© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích bài văn Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi

Thứ ba - 29/09/2020 05:14
Phân tích bài văn Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi
Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Học luật nhưng lại viết văn, làm thơ, viết kịch, sáng tác ca khúc,... và cả viết phê bình văn học. Ở lĩnh vực nào ông cũng mang lại cho người đọc, người nghe nhiều cảm xúc. Tác phẩm của ông như là sợi dây kì diệu nối sự đồng cảm giữa ông với bạn đọc, trong đó có bài: Tiếng nói của văn nghệ được ông viết từ năm 1948.
Đoạn đầu của bài văn, chỉ với ba câu, Nguyễn Đình Thi đã giới thiệu khái quát về tác phẩm nghệ thuật và tính cách lao động của nghệ sĩ. Trước hết, ông khẳng định “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại”. Để rồi từ đó ông nhấn mạnh đến nỗi khát khao của nghệ sĩ là “còn muốn nói một điều gì mới mẻ”, nỗi khát khao “muốn đem một phần của mình vào đời sống chung quanh”. Nghĩ một cách gọn hơn thì trong ba câu văn ấy nêu ra hai luận điểm chính: Nghệ sĩ và chức năng của họ đối với cuộc sống.

Các đoạn văn kế tiếp, Nguyễn Đình Thi đã tập trung giải thích và chứng minh các luận điểm đã nêu bằng lời văn chứa hình tượng và cảm xúc của mình. Ông đã dẫn chứng Truyện Kiều của Nguyễn Du và An-na Ca-rê-nhi-a của Lép Tôn-xtôi, giải thích chúng theo cách hiểu của mình để đi đến kết luận: “Những nghệ sĩ lớn đem tới được cho cả thời đại họ một cách sống của tâm hồn”.

Cảnh mùa xuân là cảnh của thiên nhiên đất trời, cảnh của hiện thực tự nhiên. Ai cũng nhìn thấy cảnh, ai cũng biết rồi nó sẽ trôi qua mà không ghi lại. Riêng Nguyễn Du thì khác. Ông đã ghi lại, và khi đọc những dòng thơ ấy, chúng ta “cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn tái sinh”. “Một điều gì mới mẻ” là ở sự tái sinh ấy. Cuộc sống có nhiều phụ nữ đẹp, nhiều mảnh đời truân chuyên, nhiều cảnh tự tử thảm khốc ta đã gặp, có biết nhưng không nhớ.

Thế nhưng sau khi đọc “Truyện Kiều”; “An-na Ca-rê-nhi-a” thì người đọc “vẫn còn ngồi mãi trước trang sách chưa muốn gấp, đầu óc bâng khuâng nặng những suy nghĩ, trong lòng còn vương vất những vui buồn không bao giờ quên được nữa”. “Một điều gì mới mẻ” là ở đó, và còn ở “một lời nhắn nhủ ... góp vào đời sống chung quanh”.

Nghệ sĩ nhắn nhủ với người đọc một điều gì mới mẻ. Điều mới mẻ ấy là gì? Có đúng là mới mẻ thực không? cỏ cây, hoa lá, sông biển, mây trăng, ... đều có tự ngàn đời. Con người và những buồn vui, căm giận, ... của nó cũng không xa lạ. Triết lí từ bi, bác ái, Khổng giáo, Lão giáo,... đã xuất hiện từ hơn hai ngàn năm trước.

Những thứ mà ta tưởng như cũ, xơ cứng, bình thường, ... khiến ta không để ý bỗng xuất hiện trong Truyện Kiều, An-na Ca-rê-nhi-a thì lại “như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng không bao giờ nhòa đi, ... làm cho thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”. Bằng tất cả những say sưa, vui buồn, yêu ghét,... và tài năng của mình dồn vào trang viết, Nguyễn Du và Lép Tôn-xtôi đã đem tới được cho cả thời đại họ một cánh sống mới của tâm hồn thì đúng là hai ông là “nghệ sĩ lớn”.

Luận điểm chính thứ hai mà Nguyễn Đình Thi tập trung giải thích là chỗ đứng, chức năng của văn nghệ. Tiếng nói của văn nghệ không thể là tiếng nói ích kỉ, cô đơn. Tiếng nói của văn nghệ được tác giả viết vào năm 1948, lúc thực dân Pháp đang cai trị Việt Nam. Từ hoàn cảnh cụ thể ấy, tác giả đã nhận ra “cái kì diệu của văn nghệ khi chúng ta nghĩ đến những người rất đông, không phải trân trọng một cơ quan bí mật, không phải bị giam trong một nhà pha, mà bị tù chung thân trong cuộc đời u tối, vất vả không mở được mắt”.

Theo tác giả, những người “bị tù chung thân trong cuộc đời u tối ...” đó là ai?. Đó là “những người đàn bà nhà quê lam lũ ...” đã sáng lòng nhờ những câu ca dao, những buổi xem hát chèo. Cái kì diệu của văn nghệ là ở đó, là “đã làm cho tâm hồn họ thực được sống”. Rõ ràng chỗ đứng của văn nghệ là ở đám đông, chức năng của văn nghệ là giúp cho tâm hồn con người thực được sống chứ không đẩy họ vào đời sống tâm hồn giả tạo.

Con người vốn là một thực thể sinh động và có linh cảm nhạy bén. Họ sẽ sớm nhận ra ngay nghệ sĩ đặt tâm hồn thực hay tâm hồn giả tạo vào tác phẩm để thu nhận hay đẩy nó ra khỏi tâm hồn mình.

Hai đoạn văn kế tiếp Nguyễn Đình Thi bàn về vấn đề “văn nghệ rất kị “tri thức hóa’’- Nghệ thuật không thể nào thiếu tư tưởng”. Điều này e rằng mâu thuẫn và lặp lại ý của phần đầu của bài văn. Tác phẩm nghệ thuật mang lại một điều gì mới mẻ cho người đọc.

Những nghệ sĩ lớn như “Nguyễn Du không chỉ miêu tả cảnh bốn mùa, mấy cuộc tình trong cuộc đời Kiều như Thanh Tâm Tài Nhân, mà còn lồng vào tác phẩm một cách chặt chẽ tư tưởng Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo bằng thứ ngôn ngữ dễ hiểu và đầy cảm xúc. Thực sự thì Nguyễn Du đã “trí thức hóa” “Truyện Kiều” bằng kiến thức và tài năng của mình.

Có lẽ đoạn cuối là đoạn văn hay nhất cả về nội dung lẫn hình thức so với toàn bài. Nguyễn Đình Thi đã khái quát sự tương tác tích cực giữa nghệ sĩ và xã hội thông qua tác phẩm bằng những câu văn cô đọng, duyên dáng và giàu cảm xúc. Sự tương tác tích cực ấy bắt nguồn từ “tâm hồn người sáng tác” trước hiện thực xã hội.

Con người tìm đến với tác phẩm văn nghệ là đã nối “sợi dây truyền ... sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”. Sự sống ấy là gì nếu chẳng phải một hiện thực mới sáng hơn, đẹp hơn ở chính mỗi người? Như thế thì “Nghệ thuật không đứng ngoài vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta tự phải bước lên đường ấy”.

Tiếng nói của văn nghệ là một trong những bài viết có giá trị về nghị luận văn học. Sáu mươi năm sau, bài viết vẫn “là sợi dây truyền” tâm tư của Nguyễn Đình Thi đến từng nghệ sĩ. Vấn đề còn lại là trên nền tảng của xã hội mới nghệ sĩ có tạo được tác phẩm nghệ thuật xây dựng đời sống tâm hồn mới cho xã hội hay không?.

* Ghi chú:
- Bài văn thuộc loại nghị luận văn chương.
- Nội dung: Bàn về sự tương tác kì diệu giữa hiện thực - văn nghệ sĩ - hiện thực nâng cao, hay tác động của văn nghệ vào cuộc sống.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây