà vua và việc chọn người có tài đức thay giữ chức Tể tướng.
 
A. VIỆC TÔN LẬP NHÀ VUA
 
1. Sự kiện lịch sử diễn ra năm 1175 ở triều Lí
 
- Lí Anh Tông mất, con trai thứ là Long Cán mới hai tuổi lên ngôi. Mọi việc triều chính, cụ thể là việc phò Long Cán lên ngôi đều giao cho Thái phó Tô Hiến Thành. Vì vậy, Tô Hiến Thành là người quyết định việc nối ngôi của Long Cán.
 
- Thái hậu họ Đỗ là mẹ của Long Cán và Long Sương, muốn lập Long Sương (anh của Long Cán) và phế Long Cán. Nguyên trước đây, Sương đã dược lập làm Thái tử - người nối ngôi vua - nhưng tháng 9 năm 1174 vì có lỗi, bị giáng làm Bảo Quốc Vương.
 
2. Âm mưu, thủ đoạn của Thái hậu
 
Thái hậu biết rõ vai trò quan trọng của Tô Hiến Thành, nên từng bước lôi kéo Tô Hiến Thành.
 
- Trước hết, Thái hậu hối lộ vợ Tô Hiến Thành để nhờ bà thuyết phục chồng. Mưu đồ này khá tinh vi vì thương tình, chồng dễ nghe lời vợ.
 
- Bước thứ hai, Thái hậu dùng danh vọng phú quý làm mời trực tiếp mua chuộc Tô Hiến Thành. Lời của Thái hậu vừa đánh trúng tâm lí của người lớn tuổi, vừa có vẻ đứng về Tô Hiến Thành.
 
- Bước thứ hai thất bại. Thái hậu đành liều lĩnh, bất chấp pháp luật, triệu Bảo Quốc Vương Long Sương vào để lập làm vua.
 
Thái hậu thực hiện mọi thủ đoạn: dùng vàng lụa hối lộ người vợ, dùng danh lợi dỗ dành trực tiếp người chồng và cuối cùng bất chấp pháp luật, liều lĩnh làm bừa. Nên Tô Hiến Thành chỉ cần tham lợi, cả nể, sợ hãi hoặc không giữ đúng phép nước thì Thái hậu sẽ thành công.
 
Qua các tư liệu trên, ta biết thêm tính cách của Thái hậu và nguyên nhân hành động của bà.
 
3. Thái độ của Tô Hiến Thành trước âm mưu của Thái hậu
 
Tô Hiến Thành từng bước đánh bại âm mưu nham hiểm và liều lĩnh của Thái hậu.
 
- Dùng đạo lí làm người, trách nhiệm Tể tướng của mình và tín ngưỡng của dân tộc để thuyết phục vợ không nhận hối lộ: “Ta ở ngôi Tể tướng... dưới suối vàng”.
 
- Dùng lời dạy cách làm người của Khổng Tử và cách đối xử với người quá cố trong truyền thống dân tộc để trực tiếp bác lời dụ dỗ của Thái hậu: “Bất nghĩa mà được phú quý... Thần không dám vâng lời”.
 
- Kiên quyết dùng pháp luật để trị kẻ vi phạm pháp luật. Thuyết phục Thái hậu bằng lí lẽ không xong, Tô Hiến Thành đành phải dùng đến uy quyền của luật pháp.
 
B. VIỆC CHỌN NGƯỜI THAY CHỨC TỂ TƯỚNG
 
1. Chức vụ Tham tri chính sự to hơn Gián nghị đại phu. nghĩa lả Vũ Tán Đường chức cao hơn Trần Trung Tá. Về tình, Vũ Tán Đường gần gũi, gắn bó và có ân tình với Tô Hiến Thành hơn Trần Trung Tá vì khi Tô Hiến Thành ngã bệnh, chỉ có Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ bên cạnh, còn Trần Trung Tá bận bịu nhiều việc, không lúc nào rảnh rang để đến  thăm được.
2.  Khi Thái hậu hỏi: “Nếu có mệnh hệ nào, ai thay ông”, thông thường về tình cũng như về lí, ai cũng nghĩ rằng Tô Hiến Thành sẽ tiến cử Vũ Tán Đường. Nhưng thật bất ngờ khi Tô Hiến Thành trả lời ...chỉ có Trần Trung Tá mà thôi.
 
3. Kịch tính ngày càng cao khi Thái hậu nhắc đến ân tình của Vũ Tán Đường đối với Tô Hiến Thành. Thông thường, người đọc sẽ nghĩ Tô Hiến Thành hoặc ngả theo Thái hậu hoặc giải thích Tán Đường không đủ năng lực làm Tể tướng. Nhưng ông lại đáp: “Thái hậu hỏi người thay thần, nên thần nói tới Trung Tá; nếu hỏi người hầu hạ phụng dưỡng thần thì phi Vũ Tán Đường còn ai nữa?”.
 
Tiếng cười mỉa mai bật ra từ nghịch lí: chọn người thay chức Tể tướng kiêm Thái phó hay chọn người “hầu hạ phụng dưỡng” Tể tướng?.
 
Tóm lại, qua sự kiện chọn Tể tướng với đoạn đối thoại ngắn gọn giữa hai nhân vật lịch sử Thái hậu và Tô Hiến Thành, người viết đưa ra một cảnh huống có thật với kết quả trái ngược lôgic thông thường của người đời. Từ đó tác giả khẳng định phẩm chất cao quý của Tô Hiến Thành.
 
C. NGHỆ THUẬT VIẾT SỬ
 
1. Đối tượng chính của sử gia là viết về các sự kiện liên quan đến lịch sử dân tộc. Tác giả Đại Việt sử lược chủ yếu viết về hai sự kiện trọng đại của lịch sử nước ta đời Lí. Viết sử biên niên theo lối tóm lược, tác giả vừa tôn trọng sự thật, vừa tuân thủ trình tự thời gian. Hai sự kiện trên xảy ra ở hai thời điểm khác nhau (năm 1175 và năm 1179) đều liên quan mật thiết đến Tô Hiến Thành, qua đó tính cách Tô Hiến Thành được bộc lộ. Sử giả không trực tiếp miêu tả tâm lí nhân vật, nhưng thông qua việc làm, lời nói của nhân vật, người đọc thấy được tính cách của họ.
 
2. Ngôn ngữ trong văn viết sử vừa ngắn gọn, kiệm lời, vừa bộc lộ được thái độ khen chê của sử gia. Nói như Ngô Sĩ Liên, văn của sử gia là “muốn treo gương răn cho đời sau... Tất phải khen chê mọi điều hay dở, thì người đời sau mới biết khuyên răn”. Tác gia Đại Việt sử lược đã làm được việc này.
 
III. Kết bài.
 
Qua bài Thái phó Tô Hiến Thành, chúng ta thấy Tô Hiến Thành là người có nhân cách cao quý, danh lợi không thể mua chuộc, uy vũ không thể khuất phục, một lòng vì dân vì nước, giữ vùng kỉ cương phép nước, sắt son chung thủy, hiến dâng sức lực và trí tuệ của mình cho đất nước đến hơi thở cuối cùng.
 
Hơn nữa, Tô Hiến Thành còn là người thông minh sáng suốt, đánh bại được âm mưu nham hiểm của Thái hậu. Nhân vật lịch sử này thật đáng được yêu thích và ngưỡng mộ.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây