© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ: Tống biệt hành của Thâm Tâm

Thứ năm - 17/05/2018 23:53
Thơ Thâm Tâm như một giai điệu trầm hùng trong bản đại hòa tấu của thi ca lãng mạn (1930-1945). Thâm Tâm đã để lại cho đời bài thơ “Tống biệt hành” gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc và tiềm ẩn không ít bí mật. Tác giả cũng viết về đề tài quen thuộc (tống biệt) nhưng không có cái dây dưa mùi mẫn như những cuộc chia li trong thơ xưa. Người ra đi không phải là tình nhân mà là một chàng trai có chí lớn, có lí tưởng cao quý, có tinh thần quyết tâm ra đi (đượm tinh thần hiệp sĩ). Tác giả chọn thể “hành”, một thể thơ cổ phong (có trước thơ Đường luật) thật là thích hợp với tinh thần bi hùng của cuộc chia li.
Cuộc tiễn đưa đượm ý vị hiệp sĩ này đến nay gần như sáng tỏ. Nhà thơ Thâm Tâm tiễn đưa một người bạn cũng là một nhà thơ lên chiến khu hoạt động cách mạng (Người ta kể lại tên tuổi của từng người trong buổi tiễn đưa ấy, nhưng thiết tưởng cũng không cần nói ra đây những điều cụ thế ấy làm gì). Nhà thơ tiễn một nhà thơ, một vài người bạn nữa và đặc biệt là em gái của một người của một người bạn cũng hiện diện trong buổi tiễn đưa làm xao động không khí của buổi chia li.
 
“Đưa người ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
 
Lời thơ vừa cất lên thì nhạc cũng nổi lên biểu hiện tâm tư của người đưa tiễn. Câu thơ mở đầu toàn thanh bằng diễn tả nỗi bâng khuâng xao xuyến của buổi tiễn đưa. Câu thơ thất ngôn cổ điển thường nhịp 4/3 đã chuyển thành nhịp 2/5 hết sức mới mẻ:
 
“Đưa người ta không đưa qua sông”.
 
Sang câu thơ thứ hai, những thanh trắc (có, tiếng, sóng) đột ngột nổi lên như sóng - sóng lòng - và nghe tiếng sóng tưởng chừng cảm nhận được hình ảnh của dòng sông. Tứ thơ “không đưa qua sông” muốn so sánh với buổi tiễn đưa của thái tử Đan tiễn đưa hiệp khách Kinh Kha qua sông Dịch sang đất Tần để diệt tên bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Cuộc chia tay hiện đại này “không đưa qua sông” nhưng vẫn có tiếng sóng, sóng lòng, sóng tình của kẻ tiễn đưa. Câu thơ nghi vấn tu từ càng xoáy vào lòng người đọc tâm trạng của kẻ ở.
 
Từ bên trong, câu thơ lại chuyển sang diễn tả hình ảnh bên ngoài với những biểu hiện của sự xúc động:
 
“Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
 
Âm vang của sóng vẫn còn lan tỏa suốt cả khổ thơ với những điệp từ “không - không”, “trong - trong”, với điệp cú “sao có tiếng sóng”, “sao đầy hoàng hôn” càng tăng cường thêm chất nhạc và độ da diết của cảm xúc. Màu sắc của buổi chia li cũng được miêu tả không dễ dãi chút nào. Không phải là màu mà giữa các màu. Màu sắc của buổi chiều giữa “thắm”“vàng vọt”, một hòa sắc thật khó tả.
 
Một khổ thơ mà có hai sự đối lập bên ngoài và bên trong (không đưa qua sông - sao có tiếng sóng; không thắm không vàng vọt - sao đầy hoàng hôn) đã diễn tả tài tình tâm trạng nhớ thương, bịn rịn của người đưa tiễn. Hình ảnh vừa có không khí cổ kính lại vừa có tinh thần hiện đại. Tinh thần lãng mạn của thời đại nhiễm trong từng chữ thơ, tạo ra sự linh diệu cho “Tống biệt hành”.
 
Nhịp điệu thơ ban đầu lại được lặp lại, tạm gọi là nhịp sóng. Trong âm vang sóng lòng của kẻ ở người đi, nhà thơ mô tả chân dung tinh thần của “li khách”, của người ra đi:
 
“Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại.”
 
Thái độ của người ra đi thật dứt khoát, dẹp tình riêng mà theo đuổi chí lớn, đượm tinh thần hiệp sĩ. Chữ dùng khác thường (một giã gia đình) là để miêu tả thái độ khác thường của li khách. Phải hiểu những biến động trong xã hội Việt Nam đầu những năm bốn mươi mới thấy được thái độ của người ra đi là chân thành và cao quý. Nhiều thanh niên đã hướng về cách mạng, sẵn sàng bí mật từ giã gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Họ chưa có được sự hài hòa giữa lí trí và tình cảm. Người ra đi nặng về nghĩa lớn, chí lớn, đượm tinh thần hiệp sĩ. Người làm thơ ca ngợi kẻ ra đi lại là một nhà thơ lãng mạn, thấy được cái đẹp, cái hào hùng của kẻ ra đi “không hẹn ngày về” nhưng chưa hiểu được một cách cụ thể công việc của người chiến sĩ cách mạng.
 
“Li khách! .Li khách! Con dường nhỏ
Chi nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bảo giờ nói trở lại. ”
 
Những câu thơ cổ kính, sang trọng ngợi ca người chiến sĩ thời tiền khởi nghĩa mà có khác chi là ngợi ca Kinh Kha đi diệt bạo chúa!
 
Thi sĩ nhìn li khách hun hút trên “con đường nhỏ” mà bồi hồi nhớ lại tâm trạng của người ra đi:
 
“Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.”
 
Thơ Thâm Tâm điêu luyện trong ngôn từ và âm nhạc. Hai vần trắc liền nhau (trước - nốt) biểu hiện sự cứng rắn trong lòng người ra đi. Buồn mà cứng rắn mới lạ! Buồn vì phải li biệt gia đình, còn cứng rắn là thái độ của người con trai có chí lớn. Bốn câu thơ trên câu nào xuất hiện cũng đột ngột như là sự đột ngột xảy ra trong lòng cậu em trai. Đột ngột như là vào một buổi sáng mùa hạ nhìn thấy đầm sen nở rộ, “nở nốt”, nghĩa là nở đến bông sen cuối cùng. Hai người chị đã khuyên cậu em trai hết lời, đã khóc hết nước mắt cũng không ngăn được người em trai có “chí nhớn”. Không còn ngôn ngữ, chỉ còn dòng lệ biết nói:
 
“Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”
 
Từ “sót” nôm na mà hay. Nó cân bằng về mặt âm điệu với những từ đài các sang trọng trong thơ Đường (ví như chữ li khách chẳng hạn). Nó lại là thanh trắc, với dấu sắc đầy tức tưởi trong lòng của một chị, hai chị, những người chị hết lòng thương em, nhưng không còn phải cách trước cậu em trai đã trở thành Kinh Kha của thời nay!
 
“Tiếng sóng ở trong lòng” nhà thơ vẫn âm thầm dào dạt thành ra tiếng sóng ở trong thơ miên man chảy, tràn từ khổ thơ này sang khổ thơ khác. “Ta biết người buồn chiều hôm trước”, rồi điệp lại “Ta biết người buồn sáng hôm nay”...
 
“Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”
 
Như vậy là li khách đâu có “dửng dưng”. Li khách cũng “buồn”. Buồn vì phải chia xa những người ruột thịt. Buồn vì phải chia xa cô bé láng giềng. Thâm Tâm trân trọng phái đẹp. Sửa soạn cho “một chị, hai chị” xuất hiện thì có sen nở. Sửa soạn cho cô bé hiện diện trong buổi tiễn đưa thì có bầu trời tươi thắm “giời chưa mùa thu, tươi lắm thay”. Chao ôi! Trước “em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc” thì trời cũng phải tươi thắm thôi! Và buổi tiễn đưa xao động hẳn lên là khi “em nhỏ” bất ngờ trao kỉ vật cho chàng “hiệp sĩ”. Nhà thơ tinh tế ở chỗ đã quan sát cử chỉ “ngây thơ” của cô bé cứ rụt rè mà vo tròn chiếc khăn tay! Thâm Tâm còn tạo ra sự linh diệu của ngôn từ, không phải là gói tròn chiếc khăn tay mà là “gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”. Chỉ có thi sĩ mới thấy được cái lớn trong cái nhỏ, cái có trong cái không, cái trừu tượng trong cái cụ thể. Phải có nàng Đuyn-xi-nê-a ở thôn Tô-bô-xô để cho chàng hiệp sĩ Đông Ki-sốt (Đôn Ki-hô-tê) tưởng nhớ chứ! Thế mới đầy đủ hành trang tinh thần cho “li khách”.
 
Trời đẹp, người đẹp, tình đẹp cũng không đủ để níu bước chân ra đi của người thanh niên có chí lớn. Và thi sĩ đã đọc được trên từng nốt chân không lời những điều bí ẩn trong tâm hồn của li khách:
 
“Người đi? ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say”
 
Giọng thơ trầm xuống, nhịp thơ đứt đoạn, ngắc ngứ (Người đi/ừ nhỉ/ người đi thực). Cuộc tiễn đưa như mộng, hay nhà thơ đã nhìn cuộc đời thực thành mộng? Dưới mắt thi sĩ, người ra đi trọng nghĩa lớn mà nhẹ tình nhà. “Mẹ thà coi như chiếc lá bay”, nhẹ quá, đến gần như là vô đạo, “chị thà coi như là hạt bụi” nhỏ quá, đến gần như là khinh khi. Nhưng không, vào thời điểm lịch sử đó, những người có chí lớn, có lí tưởng cứu nước phải “thà coi” như vậy thôi. Rồi thiên hạ cũng phải đồng tình với sự lựa chọn giữa tình và nghĩa của người ra đi. Còn tình và tình? “Em thà coi như hơi rượu say”, em nào? Là cái “Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc” đó! Trong lòng anh, em không còn “nhỏ” nữa, em đã thành men “rượu say” rồi. Tốc độ lớn của tình yêu thật là phi thường, tình yêu tổ quốc (Phù Đổng) cũng vậy mà tình yêu người cũng vậy! Điệp từ “thà coi” nhấn mạnh ba lần trong một khổ thơ, âm điệu trầm hùng, tinh thần cứng cỏi đã thể hiện được sự xung đột nội tâm và sự lựa chọn nghiệt ngã của người ra đi.
 
Thâm Tâm để lại thơ không nhiều, nhưng có được một kiệt tác là “Tống biệt hành”. Bài thơ tình sâu, ý đẹp, nhạc hay, lời chuốt. Và điều kì tuyệt là nhà thơ đã tạo được chân dung tinh thần của một thế hệ thanh niên hướng về cách mạng, sẵn sàng và quyết tâm ra đi vì nghĩa lớn. Thơ vừa đượm không khí cổ kính vừa âm vang tinh thần của thời đại, gợi ra một vẻ đẹp đầy bí ẩn. Cách tân thơ theo hướng nghệ thuật dân tộc và phương Đông, Thâm Tâm đã tạo ra được nét riêng đầy sức hấp dẫn trong các nhà thơ lãng mạn nổi tiếng đương thời.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây