© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2022, Môn: Ngữ Văn

Thứ tư - 20/04/2022 11:02
Đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2022, Môn: Ngữ Văn
Đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2022, Môn: Ngữ Văn. Không có đáp. Mời anh/chị tham khảo và tự giải.
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau:
      Như những cây cỏ dại mọc ở ven đường - đến cái tên cũng không được người đời nhớ tới - cũng đang nỗ lực để sống. Những cây cỏ dại ấy, tuy mọc lên giữa vết nứt trên đường nhựa, bị thiêu đốt bởi cái nóng ngày hè nhưng nó vẫn nỗ lực vượt qua chỗ chật chội, thoát khỏi nóng bỏng để nở hoa, kết hạt. Một nhánh cỏ dại cũng biết chịu đựng hoàn cảnh để tồn tại.
     Thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta tồn tại được củng là nhờ sự nỗ lực của từng nhánh, từng nhánh cỏ dại mọc lên từ khe nứt trên mặt đường nhựa như vậy. Động vật, kể cả côn trùng cũng thế. Để sống còn, tất cả đều phải nỗ lực hết mình. Nỗ lực không phải là điều gì đặc biệt cả. Nỗ lực là lẽ đương nhiên để tồn tại.
     Trong học tập, trong công việc nhiều khi nỗ lực rồi mà vẫn không thành công. Những lúc đó, nếu chúng ta thử tiếp tục cố gắng, cố gắng đến mức tối đa mà vẫn không thành thì sau đó có phải bỏ cuộc mới không ân hận.
     Nhưng nếu đó là kết quả nỗ lực nửa vời thì thế nào cùng có lúc các bạn phải hối hận và thất vọng: “Biết vậy mình cố gắng thêm chút nữa thì đâu đến nỗi này”. Không có gì vô nghĩa bằng cuộc đời của những người suốt đời chỉ biết có “lẽ ra...” hay “biết thế..”.
(Trích Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực, Inamori Kazuo, NXB Trẻ, 2019, tr. 118-119)

Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Theo đoạn trích trên, để sinh tồn, những cây cỏ dại từ những vết nứt của đường nhựa gặp những khó khăn gì?
Câu 2. Theo tác giả, điều gì khiến ta cảm thấy không ân hận nếu như phải bỏ cuộc khi theo đuổi một mục tiêu trong học tập hoặc công việc?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu: “Thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta tồn tại được củng là nhờ sự nỗ lực của từng nhánh, từng nhánh cỏ dại mọc lên từ khe nứt trên mặt đường nhựa như vậy.”
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả “Để sống còn, tất cả đều phải nỗ lực hết mình”? Vì sao?

II. LÀM VĂN
Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về sức mạnh của sự kiên nhẫn.
Câu 2. Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:
[…] Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu.

     Tiếng chó sủa xa xa. Những đêm tình mùa xuân đã tới.
     Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi chung ngày Tết. Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy.
     Cả nhà thống lí Pá Tra vừa ăn xong cơm Tết cúng ma. Xung quanh, chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm lại tiếp ngay bữa rượu bên bếp lửa.
     Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết hao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
     Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi mà Mị từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cùng đi chơi ngày Tết. Huống chi A sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lủng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi...
(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ ván 12, tập hai, NXBGDVN, 2008, tr. 7-8)

Phân tích những diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của Tô Hoài thể hiện qua đoạn trích.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây