© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài cao dao: Người ta đi cấy lấy công

Thứ ba - 12/10/2021 08:16
Phân tích bài cao dao: Người ta đi cấy lấy công
Phân tích bài cao dao: "Người ta đi cấy lấy công,Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.Trông trời, trông đất, trông mây,Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêmTrông cho chân cứng, đá mềm,Trời yên, bể lặng mới yên tấm lòng”.
Người nông dân thời xưa gửi gắm tình cảm, ước mơ và nguyện vọng của mình vào ca dao. Ngày nay, ta còn được nhiều bài đặc sắc. Thế nhưng trong số đó, chỉ có bài “Người ta đi cấy lấy công …” sau đây là bộc lộ cẩm nghĩ về công việc, sự lo lắng, hồi hộp về kết quả thời vụ còn phụ thuộc vào thời tiết thiên nhiên của mình:

“Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng, đá mềm,
Trời yên, bể lặng mới yên tấm lòng”.

Đây là một bài ca dao giản dị, chân chất, tự nhiên, hàm súc và sống động. Trọn bài là lời trực tiếp của người thợ cấy chứ không phải là của một ai khác. Tuy nhà nghệ sĩ vô danh không nói rõ đó là nam hay nữ nhưng ai cũng thấy nhân vật trữ tình của bài thơ nầy rất có ý thức lo lắng cho công việc mình làm và đặc biệt hơn nữa là có sự khác người trong cách cảm xúc và suy nghĩ:

Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Hai câu này cho thấy rõ ràng ở đây người thợ cấy rất có ý phân biệt mình (tôi) với bao nhiêu là người thợ cấy (người ta). Sự khác nhau đó là một đàng thì đi cấy với tinh thần làm thuê nhằm mục đích lấy công (tối ngày dài công) còn một đàng thì đi cấy với tinh thần làm chủ: Vừa biết làm vừa biết tính toán, lo liệu nhiều bễ.

Lời tục thường bảo: “Một người hay lo bằng một kho người hay làm”. Ở đây, người thợ ấy - nhân vật trữ tình của bài ca dao trên quả đáng là người hay lo nên rất tự hào phân biệt mình với người ta ở chỗ biết toan tính, lo liệu với ý thức trách nhiệm cao. với sự hiểu biết đầy đủ các mặt về công việc của mình làm.

Trong câu hai, hai từ trông và bề dùng thật là đắc địa. Trông vừa có nghĩa là quan sát, nhìn ngó, vừa có nghĩa là mong chờ, hi vọng. Cũng vậy, bề vừa chỉ cái cụ thể, vừa chỉ cái trừu tượng cho thấy hình ảnh một người thợ cấy với cách nhìn, cách nghĩ đa diện và độc đáo.

Bốn câu sau tiếp tục khắc họa rõ nét thêm hình ảnh ấy. Đặc biệt là hai câu giữa bài, từ trông với bảy lần lặp lại, bảy lần gắn với bảy đối tượng trông cụ thể khác nhau:

Trông trời, trông đất, trông mây.
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Hai câu này là hình ảnh hàm súc, sinh động, nói lên biết bao nhiêu công việc vô vàn người làm ruộng. Từ lúc đặt cây mạ xuống đồng cho tới phút bưng bát cơm đầy đúng là “Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Các từ trông ở hai câu trên cũng đến là đắc địa. Trông trời, trông đất, trông mây thì trông đúng là đưa mắt nhìn, quan sát theo dõi liên tục. Nhưng ở câu sau: “Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm” thì từ trông còn bao hàm cả ý nghĩa mong chờ và hi vọng. Thế mà đến hai câu cuối bài, từ trông lại chỉ hoàn toàn biểu hiện ý nghĩa của nỗi niềm hi vọng, ước mong:

Trông cho chân cứng, đá mềm,
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng.

Hai câu trên chứa chan tình cảm, thể hiện cảm xúc và tấm lòng thánh thiện của người nông dân nói chung và người thợ cấy - nhân vật trữ tình của bài ca dao này - nói riêng. Họ hi vọng, ước mong điều gì? Chân cứng đá mềm vừa thể hiện ước mong vừa khẳng định sức lao động của người nông dân. Thành ngữ chân cứng đá mềm biểu hiện sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe của những con người lao động, dãi gió dầm sương, xông pha tron công việc gian nan, vất vả, nguy hiểm. Trời yên bể lặng ở đây cũng là thành ngữ, lời ăn tiếng nói của dân gian, không những biểu hiện sự bình yên của đất trời, thời tiết và khí hậu mà còn biểu hiện, tưởng tượng cho sự bình yên trong xã hội nghĩa là trật tự an ninh được bảo đảm, xã hội hoàn toàn vắng bóng chiến tranh, giặc cướp.

Toàn bài là sáu câu lục bát vần điệu hài hòa, lời lẽ thiết tha, chân thành, nhiều hình ảnh và từ ngữ gắn bó với công việc đồng áng. Người nông dân ở đây chỉ mới yên tấm lòng khi đổ công sức mình ra, có sự đền đáp, chỉ cần “Có làm thì mới có ăn”. Suy nghĩ ước mong của họ sao mà bình dị và đơn sơ đến thế. Đọc kĩ bài ca dao, ta thấy phía sau, từ trong sâu lắng của vần điệu câu chữ có chút chi đó buồn. Phải chăng đó là nỗi buồn do thời đại họ sống mang đến: thực tế xã hội cũng có mấy khi được trời yên bể lặng đâu! Càng hiểu rõ thêm nội dung ý nghĩa của bài ca dao này chúng ta càng thấu hiểu, cảm thông, khâm phục đôi mắt, tấm lòng của người thợ cấy Việt Nam thể hiện qua ước mơ và nguyện vọng đơn sơ, giản dị và sâu sắc đến khôn cùng của mình.

Có thể khẳng định đây là một trong những bài ca dao hay nhất trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam. Đây cũng chính là một tượng đài bất tử của người nông dân Việt Nam mãi mãi sừng sững một dáng hình trong dòng văn học dân gian bất tuyệt của dân tộc.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây