© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Em hiểu thế nào về câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta

Thứ hai - 02/03/2020 08:10
Tục ngữ Việt Nam có câu:

Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù dục, ao nhà vẫn hơn.

Em hiểu thế nào về câu tục ngữ trên? Theo em, quan niệm đó có còn thích hợp trong thời đại mở rộng giao lưu như ngày nay không?
Con người Việt Nam vốn có niềm tự hào sâu sắc về làng xóm, quê hương, đất nước. Chính vì vậy, từ xa xưa, cha ống ta đã nói:

Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.

Nghĩa đen của câu tục ngữ cho rằng tắm ở ao nhà mình dù nước có sạch hay bẩn vẫn cảm thấy dễ chịu, tự nhiên hơn tắm ở những ao hồ lạ. Còn nghĩa bóng thể hiện lòng tự hào, yêu mến, gắn bó với những gì thân thuộc nơi “chôn rau cắt rốn”.

Đặt câu tục ngữ này vào hoàn cảnh ra đời của nó thì chúng ta mới thấy được ý nghĩa sâu xa.

Thật vậy, khi nền kinh tế của chúng ta còn đang trong giai đoạn tự cung tự cấp, thiếu thốn mọi mặt, nông dân khổ cực ngày đêm trên đồng ruộng, công nhân vất vả trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ,... thì những gì tự tay mình làm ra vẫn đáng trân trọng, tự hào hơn cả. Thế nên câu tục ngữ đã kích thích mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân ta, của dân tộc ta.

Tuy nhiên, khi xã hội ngày nay càng tiến bộ, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, sự trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa trên khắp địa cầu trở thành một đặc điểm chung của thời đại thì câu tục ngữ trên có còn phù hợp nữa không? Chẳng lẽ chúng ta chỉ vì yêu quê hương một cách ích kỷ, mù quáng mà sẵn sàng đóng cửa không chịu tiếp thu những thành tựu mới của thế giới hay sao?

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nước ta còn lạc hậu về khoa học kỹ thuật, đời sống nhân dân ta còn thấp. Nước ta là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Từ ngày tổ tiên ta dựng nước đến bây giờ, Việt Nam phải trải qua biết bao nhiêu cuộc đấu tranh để đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi, vết thương chiến tranh gần đây nhất - cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - vẫn chưa được hàn gắn hoàn toàn.

Do đó, chúng ta cần xem xét lại ý thứ hai của câu tục ngữ: “Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”. Đây là một quan niệm hẹp hòi, bảo thủ, khuyến khích con người hướng đến tư tưởng an phận, bằng lòng với cuộc sống nghèo khó, lạc hậu, Hơn nữa, quan điểm ấy còn cản trở con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong thời ki đổi mới. Do đó, chúng ta cần có thái độ “gạn đục khơi trong” nghĩa là phát huy mặt tích cực của câu tục ngữ và không ủng hộ mặt tiêu cực của nó. Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh đã điều chỉnh câu tục ngữ như sau:

Ta về ta tắm ao ta
Khơi trong gạn đục, ao nhà vẫn hơn.


Quan điểm này có sự kết hợp nhuần nhị tính dân tộc mà cha ông ta đã dày công vun đắp, dựng xây trong suốt bốn nghìn năm qua. Mặt khác chúng ta sẵn sàng mở cửa giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các nước trên thế giới theo chính sách: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Mục đích là nhằm đưa đất nước ta tiến đến giàu mạnh, để trong tương lai có thể sánh vai cùng các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, trong thời đại mở cửa ngày nay, chúng ta cần phải tuyên truyền để người dân không sùng bái văn hóa ngoại quốc, sính hàng ngoại.

Trong quá khứ, câu tục ngữ trên khuyến khích, nhắc nhở chúng ta trở về cội nguồn. Còn trong hiện tại, chúng ta không nên bảo thủ mà cần phải năng động, sáng tạo, nhạy bén với thời đại mới theo xu thế quốc tế hóa cũng như không quên phát huy nội lực của nền vãn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây