© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ Bánh trôi nước của nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Thứ sáu - 20/03/2020 13:12
Trong bài diễn văn đọc tại cuộc chiêu đãi trọng thể tối 17-11-2000 tại Phủ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kì W.J Clinton (nay là cựu tổng thống) đã trân trọng nhắc đến cuốn sách về nhà thơ Hồ Xuân Hương, vừa xuất bản tại Mỹ. Tổng thống nói: “Các bài thơ 200 năm tuổi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đang được xuất bản tại Mỹ bằng tiếng Anh, tiếng Việt và cả chữ Nôm nguyên bản, là bản thảo cổ đầu tiên của Việt Nam được in ấn tại Mỹ”.
Điều đó cho chúng ta thấy không chỉ có người Việt Nam mới yêu thích tài thơ Hồ Xuân Hương mà còn nhiều người nước ngoài ở cách xa chúng ta nửa vòng trái đất cũng mê thơ của “bà chúa thơ Nôm”. Trong số “các bài thơ 200 năm tuổi ấy” chúng ta không thể không nhắc đến tuyệt tác Bánh trôi nước:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Trước hết, chúng ta thấy bài thơ được nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật nhưng có đề tài bình dị. Thơ Đường luật thường chuộng cảnh thiên nhiên đẹp, lấy đề tài từ trăng, gió, mây, hoa, tuyết, núi, sông, tùng, trúc, cúc, mai... Nhưng ở đây, nữ sĩ lấy đề tài từ chiếc bánh trôi nước, một món ăn dân dã, mộc mạc, rất dễ làm. Trong dân gian, vào dịp thanh minh, mồng ba tháng ba, nhân dân ta luôn làm bánh trôi nước để thưởng thức.

Bài thơ chỉ có bốn câu nhưng nữ sĩ đã dành ba câu để miêu tả bánh trôi nước. Đó là loại bánh màu trắng, làm bằng bột nếp pha bột tẻ, nặn thành viên hình tròn, bên trong có miếng đường màu nâu đỏ. Trước khi luộc, ta phải đun nước sôi kỹ, cho vào chút gừng rồi thả bánh vào. Bánh nổi lên chìm xuống nầm bảy bận. Lúc chín bánh nổi trên mặt nước sôi. Hình dạng của bánh rắn hay nát phụ thuộc vào đôi tay khéo léo của người làm bánh.

Nữ sĩ miêu tả bánh trôi nước như thế vừa đúng, vừa kích thích tính tò mò của độc giả. Nhưng chúng ta chỉ hiểu nội dung của bài thơ theo nghĩa tường minh thì vô cùng thiếu sót. Tầng nghĩa hàm ẩn của bài thơ mới là điều đáng nói nhất. Thông qua nghệ thuật nhân hóa và ẩn dụ, Hồ Xuân Hương mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước để ca ngợi vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn của người con gái thân phận nhỏ bé, thường gặp nhiều gian truân, chìm nổi trong xã hội phong kiến nhưng vẫn gìn giữ được trọn vẹn phẩm giá cao quý cua mình. Người con gái hiện lên thật tròn trịa, phúc hậu, trắng trẻo, tâm hồn trong sáng:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Nữ sĩ đã dùng mô típ “thân em” rất quen thuộc trong ca dao Việt Nam để nói về thân phận phụ nữ trong xã hội cũ:

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào giếng nước, hạt ra ruộng đồng.
Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, kẻ thô tham dày.
Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Những tưởng với vẻ đẹp ấy, nàng sẽ có một tương lai tươi sáng, một hạnh phúc giăng ngập nẻo đường nàng đi, thế nhưng nàng phải chịu cảnh lênh đênh, bèo dạt hoa trôi giữa dòng người, dòng đời:

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Đọc câu thơ, chúng ta dễ liên tưởng đến câu ca dao: “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Câu ca dao nói đến số phận trôi nổi của người phụ nữ. Họ phải chịu bao định kiến khắc nghiệt do xã hội phong kiến gây ra, như quan niệm tam tòng “Tại gia tòng phụ; xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Câu thơ của nữ sĩ cũng gợi ta nhớ đến số phận: “Hoa trôi man mác biết về đâu?” của nàng Kiều tài hoa bạc mệnh trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Ở đây, nữ sĩ đã đặt thân phận bé nhỏ cua người phụ nữ ngang tầm với trời đất, đối diện với non sông: bảy nổi ba chim = với nước non

Rồi nâng thành biểu tượng của cả kiếp hồng nhan: “ba chìm bảy nổi” giữa cuộc đời rộng lớn. Sự độc đáo này, chúng ta hay gặp trong nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương như bài Tự tình, Dỗ người đàn bà khóc chồng:

Đêm khuya văng vắng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.
                      (Tự tình)
hay
Văng vẳng bên tai tiếng khóc chồng
Nín đi kẻo thẹn với non sông.
                  (Dỗ người đàn bà khóc chồng)
Nhưng nỗi đau đớn của người đàn bà ấy là cuộc đời nàng do người khác quyết định. Ở xã hội mà Hồ Xuân Hương đã sống là xã hội phong kiến Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX, có nhiều rối ren, phức tạp, đầy rẫy những hủ tục, định kiến khắt khe.

Pháp luật phong kiến không cho phép nam nữ có quyền tự do yêu đương, tự do kết hôn. Chỉ có cha mẹ (“tay kẻ nặn”) mới có quyền quyết định hôn nhân cho con cái. Đặc biệt, tình yêu không là yếu tố hàng đầu của cuộc hôn nhân. Tiền tài và địa vị xã hội sẽ làm cơ sở chính thức cho cuộc hôn nhân hay nói cách khác, cuộc hôn nhân lí tưởng phải theo quan niệm “môn đăng hộ đối”. Có nhiều người phụ nữ là nạn nhân của mua bán trong chế độ hôn nhân phong kiến. Do đó, họ không chỉ khổ về vật chất mà còn khổ nhục về tinh thần, tình cảm. Riêng nữ sĩ Hồ Xuân Hương lấy chồng rất muộn nhưng phải làm lẽ đến hai lần. Lần thứ nhất lấy tên cường hào dốt nát - tên Tổng Cóc. Ít lâu sau, Tổng Cóc chết. Lần thứ hai bà làm lẽ cho ông phủ Vĩnh Tường, nhưng chỉ sau 27 tháng thì ông cũng chết. Như vậy, hai lần làm lẽ cũng là hai lần Hồ Xuân Hương phải làm thơ khóc chồng.

Tuy người phụ nữ luôn gặp khổ đau chồng chất khổ đau, tủi nhục chồng chất tủi nhục nhưng cuối cùng, nhờ sự kiên cường, họ đã chiến thắng:

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Chữ “mà” chính là “con mắt” (nhãn tự) của bài thơ, là linh hồn của bài thơ, nâng giá trị của bài thơ lên đỉnh cao của thể thơ tứ tuyệt Đường luật. Mặt khác, từ “mà” có thể xem như một tuyên bố dõng dạc, rắn rỏi của người phụ nữ về việc gìn giữ đến cùng phẩm chất của mình. Đó là tấm lòng thủy chung, son sắt, trong trắng, chân thành không bị nhạt nhòa, phai nhạt theo năm tháng. Phải cháng đó chính là phẩm chất tốt đẹp luôn ngự trị trong dòng máu, hơi thở của nhiều người phụ nữ Việt Nam? Phải chăng đó là sự khám phá chứa chan tinh thần nhân đạo của nữ sĩ Hồ Xuân Hương?

Tóm lại, bằng những từ ngữ giản dị, mộc mạc, lấy từ lời ăn tiếng nói hằng ngày của quần chúng nhân dân, bằng cách chọn lựa đề tài giản dị kết hợp với khả năng sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bài thơ Bánh trôi nước đã để lại sức rung, sức gợi sâu xa bền bỉ trong lòng những độc giả yêu thơ suốt hai trăm năm qua. Càng trân trọng, nể phục Xuân Hương, chúng ta lại càng đồng cảm với lời đề từ của giáo sư John Balaban - Đại học North Carolina, Mỹ, trong cuốn “The Poetry of Hồ Xuân Hương”:

Ở bên trời Mỹ vẫn mơ
Nguồn sông còn chảy tình lờ lai rai
Trăm năm tiếng khéo ngân dài
Trên sông Cổ Nguyệt nhớ hoài Xuân Hương.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây