© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Ngữ Văn 12, Bài 3. Luật thơ

Thứ tư - 13/05/2020 11:48
Luật thơ của một thể thơ là toàn bộ những quy tắc về số câu, số tiếng, số dòng, cách gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh... được khái quát theo một kiểu mẫu nhất định cho từng thể thơ. Luật thơ Việt Nam dựa vào các đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt, bao gồm sự hài hoà về 3 yếu tố: thanh điệu, nhịp điệu, vần điệu. Ba yếu tố đó tạo ra nhạc điệu của bài thơ, là hình tượng âm thanh đóng vai trò cộng hưởng của cảm xúc và ý nghĩa.
- Có thể chia các thể thơ Việt Nam thành 3 loại lớn:
+ Các thể thơ dân tộc truyền thống: thể lục bát, song thất lục bát, thể hát nói.
+ Các thể thơ cách luật Đường thi: thể ngũ ngôn (ngũ ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn bát cú), thể thất ngôn (thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú).
+ Các thể thơ hiện đại: thơ bốn tiếng, thơ năm tiếng, thơ bảy tiếng, tám tiếng, đặc biệt là thơ tự do và thơ - văn xuôi.

- Tiếng là đơn vị cơ bản trong luật thơ.
+ Số lượng tiếng là một trong những cơ sở để gọi tên thể thơ: thơ bốn tiếng, thơ năm tiêng, thơ bảy tiếng...

+ Ranh giới giữa các tiếng là cơ sở để ngắt nhịp trong thơ.

+ Các kiểu vần trong tiếng là cơ sở để xác định cách gieo vần trong thơ (Vần mở kết thúc không có âm cuối hoặc âm cuối là một bán âm / u /,/ i/; Vần đóng kết thúc bằng các âm cuối /p/t/k/ (đóng chặt) hoặc /m/n/ng/ (đóng vừa).

+ Thanh điệu trong mỗi tiếng là cơ sở để tạo sự hài thanh (thanh bằng gồm thanh huyền và thanh không dấu; thanh trắc gồm thanh sắc, thanh hỏi, thanh ngã và thanh nặng; thanh bổng cao gồm thanh sắc, thanh ngã và thanh không dấu; thanh trầm thấp gồm thanh huyền, thanh nặng, thanh hỏi).

- Luật thơ của một số thể thơ phổ biến:
+ Thơ lục bát: Câu thơ tạo thành cặp gồm một câu lục (6 tiếng và một câu bát (8 tiếng). Luật thơ lục bát được tổng kết theo luật: hai, bốn, sáu (nhị, tứ, lục) tức là tiếng thứ 2, 4, 6 đối xứng B-T-B luân phiên, tiếng thứ 6 và thứ 8 ở dòng bát đối xứng về âm vực trầm bổng. Vần được gieo theo vần lưng (tiếng thứ 6 ở câu bát hiệp vần với tiếng thứ 6 của câu lục). Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn 2/2/2/.
- Thể song thất lục bát: Gồm hai câu bảy tiếng (song thất) và một cặp lục bát luân phiên kế tiếp nhau trong toàn bài. Hiệp vần diễn ra trong từng cặp: cặp song thất có vần trắc, cặp lục bát có vần bằng, giữa cặp song thất và cặp lục bát có vần liền. Ngắt nhịp 3/4 ở hai câu thất và nhịp 2/2/2 ở cặp lục bát. Hài thanh ở tiếng thứ 3 trong cặp song thất, còn cặp lục bát đối xứng bằng trắc như thơ lục bát.

- Thể ngũ ngôn Đường luật:
+ Ngũ ngôn tứ tuyệt: Gồm 4 dòng , mỗi dòng 5 tiếng.
+ Ngũ ngôn bát cú: Gồm 8 dòng, mỗi dòng 5 tiếng chia theo bố cục 4 phần: đề, thực, luận, kết và thường ngắt nhịp lẻ 2/3. Có thể dùng độc vần (gieo chỉ một vần)
- Thể thất ngôn Đường luật;
+ Thất ngôn tứ tuyệt: 4 dòng, mỗi dòng 7 tiếng (chia 4 phần: đề, thực, luận, kết); gieo vần chân, vần cách.
+ Thất ngôn bát cú: 8 dòng, mỗi dòng 7 tiếng; nhịp 4/3; niêm luật rất chặt chẽ về hài thanh và đối xứng giữa các tiếng.

- Các thể thơ hiện đại:
+ Thể năm tiếng: Có thể chia khổ hoặc không chia khổ, mỗi khổ bốn dòng hoặc nhiều hơn. Có thể gieo vần gián cách, vần liền hoặc vần giao nhau. Nhịp thơ ngắt 3-2; giữa các dòng có sự kết hợp hài hoà về thanh điệu. Thơ năm tiêng thích hợp với cảm xúc sâu lắng, nhịp điệu chắc khoẻ, gọn gàng, dứt khoát.

+ Thể bảy tiếng: Có thể chia khổ hoặc không chia khổ, mỗi khổ thường gồm bốn dòng, ba dòng hiệp vần với nhau gần giống với một bài tứ tuyệt, thường chỉ có một vần, hai dòng đầu vần liền, dòng thứ ba vần gián cách. Thể bảy tiếng hiện đại có thể không gieo vần chính (lặp lại nguyên vẹn vần của tiếng cuối dòng đầu) mà gieo vần thông (vần không hoàn toàn giống nhau mà chỉ gần nhau) làm cho câu thơ không bị gò bó, nhịp điệu phong phú hơn. Cách ngắt nhịp trong thơ bảy tiếng cũng rất linh hoạt nhưng phải đảm bảo sự hài thanh để tạo nhạc tính cho bài thơ. Thơ bảy tiếng thích hợp với việc diễn tả những cảm xúc đều đặn, rộng mở, mạch cảm xúc không gò ép trong những khuôn khổ có sẵn.

+ Thể tám tiếng: Có thể chia khổ hoặc không chia khổ. Thơ tám tiếng thường gieo vần chân. Nhịp thơ thông thường là 3/5 hay 3/3/2 gần giống với hát nói. Thơ tám tiếng khá phóng túng, có khả năng diễn đạt những khung cảánh hoành tráng, những cảm xúc dạt dào.

+ Thể thơ tự do: Thơ tự do không có luật nhất định, có thể chia khổ hoặc không chia khổ, có vần hoặc không có vần, ngắt nhịp đều đặn hoặc không đều đặn, dòng thơ dài ngắn không đều nhau, chỉ chú trọng đến cảm xúc, nhạc điệu và hình tượng thơ.

+ Thơ văn xuôi: Không hạn chế số lượng tiếng trong mỗi dòng thơ, thường có số lượng tiếng nhiều như một câu văn xuôi nên rất phóng khoáng trong diễn đạt. Tuy nhiên, thơ văn xuôi vẫn phải đảm bảo sự hài hoà về âm thanh, nhịp điệu để tạo âm hưởng.
Sự tổng kết các mô hình âm luật như trên chỉ mang tính phổ biến chứ không mang tính cố định bất biến. Ta thường gặp sự phá cách ở các nhà thơ tài năng, ở mọi thể thơ. Chính sự phá cách đó có tác dụng tạo hình, gợi cảm và tạo ra những sáng tạo mới mẻ, bất ngờ mà ta thường gặp trong thơ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây