© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn (đề số 2)

Thứ tư - 23/05/2018 13:02
Đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn, năm học 2018 - 2019, có đáp án và hướng dẫn chấm.
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 
NĂM HỌC: 2018- 2019
Môn : Ngữ văn
Thời gian : 120 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1. (2,0 điểm)
Cho đoạn văn :
          “Ở rừng mùa này thường như thế. Mưa. Nhưng mưa đá. Lúc đầu tôi không biết. Nhưng rồi có tiếng lanh canh gõ trên nóc hang. Có cái gì vô cùng sắc xé không khí ra từng mảnh vụn. Gió. Và tôi thấy đau, ướt ở má”.
          (Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê, Ngữ văn 9, tập 2, NXBGD 2011)
a) Xác định những phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn trên.
b) Chỉ ra các câu đặc biệt có trong đoạn văn và nêu tác dụng của việc sử dụng các câu đặc biệt đó.

Câu 2. (3,0 điểm)
a) Chép chính xác những câu thơ tiếp theo để hoàn chỉnh khổ thơ:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
.....................................”              
b) Hình ảnh vầng trăng trong khổ thơ có ý nghĩa gì?
c) Từ nội dung khổ thơ vừa chép, hãy viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về  đạo lí Uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Câu 3. (5,0 điểm)
Thông qua việc miêu tả cảnh đánh cá đêm của một đoàn thuyền trên biển, tác giả ca ngợi không khí  lao động mới, khẩn trương, hiên ngang tràn đầy niềm lạc quan của những con người làm chủ công việc, làm chủ biển cả bao la hùng vĩ.
Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận để làm rõ nhận xét trên.
                                       
-------------------HẾT-----------------
(Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
 
Họ và tên thí sinh……………………………...…SBD…………Phòng thi……

-------------------------------------------------
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐIỂM
 
Câu 1. (2,0 điểm)
Phần Nội dung Điểm
a - Các phép liên kết:
+ Phép lặp (mưa)
+ Phép nối (nhưng, nhưng rồi, và)
+ Phép liên tưởng (mưa - gió)
 
0,25đ
0,5đ
0,25đ
b - Các câu đặc biệt: Mưa. Nhưng mưa đá. Gió.
-Tác dụng: nhấn mạnh sự tồn tại của sự vật, hiện tượng thiên nhiên; gợi những cảm nhận tinh tế của một tâm hồn trẻ trung, thơ mộng.
0,5đ
 
0,5đ
 
Câu 2. (3,0 điểm)
Phần Nội dung Điểm
a Chép chính xác khổ thơ cuối của bài  Ánh trăng .
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
(Nếu thí sinh viết hoa chữ cái đầu của 3 câu thơ vừa chép thì trừ 0,25 điểm, thiếu dấu câu trừ 0,2 điểm)
 
  0,5đ
 
b
 
-Ý nghĩa hình ảnh vầng trăng trong đoạn thơ:
+ Sự trong sáng, tròn đầy, tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên, chẳng thể phai mờ.
+ Biểu tượng của sự bao dung, nghĩa tình thủy chung trọn vẹn, trong sáng, vô tư mà không đòi hỏi sự đền đáp.
+ Gợi nhắc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung với quá khứ.
 
0,75đ
c * Đoạn văn đảm bảo nội dung:
+ Khổ thơ cuối nói riêng và cả bài thơ Ánh trăng nói chung là lời gợi nhắc thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung với quá khứ.
“Nguồn” có thể được hiểu chính là những người đã tạo ra thành quả về vật chất, tinh thần cho xã hội. Còn “uống nước” chính là sử dụng, đón nhận thành quả ấy. Từ đó khuyên nhủ chúng ta phải biết ơn những người đã tạo dựng thành quả cho mình trong cuộc sống.
+ Vì sao vậy?Không có một sự vật, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do công sức tạo nên. Của cải vật chất do bàn tay người lao động làm ra. Đất nước giàu đẹp do cha ông ta gây dựng, gìn giữ tiếp truyền. Con cái do các bậc cha mẹ sinh thành dưỡng dục…Vì thế “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lí của dân tộc, là lẽ sống tốt đẹp từ bao đời nay.
+ Con người sống ân nghĩa sẽ được người khác quý trọng, được xã hội tôn vinh (dẫn chứng). Ngược lại, thiếu tình cảm biết ơn, sống phụ nghĩa quên công, con người trở nên ích kỉ, vô trách nhiệm và sẽ bị mọi người chê trách, mỉa mai.
+ Bài học: con người sống phải có đạo đức nhân nghĩa, thủy chung, biết khắc ghi công ơn những người đã cưu mang, giúp đỡ mình; quý trọng giữ gìn, phát huy những giá trị mà cha ông ta đã tạo nên bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương.
+ Khẳng định giá trị của truyền thống  “uống nước nhớ nguồn” trong tình hình thực tế đời sống hiện nay.
1,75đ
 
Câu 3. (5,0 điểm)
1.Yêu cầu về kĩ năng:
          Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận văn học bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
2. Yêu cầu về kiến thức:
          Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở nắm chắc tác phẩm, không suy diễn tuỳ tiện. Bài viết phải làm nổi bật được không khí lao động mới, khẩn trương, khoẻ khoắn, tươi vui, hiên ngang của người lao động làm chủ thiên nhiên biển cả, làm chủ công việc, làm chủ cuộc đời. Cụ thể:
 
Phần Nội dung Điểm
Mở bài
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thân bài
 
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. 0,25đ
1.Nhận định khái quát:
Hoàn cảnh ra đời bài thơ.
Bài thơ khắc hoạ vẻ đẹp của con người lao động mới hài hoà với vẻ đẹp của thiên nhiên.
0,5đ
2.Phân tích, chứng minh:
2.1.Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi:
     - Màn đêm buông xuống cũng là lúc những người lao động đánh cá bắt đầu một ngày làm việc mới của mình đầy hứng khởi. “Mặt trời xuống biển….cùng gió khơi”. Khúc hát của những người đánh cá như cùng gió khơi làm căng cánh buồm, đưa đoàn thuyền đánh cá chạy nhanh ra khơi xa. Một không khí lao động khẩn trương, hào hứng, tươi vui của những người làm chủ biển khơi, làm chủ cuộc đời.
0,75đ
2.2.Cảnh đánh cá trên biển:
     - Biển cả giàu có với muôn vàn loài cá quí ngày đêm dệt biển “Cá thu biển đông như đoàn thoi/ Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng/Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi”.  Một sự liên tưởng độc đáo, nhà thơ cảm nhận từ hình ảnh cá thu biển đông như đoàn thoi đêm ngày dệt biển và dệt lưới của người lao động. Sự liên tưởng đó thật lãng mạn, thú vị.
      - Biển cả hùng vĩ, công việc đánh bắt cá cũng thật hùng tráng “Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng/ Ra đậu dặm xa dò bụng biển/ Dàn đan thế trận lưới vây giăng”. Công việc đánh bắt cá của người lao động thật thi vị: có gió làm lái, trăng làm buồm, lướt giữa mênh mông, bao la của đất trời với khí thế của người làm chủ.
      - Biển đẹp và ân tình, công việc lao động đánh cá đầy hào hứng “Cá song lấp lánh……nước Hạ Long”. “Biển cho ta….buổi nào” “Ta hát bài ca… chùm cá nặng”.
2,0đ
2.3. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về:
     - Mở đầu bài thơ là cảnh hoàng hôn trên biển, kết thúc bài thơ là cảnh bình minh trên biển.  “Mặt trời xuống…..Mặt trời đội…” trong cái không gian mênh mông hùng vĩ ấy là hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong không khí phấn khởi và tươi vui “Khúc hát…..Đoàn thuyền chạy đua….”. Một cảnh tượng hùng tráng tuyệt đẹp của những người ngư dân trong mênh mông biển khơi, trong khúc ca ngợi ca biển cả, ngợi ca đất nước, ngợi ca cuộc đời.
0,75đ
  3. Đánh giá:
- Vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp của thiên nhiên hài hoà hô ứng nhau tạo thành vẻ đẹp vừa tráng lệ vừa gần gũi làm nên bức tranh đẹp về cuộc sống mới ở miền Bắc thời kì xây dựng CNXH.
- Nét nổi bật về nghệ thuật: sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn; sáng tạo những hình ảnh thơ đẹp; âm hưởng, giọng điệu thơ sôi nổi, khoẻ khắn, nhịp thơ biến hoá linh hoạt….
0,5đ
Kết bài Khái quát lại vấn đề nghị luận. 0,25đ
Giám khảo chú ý :
- Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh.
- Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ và cách trình bày sáng tạo.
- Điểm toàn bài làm tổng điểm của các câu, không làm tròn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây