© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải

Thứ sáu - 13/01/2017 03:54
“Tụng giá hoàn kinh sư” như một trang kí sự bằng thơ nóng hổi tính thời sự và đầy ắp sự kiện lịch sử của thời đại nhà Trần. Bài thơ tứ tuyệt này ghi lại một cách hào hùng hai chiến công vang dội của quân và dân Đại Việt vào xuân - hè năm Ất Dậu (1285): trận Hàm Tử và Chương Dương. Thừa thắng, quân ta tiến lên giải phóng Thăng Long. Trần Quang Khải cùng đoàn quân chiến thắng rước xa giá nhà vua trở lại kinh thành thân yêu.
Bốn câu thơ dồn nén một lượng thông tin rộng lớn, đem đến cho người đọc hơn 100 năm qua nhiều ấn tượng vô cùng kì lạ. Nguyên tác bằng chữ Hán, đây là bản dịch lại của Trần Trong Kim:
 
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.

 
Mai cụm từ “đoạt sáo” (cướp giáo) và “cầm Hồ” (bắt giặc) được đặt ở vị trí đầu câu thơ, như một trọng âm, một nốt nhấn trong khúc ca khải hoàn, đồng thời gợi tả một cú đánh trời giáng xuống đầu quân xâm lược. Chiến công nối tiếp chiến công, quân ta đánh thắng giòn giã. Niềm vui thắng trận tràn ngập lòng người và sông núi Đại Việt. Từ nhà vua đến tướng sĩ, từ vương hầu đến người dân, ai ai cũng hả hê, sung sướng.
 
Cuốn “Kinh thế đại điển tự lực” đời Nguyên đã ghi nhận: Thủy lục đến đánh vào dại doanh, vây thành mấy vòng, tuy chết nhiều, nhưng quân tăng thêm càng trở nên đông. Quan quân (nhà Nguyên) sớm tối đánh rất khốn đốn, thiếu thốn, khí gia đều kiệt. (Trích “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông).
 
Hai chiến công Chương Dương độ và Hàm Tử quan đã làm thay đổi cục diện chiến trường, quân ta từ rút lui chiến lược đã tiến lên phản công như vũ bão. Mới ngày nào, 5 vạn quân do Thoát Hoan cầm đầu tràn sang như sóng dữ ngập tràn bờ cõi Đại Việt. Khói lửa ngút trời kinh thành Thăng Long. Giặc từ hai phía kẹp lại như gọng kìm sắt, từ Nam Quan đánh xuống, từ Chiêm Thành đánh ra. Vận nước như ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng với tài thao lược của Trần Quốc Tuấn và tướng sĩ, quân ta đã lấy đoàn binh chế trường trận của quân xâm lược “Thiên triều", Trận Chương Dương, Hàm Tử đại thắng làm thế cờ đảo ngược. Quân ta đánh thắng giòn giã, giáng sấm sét xuống đầu quân giặc phương Bắc.
 
Kinh thành Thăng Long được hoàn toàn giải phóng. Quân xâm lược bị quét sạch  khỏi đất nước ta. Đó là những ngày tháng vinh quang của dân tộc. Mùa hè năm Ất Dậu (1285) là mùa hè mà niềm vui chiến thắng trào dâng sông núi. Câu thơ của Trần Quang Khải như một trang kí sự chân thực, hào hùng, biểu lộ niềm tự hào của một dân tộc thắng trận. Cảm hứng yêu nước dào dạt trong những vần thơ hùng tráng mang phong vị anh hùng ca, tạo nên một nét rất đẹp của bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”.
 
Máu xương của ba quân, lòng quả cảm của người chiến binh, tài thao lược của tướng soái... đã góp phần làm nên chiến công Chương Dương, Hàm Tử oanh liệt. Phải là người trong cuộc, phải là nhà thơ tài hoa, Trần Quang Khải mới viết được những câu thơ hùng tráng như vậy!. Tác giả “Tụng giá hoàn kinh sư” là một trong những thi sĩ đầu tiên của Đại Việt đem địa danh sông núi thân yêu in đậm vào lịch sử và nền thơ ca dân tộc như một dấu son chói lọi: Chương Dương và Hàm Tử. Ta đã biết tín hàm súc là một trong nhũng tính chất làm nên vẻ đẹp văn chương của thơ ca đích thực. Chỉ hai câu thơ, thi sĩ đã gợi ra bao ý nghĩ, bao liên tưởng, bao cảm xúc, ý sâu xa về lịch sử và truyền thống anh hùng chống xâm lăng của dân tộc ta.
 
Từ trong khói lửa chiến tranh, từ trong đống tro tàn của đất nước, nhà thơ nghĩ về đất nước trong ngày mai thanh bình. Phần hai của bài thơ nói lên những suy nghĩ của Trần Quang Khải về giang sơn Tổ quốc, về tiền đồ của dân tộc. Giọng thơ trở nên sâu lắng, thâm trầm. Như một lời tâm tình, nhắn gửi:
 
“Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san”

 
Nhà thơ tự nói với mình, tự nhắc nhở mình về nhiệm vụ trước mắt cũng là nhiệm vụ lâu dài: “Thái bình tu trí lực”. Giặc ngoại xâm đã bị quét sạch, đất nước được thái bình, các quý tộc, các vương hầu phải “tu lực”, nghĩa là nên gắng sức, đem tài trí đem sức người, sức của ra xây dựng lại đất nước. Đó cũng là điều tâm huyết mà nhà thơ muốn nhắc nhở mọi người. Lời thơ cho thấy nhãn quan sáng suốt, tầm chiến lược sâu xa của Trần Quang Khải, cho thấy tầng lớp quý tộc nhà Trần là lực lượng tiến bộ như trong xu thế đi lên của lịch sử dân tộc, đang nắm quyền lãnh đạo đất nước Đại Việt.
 
Vì sự vững bền của giang sơn đến muôn đời mà “tu trí lực” lời thơ bình dị, nhưng ý tưởng chứa đựng bên trong, cái ý nhắc nhở của nhà thơ thì không chút tầm thường và đơn giản. Câu thơ hàm chứa một tư tưởng vĩ đại. Khi Tổ quốc Đại Việt đứng trước họa xâm lăng của Hốt Tất Liệt thì “vua đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”(Trần Quốc Tuấn). Trong hòa bình, từ vua tôi đến tướng sĩ, từ trương hầu đến người dân bình thường, ai ai cũng biết “tu trí lực”, sống hết mình vì sự bền vững muôn thuở của đất nước thân yêu. Tự hào về quá khứ oanh liệt của ông bà, mọi người phải nghĩ về tương lai của đất nước, về tiền đồ của dân tộc, để sống và lao động sáng tạo sao cho thật có ích, có nhiều ý nghĩa:
 
“Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu”

 
Tóm lại, bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” là một kiệt tác trong nền thơ văn cổ Việt Nam. Ý thơ hàm súc, ngôn ngữ thơ bình dị mà sâu sắc. Bài thơ có giá trị lịch sử như một tượng đài chiến công tráng lệ, nó làm ta sống lại những năm tháng kháng chiến hào hùng đánh thắng giặc Nguyên Mông. Nó nhắc nhở mỗi con người Việt Nam phải biết nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong bảo vệ và xây dựng đất nước thanh bình, đẹp tươi, bền vững muôn đời. Trên hành trình đi tới thế kỉ XXI của thân dân ta, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh,... bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” của Tần Quang Khải vẫn mang tính thời sự thiết thực đối vối mỗi chúng ta. Tâm thức của thi sĩ - anh hùng vẫn như ánh sao chiếu sáng bầu trời quê hương.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây