© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Một danh lam thắng cảnh của quê em: Khu di tích Hồ Gươm

Thứ năm - 10/11/2022 09:32
Một danh lam thắng cảnh của quê em: Khu di tích Hồ Gươm
Chẳng biết tự bao giờ những câu ca dao ấy đã đi sâu vào trong tâm khảm của con người Hà Nội và bao người dân đất Việt luôn hướng về thủ đô ngàn năm yêu dấu. Nghe câu ca mà lòng tôi lại nao nức những hình ảnh không thể mờ phai của khu danh lam thắng cảnh Hồ Gươm - viên ngọc báu giữa lòng Hà Nội.
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

Chẳng biết tự bao giờ những câu ca dao ấy đã đi sâu vào trong tâm khảm của con người Hà Nội và bao người dân đất Việt luôn hướng về thủ đô ngàn năm yêu dấu. Nghe câu ca mà lòng tôi lại nao nức những hình ảnh không thể mờ phai của khu danh lam thắng cảnh Hồ Gươm - viên ngọc báu giữa lòng Hà Nội.

Nếu có dịp đi qua phố Hàng Đào, xin đừng vội vã đi ngay mà hãy thử ghé vào đầu đường Lương Văn Can rồi rẽ sang Lê Thái Tổ bạn sẽ không phải hối hận về quyết định của mình. Nằm trên đường Lê Thái Tổ thuộc quận Hoàn Kiếm, Hồ Gươm vẫn ngày đêm lung linh soi bóng tháp Rùa cổ kính rêu phong. Rồi đài Nghiên, tháp Bút chấm mực viết thơ lên trời xanh; cầu Thê Húc đỏ rực ánh thái dương dẫn chân người lữ khách tới ngôi đền Ngọc Sơn thái bình, trang nghiêm. Tất cả đã tạo nên một quần thể Hồ Gươm linh thiêng, hào hoa của đất Thăng Long Đông Đô nghìn năm văn hiến.

Nào, ta cùng đến xem Hồ Gươm trước nhé! Còn gọi là Hoàn Kiếm, Hồ Gươm là một hồ nước ngọt, phần lưu của con sông Hồng, được mệnh danh là “trái tim” của thủ đô. Trải qua bao năm bồi đắp, Hà Nội đã dành cho trái tim của mình một vòng đai khoảng 1750m. Tuy không có cái mênh mông, mờ ảo của Tây Hồ hay cái dạt dào sóng vỗ của hồ Bảy Mẫu nhưng đây là nơi hào khí hội tụ, là nhịp đập căng tràn của chốn kinh kì phồn hoa đô hội.

Hồ có nhiều tên lắm! Trước đây, do mang trên mình “chiếc áo” màu xanh biếc quanh năm nên được gọi là hồ Lục Thuỷ. Hồi bé, tôi thường được ngoại kể cho nghe về sự tích Hồ Gươm... Chuyện xảy ra lâu lắm rồi, vào thế kỉ XV, khi Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh có tìm được một thanh gươm quý, tên là Thuận Thiên. Nhờ có gươm báu mà Lê Lợi đánh đâu thắng đó, đuổi bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi nước Nam. Sau khi lên ngôi ở Thăng Long, trong một lần đi chơi thuyền ở hồ Lục Thuỷ, vua bỗng thấy một con rùa vàng xuất hiện, chầm chậm bơi về phía mạn thuyền. Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) thấy gươm thần đeo bên người tự nhiên động đậy. Rùa Vàng nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Vua nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng. Nhanh như cắt, Rùa ngậm lấy gươm rồi lặn mất. Từ đó hồ Lục Thuỷ có tên là hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm như ngày nay.

Giữa làn nước ngọt ngào, trong xanh của hồ có hai hòn đảo: đảo Ngọc và đảo Rùa. Trên đảo Rùa vào những năm 80 của thế kỉ XIX có dựng lên một ngọn tháp: đó chính là tháp Rùa ngày nay. Tháp do một ông quan thời Pháp thuộc tên là Nguyễn Ngọc Kim xây. Do đó tháp còn có tên là tháp Bá hộ Kim.

Kiến trúc tháp Rùa là sự kết họp tinh tế, hài hoà giữa hai trường phái kiến trúc Đông - Tây. Tầng một và hai của tháp làm theo hơi hướng châu Âu với hàng cửa cuốn gô-tích. Còn tầng ba mang phần mái cong mềm mại, chạm khắc rồng bay phượng múa thể hiện phong cách kiến trúc đậm chất Việt.

Hồ Gươm in bóng tháp Rùa
Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn
den ngoc son

Từ tháp Rùa hãy đưa mắt nhìn về phía bắc, bạn sẽ thấy một ngôi đền bình yên, tĩnh lặng. Đó là đền Ngọc Sơn. Chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên vì sao trong các lời ca xưa đều viết đền Ngọc Sơn thành chùa Ngọc Sơn? Thực ra trước đây, do còn thờ Phật nên mới gọi là chùa, còn ngày nay ở trong chỉ thờ Văn Xương Đế Quân và Trần Hưng Đạo nên đổi thành đền Ngọc Sơn.

Đền nằm uy nghi trên hòn đảo Ngọc của Hồ Gươm. Ngoài cửa đền, dưới những tán đa già cổ thụ, rực rỡ hai chữ lớn: Phúc và Lộc màu son trên hai trụ hoa biểu. Đền gồm ba nếp. Qua tam quan, ta sẽ bước đến nếp ngoài của đền là bái đường, sau đó là đến nếp giữa thờ Văn Xương và nếp sau thờ Trần Hưng Đạo. Ở nếp thờ Văn Xương, trung bày một thứ mà ta không thể bỏ qua, tiêu bản của loài rùa khổng lồ Hồ Gươm. Đến nay, người ta vẫn chưa xác định được gốc gác của loài rùa này nhưng mọi người đều gọi nó một cách thân mật: cụ Rùa. Tồn tại theo nhịp bước thời gian cùng Hồ Gươm, đi vào nhũng truyền thuyết dân gian (Thần Kim Quy, Sự tích Hồ Gươm), cụ Rùa đã trở thành con vật biểu tượng của quần thể Hồ Gươm. Ở nếp ngoài đền Ngọc Sơn, trước mặt bái đường, ta sẽ thấy một ngôi đình hình vuông với tám mái hai tầng, tám cột chống đỡ, đó là Trấn Ba đình (đình chắn sóng).

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, thuở nhỏ, khi tới thăm Hồ Gươm đã viết:

Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn tháp Bút
Viết thơ lên trời cao

Hồ Gươm, tháp Rùa, đền Ngọc Son và bây giờ ta hãy đến thăm tháp Bút, đài Nghiên. Tháp Bút được xây trên núi Ngọc Bội, trên đỉnh thấp mềm mại hình ngọn bút lông. Qua tháp Bút là đài Nghiên. Đài bằng đá, uốn cong hình nửa trái đào bổ dọc, có ba con ếch đá đội lên. Cứ mỗi ngày, bóng tháp Bút lại ngả vào đài Nghiên chấm mực, viết chữ lên vòm trời xanh thẳm, tạo nên một hình ảnh đẹp của học vấn.

Nối giữa tháp Bút, đài Nghiên và đền Ngọc Sơn là chiếc cầu Thê Húc cong cong uốn lượn, in bóng dưới làn nước biếc xanh, cầu được dựng vào năm 1865, làm bằng gỗ với nhiều trụ liên tiếp. Do hướng về phía Đông, hướng mặt trời mọc, lại khoác trên mình màu đỏ của vầng thái dương nên cầu tượng trưng cho sự sống, niềm hạnh phúc, biểu tượng của thần Mặt Trời.

Quang cảnh Hồ Gươm mỗi mùa một khác. Khi sắc đào bừng nở báo hiệu Tết về, hồ lại rực rỡ trong “chiếc áo” lộng lẫy ánh đèn hoa, lại cùng thức với những người dân Hà Nội chờ đón phút giây giao thừa trong màn pháo hoa lung linh đất trời. Những dịp đầu xuân là lúc Hồ Gươm tưng bừng, náo nhiệt nhất. Trên cầu Thê Húc, từng dòng người tấp nập đổ về đền Ngọc Sơn để cầu phước lành hay chỉ đơn giản là để du xuân, thưởng ngoạn cảnh hồ. Những tiếng cười nói ríu rít hoà cùng tiếng chuông đền ngân vang, vọng khắp mặt hồ như lời chúc cho một năm an lành, hạnh phúc. Cởi bỏ lóp áo rực rỡ hoa đăng ngày Tết, để lại đằng sau những cơn mưa xuân dịu dàng, Hồ Gươm bắt đầu bước vào những tháng hè oi ả. Tôi vẫn nhớ những buổi chiều hè được ra hồ chơi. Vào những dịp hiếm hoi như thế, tôi thường ngả lưng vào một chiếc ghế đá nào đó dưới bóng đa già, lặng yên để tận hưởng làn gió hồ mát dịu, để lắng nghe bản hoà ca râm ran của đàn ve náo nhiệt. Thoát khỏi cái ngột ngạt, căng thẳng của nơi đô thành, tâm hồn tôi chìm đắm trong cái ngọt lành của cây kem Tràng Tiền mát lạnh, ngan ngát hương cốm thơm nhẹ dịu, hay trong cái vị chua cay, mặn ngọt từ những trái sấu dầm. Rồi những buổi như vậy cũng qua đi, khi cơn gió heo may mùa thu ùa về, xoa dịu cái nóng bức của mùa hạ, thì hàng cây lộc vừng bên hồ cũng bắt đầu thay lá. Những chiếc lá vàng rơi nhè nhẹ như con thuyền bé xíu đùa giỡn trong gió thu, hoà cùng cái nắng hanh vàng mộng mơ khiến lòng người không khỏi bồi hồi, bâng khuâng về một Hồ Gươm chiều thu Hà Nội. Vào đêm Rằm tháng Tám, trong lúc mọi người vui vẻ phá cỗ trông trăng thì hồ cũng âm thầm giữ riêng cho mình một vầng trăng.

Giữa lòng hồ, mặt trăng lung linh ánh bạc. Bạn đã từng đến Hồ Gươm vào một buổi tối mùa đông chưa? Đã từng nhâm nhi một li chè nóng trong làn gió bấc, lặng ngắm cái huyền ảo của trăm nghìn ánh đèn lấp loá dưới hồ và như chìm vào giấc mộng trong giai điệu ngân nga của tiếng chuông đồng hồ Bưu điện Hà Nội? Nếu đã từng trải qua những phút giây lãng mạn ấy thì bạn sẽ không thấy ngạc nhiên vì sao nhiều người lại yêu mùa đông Hà Nội bên hồ đến thế!

Hồ Gươm đã gắn liền với cuộc sống tâm tư của nhiều người con đất Hà Thành. Hồ mở ra giữa những khu phố cổ chật hẹp một không gian đẹp, đủ rộng để con người ta có thể bỏ qua những bộn bề lo toan của cuộc sống, để tận hưởng những khoảng lặng bên đời. Hồ là nơi du ngoạn, là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn của Hà Nội như lễ đón giao thừa, đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Điều đó, đủ thấy hồ có vị trí như thế nào trong lòng người dân chốn đô thành. Và hơn thế nữa, hồ còn gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hoà bình (trả gươm, cầm bút) của dân tộc.

Khu di tích Hồ Gươm quả là mĩ lệ - đẹp như một lẵng hoa trong lòng Hà Nội. Nhưng đáng tiếc thay “lẵng hoa” này lại có lúc bị làm xấu đi bởi “con sâu” vô ý thức. Tôi được mẹ cho đi Bờ Hồ nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tới nơi, một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra trước mắt tôi! Trên đường, ven vỉa hè, dưới góc cây, trên bãi cỏ,... đâu đâu cũng có rác. Bác công nhân vừa dọn xong, rác lại tràn ra tiếp. Tiện tay, là người ta vứt ra đường dù có thùng rác công cộng ở ngay đấy. Ngay cả những bãi cỏ xanh, nơi để mọi người nghỉ ngơi cũng tự nhiên biến thành “bãi rác”. Thật là một cảnh đáng buồn, làm xấu đi bộ mặt của Thủ đô yêu dấu trong đúng dịp sinh nhật một ngàn năm tuổi của mình.

Không những thế, hiện nay hệ sinh thái của Hồ Gươm đang bị đe doạ nghiêm trọng. Rác khiến hồ bị ô nhiễm, làm cho cụ Rùa phải nổi lên nhiều hơn. Và điều ảnh hưởng nhiều nhất đến cụ là nạn rùa tai đỏ.

Loài rùa này được người ta mua về rồi vô ý phóng sinh ra hồ. Rùa tai đỏ sinh nở rất nhanh và rất phàm ăn nên chúng có thể chiếm hết thức ăn và chỗ ở của cụ Rùa. Và còn nhiều, còn nhiều vấn đề nữa của Hồ Gươm khiến ta phải trăn trở suy nghĩ...

Ba mươi năm nay trở lại hồ
Bây giờ cảnh sắc khác ngày xưa
...Đáng thương văn vật trăm năm ấy
Còn lại bên hồ một đá trơ!
(Cảm đề - Nguyễn Khuyến)

Bài thơ trên được cụ Nguyễn Khuyến vịnh về Hồ Gươm biến dạng cách đây một trăm năm. Tuy cảnh sắc thay đổi có khác nhau nhưng lòng người xưa và nay cùng chung một nỗi niềm: niềm xót xa vô hạn về một di tích lịch sử có thể bị hao mòn đổi thay!

Hồ Gươm đẹp quá! Lung linh quá! Nhưng nếu không giữ gìn từ bây giờ thì “viên ngọc” này sẽ chỉ còn là “một đá trơ”. Hãy chung tay bảo vệ lấy “trái tim” của Thủ đô yêu dấu. Đừng để những hình ảnh đẹp, linh thiêng của di tích thắng cảnh Hồ Gươm chỉ còn trong kí ức...

Bài Kiểm Tra, Trần Vũ Hiền Nhi

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây