© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

Thứ năm - 14/02/2019 11:13
Nguyễn Khoa Điềm sinh ra trong một gia đình tri thức có truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng. Thơ ông rất giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén, mang màu sắc trữ tình - chính luận. Cùng với các nhà thơ thế hệ chống Mỹ lúc bấy giờ, Nguyễn Khoa Điềm cũng hướng ngòi bút của mình đến một chủ đề lớn lao của thơ ca đương thời đó chính là đất nước. Tuy nhiên hình ảnh “đất nước” trong thơ Nguyễn Khoa Điềm không chỉ có đau thương mất mát hay chỉ có cảnh hơn hà hùng vĩ mà “đất nước” hiện lên trọn vẹn qua những suy nghĩ và cảm nhận hết sức mới mẻ.
Đoạn trích “Đất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” chính là một định nghĩa đủ đầy về đất nước và qua đó cũng thể hiện sâu sắc tư tưởng cốt lõi của tác phẩm “Đất nước là của nhân dân”.

1. Đất nước gì?
 
Đất nước là những gì gần gũi, thân thương:
 
Mượn hình thức trò chuyện, tâm tình với người con gái yêu thương, nhà thơ định nghĩa đất nước theo cách của riêng mình, theo cách đặc biệt của thơ. Và ở đoạn thơ tiếp theo, vận dụng tính đơn lập của tiếng Việt, Nguyễn Khoa Điềm tách từ “Đất nước” thành hai thành tố “đất” và “nước” để đi sâu vào khái niệm, biến khái niệm “đất nước” trừu tượng thành cụ thể, gợi cảm:
 
“Đất nơi anh đến trường…nỗi nhớ thầm”
 
Ý thơ rất mới mẻ, cụ thể. Đất nước trở thành gần gũi, thân thương, gắn bó với mỗi người. Thân thương như mái trường ta học, dòng sông em tắm, góc phố, đình làng, ao sen, lũy tre, cây đa, bến nước – nơi lứa đôi hò hẹn. Một không gian nhỏ, chỉ hai người biết, rất riêng tư nhưng cũng đậm đà hồn quê hương, xứ sở. Đất nước còn thân thương như câu ca dao tình yêu quen thuộc cất lên từ mỗi xóm làng:
 
“Khăn thương nhớ khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ khăn vắt lên vai”
 
Đất nước mênh mông không tự nhiên mà có. Vẫn mạch cảm xúc thiết tha, nhà thơ say sưa lí giải:
 
“Đất nơi chim phượng hoàng…
Đất nước nơi dân đoàn tụ”
 
Lấy ý từ câu dân ca Huế mượt mà, câu thơ đưa người đọc về với không gian thân thương. Những từ “núi bạc, biển khơi” mang âm hưởng thành ngữ dân gian, gợi đất nước mênh mông, giàu đẹp. Sự mênh mông, giàu đẹp không tự nhiên mà có được, nó gắn với thời gian đằng đẵng, dài lâu, liên tục, bền bỉ mà nhân dân ta đổ bao mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa, để xây dựng bờ cõi đất nước thành dải đất hình chữ S thân thương, cho “dân mình đoàn tụ” trong yêu thương tự hào bởi: Đất nước là nơi chim về, rồng ở:
 
“Đất là nơi chim về…bọc trứng”
 
Những hình tượng quen thuộc thần thoại, truyền thuyết “chim, rồng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, bọc trăm trứng” cùng tụ về trong trường liên tưởng của nhà thơ. Sự hội tụ ấy làm bật lên ý thơ có tầm khái quát cao: dân tộc ta “con rồng cháu tiên, trai tài gái sắc”, đất nước ta “đất lành chim về, đất thiêng rồng ở”, dân tộc Việt anh em một nhà, được sinh từ bọc trăm trứng cha Lạc Long Quân mẹ Âu Cơ. Một đất nước có cội nguồn văn hóa truyền thống lâu đời rất đỗi thân thương và tự hào như thế, chính là “Đất nước của nhân dân”.
 
2. Trách nhiệm với đất nước:
 
Đất nước qua cách cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm không khô khan, trừu tượng mà tươi rói cảm xúc. Đất nước gắn liền với đời sống, số phận của từng cá nhân phương diện: lịch sử, địa lí, văn hóa. Đất nước còn là sự kết tinh sâu sắc giá trị tinh thần từ quá khứ “những ai khuất”, đến hiện tại “những ai bây giờ” và tương lai “yêu nhau sinh con đẻ cái”. Đặc biệt, mỗi thế hệ, mỗi cá nhân, gắn bó với đất nước, nhất là trách nhiệm của thế hệ hôm vô cùng nặng nề nhưng vinh quang: Chúng ta vừa phải gánh vác những công việc nhọc nhằn mà ông cha giao lại, vừa phải “dặn dò cháu chuyện mai sau” một cách ân cần, chu đáo, để hệ sau tiếp tục đưa đất nước đi xa, đến chân trời hòa bình, hạnh phúc, ấm no, giàu mạnh. Đó là mơ mộng, là khát vọng của thời đại nhà thơ nhưng là hiện thực tất yếu của tương lai. Ước mơ ấy, ngày nay đã thành sự thật. Lời thơ trong sáng, ấp ủ niềm tin giữa những ngày đánh Mĩ của nhà thơ thật cao đẹp và đáng quý.
 
Vì sự mưu sinh, mỗi người có thể làm ăn và lập nghiệp ở bất cứ nơi đâu, nhưng trong thẳm sâu tâm hồn, mỗi chúng ta đều mang trong người dòng máu Lạc Hồng. Những giờ khắc thiêng liêng nhất, niềm tự hào đối với truyền thống dân tộc lại trỗi dậy mãnh liệt:
 
“Hằng năm ăn đâu làm đâu…giỗ Tổ”
 
Hai chữ “cúi đầu” đầy yêu thương thành kính với đất nước. Ở đây, nhà thơ đã phát hiện ra một chân lí giản dị mà sâu sắc:
 
“Trong anh em hôm nay…một phần đất nước”
 
Giọng thơ tâm tình, với lối xưng hô anh – em tha thiết, nhà thơ như nhắn nhủ: đất nước không chỉ tồn khách thể, mà đã hóa thân trong máu xương mỗi người, trở thành một phần tâm hồn trí tuệ của “anh và em”. Sự gắn bó máu thịt giữa số phận cá nhân với vận mệnh cộng đồng là tư tưởng chung của thời đại. “Khi hai đứa cầm tay” tình yêu lứa đôi riêng tư đã tự mang trong nó vẻ đẹp hài hòa, nồng thắm tâm hồn dân tộc. “Khi chúng ta cầm tay mọi người”, tình yêu của hai đứa gắn bó với chung của tình yêu đất nước. Mỗi chúng ta đã nối vòng tay lớn vào cộng đồng, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho đất nước “vẹn tròn to lớn”, trường tồn và phát triển.
 
Trách nhiệm với đất nước, cũng chính là trách nhiệm với bản thân mình bởi:
 
“Đất nước là máu xương của mình”
 
Vì thế, mỗi chúng ta đều tự nhiên gắn bó với đất nước bằng tình yêu thiết tha, san sẻ với cộng đồng bằng ý thức trách nhiệm và khi cần có thể “hóa thân” bằng hành động hi sinh cho đất nước. Động từ “hóa thân” được nhà thơ sử dụng không chỉ phù hợp với màu sắc dân gian của chương thơ mà còn diễn tả sâu sắc sự tự nguyện dâng hiến trọn vẹn cho đất nước để bất tử hóa cùng non sông của mỗi người dân. Điệp ngữ “phải biết” vừa như một mệnh lệnh, vừa là tiếng nói thúc giục của con tim, tạo thành chất trữ tình – chính luận sâu sắc.
 
So sánh:
Nếu “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi mang đậm sắc thái hiện đại, gắn liền với kháng chiến chống Pháp đau thương nhưng anh dũng kiên cường thì “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm lại đậm đà phong vị dân gian, gắn với cội nguồn văn hóa dân tộc. Cùng tỏa sáng tình yêu và niềm tự hào đối với đất nước, nhưng mỗi bài thơ có một vẻ đẹp riêng, khiến cho cảm hứng về quê hương trở nên đa dạng, hấp dẫn.
 
Kết luận:
Được bao bọc trong không khí của văn học dân gian, hình tượng đất nước trên trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm thơ mộng, trữ tình như từ xa xưa vọng về, bình dị mà thân thương gắn bó thiết tha với mỗi người dân. Cảm nhận về đất nước tản mạn mà thống nhất, sâu sắc. Hai chữ “Đất Nước” được viết hoa và điểm lại nhiều lần như một con mắt thơ đầy kính yêu, tự hào. Nhà thơ định nghĩa về “Đất Nước” bằng thơ, lời thơ lấp lánh màu sắc của huyền thoại dân gian, vừa lung linh vẻ đẹp trí tuệ, vừa thiết tha cảm xúc, tạo nhiều âm vang trong lòng người đọc.

Hà Phương Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây