© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn (Đề số 6)

Chủ nhật - 12/05/2019 12:03
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn, gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn, có đáp án và hướng dẫn trả lời.
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu
Chúng ta ai cũng khao khát thành công. Tuy nhiên, mỗi người định nghĩa thành công theo cách
riêng. Có người gắn thành công với sự  giàu có về  tiền bạc, quyền lực, tài cao học rộng; có người lại cho rằng có một gia đình êm  ấm, con cái  nên người là thành công, v.v. Chung quy lại, có thể  nói thành công là đạt được những điều mong muốn, hoàn thành mục tiêu của mình.
 
Nhưng  nếu  suy  ngẫm kỹ,  chúng  ta  sẽ  nhận  ra  rằng  thật  ra,  câu  hỏi quan  trọng  không  phải  là ‘Thành công là gì?’ mà là ‘Thành công để  làm gì’? Tại sao chúng ta khát khao thành công? Suy cho cùng, điều chúng ta muốn không phải bản thân thành công mà là cảm giác mãn nguyện và dễ chịu mà thành công đem lại, khi chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Chúng ta nghĩ rằng đó chính là hạnh phúc. Nói cách khác, đích cuối cùng mà chúng ta nhắm tới thật ra là hạnh phúc, còn thành công chỉ là phương tiện.
 
Quan niệm cho rằng thành công hơn sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn chỉ là sự ngộ nhận, là ảo tưởng. Bạn hãy để  hạnh phúc trở  thành nền tảng cuộc  sống, là khởi nguồn giúp bạn thành công hơn chứ không phải điều ngược lại! Đó chính là ‘bí quyết’ để bạn có một cuộc sống thực sự thành công.
(Theo: http://songhanhphuc.net/tin-tuc/)
 
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. Theo tác giả, điều nào quan trọng hơn: thành công là gì hay thành công để làm gì?
Câu 3. Vì sao tác giả  cho rằng: quan niệm thành công hơn sẽ  giúp chúng ta hạnh phúc hơn chỉ là sự ngộ nhận, là ảo tưởng?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm hạnh phúc là nền tảng cuộc sống không? Vì sao?
 
II. LÀM VĂN
Câu 1. Từ  nội dung văn bản phần Đọc hiểu, Anh/Chị  hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ)
trình bày suy nghĩ về mối quan hệ giữa thành công và hạnh phúc.
Câu 2. Cảm nhận của Anh/Chị về bức tranh thiên nhiên trong đoạn thơ sau:
Ta về mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
(Trích “Việt Bắc”, Tố Hữu)
 
Từ  đó liên hệ với bức tranh thiên nhiên trong  “Tràng giang”  của Huy Cận (Ngữ  văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để  nhận xét về  sự  khác biệt trong cảm nhận thiên nhiên của hai tác giả.
 
------------------------------

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.
Câu 2. Theo tác giả, lợi ích của thành công quan trọng hơn. Đó là cảm giác mãn nguyện và dễ chịu mà thành công đem lại, khi chúng ta đạt được mục tiêu của mình.
Câu 3. Tác giả cho rằng: quan niệm thành công hơn sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn chỉ là sự  ngộ  nhận, là  ảo tưởng vì: Trên thực tế, chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu người thành công vượt bậc, nổi tiếng và giàu có nhưng vẫn bất hạnh, trầm cảm, nhiều người bế tắc và phải tìm đến cái chết.
Câu 4. Nêu rõ quan điểm đồng tình hay không đồng tình; lí giải hợp lí, thuyết phục.
 
II.  LÀM VĂN
Câu 1. Trình bày suy nghĩ về mối quan hệ giữa thành công và hạnh phúc.
- Lí giải thế nào là thành công, thế nào là hạnh phúc.
- Bàn về mối quan hệ hai chiều của thành công và hạnh phúc:
+ Thành công có giúp chúng ta hạnh phúc?
+ Hạnh phúc có phải là sự thành công?
-  Đánh giá xem thành công hay hạnh phúc  giữ  vai trò nền tảng, là yếu tố  quan trọng hơn, là cái đích hướng đến.
- Bài học nhận thức và hành động: Làm gì để có thành công và hạnh phúc.
 
Câu 2. Cảm nhận bức tranh tứ  bình trong bài thơ “Việt Bắc”. Từ  đó liên hệ  với bức tranh thiên nhiên trong “Tràng giang” để  nhận xét về  sự  khác biệt trong cảm nhận thiên nhiên của hai tác giả.
* Mở bài.
-  Tố  Hữu được xem là  “lá cờ  đầu”  trong phong trào thơ Cách mạng Việt Nam với những tác phẩm lưu mãi với thời gian. Thơ ông viết về chính trị nhưng không khô khan, mà ngược lại, dễ  đi sâu vào lòng người bởi tình cảm và giọng văn trữ  tình truyền cảm.
“Việt Bắc”  được sáng tác trong hoàn cảnh chia li  tiễn biệt giữa quân và dân tại căn cứ  địa Việt Bắc sau kháng chiến chống Pháp. Bài thơ được xem như lời tâm tình  chan chứa  nỗi  niềm  của  Tố  Hữu  đối  với mảnh  đất  anh  hùng này.  Đặc  biệt người  đọc  chắc hẳn  sẽ  không quên bức  tranh  tứ  bình  bằng  thơ  tuyệt  đẹp  trong “Việt Bắc”.
 
* Thân bài.
- Khổ thơ được mào đầu bằng câu đối đáp nhẹ nhàng giữa “ta” – “mình”:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người”

+ Thật khéo léo và tinh tế  khi Tố  Hữu truyền đạt tình cảm một cách kín đáo như thế này. Ngôn ngữ  gần gũi, cách diễn tả nhẹ  nhàng cũng đã khiến người đọc thấy rất thấm.
+ Tố  Hữu hỏi  “người”  nhưng thực ra là hỏi  “mình”  và câu trả  lời nằm ngay trong câu hỏi. Lời mở đầu sâu sắc này sẽ dẫn người đọc lần lượt khám phá nét đặc trưng của núi rừng Việt Bắc trải dọc theo bốn mùa.
- Dẫn dắt người đọc cùng tham quan cảnh tiên nơi Việt Bắc, Tố Hữu đã vẽ lên một bức tranh mùa đông ấm áp, tràn đầy tin yêu:
 
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
 
+ Người đọc ngẩn ngơ trước mùa đông nơi vùng cao Tây Bắc với vẻ đẹp đặc trưng của nó. Phải nói rằng tuy là mùa đông nhưng qua thơ Tố  Hữu, cảnh sắc không buồn, không trầm lắng, mà người lại rất sáng, rất ấm áp qua hình ảnh “hoa chuối đỏ tươi”.  Màu đỏ  của hoa chuối chính là nét điểm xuyết, là ánh sáng làm bừng lên khung cảnh rừng núi mùa đông Việt Bắc. Đây được xem là nghệ  thuật chấm phá rất đắc địa của Tố Hữu giúp người đọc thấy ấm lòng khi nhớ về Việt Bắc.
+ Ánh nắng hiếm hoi của mùa đông hắt vào con dao mang theo bên người của người dân nơi đây bất chợt giúp người đọc thấu được đời sống sinh hoạt và lao động của họ. Màu đỏ  của hoa chuối quyện với màu vàng của nắng trên đèo cả  đã tạo thành một bức trang mùa đông rạng rỡ, đầy hi vọng.
-  Bức tranh mùa xuân  ở  núi rừng Việt Bắc hiện lên thật trữ  tình, thơ mộng như tiên cảnh:
 
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
 
+ Đọc hai câu thơ này, người đọc dường như mường tượng ra khung cảnh mùa xuân nơi núi rừng thật hiền hòa, dịu êm,  ấm áp. Màu trắng của mơ gợi lên một bức tranh nên thơ trên cái nền dịu nhẹ của màu sắc. Hoa mơ được xem là loài hoa báo hiệu mùa xuân ở  Tây bắc, cứ  vào độ  xuân thì, chúng ta sẽ  bắt gặp trên những con đường màu sắc ấy.
+  Mùa  xuân  Tây  Bắc,  Tố  Hữu  nhớ  đến  hình  ảnh  “người  đan  nón”  với  động  tác “chuốt từng sợi giang”  thật gần gũi. Động từ  “chuốt”  được dùng rất khéo và tinh tế khi diễn tả về hành động chuốt giang mềm mại, tỉ mỉ của người đan nón. Phải thật sâu sắc và am hiểu thì Tố Hữu mới nhận ra được điều này. Chữ “chuốt” như thổi hồn vào bức tranh mùa xuân ở Việt Bắc, tạo nên sự hòa hợp thiên nhiên và con người- Bức tranh mùa hè sôi động dưới ngòi bút của Tố Hữu:
 
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”

+ Tiếng ve kêu vàng giữa  “rừng phách”  đã làm nên cái động giữa muôn vàn cái tĩnh. Màu vàng của rừng phách là đặc trưng báo hiệu mùa hè về  trên xử  sở  vùng cao. Tiếng ve như xé tan sự yên tĩnh của núi rừng, đánh thức sự bình yên nơi đây.
Từ  “đổ” dùng rất đắc, là động từ  mạnh, diễn tả  sự  chuyển biến quyết liệt, lôi cuốn của màu sắc. Bức tranh  mùa hè chợt bừng sáng, đầy sức sống với màu vàng rực của rừng phách.
+  Ở  mỗi bức tranh  thiên nhiên, người đọc đều thấy thấp thoáng bóng dáng con người. Có thể  nói đây chính là sự  tài tình của Tố  Hữu khi gắn kết mối tâm giao giữa thiên nhiên và con người. Giữa  rừng  rúi bao la, thấp thoáng bóng dáng  “cô gái hái măng” tuyệt đẹp đã khiến cho thiên nhiên có sức sống hơn.
- Và cuối cùng chính là bức tranh mùa thu nhẹ nhàng:
 
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

+  Mùa  thu  về  trên  Tây  Bắc  với  hình  ảnh  ánh  trăng  dịu,  mát  lành.  Thiên  nhiên dường như rất ưu ái cho mùa thu xứ bắc với sự tròn đầy, viên mãn của ánh trăng. Không phải là ánh trăng bình thường, mà trăng nơi đây là trăng của hòa bình, ánh trăng tri kỉ  rọi chiếu những năm tháng chiến tranh gian khổ. Chính ánh trăng  ấy đã mang đến vẻ đẹp riêng của mùa thu Việt Bắc.
+ Tố Hữu nhìn trăng, nhớ người, nhớ tiếng hát gợi nhắc ân tình và thủy chung.
Bức tranh thiên nhiên trong bài “Tràng giang.”
- Bức tranh sông nước rộng lớn, mênh mông, chia lìa, hoang vắng.
- Con người xuất hiện qua những ẩn dụ  về  sự  nhỏ  bé, đơn chiếc, lạc loài, trong sự phủ định (không tồn tại), trong nỗi nhớ quê hương.
- Nhận xét về nghệ thuật: thể thơ, biện pháp tu từ, …
Sự khác biệt trong cảm nhận thiên nhiên của hai tác giả.
- “Việt Bắc”: Thiên nhiên ấm áp, tràn đầy sức sống, hòa hợp với con người.
- “Tràng giang”: Thiên nhiên mênh mông, hoang vắng, chia lìa nhau và xa cách với con người.
-  Lý giải sự  khác biệt: do hoàn cảnh sáng tác, thế  giới quan và phong cách nghệ thuật của hai nhà thơ khác nhau. (Sau này khi tìm được sự  hòa hợp, tìm được lối thoát khỏi cái tôi cô đơn, Huy Cận cũng cảm nhận được thiên nhiên trong sự  hồi sinh, gắn bó với con người: “Đất nở hoa”, “Trời mỗi ngày lại sáng”).
 
* Kết bài.
-  Với 4 cặp thơ lục bát ngắn gọn, 4 mùa của thiên nhiên Việt Bắc được gợi tả  sắc nét, tràn đầy sức sống. Tác giả  thật tài tình, khéo léo, vốn hiểu biết rộng cũng như tình cảm sâu nặng đối với mảnh đất này mới có thể thổi hồn vào thơ.
-  Bức tranh tứ  bình này sẽ  khiến cho người đọc thêm yêu, thêm hiểu hơn cảnh vật và con người nơi đây.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây