© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Giải thích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trông cây

Thứ ba - 25/02/2020 10:10
Ông bà ta thường lấy câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây để khuyên bảo con cháu. Nghĩa đen của câu tục ngữ là ăn những trái cây chín mọng, thơm ngon thì phải nhớ đến công ơn của những người đã trồng, vun xới, chăm sóc cây.
Tại sao “ăn quả” phải “nhớ kẻ trồng cây”? Mỗi chúng ta từ khi sinh ra đến khi lớn lên nhận được bao nhiêu điều tốt đẹp từ người khác. Hạt cơm chúng ta ăn là thành quả của biết bao công sức cày sâu cuốc bẫm, chăm sóc... của bác nông dân. Chiếc áo chúng ta đang mặc có công sức của người ươm tơ, se chỉ, chế tạo máy móc, cắt may. Con đường chúng ta đang cắp sách đến trường hôm nay đã nhuộm biết bao máu đổ của thế hệ cha anh ngày trước. Giấc ngủ của chúng ta an lành, êm ả mỗi đêm là nhờ các anh bộ đội, chiến sĩ vùng biên giới, vùng biển khơi, vùng đảo xa xôi, tích cực canh gác...

Như vậy những “kẻ trồng cây” ấy đã tạo nên “quả” cho chúng ta ăn ngon lành. Do đó, hãy biết ơn họ để nhân cách của mình được đẹp thêm. Ngoài ra lòng biết ơn còn làm tăng thêm sức mạnh của con người, giúp con người vượt qua mọi chông gai, hiểm trở để tiến đến thắng lợi.

Lòng biết ơn là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa, cha ông ta luôn đề cao lòng biết ơn. Lòng biết ơn tạo nên lối sống nhân hậu thủy chung, có trước có sau.

Thế thì người “ăn quả” biết ơn “kẻ trồng cây” ra sao?

Đối với tổ tiên, chúng ta luôn phải có thái độ kính trọng phụng thờ. Bác Hồ, vị cha già của dân tộc Việt Nam, luôn dạy chúng ta phải hoe truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Trong một lần, nói chuyện với một đơn vị bộ đội, Bác nhấn mạnh: “Uống nước nhớ nguồn. Con cháu thì phải nhớ ơn tổ tiên. Các vua Hùng đã cố công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước. Đó mới là uống nước nhớ nguồn, mới là nhớ ơn tổ tiên...”.

Đối với cha mẹ, thầy cô giáo, chúng ta phải có thái độ vừa vui vẻ, vừa yêu kính tha thiết, phải chăm chỉ học tập, lao động giúp đỡ cha mẹ, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi để đền đáp công ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô. Chúng ta cần nhớ lời dạy này:

Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Cơm cha, áo mẹ, công thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.

Hằng ngày, khi được sự quan tâm, giúp đỡ của bất kì ai, người nhận cần phải tỏ thái độ biết ơn, có khi chỉ là một nụ cười hàm ý, một ánh mắt chứa chan tình cảm hoặc một câu nói có ý nghĩa.

Chúng ta không bao giờ được có thái độ vong ân, bội nghĩa trong lời ăn tiếng nói hay hành động. Những kẻ vô ơn, lấy oán trả ơn là những kẻ đáng khinh bỉ nhất. Do đó, chúng ta cần lên án những con người ấy một cách quyết liệt ở mọi nơi, mọi lúc.
Đối với người già, người có công với cách mạng, chúng ta không những phải kính trọng mà còn cần tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, người neo đơn, tàn tật. Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho các bà mẹ có chồng, có con một lòng vì nước quên thân vì dân quên mình. Đồng thời chúng ta cũng cám ơn các đoàn thể, các tổ chức xã hội... đã xây dựng nhà tình nghĩa, đóng góp sổ tiết kiệm để tặng các bà mẹ ấy.

Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một lời dạy bổ ích của ông cha ta. Nó không những có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ đi trước mà còn dìu dắt thế hệ đi sau hướng đến cái chân - thiện - mĩ. Từ đó, con người trở nên người hơn. Và nhân sinh quan cao vời ấy đã làm cho cuộc đời đẹp hơn, đất như nở hoa tươi hơn và trời mỗi ngày lại sáng hơn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây