© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra học kì II, môn Ngữ Văn 7 (Đề số 3)

Thứ tư - 27/03/2019 11:55
Đề kiểm tra học kì II, môn Ngữ Văn 7, gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận, có đáp án và hướng dẫn chấm.
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Đọc kĩ đoạn văn, sau đó trả lời bằng cách lựa chọn đáp án em cho là đúng [...] “Nhưng chúng ta hãy theo dõi, theo dõi bằng đôi cánh của trí tưởng tượng, những trò lố chính thức của ông Va-ren. Hãy theo ông ta đến tận Hà Nội, tận cổng nhà lao chính, tận xà lim, nơi người đồng bào tôn kính của chúng ta đang rên xiết.
 
Ôi thật là một tấn kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán! Con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quả khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình, lúc này mặt đối mặt với người kia, con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt”...
(Ngữ văn 7, tập II)
 
Câu 1: Đoạn trích trên nằm ở văn bản nào?
A. Ý nghĩa văn chương.
B. Sống chết mặc bay.
C. Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu.
D. Ca Huế trên sông Hương.
 
Câu 2: Tác giả của văn bản trên là của ai?
A. Hoài Thanh.
B. Nguyễn Ái Quốc.
C. Hà Ánh Minh.
D. Phạm Duy Tốn.
 
Câu 3: Câu văn “Hãy theo ông ta đến tận Hà Nội, tận cổng nhà lao chính, tận xà lim,...” là loại nào xét về cấu tạo?
A. Câu đơn bình thường.
B. Câu ghép đẳng lập.
C. Câu đặc biệt.
D. Câu ghép.
 
Câu 4: Đoạn trích được sử dụng biện pháp tu từ nào?
A. So sánh.
B. Liệt kê.
C. Nhân hoá.
D. Ẩn dụ.
 
Câu 5: Trong câu “Con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn” dấu phẩy dùng để làm gì?
A. Đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận cùng chức năng.
B. Ngăn cách phần nòng cốt câu với phần giải thích thêm.
C. Ngăn cách giữa các vế của một câu ghép.
D. Đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận của một phép liệt kê.
 
Câu 6: Dòng nào thể hiện chính xác nhất đại ý của đoạn văn?
A. Kể về cuộc gặp gỡ giữa Va-ren và Phan Bội Châu.
B. Tác giả nói với mọi người về nhân vật Va-ren.
C. Kể về người anh hùng Phan Bội Châu.
D. Tác giả ghi lại cảm xúc khi tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ giữa Va-ren và Phan Bội Châu.
 
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
Hãy giải thích ý nghĩa của câu ca dao:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
 
 
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 
 
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm) (Mỗi câu đúng 0,5 điểm).
Câu 1 2 3 4 5 6
Đáp án C B D B C D
 
2. TỰ LUẬN (7điểm)
Yêu cầu: Viết được bài văn lập luận, giải thích.
* Lời văn giải thích cần sáng sủa dễ hiểu, giữa các phần, các đoạn cần có sự liên kết.
* Bài văn có đủ ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài.
- Mở bài (0,5 điểm):
+ Giới thiệu câu ca dao, điều người xưa muôn nhắn nhủ.
 
- Thân bài (5 điểm):
+ Giải thích ý nghĩa của câu ca dao: Hình ảnh “nhiễu điều phủ lấy giá gương” có ý nghĩa gì?
+ Nêu thêm một số câu tục ngữ, ca dao cùng chủ đề.
+ Giải thích ý nghĩa của vấn đề: Tinh thần đoàn kết, thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau là giá trị và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
+ Làm rõ sự vận dụng của câu ca dao vào đời sống: cần có hành động thiết thực cụ thể như “nhường cơm sẻ áo”, quan tâm giúp đờ những người gặp khó khăn hoạn nạn...
 
- Kết bài (0,5 điểm):
+ Rút ra ý nghĩa của vấn đề đã giải thích.
+ Liên hệ bản thân, rút ra bài học.
* Hình thức (1 điểm).
Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, viết đúng chính tả, ngữ pháp.

Bài làm tham khảo

Mỗi con người khi sinh ra đều có cho mình một Tổ Quốc, một quê hương. Là một người con của dân tộc ấy, ai cũng cần thực hiện và đảm bảo vai trò, nghĩa vụ của mình, trong đó, cần biết đoàn kết, đùm bọc với chính đồng loại, những người trong cùng một đất nước với mình. Điều này đã được ông cha ta thể hiện rất rõ qua câu ca dao:
 
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
 
Trước hết ta cần hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ. “Nhiễu điều” ở đây là một tấm vải dùng để phủ lên gương để tránh bụi bẩn, giữ cho gương luôn sáng bóng và “giá gương” chính là vật dụng mà cần có tấm “nhiễu điều” để bảo vệ. Từ hai hình ảnh trên, ông cha ta đã liên tưởng sâu xa đến tình cảm của những người dân trong cùng một dân tộc, cùng một nước, đã chảy chung một dòng máu quê hương, có mục đích chung thì cần biết thương yêu nhau, đùm bọc, gắn bó, sẻ chia , giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh để cùng vượt qua khó khăn, thử thách, có như thế mới giúp đất nước phát triển và đi lên.
 
Quan niệm của ông cha ta là hoàn toàn đúng đắn và sâu sắc. Trước hết, mỗi người đều có cội nguồn, đều có một Tổ Quốc thiêng liêng mà thân thương như là nhà, là nơi vững chãi để con người ta sống và hoạt động. Từ xa xưa, truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra chiếc bọc trăm trứng đã thể hiện sự liên kết, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa người với người trong cùng một dân tộc, có chung nhau tổ tiên, nguồn cội, có chung dòng máu dân tộc trong huyết quản. Vậy nên, sự đoàn kết, gắn bó là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Nó chính là nguồn sức mạnh để một đất nước đi lên vững chãi, là nguồn sức mạnh mà trong quá khứ, khiến bao kẻ thù xâm lăng đã ngã gục trên mảnh đất quê ta, cũng là nguồn sức mạnh để con người cùng nhau xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống mới. Một đất nước có phát triển là một đất nước có sự đồng lòng, đoàn kết của mọi người dân trong đất nước ấy, mà để có được điều ấy, trước hết con người với con người phải biết yêu thương, chở che, đùm bọc lẫn nhau.
 
Xã hội của chúng ta hôm nay vẫn còn tồn tại rất nhiều những hoàn cảnh, những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, không nơi nương tựa cần sự giúp đỡ từ chính những người dân cùng chung dòng máu với mình. Và nhìn chung, dù là thời trước hay thời nay, nhân dân ta vẫn đã và đang phát huy tốt tinh thần “lá lành đùm lá rách” với đồng bào. Nếu khi xưa, Bác Hồ vận động kêu gọi lập hũ gạo cứu đói trong giai đoạn 1945 với khẩu hiệu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thì hôm nay, thế hệ con cháu vẫn phát huy tốt truyền thống ấy bằng việc tổ chức các hoạt động thiện nguyện, các tổ chức từ thiện từ quy mô nhỏ đến lớn nhằm giúp các hoàn cảnh sống nghèo khổ, khó khăn, giúp đỡ bà con đồng bào miền núi, vùng lũ lụt...Nhờ đó mà chất lượng cuộc sống được cải thiện, đất nước có thể xóa đói giảm nghèo, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm.
 
Tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau sẽ giúp một tập thể, một dân tộc cùng nhau đi lên, cùng nhau phát triển vì một mục đích chung. Là một người con của mảnh đất hình chữ S này, mỗi người cần tự ý thức được vai trò và trách nhiệm của chính mình không chỉ đối với sự phát triển của đất nước mà còn là trách nhiệm đối với chính những mảnh đời xung quanh ta, cần biết sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia, cho đi để rồi nhận lại, không sống vô cảm, thờ ơ với các hoàn cảnh sống khó khăn, mở rộng lòng mình bằng một trái tim vàng son luôn đập rộn ràng với cuộc sống xung quanh.
 
Là những trái bầu và trái bí trên cùng một giàn cây, cũng giống như những người trong cùng một dân tộc, tuy có thể khác biệt về hình thức, giọng nói, tính cách, nơi sống,..thế nhưng một điều vĩnh viễn không thể phủ nhận đó là mỗi người đều có chung duy nhất một cội nguồn dân tộc, một Tổ Quốc vẫy gọi. Sự yêu thương, sẻ chia, đùm bọc sẽ giúp con người xích lại gần nhau hơn, tạo thành một khối trụ vững bền.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây