© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, bài 5. Việt Bắc - Tố Hữu

Thứ năm - 02/04/2020 07:35
1. Phân tích doạn thơ sau:
Nhớ gì như nhớ người yêu ...
đến Chày đêm nện cối đều đều suối xa.
2. Phân tích đoạn thơ sau:
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người ...
đến Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
3. Phân tích đoạn thơ sau:
Nhớ khi giặc đến giặc lùng ...
đến Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
I. Nội dung
- Tái hiện cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của dân tộc Viêt Nam: từ những ngày đầu thiếu thốn gian khổ nhưng đầy sức mạnh của tinh thần đoàn kết nhất trí của đất trời, con người Việt Nam đến những ngày chuyển quân sôi động, hào hùng, niềm vui, tự hào trong ngày thắng lợi vẻ vang của toàn dân tộc.
- Trong giờ phút chia tay, cả người ra đi và người ở lại cùng nhớ về những ngày đã qua: những tháng ngày sống trong lòng Việt Bắc gian khổ, thiếu thốn mà nặng nghĩa tình.

II. Nghệ thuật
- Cấu tứ độc đáo, âm hưởng ngọt ngào, sâu lắng của ca dao dân ca thể hiện thành công nghĩa tình của người Việt Nam kháng chiến.
- Vận dụng sáng tạo, linh hoạt, biến hoá đại từ “ta”, “mình” thể hiện lời đồng vọng, tinh thần gắn bó, thuỷ chung tha thiết.

III. Bài tập
1. Phân tích doạn thơ sau:
Nhớ gì như nhớ người yêu ...
đến Chày đêm nện cối đều đều suối xa.
* Hướng dẫn lập ý:
- Xác định vị trí, nội dung chính của toàn đoạn: nỗi nhớ da diết vời vợi về con người và thiên nhiên Việt Bắc rộng lớn, thơ mộng gắn kết hài hoà với con người.
- Chia đoạn thơ thành các ý.
+ Cặp lục bát đầu mang ý nghĩa khái quát: nỗi nhớ hướng về hoa - thiên nhiên thơ mộng và con người lao động thuỷ chung của Việt Bắc.
+ Thiên nhiên Việt Bắc đa dạng với những vẻ đẹp độc đáo hiện lên qua 4 mùa.
+ Con người lao động cần cù khéo léo, thuỷ chung ân tình.
- Triển khai các ý trên ứng với từng đoạn văn.
* Lập ý:
- Ý phụ: khái quát nội dung chính của đoạn và cấu tứ ca dao độc đáo của bài thơ,
cùng việc sử dụng sáng tạo đại từ Ta – Mình.
- Cặp lục bát đầu mang ý nghĩa khái quát: nỗi nhớ hướng về hoa - thiên nhiên thơ mộng và con người lao động thuỷ chung của Việt Bắc.
+ Hoa: chỉ thiên nhiên tươi đẹp rộng lớn của Việt Bắc.
+ Người: chỉ người lao động thuỷ chung trong nỗi nhớ.
- Thiên nhiên Việt Bắc đa dạng với những vẻ đẹp độc đáo hiện lên qua 4 mùa:
+ Mùa đông không hiu hắt lụi tàn mà tươi tắn căng tràn sức sống từ màu xanh của đại ngàn, màu đỏ tươi của hoa chuối.
+ Mùa xuân với vẻ đẹp tinh khiết của những cánh rừng hoa mơ - màu của xuân Việt Bắc.
+ Mùa hè rộn rã với âm thanh của tiếng ve, sắc vàng của rừng phách đang lan tràn cả không gian rộng lớn.
+ Mùa thu trong trẻo, đẹp dịu dàng với ánh trăng rừng.
- Con người Việt Bắc - con người lao động khoẻ khoắn, cần cù, khéo léo.
+ Con người trong tư thế lao động với dáng vẻ khoẻ khoắn (đi nương, dao gài ở thắt lưng, chuôi dao bạc sáng lên dưới ánh nắng mặt trời) giữa thiên nhiên kì vĩ.
+ Con người Việt Bắc trong nỗi nhớ gắn với thao tác lao động cụ thể với phẩm chất cần cù, tỉ mỉ vô cùng khéo léo (chuốt từng sợi giang để đan nón) với những vật phẩm mỹ nghệ đạc trưng của Việt Bắc.
+ Cô gái Việt Bắc hái măng giữa rừng, cảnh và người hài hoà gắn bó thật thơ mộng mà vẫn thể hiện được nếp sinh hoạt của Việt Bắc - ăn măng thay rau.
+ Con người Việt Bắc với vẻ đẹp tâm hồn được gợi lên từ “tiếng hát ân tình thuỷ chung”.

2. Phân tích đoạn thơ sau:
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người ...
đến Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
* Hướng dẫn lập ý:
- Xác định vị trí, nội dung chính của toàn đoạn: nỗi nhớ da diết vời vợi về con người và cuộc sống ở Việt Bắc - cuộc sống gian khổ mà nặng nghĩa tình.
- Chia đoạn thơ thành các ý.
+ Nỗi nhớ về cảnh sắc và con người Việt Bắc.
+ Nỗi nhớ về cuộc sống gian lao, thiếu thốn mà đầy ắp nghĩa tình.
+ Nỗi nhớ về cuộc sống gian khổ mà lạc quan, thắm thiết tình quân dân giữa lòng Việt Bắc.
- Triển khai các ý trên ứng với từng đoạn văn.
* Lập ý:
- Ý phụ: khái quát nội dung chính của đoạn và cấu tứ ca dao độc đáo của bài thơ, cùng việc sử dụng sáng tạo đại từ Ta - Mình (nội dung này đã thể hiện rõ trong phần câu hỏi trắc nghiệm).
- Nỗi nhớ da diết về cảnh sắc và con người Việt Bắc nặng ân tình.
+ Tố Hữu đã dùng lối so sánh ý vị của ca dao dân ca để diễn tả nỗi nhớ da diết, vời vợi của người ra đi.
+ Không gian đặc trưng củaViệt Bắc hiện lên mỗi lúc một rõ nét hơn trong kí ức người cán bộ cách mạng lên đường về xuôi: không gian “trăng đầu núi” “chiều lưng nương” rất thực mà rất đỗi thơ mộng.
+ Nỗi nhớ hướng về con người và cảnh sắc cụ thể nồng ấm bên “bản khói” và bóng dáng “người thương”. Nỗi nhớ gắn liền với niềm thương nên sâu nặng vô cùng. Những ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê cũng hiện rõ nét trong kí ức người ra đi.
- Nỗi nhớ da diết nhất vẫn là nỗi nhớ về cuộc sống gian khổ mà thắm thiết nghĩa tình của những ngày chia ngọt, xẻ bùi.
+ Nỗi nhớ của ta - mình là nỗi nhớ của những người đã từng sống gắn bó lâu bền bên nhau. Bốn chữ “đắng cay ngọt bùi” đã làm sống lại những ngày gian khổ ấy.
+ Hình ảnh bát cơm xẻ nửa, củ sắn lùi chia đôi và tấm chăn sui cùng đắp trong những ngày kháng chiến càng làm cho nỗi nhớ ngày chia tay thêm lưu luyến, bịn rịn.
+ Trong miền kí ức ấy, người đọc thấy rõ hình ảnh thương con lam lũ cần cù gắn bó thuỷ chung với cách mạng trong hình ảnh thơ “người mẹ nắng cháy lưng”.
- Nhớ về cuộc sống gian khổ mà lạc quan, thắm thiết tình quân dân giữa lòng Việt Bắc.
+ Nhớ về lớp bình dân học vụ, giờ liên hoan với những ánh đuốc sáng thật đầm ấm tình quân dân.
+ Điệp từ “Nhớ sao” vừa khẳng định, vừa gợi ra vô vàn kỉ niệm ở Việt Bắc: cuộc sống gian khổ mà lạc quan mà thanh bình với tiếng mõ, tiếng chày giã gạo trong đêm khuya?

3. Phân tích đoạn thơ sau:
Nhớ khi giặc đến giặc lùng ...
đến Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
* Hướng dẫn lập ý:
- Xác định vị trí, nội dung chính của toàn đoạn: nỗi nhớ da diết về quá trình kháng chiến, từ những ngày đầu khó khăn đến ngày chiến thắng.
- Chia đoạn thơ thành các ý.
+ Những ngày đầu gian khổ nhưng đầy sức mạnh đoàn kết.
+ Những ngày chiến đấu, những cuộc chuyển quân sôi động hào hùng tràn ngập âm hưởng sử thi.
+ Những ngày chiến thắng tràn đầy niềm vui, niềm tự hào.
- Triển khai các ý trên ứng với từng đoạn văn.
* Lập ý:
- Ý phụ: khái quát nội dung chính của đoạn và cấu tứ ca dao độc đáo của bài thơ, cùng việc sử dụng sáng tạo đại từ Ta – Mình.
- Những ngày đầu gian khổ nhưng đầy sức mạnh đoàn kết
+ Những ngày đầu lực lượng ta còn non yếu mà quân thù thì hung dữ.
+ Khẳng định sự sáng suốt của Đảng khi chọn Việt Bắc là căn cứ kháng chiến: núi rừng là căn cứ địa của ta (các từ giăng, vây, che).
- Những ngày chiến đấu, những cuộc chuyển quân sôi động hào hùng tràn ngập âm hưởng sử thi.
+ Không gian rộng lớn hoạt động tấp nập của nhiều lực lượng: bộ đội, dân công
+ Những hình ảnh, từ ngữ đặc sắc điệp điệp, trùng trùng, bước chân nát đá, ánh sao đầu súng làm bừng dậy sức sống mạnh mẽ của một dân tộc đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mình.
- Những ngày chiến thắng tràn đầy niềm vui, niềm tự hào.
+ Hình ảnh biểu tượng, nghệ thuật so sánh thể hiện không gian bừng sáng của ngày chiến thắng, của niềm tự hào.
+ Địa danh của khắp đất nước tràn ngập niềm vui của ngày thắng lợi.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây