© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Nghị luận về một chi tiết nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn trong một truyện ngắn hiện đại em đã được học.

Chủ nhật - 04/12/2022 08:47
Nghị luận về một chi tiết nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn trong một truyện ngắn hiện đại em đã được học.
Kim Lân là nhà văn hiện đại có vốn sống vô cùng sâu sắc về nông thôn Việt Nam. Ông là một trong những cây bút xuất sắc đã mang “hương đồng gió nội” vào những tác phẩm truyện ngắn của mình.
Trong những tác phẩm của ông có truyện ngắn Làng, đã phản ánh được một cách chân thực lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến của tầng lớp nông dân trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công cho tác phẩm này là những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Tiêu biểu như chi tiết về cuộc trò chuyện giữa nhân vật ông Hai và thằng con trai ông:

“Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi:
- Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?
- Là con thầy mấy lị con u.
- Thế nhà con ở đâu?
- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.
- Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?
Thằng bé nép đầu vào ngực bố, trả lời khe khẽ:
- Có.
Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu, ông lại hỏi:
- À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?
Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!
Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
- Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.”

Truyện ngắn Làng được Kim Lân sáng tác năm 1948, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Truyện kể về nhân vật ông Hai - một lão nông cần cù, chất phác, yêu quê hương tha thiết và gắn bó với quê hương như máu thịt của mình. Kháng chiến nổ ra, gia đình ông phải rời làng đi tản cư nơi khác nhưng lúc nào cũng vậy, trái tim ông luôn hướng về cái làng Chợ Dầu “đi đến đâu ông cũng khoe về làng”. Đau đớn thay, được một thời gian thì ông Hai nghe được tin sét đánh: làng mình theo giặc, và đứng trước cái tin dữ đó, ông Hai như biến thành một người khác: lúc thì cáu giận vô cớ, lúc mệt mỏi, chán nản, lúc lại nơm nớp lo sợ,... và hàng bao những ý nghĩ ngổn ngang, bề bộn. Tưởng như câu chuyện đã rơi vào tình huống hoàn toàn bế tắc, không lối thoát, nhưng bất ngờ, sự xuất hiện của chi tiết cuộc thoại đã giúp phát triển sự việc theo chiều hướng mới, tạo kết thúc có hậu cho câu chuyện: ông Hai đã chủ động đi tìm nguyên nhân sự việc và biết được “toàn là sai sự mục đích cả”, làng ông là làng kháng chiến. Cuộc đối thoại giữa ông Hai và con trai ông (hay chính xác là ông Hai hỏi còn thằng bé chỉ biết trả lời) là một tình tiết hết sức cảm động và tinh tế. Với cách thức thể hiện khá tự nhiên, giản dị, nhẹ nhàng song chi tiết nghệ thuật này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cốt truyện và ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, nhận thức của nhân vật ông Hai, đồng thời tạo ấn tượng và gây xúc động sâu sắc trong lòng người đọc.

Tính độc đáo được biểu hiện một cách rõ nét ngay trong tình huống đặc biệt dẫn đến cuộc thoại. Cái làng Chợ Dầu mà ông Hai yêu quý và tự hào hết mực lại làm Việt gian theo Tây, ở noi tản cư thì bị châm chọc, cạnh khoé khiến ông vô cùng đau xót, tủi nhục. Trong ông lúc nào cũng vang lên lời nói ngọt xớt mà đầy dụng ý của mụ chủ nhà “Em cứ khó nghĩ quá... ông bà cũng là người làm ăn tử tế cả. Nhưng mà có lệnh biết làm thế nào. Đành nhẽ ông bà kiếm chỗ khác vậy. Này, ở với nhau đang vui vẻ, ông bà dọn đi, em lại cứ nhớ đáo để đây nhớ”. Cả gia đình ông Hai, có muốn đi cũng không được “đâu đâu người ta cũng đuổi người làng Việt gian như đuổi hủi”, “mà cho dẫu vì chính sách Cụ Hồ người ta chẳng đuổi đi nữa, thì mình cũng chẳng còn mặt mũi nào đi đến đâu”, ở lại cũng không xong mà về làng cũ thì lại không thể “về làm gì cái làng ấy nữa”. Sự bất lực, ngao ngán, tuyệt vọng, giày vò, giằng xé tâm trí ông Hai, cho nên việc tâm sự với đứa con, giống như cái cách làm ông lão khuây khoả.

Cuộc trò chuyện giữa ông Hai và thằng con út, mang tính chất tăng tiến, về ba phương diện: gia đình, quê hương và đất nước. Từng câu hỏi, từng lời nói của ông Hai với đứa con cũng chính là như ông đang tự nhắc nhở, chất vấn chính mình. Trước tiên, ông Hai hỏi thằng con “con là con ai?” - Câu hỏi của ông tưởng chừng như vô nghĩa, bởi câu trả lời không ai là không biết, song nó đã tập trung hướng tới vấn đề mà ông Hai đang lo nghĩ. Qua câu hỏi của ông Hai, người đọc có thể phần nào đoán ra được những ý nghĩ đang quanh quẩn trong đầu ông và hình dung được đôi nét tâm trạng rối như tơ vò của ông. Tiếp đó, ông hỏi con về quê hương, nơi gia đình ông sinh ra và gắn bó máu thịt. Rõ ràng, ông Hai vẫn không thể nguôi ngoai nỗi nhớ làng, nhớ quê da diết khi gọi nhắc đứa con: “ Nhà ta ở làng Chợ Dầu”. Và ông hỏi thằng bé “có thích về làng Chợ Dầu không?”, “thằng bé con nép vào ngực bô trả lời khe khẽ: có”. Tiếng “có” của đứa con, dù chỉ là một tiếng đáp khe khẽ, có phần rụt rè, e sợ nhưng nó đã đánh trúng vào sâu trong trái tim ông, thấu tận ruột gan ông. Dường như trong ông đang diễn ra một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt, giữa một bên là tình yêu làng, yêu quê da diết, với một bên là tình yêu Tổ quốc. Hai thứ tình cảm gia đình và quê hương, đất nước đã hoà làm một, thống nhất với nhau. Cho nên, khi nghe đứa con nói một cách rành mạch, dõng dạc “ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!”, ông Hai mói chợt bừng tỉnh: Chuẩn mực cho tình yêu và niềm tự hào về quê hương bây giờ là cuộc kháng chiến “Nước mắt ông giàn ra, chảy ròng ròng hai bên má” bởi xúc động trước lời nói ngây thơ của đứa con út, trước tình yêu nước, tin tưởng vào Cách mạng, vào kháng chiến của một đứa trẻ.

Nhắc nhở thằng con trai, đồng thời cũng là ông nhắc nhở chính mình “Ừ! đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ?”. Chỉ khi tình yêu làng gắn bó hài hoà trong tình yêu nước thì đó mới là thứ tình cảm thiêng liêng, sâu sắc, cảm động và chân thành nhất. Khác hẳn chị Dậu hay lão Hạc, với cái nhìn tiêu cực và luôn ở thế bị động, người nông dân sau Cách mạng tháng Tám đã sớm được giác ngộ lí tưởng Cách mạng. Họ vượt lên chiến thắng hoàn cảnh để góp phần xây dựng, bảo vệ và cống hiến cho đất nước. Họ không chỉ dừng lại ở những tình cảm cá nhân, những chuyện riêng tư trong đời sống mà cái đáng trân trọng ở họ là biết gác lại việc cá nhân để đặt lợi ích chung của xã hội lên trên. Ở ông Hai, đó là lòng tin, sự trung thành với Đảng, với Cách mạng và Bác Hồ: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”. Dường như mỗi lần nhắc đến Bác Hồ, những mâu thuẫn trong lòng mỗi người dân như ông Hai đều được gỡ rối. Bác Hồ là chỗ dựa tinh thần để mỗi người có thể vượt qua tất cả. Hai tiếng Bác Hồ thân thương có tầm ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đối với nhân dân. Cũng bởi vậy, ông Hai luôn tôn thờ và đặt niềm tin, tâm lòng thành kính sâu nặng, bền vững thiêng liêng với đất nước, với Đảng và Bác Hồ.

Từ việc khoe làng, luôn nhớ về làng, tâm hồn, tình cảm của ông đã có sự thay đổi, chuyển biến nhanh chóng thành tình yêu nước, yêu Đảng và Bác Hồ, yêu kháng chiến. Có thể khẳng định đây là một thành công lớn của nhà văn Kim Lân trong việc đẩy tình huống lên đỉnh điểm và cởi nút câu chuyện, theo một cách thức mới mẻ, hoàn toàn độc đáo, sáng tạo, vừa tự nhiên, lại vừa sâu sắc. Sau chi tiết cuộc thoại này, ông Hai đã tìm ra sự thực: làng ông là làng kháng chiến.

Vì vậy, có thể nói, chi tiết này đã quyết định toàn bộ diễn biến cốt truyện, mang tầm ảnh hưởng to lớn đến việc xây dựng tình huống truyện, làm cho người đọc cảm thấy hứng thú và hấp dẫn hơn. Con người sau Cách mạng tháng Tám là con người làm chủ, họ luôn biết vượt lên trên hoàn cảnh và chiến thắng hoàn cảnh. Sau chi tiết này, ông Hai đã củng cố niềm tin vào cuộc kháng chiến của dân tộc, từ đó mâu thuẫn câu chuyện được giải quyết. Bên cạnh đó, qua chi tiết cuộc thoại này, nhà văn Kim Lân đã thể hiện niềm tin yêu của nhân dân đối với Bác Hồ, trong sự nghiệp giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Cũng với chi tiết này, ông Hai đã trở thành nhân vật tiêu biểu tượng trưng cho tầng lớp nông dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, có tình yêu nước sâu sắc mãnh liệt thật đáng trân trọng. Ca ngợi tình yêu nước của người nông dân Việt Nam, ca ngợi cuộc kháng chiến của dân tộc - đó chính là chủ đề và tư tưởng mà toàn bộ tác phẩm hướng tới. Có thể nói, chi tiết nghệ thuật này đã góp phần làm nổi bật được “dụng ý” của nhà văn Kim Lân. Qua đó, thể hiện cái tài kể chuyện hết sức tinh tế và khéo léo của ông.

Từ việc xây dựng tình huống, miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc cùng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm được sử dụng vô cùng linh hoạt, thông qua nhân vật ông Hai, Kim Lân đã khái quát được một tập thể những con người yêu nước, bao gồm cả người nông dân. Đó chính là cội nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi vẻ vang cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta. Quả thực, việc đưa chi tiết cuộc đối thoại của cha con ông Hai vào lúc cao trào của cốt truyện đã chứng minh được tài năng xây dựng tình huống truyện vô cùng khéo léo, tinh tế của nhà văn Kim Lân, đồng thời khơi dậy, vun đắp trong lòng bao thế hệ người đọc tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước...

Bài Kiểm Tra, Nguyễn Thị Ngọc Linh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây