© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ Văn 7 (Đề số 3)

Thứ ba - 20/11/2018 06:36
Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ Văn 7, gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận, có đáp án và hướng dẫn giải
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Câu 1: Thông diệp nào được gửi gắm qua văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê”?
A. Hãy tôn trọng những ý thích của trẻ em.
B. Hãy để trẻ em sống trong một mái ấm gia đình.
C. Hãy hành động vì trẻ em.
D. Hãy tạo điều kiện để trẻ em phát triển tài năng có sẵn.
 
Câu 2: Cách tả cảnh của bốn bài ca dao về tình yêu quê hương, đất nước, con người có đặc điểm chung gì?
A. Gợi nhiều hơn tả.
B. Tả chi tiết những đặc điểm tiêu biểu nhất.
C. Tả rất chi tiết những hình ảnh thiên nhiên.
D. Chỉ liệt kê tên địa danh chứ không miêu tả.
 
Câu 3: Hình ảnh nổi bật nhất xuyên suốt bài thơ “Tiếng gà trưa” của nhà thơ Xuân Quỳnh là:
A. Quả trứng hồng.
B. Tiếng gà trưa.
C. Người chiến sĩ.
D. Người bà.
 
Câu 4: Chọn từ đồng nghĩa với từ “trong” trong câu thơ:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
A. Trong sáng.
B. Trong trẻo,
C. Trong trắng.
D. Tinh khiết.
 
Câu 5: Thế nào là một văn bản biểu cảm?
A. Kể lại một câu chuyện cảm động.
B. Bàn luận về một hiện tượng đời sống.
C. Bộc lộ tình cảm, cảm xúc, đánh giá của con người đôi với thế giới xung quanh để khêu gợi sự đồng cảm của người đọc.
D. Được viết bằng thơ.
 
2. TỰ LUẬN
Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.
 
 
-------------------------------

HƯỚNG DẨN TRẢ LỜI
 
1. TRẮC NGHIỆM (Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm).
Câu 1 2 3 4 5
Đáp án B A B B C
 
2. TỰ LUẬN
Gợi ý: Yêu cầu của đề :
- Viết đúng thể loại văn phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học.
Dàn bài:
1. Mở bài: (1 điểm).
- Hoàn cảnh sáng tác: Viết trong những năm đầu của thời kì kháng chiến chống Mĩ.
- Tác giả Xuân Quỳnh: một nhà thơ nữ xuất sắc của thơ ca Việt Nam hiện đại.
2. Thân bài: (4 điểm).
a. Những nhận định chung (1 điểm).
- “Tiếng gà trưa” là bài thơ hay, có giọng kể và tả ngọt ngào.
- Bài thơ diễn tả những cảm xúc tràn đầy của nhà thơ qua tiếng gà gáy buổi trưa.
b. Những suy nghĩ, cảm xúc cụ thể dựa trên giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ:
- Từ âm thanh của “Tiếng gà trưa” mà tác giả cảm thấy xôn xao trong lòng, gợi nhớ biết bao kỉ niệm: ổ rơm hồng những quả trứng, con gà mái mơ, con gà mái vàng, đặc biệt là hình ảnh người bà yêu thương cháu hết mực, tần tảo, chắt chiu từng quả trứng “cho con gà mái ấp” (1 điểm).
- Mạch cảm xúc của bài thơ diễn biến theo quy luật hồi tưởng tự nhiên của tâm lí: Hiện tại (tiếng gà trưa bên xóm nhỏ) - Quá khứ (kỉ niệm hiện lên theo âm thanh của tiếng gà trưa); Hiện tại - Tương lai (tiếng gà trưa giục anh cầm chắc tay súng để chiến đấu bảo vệ Tố quốc, quê hương) (1 điểm).
- Bài thơ làm theo thể năm tiếng nhưng biến đổi linh hoạt. Ba chữ “Tiếng gà trưa” được lặp lại nhiều lần, là sợi dây kết nối các hình ảnh và cũng là điểm nhịp cho cảm xúc (1 điểm).
3. Kết bài (1 điểm):
- Ấn tượng về nhà thơ: Bài thơ thể hiện rất chân tình mộc mạc, bình dị nhưng sâu lắng về hồi ức tuổi thơ giữa bà và cháu. Tình cảm trong sáng đẹp đẽ của tuổi thơ đã trở thành động cơ để người chiến sĩ an tâm chiến đấu vì Tổ quốc.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây