© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Nghị luận về một ngày đáng nhớ nhất của đời bạn

Thứ hai - 05/12/2022 09:07
Nghị luận về một ngày đáng nhớ nhất của đời bạn
Giữa mênh mông thương nhớ, giữa bộn bề cuộc sống, giữa ấm lạnh của dòng đời, có những kí ức, cảm xúc nâng đỡ tâm hồn chúng ta những lúc ngã lòng; để ta yêu hơn, thương hơn cuộc sống này. Đối với tôi, cảm xúc của ngày hôm ấy - cái ngày vừa diễn ra mới đây thôi, như vẫn còn nguyên trong tôi. Và tôi chắc rằng, kỉ niệm đẹp này sẽ sống mãi trong tôi suốt cuộc đời. Đó là ngày Nam trở về thực hiện lời hứa của mình với tôi.
Nam chơi với tôi từ hồi mặc bỉm, mối quan hệ mà người ta thường gọi là “thanh mai trúc mã” ấy! Hai đứa bằng tuổi nhau, nhà chung vách, bố mẹ cũng thân thiết, vậy là nghiễm nhiên trở thành “con một ruột”. Cái gì cũng chơi cùng nhau, có gì cũng chia nhau ăn, chuyện gì cũng kể nhau nghe. Nếu hôm nay, Nam cau có làm hoàng tử hay chú lùn để tôi chơi búp bê thì mai tôi sẽ phải là mụ phù thủy để “siêu nhân Nam” đánh bại. Loại kẹo ưa thích của cả hai đứa là Oishi ổi. Tôi vẫn nhớ rất rõ là đứa nào được phiêu bé ngoan sẽ được thưởng kẹo, và chắc chắn là phải chia cho cả đứa kia. Đôi lúc cũng bất đồng ý kiến, cãi nhau chí choé, rồi giận nhau. Nhưng chẳng thể lâu được. Hoặc là tôi sẽ bẽn lẽn ngó nghiêng để ném kẹo sang phòng cậu ấy, hoặc là cậu ấy sẽ “bay vù vu” sang nhà tôi, chống tay nghiêm nghị hỏi: “Tất cả mọi người đều chơi với siêu nhân, trừ kẻ xấu xí. Mi có xấu xí không?”. Mà tôi đâu có xấu xí!... Vậy đấy. Chẳng quá hai ngày là lại trở về “guồng quay, guồng chơi” cũ. Chúng tôi đã lớn lên cùng nhau như thế. Mỗi khi nghĩ lại những ngày hồn nhiên ấy, tôi đều không khỏi bật cười.

Lớn hơn một chút, chúng tôi lại cùng nhau đi học. Mỗi đứa có một nhóm bạn riêng. Tôi nhảy dây với tụi con gái còn Nam đá bóng cùng những cậu con trai. Nhưng Nam vẫn là “vệ sĩ” riêng của tôi, và tôi là bác sĩ mỗi lần cậu ấy bị ngã khi đá bóng. Lên lớp 4, “sự thân” của tôi và Nam bị vài người hiểu nhầm. Vài đứa bạn hỏi tôi: “Mày với thằng Nam thích nhau đây hả Na? Thanh minh là thú tội nhé!”. Tôi cười ha ha... Thầm nghĩ nếu thích là chia cho nhau kẹo thì chắc là đúng thật. Nhưng rồi lại tự nhủ “Nam có một đống tật xấu thế kia, tôi đều rõ hết, thích sao nổi”. Lại cười ha ha. Vậy là mặc kệ bọn bạn. Riết rồi quen. Dần dần bọn nó cũng hiểu, khi quá thân rồi thì khó mà thích nhau được, chẳng ghép đôi hay trêu ghẹo gì nữa. Ôi, cái định nghĩa thích nhau!

Tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ mãi như thế. Cho đến lớn thật lớn vẫn như thế. Già thật già vẫn thế. Nhưng có phải cứ nghĩ là được đâu. Và rồi, cái lúc ấy cũng đến. Cái lúc phá tan những nghĩ ngợi hay ho của tôi. Đấy là khi tôi được nghe tin, à, phải nghe tin chứ, tin dữ: Nam chuyển nhà. Vào tận An Giang cơ. Mẹ nói An Giang xa lắm, đi bốn ngày mới đến nơi. Tôi buồn lắm, buồn đến nỗi không khóc được, cứ ngẩn ngơ “Nó sẽ đi ư? Mình sẽ không còn vệ sĩ nữa ư? Sẽ lâu thật lâu, lâu rất lâu nữa mới được gặp nó ư?...” Những ngày cuối cùng, chúng tôi vẫn chơi như bình thường. Không biết Nam thế nào, nhưng tôi nhớ như in là tối nào tôi cũng chắp tay mong ba Nam không bị chuyển công tác, gia đình Nam vẫn ở đây và mọi thứ vẫn như trước. Hình như tại tôi nói nhỏ quá hay ông trời bị lãng tai mà cái giây phút ấy vẫn đến.

Tôi và mẹ ra tiễn gia đình Nam lên xe. Tôi đã dúi vào tay cậu ấy một túi bóng đầy kẹo Oishi ổi và một hộp hạc giấy, dặn dò ra vẻ: “Bao giờ muốn ăn kẹo nữa thì hạc sẽ chở cậu về. Nhé!”. Còn Nam, cậu ta tặng tôi một chàng rô bốt và nói: “Nó sẽ bảo vệ Na khi siêu nhân không ở đây”. Trước đây, tôi đã dặn mình không được khóc, nhất định không được khóc, nhưng lúc nghe Nam nói vậy thì chẳng thể nín được nữa. Tôi oà khóc nức nở. Bao cảm xúc vỡ oà. Mặc kệ ai nhìn ai nói. Cảm giác thế nào nhỉ? Giống như phải đứng trước một bàn kẹo Oishi ổi ngon lành, thèm lắm mà không thể ăn được. Thấy tôi vậy, Nam đành liều nói: “Tớ đi rồi tớ sẽ về, về đúng ngày như ngày hôm nay luôn. Hứa. Ngoắc tay”. Tất nhiên tôi gật đầu liền. Nam là đứa rất biết giữ lời. Cậu ta trọng danh dự lắm. Và tôi tin.

Vậy là, cậu ấy đi. Đến một vùng đất mới, sống cuộc sống mới, chơi với những người bạn mới. Còn tôi vẫn ở đây, lớn lên cùng lời hứa năm xưa. Nam đi rồi tôi bắt đầu học võ, một phần để rèn luyện sức khoẻ, phần khác để tự bảo vệ mình. Và cả vì một lí do quan trọng nữa. Đó là lúc Nam về, tôi sẽ tóm cổ cậu ta lại mà đánh một trận thật đau, thật đã đòi vì tội: “Đi lâu quá!”. Nghĩ vậy thôi chứ thỉnh thoảng nhìn con rô bốt dũng mãnh trên bàn, tôi vẫn buồn buồn. Một năm, hai năm, rồi ba năm trôi qua. Tôi đã lên lớp 7. Đã qua ba ngày 22/3. Nam vẫn chưa về. Tôi tự an ủi mình “cậu ấy sẽ về thôi”, tôi chờ được mà, bao lâu cũng được, đã hứa rồi mà, tôi ở đây chứ đi đâu đâu.

Thế nhưng, lại một lần nữa những ý nghĩ của tôi không thành hiện thực. Tôi chẳng thể đợi cậu bạn “thanh mai trúc mã” nữa. Gia đình tôi chuyển nhà. Dù yêu căn nhà này bao nhiêu thì tôi cũng không thể thay đổi quyết định của bố mẹ. Cuộc sống diễn ra và chuyện gì đến sẽ đến.

Lên lớp 8, dù bị nhịp sống, nhịp học cuốn đi, tôi vẫn không quên lời hứa của Nam. Dường như trong lời hứa thuở ngây thơ ấy có một động lực vô hình, vô điều kiện để tôi cứ tin. Tin có ngày cậu nhóc vệ sĩ trở về. Không lâu sau đây là đúng bốn năm ngày Nam đi, tôi đạp xe về căn nhà cũ. Cảnh vật vẫn không thay đổi nhưng tôi tự hỏi liệu lòng người đã đổi thay? Thời gian quả thật rất đáng sợ. Bốn năm - không quá lâu nhưng không phải ngắn để một cậu nhóc lớp 4 vẫn nhớ lời hứa của mình. Tôi bật cười nhạt nhẽo. Là tại tôi quá ngây thơ hay Nam quá vô tình? Những người yêu quý nhau thường nói chữ “thương”, còn tôi nói chữ “đợi”. Đợi một người - bạn - thân. “Đợi” nghe vậy chứ buồn hơn chữ “thương” rất nhiều... Tôi đã giận Nam lắm. Hụt hẫng. Thất vọng. Nhung rồi tôi lại nghĩ “Biết đâu một năm qua Nam đã trở về nhưng về không nhớ đúng ngày nên không thể gặp tôi. Biết đâu? Biết đâu...?”. Tôi nghĩ thế và tưởng tượng ra mặt cậu ta ỉu xìu thế nào. Và tự bật cười. Biết đâu... Vậy là tôi chạy đi mua lọ sơn, xịt lên tường “22/3. Kí tên: Bác sĩ của vệ sĩ” rồi ung dung ra về, lòng vui vui dù chưa chắc Nam có đọc được hay không.

Bằng đi một thời gian, tôi không hay nghĩ về lời hứa của Nam, cũng không hay trở về nhà cũ nữa. Lớp 9 - năm cuối cấp, mục tiêu học hành được đặt lên hàng đầu. Lớn dần, hiểu chuyện đời, hiểu con người hơn, tiếp xúc với nhiều kiểu người, có người tốt, người xấu, có người giữ lời, có người hứa hươu, hứa vượn rồi quên luôn, nhưng tôi quẳng vào đấy hai chữ mặc kệ. Dù thế nào niềm tin của tôi về lời hứa kia luôn tồn tại. Tồn tại vô điều kiện.

Cuối cùng thì ngày 22 tháng 3 cũng đến, tôi mang niềm tin “nhỏ mà không nhỏ” trở về nhà cũ. Trong đầu nghĩ “dù cậu ta đến hay không cũng chả sao”. Thế rồi tôi về, đã khá lâu, mọi thứ giờ đây trở nên hoang tàn. Người mua đất đã đập căn nhà của tôi, nhưng chưa xây dựng, nên giờ đây nhìn vào, tôi chỉ thấy một đống gạch hoen gỉ, cũ mốc. Phải chăng rồi niềm tin của tôi cũng thế? Nỗi sợ hãi xâm chiếm tôi. Mà không! Nỗi thất vọng, xen sự sợ hãi. Tôi ngồi trên đông hoen gỉ đó, nhắm mắt nghĩ lại. Tròn năm năm, năm năm từ khi gói kẹo Oishi ổi được đưa, năm năm từ khi tôi đứng đây, giàn giụa nước mắt nhìn chiếc xe ấy lăn bánh đi. Đi, rồi đi mãi... Trên bầu trời, nắng đã ửng vàng sau cơn mưa xuân, có chiếc cầu vồng bảy sắc xuất hiện giữa không trung, như muốn nối liền quá khứ với hiện tại, như muốn kết nối hiện tại và tương lai... Trời thật khó hiểu, lúc nắng, lúc mưa. Nam thật khó hiểu, hứa rồi lại không thấy đâu. Tôi thật khó hiểu, biết trước rồi mà vẫn khóc. Khóc nức nở, không khác đứa con nít lớp 4, năm năm về trước. Tôi đã hoài niệm về lời hứa tuổi thơ bằng một niềm tin vô điều kiện, nhưng tôi không muốn và tuyệt đối không muốn hoài niệm để “sầu đong càng lắc càng đầy” mà để nhắc rằng mình đã có tuổi thơ đẹp như thế, nhắc rằng giữa bon chen của cuộc sống và ấm lạnh của dòng đời, ta hãy thử đợi một chiếc cầu vồng, đợi một điều kì diệu.

Tôi đã thắc mắc, tôi đã đợi, mà sao chỉ thấy giọt nước mắt nóng hổi trên má tôi. Và tưởng tượng được không? Khi tôi đang khóc thì bỗng “bụp”! Hạ cánh ngay trên đầu tôi là một chiếc kẹo Oishi ổi...

Và bạn biết kẻ bị đánh một trận thật đau là ai rồi chứ?

Bài Kiểm Tra, Trần Lê Na

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây