© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ: Thề non nước của Tản Đà

Thứ năm - 21/06/2018 10:25
Phân tích bài thơ: Thề non nước của Tản Đà
Tản Đà (1889 -1939) là một tài năng lớn trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỉ XX. Tản Đà là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà dịch thuật…, trong lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn của ngòi bút tài hoa. Nhưng Tản Đà nổi tiếng nhất là thi ca.
Bài thơ “Thề non nước”, bài thơ đặc sắc của Tản Đà được viết trước, rồi sau đó tác giả mới dựa vào bài thơ mà sáng tác truyện ngắn “Thề non nước”, như tác giả nói là “chép lời phong nguyệt mà gửi lời nước non”. Bài thơ đa nghĩa, nhưng trong sâu thẳm của hình ảnh, nhạc điệu và ngôn từ là tấm lòng của thi nhân đối với non sông đất nước:
 
“Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời nguyện ước thề non,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa.
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.”
 
Tản Đà chịu ảnh hưởng ca dao, ca trù của dân tộc. Dựng Non – Nước làm biểu tượng của tình yêu (tình yêu trai gái, tình yêu nước, “tương tự lọ phải là trai gái”), Tản Đà chịu ảnh hưởng lối xây dựng biểu tượng trong ca dao như Thuyền – Bến, Mây – Núi, Bướm – Hoa… Cặp biểu tượng Non – Nước, một tĩnh, một động, hình ảnh tĩnh là biểu tượng của người con gái (nữ xưa kia ít xê dịch), hình ảnh động là biểu tượng của người con trai (vận động, dời đổi). Nhưng tình yêu lứa đôi chỉ là để nhà thơ “gửi lời non nước”, cho nên biểu tượng non – nước là để nhà thơ gửi gắm tình yêu nước thiết tha đau đáu của mình.
 
Mở đầu bài thơ là nước – non thề nguyền, xa cách:
 
“Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời nguyện ước thề non,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.”
 
Tình cảm thì nồng nàn, thiêng liêng nhu Kim Kiều thề nguyền dưới trăng, như những đôi trai gái trong ca dao thề nguyền nơi đầu ghềnh cuối bãi. Nhưng tình cảm còn có gì đó sâu nặng hơn là tình yêu lứa đôi. Hãy lắng nghe âm điệu trong lời thề, từ “nặng” đứng giữa câu lục, điệp từ “đi đi” diễn tả sự xê dịch của “Nước”. Hãy lắng nghe nhịp điệu của sự xa cách, nhịp 2/2 rồi 4/4 trong câu lục và câu bát, những chữ thiêng như “nguyện”, “thề”, Nước…. “chưa lại”, Non… “đứng không”. Dòng tình cảm như mạch ngầm này mới chính là tư tưởng lớn của Tản Đà làm xao xuyến các con chữ.
 
Cấu trúc của cặp tình nhân non – nước biến hóa tuyệt hay. Khi thề nguyền, nước – non đứng song đôi nhau (Nước non nặng một lời thề), khi xa cách nước – non đứng ở hai đầu câu thơ xa vời biết mấy! (Nước đi đi mãi không về cùng non), lúc nhớ nhung nước – non đan chéo nhau (Nhớ lời nguyện nước thề non), lúc mong ngóng, đợi chờ, nước – non tách đôi ra (Nước đi chưa lại/ non còn đứng không).
 
Tôi nghĩ, nhà thơ khi viết không phân tích rạch ròi như vậy và cũng không cố ý sắp xếp từ ngữ như vậy, mà thơ đến một cách tự nhiên, hồn nhiên của một ngòi bút tài hoa và vào cái phút “thần nhập”.
 
Nước đi, non nhớ nước. Nỗi nhớ vò võ, heo hon, phôi pha của một người tình nhớ một người tình và “gửi lời non nước” của thi nhân nặng tình với nước non:
 
“Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha”.
 
Non đứng đầu khổ thơ chon von và không có một từ non nào khác, Non cô đơn biết bao! “Non cao” thật là hay, “non cao” có gốc rễ từ trong ca dao “Núi cao chi lắm núi oi, Núi che mặt trời chẳng thấy người thương”. Nhưng “Non cao” là thơ, không phải chỉ có một tầng nghĩa là tình yêu lứa đôi mà còn là hình tượng kì vĩ của thiên nhiên, hình tượng của nhà thơ nhớ nước. Những hình ảnh nhớ mong của non đồi với nước thật là phong phú, mĩ lệ.
 
“Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”
 
Tác giả đã chọn hình ảnh “suối khô dòng lệ” mà không dùng hình ảnh “suối tuôn dòng lệ” là hay vì “suối khô dòng lệ” diễn tả nỗi mong chờ cháy bỏng, với lại “nước” đã “đi” rồi lấy đâu mà “lệ” tuôn!
 
Tài hoa của Tản Đà là từng chi tiết của khổ thơ đầu đều biểu hiện nỗi “ngóng cùng trông” của Non:
 
“Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương”
 
Trong muôn ngàn cây lá của Non, nhà thơ đã chọn cây mai cốt cách, tiêu biểu cho tình cảm thủy chung cao quý. Không phải “cây mai” mà là “xương mai”, vì mai khi trổ bông đã trút hết lá, giơ những nhành gầy guộc như thiếu phụ “hao gầy” trong nhớ nhung đợi chờ. Và mây trên đầu non trắng xóa, không, Non nhớ Nước mà bạc đầu đấy! Tản Đà đã gửi gắm trong hình tượng thơ nỗi nhớ Nước da diết, cao cả của thi nhân.
 
Dưới bóng chiều tà, Non càng phơi bày vẻ đẹp đã “phôi pha” vì nhớ Nước:
 
“Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha”
 
Cách chọn thời gian (buổi chiều), chọn góc độ ánh sáng (ngả bóng) chọn nét đẹp cao quý (vẻ ngọc), chọn màu sắc (nét vàng phôi pha), chứng tỏ Tản Đà hết sức điêu luyện trong nghệ thuật dựng cảnh trong thơ.
 
Trong nỗi nhớ thương vời vợi, Non tỏ ý trách Nước và nguyện giữ lời thề xưa:
 
“Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa”.
 
Nước lại về trong nỗi nhớ của Non. Và nỗi thương nhớ trách móc, Non và Nước tách ra đứng ở hai đầu của hai vế tiểu đối:
 
“Non thời nhớ nước, nước mà quên non”
 
Trong lời nguyện trung thành với lời thề xưa thì Non Nước đứng xen vào nhau:
 
“Còn non còn nước hãy còn thề xưa”
 
Cách sử dụng thành ngữ (sông cạn đá mòn), và lối phô diễn của ca dao (Còn trời còn nước còn non, Còn cô bán rượu anh còn say sưa) khiến cho ý thơ sâu nặng, da diết.
Lời của thi sĩ nói với Non cũng thấm thía. Đây là lời tự nhủ của người tình, của nhà thơ khi người tình chưa về, hồn Nước chưa lại:
 
“Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.”
 
Trong lời của nhà thơ nói với Non thì Nước đứng một câu, Non đứng một câu trong thế cô đơn:
 
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
 
Nhà thơ nói với Non mà cũng là tự an ủi, có một niềm tin chắc nịch là Nước sẽ về, đấy là quy luật của tự nhiên “Nước đi ra bể lại mưa về nguồn”, quy luật của “dịch”, của sự đổi thay “Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui” (Thương hải vi tang điền (biển xanh thành nương dâu)). Cho nên nhà thơ hi vọng Nước – Non sẽ hội ngộ, sẽ đoàn viên:
 
“Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.”
 
Bài thơ “Thề non nước” tiêu biểu cho thơ Tản Đà vì tác phẩm đã bộc lộ nhiều nét tài hoa của thi sĩ. Thể thơ lục bát uyển chuyển, duyên dáng, bút pháp biến hóa, hình ảnh giàu xúc cảm, mĩ cảm, âm điệu sâu lắng đậm đà màu sắc dân tộc, ngôn ngữ hàm súc, trong sáng, đa nghĩa (có ba tầng nghĩa: miêu tả sức tranh thiên nhiên trong truyện, tình yêu lứa đôi, tình yêu nước).
 
Tất cả các hình thức nghệ thuật trác tuyệt đó nhằm phô diễn tình cảm yêu nước nồng nàn sâu thẳm của thi nhân. Nỗi nhớ Nước khôn nguôi, nỗi nhớ thương vò võ, nỗi chờ mong đến hao gầy, phôi pha, nhưng mà thơ vẫn tin tưởng và hy vọng hồn Nước sẽ trở về, nước sẽ được độc lập. “Thề non nước” là bài ca về nỗi đau mất nước của Tản Đà.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây