© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc

Thứ ba - 10/01/2017 20:53
Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị; chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao, “mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi thẹn nghìn thu” (Bình Ngô đại cáo); võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, “yếu đánh mạnh, ít địch nhiều,... thắng hung tàn bằng đại nghĩa” (Bình Ngô đại cáo), văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao: “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” (Lê Quý Đôn), “văn chương mưu lược gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế” (Phan Huy Chú). Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta!
Chúng ta thường nói: ôn cũ biết mới. Phải nói thêm: từ mới hiểu cũ. Chỉ có chúng ta, những người đã đạp đổ chế độ cũ và dựng lên chế độ mới, chế độ người dân làm chủ, chỉ có chúng ta, những người vũ trang bằng quan điểm duy vật lịch sử, mới nhìn thấy một cách đúng đắn những sự kiện của lịch sử và đánh giá một cách công minh người và việc. Dưới con mắt sáng suốt đầy nhiệt tình của chúng ta, Nguyễn Trãi, đời sống và hoạt động, tâm tư và chí hướng, thơ và văn, tóm lại toàn bộ sự nghiệp và con người của Nguyễn Trãi sống dậy, lớn lên, và hướng tới chúng ta. Đối với người và việc của lịch sử, thời gian trôi qua dần dần làm lu mờ cái gì còn đục, chưa thật trong, ngược lại, làm thêm sáng tỏ những giá trị chân chính, những cống hiến thật quý cho thời đại và con người. Nguyễn Trãi không sợ thời gian. Nguyễn Trãi sẽ sống mãi mãi trong trí nhớ và tình cảm của người Việt Nam ta. Và chúng ta còn phải làm cho tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Trãi rạng rỡ ra ngoài bờ cõi nước ta.

Nhớ Nguyễn Trãi, chúng ta nhớ người anh hùng cứu nước, người cùng Lê Lợi làm nên sự nghiệp “Bình Ngô” người thảo Bình Ngô đại cáo. Nguyễn Trãi là một người yêu nước, yêu nước sâu sắc, mạnh mẽ, thiết tha, với tâm hồn và khí phách của người anh hùng. Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để cứu nước phải dựa vào dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người. Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân.

Nguyễn Trãi suốt đời mang một hoài bão lớn: làm gì cho dân, người dân lầm than cực khổ. Bắt đầu Bình Ngô đại cáo có câu: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, chữ “an” ở đây có nghĩa an cư lạc nghiệp, cùng một ý với câu cuối của Bình Ngô đại cáo: “nền thái bình muôn thuở”. Nguyễn Trãi là tác giả của Dư địa chí, một cuốn sách có giá trị về địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị của nước ta thời bấy giờ. Đáng tiếc Nguyễn Trãi không có đủ cơ hội đem tất cả chí hướng và tài năng của mình cống hiến cho nước, cho dân, cho người đời. Nhưng nghĩ cho cùng, không thể khác được. Đối với triều đình nhà Lê lúc bấy giờ, sau khi “bốn biển đã yên lặng”, Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá. Nguồn gốc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị “tru di” ba họ là ở đó.

Chúng ta hãy ngẫm nghĩ hai câu thơ (chữ Hán) dưới đây của Nguyễn Trãi:

Họa phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỷ thiên niên.


tạm dịch tiếng Việt:

Họa phúc có nguồn, phải đâu một buổi,
Anh hùng để hận hàng mấy nghìn năm.


Hình như Nguyễn Trãi muốn trối mối hận của mình cho đời sau!
Nhớ Nguyễn Trãi là nhớ người anh hùng cứu nước, đồng thời là nhớ nhà văn lớn, nhà thơ lớn của nước ta.

Phạm Văn Đồng

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây