© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, Bài 2. Phong cách ngôn ngữ khoa học

Thứ hai - 11/05/2020 11:27
Văn bản khoa học là loại văn bàn dùng để phổ biến tri thức về các vấn đề khoa học, nội dung của các văn bàn này là những phát hiện khoa học, những khám phá của con người về thế giới tự nhiên và xã hội nên đòi hỏi sự chính xác cao. Do vậy ngôn ngữ khoa học đòi hỏi phải sử dụng những từ ngữ không được hiểu theo nhiều cách khác nhau, không bị ảnh hưởng bởi sắc thái biểu cảm để đảm bảo tính khách quan của nội dung thông báo.
1. Văn bản khoa học
- Văn bản khoa học là văn bản dùng để trình bày những vấn đề khoa học, trong phạm vi giao tiếp về các vấn đề khoa học
- Có 3 loại văn bản khoa học:
+ Văn bản khoa học chuyên sâu: gồm chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận, báo cáo khoa học... thường dùng để trình bày những phát hiện, khám phá khoa học nên đòi hỏi tính chính xác lôgic trong lập luận, phải nghiêm ngặt, chặt chẽ trong kiến giải khoa học.
+ Văn bản khoa học giáo khoa: gồm giáo trình, sách giáo khoa, thiết kế bài dạy... để giảng dạy các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn. Các văn bản này ngoài yêu cầu về khoa học còn có yêu cầu về sư phạm để giảng dạy ở các trình độ khác nhau.
+ Văn bản khoa học phổ cập: sách phổ biến khoa học kĩ thuật, các bài phê bình, giới thiệu... nhằm phổ biến kiến thức cho đông đảo bạn đọc ở các trình độ khác nhau. Vì vậy, loại văn bản này cần viết một cách dễ hiểu, hấp dẫn.

2. Ngôn ngữ khoa học
- Ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ được dùng trong các văn bản khoa học, trong phạm vi giao tiếp về các vấn đề khoa học (có thể ở dạng nói hoặc dạng viết).
- Ngôn ngữ khoa học gồm 3 đặc trưng:
+ Tính trừu tượng, khái quát: Thường sử dụng các thuật ngữ khoa học (là những từ ngữ chứa đựng khái niệm của chuyên ngành khoa học, là công cụ để tư duy khoa học) để biểu thị các nội dung khoa học. Khái niệm khoa học là kết quả của quá trình khái quát hoá và trừu tượng hoá của con người nên các thuật ngữ biểu thị chúng cũng mang tính trừu tượng, khái quát cao.
+ Tính lí trí, lôgic: Từ ngữ trong văn bản khoa học phần lớn là từ ngữ thông thường, một nghĩa (không dùng từ đa nghĩa, không dùng từ theo nghĩa bóng, rất ít dùng phép tu từ). Mỗi câu trong văn bản khoa học thể hiện một mệnh đề lôgic và phải chính xác, chuẩn mực, một nghĩa (không dùng câu đặc biệt và các phép tu từ cú pháp). Các câu, các đoạn trong văn bản phải liên kết với nhau một cách chặt chẽ và phải đảm bảo tính mạch lạc và phục vụ cho lập luận khoa học của toàn bộ văn bản.
+ Tính phi cá thể: Ngôn ngữ khoa học rất hạn chế những biểu đạt mang tính cá nhân. Từ ngữ và câu văn trong văn bản khoa học thường mang màu sắc trung hoà về sắc thái biểu cảm nên rất hạn chế trong việc sử dụng các phương tiện tu từ.

3. Bài tập
Câu 1. Vì sao văn bản khoa học thường chỉ sử dụng những từ một nghĩa và trung hoà về sắc thái biểu cảm?
Văn bản khoa học là loại văn bàn dùng để phổ biến tri thức về các vấn đề khoa học, nội dung của các văn bàn này là những phát hiện khoa học, những khám phá của con người về thế giới tự nhiên và xã hội nên đòi hỏi sự chính xác cao. Do vậy ngôn ngữ khoa học đòi hỏi phải sử dụng những từ ngữ không được hiểu theo nhiều cách khác nhau, không bị ảnh hưởng bởi sắc thái biểu cảm để đảm bảo tính khách quan của nội dung thông báo.

Câu 2. Các bài học được trình bày trong sách giáo khoa của em thuộc loại văn bản khoa học nào?
Các bài học được trình bày trong sách giáo khoa thuộc loại văn bản khoa học dùng để giảng dạy vì nó có yêu cầu về mặt sư phạm: Nội dung trình bày từ dễ đến khó, yêu cầu được nâng dần từ thấp đến cao phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh theo từng khối lớp; khối lượng kiến thức được định lượng cho từng chương bài theo trật tự lí thuyết trước, thực hành sau; mỗi nội dung kiến thức đều có câu hỏi và bài tập thực hành tương ứng để hướng dẫn học sinh tự học.

Câu 3. Vì sao văn bản khoa học lại mang tính trừu tượng, khái quát và tính phi cá thể hoá?
Văn bản khoa học mang tính trừu tượng, khái quát vì nội dung của nó là những tri thức được khái quát từ những nghiên cứu cụ thể qua hàng loạt các sự vật hiện tượng trong thực tế cuộc sống. Từ đó đúc rút thành những kết luận mang tính quy luật, ứng với nhiều sự vật hiện tượng cụ thể trong thực tế khách quan. Cũng có khi văn bản khoa học để cập đến một hiện tượng cụ thể nhưng nó cũng được trình bày bằng hàng loạt những khái niệm, phán đoán, lập luận khoa học được rút ra từ sự tư duy khái quát của con người. Cho nên, để hiểu được những văn bản này đòi hỏi con người cần có một vốn hiểu biết nhất định về lĩnh vực khoa học đó mới có thể tiếp thu một cách có hiệu quả.

Câu 4. Phân biệt sự khác nhau giữa hai đoạn văn bản sau và chỉ rõ đoạn văn bản nào thuộc phong cách khoa học?
- “Thân bướm có ba phần: đầu, ngực, bụng. Phần ngực có bốn cánh, sáu chân. Bướm bay được nhờ hai đôi cánh là hai màng rộng bản. Chúng có vảy phấn hao phù nên không trong như cánh chuồn chuồn”.
(Sách giáo khoa Tự nhiên & Xã hội)
- “Chao ôi, những con bướm nhỏ đủ hình dáng, đủ sắc màu. Con xanh biếc pha đen như nhung bay loang loáng. Con vàng sẫm nhiều hình mặt nguyệt, ven cánh có răng cưa, lượn lờ dờ như trôi trong nắng. Con bướm quạ to bằng hai bàn tay người lớn màu nâu xỉn, có hình đôi mắt tròn vẻ dữ tợn. Bướm trắng hay theo đàn líu ríu như hoa nắng. Loại bướm nhỏ đen kịt, là là theo chiều gió, hệt như tàn than của những đám đốt nương. Còn lũ bướm vàng tươi xinh xinh của những vườn rau thì rụt rè, nhút nhút, chẳng hao giờ dám bay ra đến bờ sông”.
(Vũ Tú Nam)
Đoạn văn thứ nhất thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học vì nó sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học và các từ ngữ trung hoà về sắc thái biểu cảm, không sử dụng các biện pháp tu từ, các câu diễn đạt ngắn gọn , dễ hiểu, mang tính mệnh đề.
Đoạn văn thứ hai thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật vì nó sử dụng nhiều từ ngữ biểu cảm, nhiều biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, ẩn dụ... và những cách diễn đạt hình tượng.

Câu 5. So sánh nghĩa của các từ ngữ sau trong trường hợp là thuật ngữ khoa học và là cách hiểu thông thường: điểm, đường, đoạn thẳng, mặt phẳng, góc, đường tròn, góc vuông...
So sánh nghĩa của các từ ngữ theo gợi ý sau:
Từ ngữ Thuật ngữ khoa học Cách hiểu thông thường
Đoạn thẳng Đoạn ngắn nhất nối hai điểm với nhau Đoạn không cong queo, gãy khúc, không lệch về một bên nào
Điểm Là dấu chấm nhỏ kèm theo tên gọi của nó Là vị trí của một vật nào đó
Đường Là một nét vẽ liền nhau Là con đường đi
Góc Là cái được tạo thành bởi hai đường thẳng cắt nhau tại một điểm Là một vị trí giao nhau của con đường hoặc các bức tường
Đường tròn Là một đường khép kín cách đều tâm cho trước Là con đường đi vòng tròn
Góc vuông Là cái được tạo thành bởi hai đường thẳng cắt nhau tại một điểm có số đo bằng 90 độ Là góc có phương thẳng đứng với mặt phẳng đi qua nó.

Câu 6. Phân tích và nhận xét văn bản khoa học Khái quát Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến cuối thế kỉ XX (Ngữ văn 12- tập l) trên các phương diện: nội dung, ngôn ngữ, thể loại...
6. Văn bản Khái quát Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến cuối thế ki XX (Ngữ văn 12- tâp 1) là một văn bản khoa học vì:
- Nội dung của văn bản là những kiến thức khoa học thuộc ngành khoa học nghiên cứu về văn học, cụ thể là chuyên ngành lịch sử văn học (văn học sử)- một trong số những chuyên ngành của khoa nghiên cứu văn học nói chung như: Lí luận văn học, lịch sử văn học, phê bình văn học, thi pháp học... Văn bản này sử dụng phương pháp lập luận để trình bày các nội dung cơ bản về Văn học Việt Nam từ 1945 đến hết thế kỉ XX.
- Ngôn ngữ được trình bày trong văn bản này gồm nhiều thuật ngữ thuộc chuyên ngành văn học như: chủ đề, hình ảnh, tác phẩm, phản ánh hiện thực, chất suy tưởng, nguồn cảm hứng sáng tạo, truyện ngắn, kí, thể loại, miêu tả tâm lí nhân vật, hình tượng, thể thơ...
Hệ thống đề mục sử dụng các kí hiệu bằng chữ số La Mã (I, II, III), chữ số Ả rập (1,2, 3...) và các chữ cái Ả rập (a, b, c,...) cùng với cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích ở các tiêu đề.
- Văn bản này là một văn bản khoa học, cụ thể là một văn bản giáo khoa, dùng để giảng dạy trong nhà trường cho đối tượng là học sinh phổ thông nên nó phải tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu về mặt sư phạm như: tính chính xác, chặt chẽ lôgic về kết cấu, phù hợp với trình độ nhân thức của học sinh lớp 12.

Câu 7. Tìm và giải thích các thuật ngữ toán học trong câu sau đây: “Tổng các số hạng của một cấp số cộng hữu hạn bằng nửa tích của tổng số các số hạng đầu và cuối với số các số hạng”.
Tìm các thuật ngữ toán học:
Tổng, các số hạng, cấp số cộng hữu hạn, tích, tổng số

Câu 8. Thêm các từ liên kết vào các chỗ trống dưới đây để câu văn đảm bảo tính lập luận chặt chẽ: “... một đường thẳng... song song với một đường thẳng nào đó của một mặt phẳng không chứa nó,... nó song song với mặt phẳng ấy”.
Thêm vào ta được:
“Nếu một đường thẳng song song với một đường thẳng nào đó của một mặt phẳng không chứa nó, thì nó song song với mặt phẳng ấy”.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây