© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài ca dao: Gió đưa cành trúc la đà

Chủ nhật - 24/10/2021 11:23
Phân tích bài ca dao: Gió đưa cành trúc la đà
Phân tích bài ca dao:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Một trong những đề tài quan trọng nhất của ca dao dân ca là quê hương đất nước. Trong những vần thơ dân dã mộc mạc mà đáng yêu ấy, người đọc đã bắt gặp hình ảnh của làng quê Việt Nam hiện lên thấp thoáng hữu tình. Từ bức tranh nước non xứ Nghệ đầy mơ mộng:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

đến khung cảnh gợi cảm nơi ải Bắc xa xôi:

Đồng Đăng có phố Kì Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.

Hay đất trời nước non xứ Huế mộng mơ:

Núi Truồi ai đắp mà cao
Sông Hương ai bới ai đào mà sâu.

Nhưng trữ tình và thơ mộng nhất có lẽ là cảnh Hồ Tây, Hà Nội.

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn xương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.


Bài ca dao này đã thể hiện một cách đặc sắc và độc đáo vẻ đẹp từ thiên nhiên đến sinh hoạt của chốn kinh kì thuở nào khi một ngày mới bắt đầu.

Nhà thơ dân gian, tác giả bài này, có lẽ giữa một sớm mai đã đứng lặng bên hồ, đắm mình vào cảnh vật để cảm xúc sâu lắng của tâm hồn ngân lên thành thơ một cách hết sức tự nhiên. Người đọc nắm bắt được mạch cảm xúc trữ tình đó qua nội dung gợi tả của mấy đường nét chấm phá sơ sài tưởng như rời rạc ở đây.

Khởi đầu là một nét vẻ thoáng khoan thai và gợi tả qua câu thơ nhịp đôi đều đặn nhịp nhàng: “Gió đưa cành trúc la đà”. 

Tả cành trúc lay động là đà, tác giả nhằm nói lên tính chất khẽ khàng của làn gió sớm. Lối mượn cái động tả cái tĩnh ấy khiến cho người đọc hình dung được vẻ yên ả của cảnh vật thiên nhiên tuy sống nhưng không động. Gió ở đây chỉ đưa nhẹ nhàng chứ không thổi mạnh, chỉ đủ làm rung rinh đu đưa những cành trúc đeo nặng sương mai la đà sát mặt đất, mặt nước.

Cây trúc, cây tre là loại cây thanh tú gần gũi và thân thuộc với con người Việt Nam chúng ta xiết bao! Đây chính là hình ảnh không những tượng trưng cho vẻ đẹp thanh mảnh, dịu dàng của táng dấp và tâm hồn người thiếu nữ:

Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.

Hình ảnh “cành trúc la đà” với làn gió hiu hiu đủ tạo cho người đọc những cảm giác kì ảo, vừa gợi vẻ thanh tú đầy thi vị và sinh động của cảnh vật, vừa gợi lên một không khí trong lành tươi mát và yên ả của một buổi sớm mai thanh bình. Nhà thơ lúc này đã chìm đắm vào thiên nhiên, cảm nhận thiên nhiên bằng cả tâm hồn và bằng mọi giác quan.

Do đó, sau khi tả cảnh vật ven hồ tác giả lại nói về những âm thanh gần xa:

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Nhịp chày Yên Thái …

Hồi chuông, canh gà, nhịp chày..., những gì nghe được ấy, đều là những âm thanh văng vẳng từ xa vọng lại đều đặn, sâu lắng, cân xứng và hòa hợp như cùng đếm nhịp thời gian. Tất cả đều làm tăng thêm vẻ êm ả mênh mang của đất trời. Có điều, nếu tiếng chuông đền Trấn Vũ ngân nga trong sương sớm như ru hồn ta vào một cõi huyền ảo và thơ mộng thì tiếng gà Thọ Xương báo sáng và nhịp chày giã đó của làng Yên Thái đã khiến ta bừng tỉnh và hòa nhập ngay vào nhịp sống lao động dân dã đời thường cần mẫn của người dân đất kinh kì lúc trời rạng sáng.

Sau cùng là hai câu thơ đượm đầy dáng vẻ cổ thi:

Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Vẫn với thủ pháp lấy một vài nét động để làm nổi cảnh vật tĩnh, giống như trường hợp làn gió hiu hiu ở câu đầu, ở câu ba này, nhà thơ đã mượn cái lay động không gian của làn sương nhẹ lan tỏa để làm nổi thêm dáng phẳng lặng của mặt hồ.

Từ láy tượng hình mịt mù và hình ảnh ẩn dụ khói tỏa ngàn sương ở đây đã đem lại cho bài ca dao một màu sắc và một khí vị cổ điển đặc biệt. Nếu câu trên tả làn sương sớm mịt mù như khói tỏa trên hồ tức là mặt hồ còn ẩn trong ngàn sương thì ở câu sau mặt gương Tây Hồ, mặt hồ đã hiện ra như tấm gương long lanh dưới ánh nắng ban mai. Hai chi tiết tưởng như rời rạc mà đã kết hợp lại diễn tả cảnh đêm về sáng, làm cho người đọc tưởng như đã cảm nhận được từng bước đi êm ả của thời gian.
Nói tóm lại, đây là một viên ngọc quý trong kho tàng văn học của nước nhà. Ở đây, tình cảm của nhà thơ dân gian đã chan hòa với thiên nhiên yên ả, thanh bình của Hồ Tây buổi sớm. Hơn thế nữa, cách cảm nhận của tác giả đã thấm đượm tình cảm bó sâu sắc với cảnh vật thân thuộc vốn đã tạo nên gương mặt và hồn của quê hương ta.

Bài ca dao đủ để gợi lại trong tâm hồn ta một thời đã qua, cái thời mà tiếng chuông chùa, tiếng gà báo sáng hòa lẫn với nhịp cháy giã đó làm ăn cần cù của nhân dân cùng âm thanh của đất, của những Trấn Vũ, Thọ Xương, Yên Thái, Tây Hồ đầy sinh khí, thân thuộc đời thường vào lúc bình minh...

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây