© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Từ cô Kiều đời thường trong nguyên tác đến nàng Kiều khuê các của Nguyễn Du

Thứ ba - 10/01/2017 20:48
Ai cũng biết cô Kiều từ Kim Vân Kiều truyện bằng văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân tái sinh thành nàng Kiều trong Truyện Kiều bằng thơ của Nguyễn Du, nhưng ít ai để ý đến tính cách khác nhau giữa hai nhân vật ấy - có thể gọi như thế qua sự gia công biến cải của thi hào Nguyễn Du, người tiếp thu và chuyển thể.
Ở Kim Vân Kiều truyện, cô Kiều tuy là con gái một viên ngoại nơi đế đô Bắc Kinh, “thông thi thư, thích âm nhạc, nghiện hồ cầm” nhưng gia cảnh không dư dật, càng không phải một tiểu thư khuê các. Cô là con gái đầu lòng với đầy đủ những nết đảm đang, tháo vát, quán xuyến mọi việc nhà thay cha mẹ. Gặp cơn gia biến, chính cô nhanh chóng quyết định bán mình chuộc cha. Cô là người chủ chốt lo đối phó với bọn công sai, biết nhờ người lo liệu giấy tờ chu toàn, ổn thỏa cho cha và em trai thoát khỏi gông cùm tù ngục. Cô biết thu xếp việc nhà là việc riêng đạt tình, thấu lý: trong lúc gia đình khốn đốn, cô còn đủ tỉnh táo, khôn ngoan, sành sỏi, nhờ viên lại già họ Chung mượn cân về cân lại số bạc mua người của Mã Giám Sinh: “Người khách họ Mã xem xong (Giấy tờ tình nguyện bán Kiều của Vương ông Vương bà, Vương Quan), liền gọi người hầu lấy bạc ra trả 450 lạng. Thúy Kiều nhờ công sai họ Chung đến tiệm bán tơ lựa mượn một cái cân, cân từng gói một, thấy thiếu mất năm lạng, Thúy Kiều nói:

“- Mấy lạng này lẽ ra tôi không nên đòi thêm cho đủ, nhưng tôi bán mình vì cha, không thể không rõ ràng minh bạch như vậy được.

Người họ Mã phải bù thêm cho đủ số” (Kim Vân Kiều truyện, hồi 5, Nxb Văn nghệ gió xuân, Liêu Ninh, 1986). Cũng ở Kim Vân Kiều truyện, giờ tuất ngày hai mươi mốt, khi để cho Sở Khanh bắc thang trèo qua cửa sổ vào phòng, Kiểu đã bị hắn vòi vĩnh trước khi đưa cô “đi trốn”...

Chẳng chỉ riêng Thúy Kiều mà Kim Trọng cũng là một chàng trai “đời thường” với tâm lí muôn thuở “hoa thơm hái cả cụm”. Ngay lần đầu gặp hai nàng, chàng mất hồn vì nhan sắc của cả hai đến nỗi thầm thề rằng: “Ta mà không lấy được cả hai nàng làm vợ thì suốt đời chẳng lấy ai nữa”.

Những tình huống, sự việc, tâm trạng diễn biến phù hợp với lôgic đời thường, của những con người bằng da bằng thịt trong xã hội như một vài trích đoạn trên đây, Nguyễn Du đều lược bỏ khi chuyển thể, nhất là nhân vật chính, khi bước vào trang thơ ông họ đều trở thành khuê các, hòa hoa phong nhã. Cảnh, vật, nhất là ngôn ngữ thuật truyện cũng được tác giả bỏ nhiều công sức trau truốt để tôn thêm vẻ đẹp cho nhân vật. Trong văn xuôi, Kim Trọng là “một thư sinh khăn bay áo mầu cưỡi ngựa xa xa tiến lại. Vương Quan nhận ra là bạn đồng môn Kim Trọng nhưng không biết bạn cố ý theo tìm đến đây. Sợ hai bên chạm mặt, Vương Quan vội bảo:

- Anh Kim đến kìa, mau lánh đi!

Thúy Kiều nghe nói ngước mắt nhìn lên,m thấy Kim Trọng phong lưu phóng khoáng, nho nhã, linh lợi, cưỡi ngựa tới trước mộ bèn cùng Thúy Vân lảng ra sau mộ” (hồi 1).

Tới Nguyễn Du, cũng cảnh cũng người ấy nhưng được thêm thắt để trở thành cảnh thơ mộng biết bao!

... Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu bước làn dặm băng,
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con,
Tuyết in sắc ngựa câu dòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.
Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao,
Chàng Vương quen mặt ra chào,
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.


Sự biến cải, lựa chọn, sáng tạo nên trên đây tất nhiên do quan điểm nghệ thuật thẩm mĩ của Nguyễn Du, của thời đại Nguyễn Du. Nhà thơ cũng như nhiều tác giả chuyển thể tiểu thuyết Trung Quốc khác, từ Nguyễn Hữu Hảo (? - 1713) với Song Tinh Bất Dạ, Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) với Truyện Hoa tiên, tới Lý Văn Phức (1785 - 1849) với Ngọc Kiều Lê, Truyện Tây Sương v.v... đều có chung mạch cảm hứng về loại đề tài thường gọi là “tài tử giai nhân”, cốt truyện chủ yếu là tình yêu đầy trắc trở của những trai tài gái sắc “trướng rủ màn che, hào hoa phong nhã”, song cuối cùng trúc mai vẫn sum họp trong đạo lý hiếu trung trọn vẹn. Sự biến cải và lựa chọn đó còn do đặc điểm thể loại quyết định. Thơ dù là tự sự, phản ánh cuộc đời song không cần và không bao giờ miêu tả trần trụi, đầy đủ, chi tiết... như văn xuôi.

Con tim nhức nhối của Nguyễn Du cũng đã thổ lộ tinh cảm nồng nàn với nàng Kiều của ông. Ngôn ngữ thơ và những biến cải đầy sáng tạo của ông khiến cho nàng Kiều khuê các khờ dại, cả tin giành được mối đồng cảm sâu sắc nơi bạn đọc hơn một cô Kiều sắc sảo, khôn ngoan trong nguyên tác văn xuôi rất nhiều. Đó chính là thành công lớn của Nguyễn Du, là nguyên nhân cắt nghĩa tại sao bạn đọc Việt Nam khi đã đọc Truyện Kiều rồi thì không muốn được Kim Vân Kiều truyện nữa, trừ phi là người nghiên cứu.

Phạm Tú Châu

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây