© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Ôn tập phần tập làm văn - Ngữ Văn 9

Thứ hai - 09/10/2017 05:33
Mục đích của bài ôn tập giúp các em nắm được:- Tác dụng chính của phần Tập làm văn đã học trong học kì I lớp 9, thấy được tính chất tích hợp của chúng với các văn bản đã học;- Thấy được tính kế thừa và phát triển của các nội dung Tập làm văn học ở lớp 9 bằng cách so sánh với nội dung các kiểu văn bản đã học ở những lớp dưới.
1. Phần Tập làm văn trong Ngữ văn 9, tập một tập trung vào hai nội dung lớn:

- Tiếp tục học về văn bản thuyết minh với trọng tâm là kết hợp thuyết minh với các phương thức khác như với một số biện pháp nghệ thuật, kết hợp với miêu tả...
- Tiếp tục học về văn bản tự sự với trọng tâm:
+ Kết hợp tự sự với miêu tả nội tâm.
+ Kết hợp tự sự với nghị luận.
+ Về đối thoại và độc thoại trong văn tự sự.
+ Về người kể chuyện trong văn tự sự...

2. Vai trò, vị trí, tác dụng của các biện pháp nghệ thuật và yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh.
(Xem lại Bài 1 và Bài 2)

3. Điểm giống và khác nhau của văn bản thuyết minh có yếu tố miêu tả, tự sự và văn bản miêu tả, tự sự.

Xem lại bài học về đặc điểm của từng loại văn bản để trả lời câu hỏi.

Có thể tham khảo bảng so sánh sau:
 
Văn bản thuyết minh Văn bản miêu tả
- Trung thành với đặc điểm của đối tượng, sự vật. 
- Đơn nghĩa.
 - Dùng nhiều số liệu cụ thể chi tiết. 
- Bảo đảm tính khách quan, khoa học.
- Ít dùng tương tượng, so sánh.  
- Thường theo một số yêu cầu giống nhau (mẫu). 
- Ứng dụng trong nhiều tình huống cuộc sống, văn hoá, khoa học.. 
- Có hư cấu tưởng tượng, không nhất thiết phải trung thành với sự vật.
- Đa nghĩa.
- ít dùng số liệu cụ thể, chi tiết.
- Mang nhiều cảm xúc chủ quan của người viết.
- Dùng nhiều so sánh, liên tưởng.
- ít tính khuôn mẫu.
- Dùng nhiều trong sáng tác văn chương, nghệ thuật.

4. Sách Ngữ văn 9, tập một nêu lên những nội dung về văn bản tự sự như sau:

- Yêu cầu phải biết cách tóm tắt văn bản tự sự.
- Nhận diện các yếu tố miêu tả, miêu tả nội tâm, nghị luận đối thoại và độc thoại nội tâm, người kể chuyện. Thấy được vai trò, vị trí của các yếu tố đó trong văn bản tự sự.
- Kĩ năng kết hợp các phương thức khác trong văn bản tự sự.

Ví dụ:
- Đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm: 

Thực sự mẹ không lo lắng đến nỗi mẹ không ngủ được. Mẹ tin đứa con của mẹ lớn rồi. Mẹ tin vào sự chuẩn bị chu đáo cho con trước ngà khai trường. Còn điều gì để lo lắng nữa đâu! Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang lên bên tai tiếng đọc bài trầm bổng: “Hằng năm, cứ vào cuối thu... Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. (Lý Lan)

Đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận.

Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức; nghe nhạc Thái thường để đãi yến nguỵ sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp giặc, mẹo cờ bạc không thể làm mưu lược nhà binh; Dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, tấm thân quý nghìn vàng khôn chuộc, vả lại vợ bìu con díu, việc quân cơ trăm sự ích chi; tiền của tuy nhiều không mua được đầu giặc, chó săn tuy khôn không đuổi được quân thù; chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết, tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai. Lúc bấy giờ, ta cũng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào! (Trần Quốc Tuấn).

Đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận:

Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm. Những người nghèo nhiều tự ái vẫn thường như thế. Họ dễ tủi thân nên rất hay chạnh lòng. Ta khó mà ở cho vừa ý họ... Một hôm,, tôi phàn nàn việc ấy với Binh Tư. Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. Hắn bĩu môi và bảo:

- Lão làm bộ đấy! Thật ra thì lão chỉ tẩm ngẩm thế, nhưng củng ra phết chứ chả vừa đâu: Lão vừa xin tôi một ít bả chó...
Tôi trố mắt nhìn, ngạc nhiên. Hắn thì thầm:
- Có con chó nhà nào cứ đến vườn nhà lão... Lảo định cho nó xơi một bữa. Nếu trúng, lão với tôi uống rượu.
Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết... Một người như thế ấy!... Một người đã khóc vì trót lừa một   con chó!... Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng... Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn...
(Nam Cao)

5. Đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm và vai trò, tác dụng, hình thức thể hiện của các yếu tố này trong văn bản tự sự.
(Xem lại bài 13)

Ví dụ:
...tôi cất giọng véo von:
Cái Cò, cái Vạc, cái Nông 
Ba con cùng béo, vặt lông con nào?
Vặt lông cái Cốc cho tao 
Tao nấu, tao nướng, tao xào, tao ăn.

Chị Cốc thoạt nghe tiếng hát từ trong đất văng vẳng lẽn, không hiểu như thế nào, giật nẩy hai đầu cánh, muốn bay. Đến khi định thần lại, chị mới trợn tròn mắt, giương cánh lên, như sắp đánh nhau. Chị lò dò về phía cửa hang tôi, hỏi:

- Đứa nào cạnh khoé gì tao thế? Đứa nào cạnh khóe gì tao thế?

Tôi chui tọt vào hang, lên giường nằm khểnh bắt chân chữ ngũ. Bụng nghĩ thú vị: “Mày tức thì mày cứ tức, mày ghè vỡ đầu mày ra cho nhỏ đi, nhỏ đến đâu thì mày cũng không chui nổi vào tổ tao đâu!”

(Tô Hoài)

6. Tìm hai đoạn văn tự sự, trong đó một đoạn người kể chuyện kể theo ngôi thứ nhất, một đoạn kể theo ngôi thứ ba.

Đoạn kể theo ngôi thứ nhất:

Ở Hà Nội, tôi có một căn phòng bé, gác hai. Căn nhà của tôi cổ và sâu trong ngõ, có nhiều cây xanh. Những cây ấy cũng qua bao năm tháng rồi, dây tầm gửi leo đầy. Ban đêm, tôi ngồi lên thành cửa sổ, nhìn ra những mái nhà nhấp nhô, đen thẫm và hát. Tôi hát say sưa, ầm ĩ. Ở bên cạnh có ông bác sĩ, một người khó ngủ, phải bật đèn lên, lịch sự gõ vào tường ba cái. Một tháng phải có hai mươi đêm như vậy. Tôi ngồi chờ giấc ngủ trở lại với ông bác sĩ và hả hê biện hộ cho mình: “Chỉ có một mình mới biết được cái bao la và trong lành của đêm thành phố. Ông bác sĩ già tìm đâu ra được cái này trong những giấc mơ khó khăn kia. (Lê Minh Khuê)

Đoạn kể theo ngôi thứ ba

Trong lúc đó, nó vẫn ôm chặt lấy ba nó. Không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con:
- Ba đi rồi ba về với con.
- Không! Con bé hét lên, hai tay nó, siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai- tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi cấu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run.
(Nguyễn Quang Sáng) 
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây