© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề thi môn Ngữ Văn, tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017 của Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng.

Thứ năm - 15/06/2017 23:36
Đề thi môn Ngữ Văn, tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017 của Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, có hướng dẫn trả lời.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề thi có 01 trang)

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10
THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN NĂM 2017

Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút
(không kể thời gian giao đề)


Câu 1. (3,0 điểm)

Sự sợ hãi gõ cửa
Và niềm tin trả lời
Không có ai ở đây cả

Billy Sunday
(Dẫn theo Sinh ra là một bản thể đừng chết
như một bản sao John Mason, Thuý Hằng dịch, NXB Lao động, 2016)

Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.

Câu 2. (7,0 điểm)
Cảm nhận của em về chất lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 qua các tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)
 

-----------------------------------

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI


Câu 1. (3,0 điểm)
A. Yêu cầu
I. Về kĩ năng
- Biết cách viết một bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí
- Bài văn cần có kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

II. Về nội dung
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách. Sau đây là một số gợi ý:

1. Giải thích
- Sợ hãi là lo lắng, không yên, bị ám ảnh vì những điều có thể gây nguy hại cho bản thân.
- Niềm tin là tin tưởng vào một lí tưởng, một chân lí, một con người, một lẽ phải, một sự việc…
- Nội dung ý kiến: Niềm tin giúp con người vượt lên, chiến thắng sự sợ hãi

2. Bàn luận
- Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, bế tắc, con người thường có tâm lí sợ hãi vì thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh.
- Niềm tin đúng, có cơ sở là sức mạnh tinh thần giúp con người có đủ dũng khí, bản lĩnh để đối diện, đương đầu và tìm được cách thức vượt qua khó khăn, trở lực. Niềm tin góp phần tạo nên thành công cho con người, giúp họ có cuộc sống bình an, thanh thản.
- Phê phán những người sống thiếu niềm tin, để nỗi sợ hãi chi phối cuộc sống của mình mà không tìm cách vượt qua, những kẻ sống bằng niềm tin lệch lạc, thiếu cơ sở…

3. Rút ra bài học
- Nhận thức được tác hại của  nỗi sợ hãi và sức mạnh của niềm tin
- Xây dựng, nuôi dưỡng niềm tin đúng đắn để sống mạnh mẽ, lạc quan

B. Biểu điểm
- Điểm 3: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên.
- Điểm 2: Xác định đúng nội dung nghị luận nhưng bài viết chưa thật sâu sắc, nêu được khoảng hai phần ba số ý. Biết cách vận dụng các thao tác lập luận, bố cục rõ ràng nhưng còn mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 1: Xác định đúng nội dung nghị luận nhưng bàn luận còn chung chung. Diễn đạt mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Viết dài dòng chiếu lệ hoặc lạc đề.

Câu 2. (7,0 điềm)
A. Yêu cầu
I. Về kĩ năng

- Biết cách viết một bài văn nghị luận bàn về một vấn đề văn học. Thí sinh cần tổng hợp các giá trị nội dung nghệ thuật của bốn tác phẩm để giải quyết yêu cầu của đề bài.
- Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng. Viết văn có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và đặt câu.

II. Về nội dung
Trên cơ sở hiểu biết về văn học Việt Nam 1945 – 1975 và bốn tác giả, tác phẩm thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

1. Giới thiệu chung
- Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt khi đất nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc.
- Chất lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 được biểu hiện qua những tình cảm, khát vọng cao đẹp vượt lên trên hiện thực cuộc sống gian khổ, khốc liệt và thể hiện qua hình thức nghệ thuật đặc sắc.
- Chất lãng mạn của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 được thể hiện rõ nét qua bốn tác phẩm.

2. Cảm nhận về chất lãng mạn của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975

a) Khát vọng cống hiến, niềm hăng say lao động xây dựng đất nước thể hiện qua hình tượng con người mới với ý thức trách nhiệm trong công việc, niềm hăng say lao động, khát khao góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước (Lặng lẽ Sa Pa, Đoàn thuyền đánh cá).

b) Lí tưởng, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần lạc quan cách mạng, tình đồng chí đồng đội.
- Lí tưởng giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm (Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Những ngôi sao xa xôi)

c) Hình thức nghệ thuật
- Cách thức xây dựng hình tượng thơ và hình tượng nhân vật mang chất lí tưởng (người lính lái xe, đoàn thuyền đánh cá, cô thanh niên xung phong, anh thanh niên trên đỉnh Yên Sơn).
- Giọng điệu thiên về khẳng định, ngợi ca.
- Sử dụng các hình ảnh thơ gợi tả, thủ pháp nghệ thuật tương phản, cường điệu, nhịp thơ, vần điệu linh hoạt, chi tiết nghệ thuật truyện độc đáo.

3. Đánh giá chung
- Chất lãng mạn của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 qua bốn tác phẩm đã được thể hiện với những nét đặc sắc riêng. Chất lãng mạn đó là một trong những đặc trưng cơ bản của văn học cách mạng Việt Nam.
- Chất lãng mạn trong những tác phẩm của giai đoạn này là yếu tố lôi cuốn người đọc qua bao thế hệ.

Biểu điểm:
- Điểm 7: Đảm bảo đầy đủ các yêu cầu trên.
- Điểm 5- 6: Xác định đúng nội dung nghị luận nhưng , biết cách vận dụng  thao tác lập luận để phân tích một số hình ảnh, chi tiết tiêu biểu làm rõ những biểu hiện cơ bản của chất lãng mạn nhưng còn hạn chế. Bố cục rõ ràng, mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 3- 4: Hiểu yêu cầu đề nhưng kĩ năng làm bài còn nhiều hạn chế, chủ yếu cảm nhận từng tác phẩm. Thiếu luận điểm, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
- Điểm 2: Hiểu yêu cầu đề nhưng kĩ năng nghị luận còn yếu. Bố cục không chặt chẽ, chủ yếu diễn xuôi hoặc phân tích chung chung xa đề. Diễn đạt lủng củng.
- Điểm 1: Còn mơ hồ về yêu cầu đề, kiến thức còn nhiều chỗ chưa chính xác, kĩ năng nghị luận kém.
- Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc lạc đề.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây