Riêng Hữu Thỉnh, khi cảm mùa thu đang tới thì cũng là lúc ông nhận ra tuổi đời của mình trong bài thơ ngũ ngôn (3 khổ): Sang thu!
Mỗi nghệ sĩ cảm thu theo nét nhìn riêng của mình. Đặng Thế Phong thì buồn lặng lẽ nhìn “ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi...”. Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân,... cũng như Nguyễn Đình Thi ngây ngất với “Gió thổi mùa thu hương cốm mới...”. Còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ buồn man mác với:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ công tri thu
(Một lá ngô đồng rụng - Thiên hạ biết thu sang).
- Riêng Hữu Thỉnh thì:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sự chuyển mùa của trời đất từ hạ sang thu được nhà thơ cảm nhận bắt đầu từ hình ảnh nhân hóa “sương chùng chình”, và hiện tượng “hương ổi, gió se”.
Hầu như mọi giác quan của nhà thơ đều ghi nhận sự chuyển đổi của đất trời từ hạ sang thu:
+ Khứu giác nhận ra hương ổi
+ Xúc giác nhận ra gió se (lạnh).
+ Thị giác nhận ra sương chùng chình.
Những hình ảnh ấy được diễn tả bởi động từ mạnh như phả, tính từ chùng chình, phó từ hình như, tạo nên trạng thái biến đổi của sự vật làm người đọc cảm thấy tâm hồn bâng khuâng, xao xuyến.
Khổ thơ thứ hai, không gian thơ được mở rộng. Nếu ở khổ thơ thứ nhất, có thể ở trong nhà, có thể ở khu vườn đầy cây, nhờ giác quan nhạy bén mà phỏng đoán “hình như”. Trời đất chuyển mùa thì giờ đây nhà thơ đang đứng giữa đất trời, giữa một không gian rộng. Mọi hình ảnh đều được ghi nhận bởi thị giác. Dòng sông thì chảy “dềnh dàng” chậm chậm như còn luyến tiếc mùa hè, trong lúc chim chóc thì “bắt đầu vội vã” vì ngày ngắn đêm dài...
Hình ảnh, nét riêng của thời điểm giao mùa hạ - thu được thể hiện đặc sắc ở hai câu:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Động từ “vắt” có sức khêu gợi mạnh trí tưởng tượng của người đọc: Một bức tranh mây trời kì diệu giữa trong xanh mùa hè và sắc xám bàng bạc của mùa thu.
Khổ thơ cuối có vần ôm (mưa/ngờ) như khổ thơ thứ hai (vã/hạ), khác với vần chéo (se/về) ở khổ thơ đầu. Nếu hai khổ thơ trước mang nhiều nghĩa hiển ngôn (tường minh), miêu tả sự chuyển vần của đất trời từ mùa hạ sang mùa thu. Thì ở khổ thơ này ngoài nghĩa hiển ngôn còn có nghĩa hàm ngôn (hàm ý). “Nắng, mưa, sấm” ngoài nghĩa vốn có còn hàm ý về sự khó khăn, gian khổ; “cây đứng tuổi” ngoài nghĩa vốn có là cây lớn đã từng chịu nhiều nắng mưa, còn hàm ý chỉ con người vào “tuổi thu” từng trải. Đã chịu đựng bao vui buồn, khó khăn, gian khổ trong cuộc sống thường ngày. Khổ thơ đọc lên như lời trần tình về tâm trạng tỉnh táo của người ở tuổi trung niên:
Vẫn còn hao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
12 câu thơ ngũ ngôn được viết bằng thứ ngôn ngữ tượng hình thường thấy, đúng niêm luật của thơ.
Bút pháp “mượn mây vẽ trăng”, lấy cảnh Sang thu để bộc lộ tâm tư trước buồn vui của cuộc đời một cách tinh tế và tỉnh táo, khiến người đọc có chút gì xao xuyến, bâng khuâng.
* Ghi chú:
- Bài thơ thuộc thể ngũ ngôn (năm chữ).
- Tuổi đời của mỗi người có bốn giai đoạn tương ứng với bốn mùa:
+ Tuổi thơ: mùa xuân
+ Thanh niên: mùa hạ
+ Trung niên: mùa thu
+ Tuổi già: mùa đông