© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra học kì II, Ngữ Văn 6 (Đề số 5)

Thứ năm - 04/04/2019 10:03
Đề kiểm tra học kì II, môn Ngữ Văn 6, gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận, có đáp án và hướng dẫn chấm.
I. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Đọc đoạn văn, sau đó trả lời câu hỏi bên dưới:
 
Bấy giờ, ở vùng núi cao phương Bắc, có nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần. Nghe tiếng vùng đất Lạc có nhiều hoa thơm cỏ lạ, nàng bèn tìm đến thăm. Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng, cùng chung sống trên cạn ở cung điện Long Trang.
 
Ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Đến kì sinh, chuyện thật lạ, nàng sinh ra một cái bọc trăm trứng; trăm trứng nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường. Đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khỏe mạnh như thần.
(Con Rồng, cháu Tiên)
 
Câu 1: Truyện “Con Rồng, cháu Tiên” thuộc phương thức biểu đạt nào?
A. Tự sự                 
B. Miêu tả
C. Biểu cảm           
D. Nghị luận
 
Câu 2: Vì sao em biết truyện “Con Rồng, cháu Tiên” thuộc phương thức biểu đạt mà em đã chọn ở Câu 1?
A. Vì truyện tái hiện trạng thái sự vật con người.
B. Vì truyện trình bày diễn biến sự việc.
C. Vì truyện bày tỏ tình cảm, cảm xúc.
D. Vì truyện nêu đánh giá, bàn luận.
 
Câu 3: Truyện “Con Rồng, cháu Tiên” thuộc thể loại truyện dân gian nào?
A. Truyền thuyết
B. Cổ tích
C. Truyện ngụ ngôn
D. Truyện cười
 
Câu 4: Trong đoạn trích trên, những chi tiết nào là tưởng tượng, kì ảo?
A. Bấy giờ ở vùng núi cao phương Bắc có nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần.
B. Nghe tiếng vùng đất Lạc có nhiều hoa thơm cỏ lạ, nàng bèn tìm đến thăm.
C. Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng, cùng chung sống trên cạn ở cung điện Long Trang.
D. Ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Đến kì sinh, chuyện thật lạ, nàng sinh ra một cái bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường.
 
Câu 5: Ý nghĩa của truyện “Con Rồng, cháu Tiên”?
A. Giải thích, suy tôn nguồn gốc, nòi giống.
B.  Thể hiện ý chí đoàn kết thống nhất cộng đồng của người Việt.
C. Ca ngợi truyền thống đấu tranh của dân tộc ta.
D. Cả A, B đều đúng.
 
Câu 6: Trong các từ sau, từ nào là từ ghép ?
A. Xinh đẹp
B. Hiền hòa
C. Đẹp đẽ
 
II. TỰ LUẬN (7 điểm)
Kể lại một chuyến về quê.
 
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 
I. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Câu 1 2 3 4 5 6
Đáp án A B A D D A
 
II. TỰ LUẬN (7 điểm)
Yêu cầu:
Viết đúng thể loại tự sự.
a. Mở bài (1 điểm)
- Lí do về thăm quê, về quê với ai?
b. Thân bài (5 điểm)
- Tâm trạng khi về được thăm quê.
- Quang cảnh chung của quê hương.
- Gặp bà con, họ hàng sống ở quê.
- Gặp bạn bè cùng lứa.
- Thăm phần mộ tổ tiên.
- Dưới mái nhà người thân.
c. Kết luận (1 điểm)
- Chia tay.
- Cảm xúc về quê hương.
 
Bài làm tham khảo
 
Gia đình tôi luôn về quê vào những ngày có việc như giỗ hay là lễ Tết, mỗi lần như vậy, cả gia đình đều tụ họp đông đủ để gặp mặt, để sum vầy. Ngay tuần vừa qua, tôi có một dịp được về thăm quê, thật là một chuyến đi rất thú vị.
 
Buổi sáng hôm ấy, nắng rải vàng trên cánh đồng lúa chín, gió thổi tung bay những chiếc mũ đội hờ và những tà áo, gia đình tôi vừa mới về đến cổng làng thì đã thấy chú tư đứng đợi để đón ở đó với nét mặt hồ hởi khiến cho tâm trạng tôi cũng thấy hạnh phúc theo. Chúng tôi về nhà trong lúc cả gia đình ai cũng đang có mặt đông đủ để chuẩn bị họp gia đình. Tôi theo lời bố vào chào các ông, các bác rồi ra vườn chơi với tụi trẻ hàng xóm. Nghe tiếng tôi chào, ai cũng suýt xoa khen đứa cháu gái lớn và lễ phép. Bác cả còn đặc biệt vuốt tóc tôi và dúi vào tay tôi một cái bánh. Tôi chợt thấy mình thực sự được mọi người yêu quý và rất vui vì điều đó. Tôi ra vườn nhà chơi và thấy mảnh vườn so với năm ngoái có chút đổi thay nhưng vẫn có một số thứ không hề thay đổi. Chiếc chõng tre ông hay ngồi uống nước và đánh cờ ngày còn sống vẫn y nguyên, ông tôi đã mất mấy năm nay nhưng các bác, các chú và bố tôi đã đồng ý cứ để chiếc chõng ở đó như là một sự tưởng nhớ về ông. Tôi đến gần, ngồi lên cái chõng và ngắm bầu trời trên mảnh vườn, tôi nhớ đến những ngày ông còn sống, ông hay dạy tôi chơi cờ tướng, dạy tôi pha trà, dạy tôi câu cá,… Những kỉ niệm ấy chưa bao giờ là cũ đối với tôi, nhớ đến đó, khóe mắt tôi bỗng cay cay và nếu không phải chú tư gọi tôi vào ăn cơm, có lẽ tôi đã khóc mất. Sau bữa ăn, tôi theo anh Nam, con bác cả đi khắp làng chơi nhờ đó mà tôi biết được nhiều điều hơn về quê hương mình. Anh còn đặc biệt cho tôi thử lội ruộng vui ơi là vui, lần đầu tiên tôi biết đến công việc cực khổ của người nông dân và cũng biết rằng mình cần quý trọng những hạt gạo mà họ đã vất vả làm ra.
 
Quê hương thật thiêng liêng thật tuyệt diệu và mỗi lần về quê tôi đều có những cảm xúc khó phai còn đọng lại mãi trong lòng. Lần về quê lần này đã gợi lại cho tôi rất nhiều kỉ niệm tuổi thơ đáng nhớ và càng làm cho tình yêu quê trong tôi nảy nở tốt đẹp hơn trước. Tôi chợt thấy hăng hái hơn khi quay trở lại với phố phường đông đúc và mong mỏi thêm những lần về quê ý nghĩa như thế.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây