© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích truyện ngắn Chiếc Lược Ngà - Nguyễn Quang Sáng

Chủ nhật - 27/09/2020 11:20
Phân tích truyện ngắn Chiếc Lược Ngà - Nguyễn Quang Sáng
Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ghi lại một số những hình ảnh xúc động, giàu ý nghĩa xâu xa về cuộc đấu tranh vô cùng dũng cảm của nhân dân ta thời chống Mỹ. Truyện thuật lại cảnh gặp gỡ của bé Thu với cha của bé là ông Sáu, một chiến sĩ giải phóng, sau nhiều năm xa cách. Rồi sau đó ông Sáu lại lên đường chiến đấu.
Trong một trận càn, ông hy sinh với khát vọng là làm sao có thể gặp lại bé Thu và trao cho bé chiếc lược ngà mà ông tự làm như một kỉ vật cho tình cha con... Trong khi đó bé Thu đã lớn lên rồi trở thành nữ chiến sĩ giao liên của chiến trường Nam Bộ...

Truyện thì ngắn nhưng đọc xong, hình ảnh bé Thu cứ đọng mãi trong lòng người đọc với biết bao cảm mến và xúc động trước tình yêu cha nồng nàn, sâu sắc của bé Thu.


Đi sâu vào nội dung truyện, ngay phần đầu, người đọc phải hồi hộp theo dõi từng chi tiết rồi mới thấm thía được tình yêu thương cha sâu lắng mãnh liệt của bé Thu. Lên đường theo tiếng gọi của quê hương, chiến đấu cho sự sống còn của đất nước sau nhiều năm xa cách gia đình, ông Sáu may có dịp trở lại thăm nhà, còn mong gì hơn là được ôm ấp bé Thu trong lòng để thỏa tình mong nhớ.

Thật ngỡ ngàng khi bé Thu tìm mọi cách né tránh ông Sáu, thậm chí một tiếng gọi “ba” dùng làm gạch nối cho tình liên hệ cha con mà bé Thu cũng cứng rắn, cương quyết không thốt lên lời. Ở bữa cơm tối trước hôm phải lên đường chia tay, ông Sáu tiếp tục tỏ ra săn sóc bé Thu, nhưng ông Sáu phải buồn giận tột cùng vì bé Thu đã hất tung cái trứng cá mà ông đã gắp cho, rồi nhảy xuồng chạy về bên ngoại.

Và chính trong đêm ở với ngoại, qua lời giải thích về vết thẹo trên mặt ông Sáu, bé Thu mới vô cùng ân hận về thái độ cứng rắn, lạnh lùng đến độ như vô lễ khi bé còn nghi ngờ ông Sáu không phải là cha. Thái độ thao thức “lăn lộn” trong đêm và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn của bé Thu phải chăng chính là những nỗi xót xa, ăn năn đối với người cha thương yêu mà bé đã trót nghi ngờ.

Rồi tiếng “ba” của bé Thu kêu thét lên và hành động “ôm chặt lấy cổ cha”, “vừa nói trong tiếng khóc” trong buổi chia tay, người đọc mới hiểu tình yêu thương cha của bé Thu mãnh liệt đến mức độ nào. Rõ ràng bé Thu chỉ dành tình yêu thương chân thật, đậm sâu nhất cho người cha đích thực của bé mà thôi...

Tiếp theo, phần cuối câu truyện lại càng cho người đọc cảm nhận sâu hơn tình yêu thương của bé Thu đối với cha. Khi người đồng chí của ông Sáu nhận ra cô chiến sĩ giao liên chính là bé Thu ngày trước, thì người đồng chí đâu nỡ nói thật về việc ông Sáu đã hy sinh.

Nhưng dù xúc động đến thẫn thờ “khi đưa tay nhận lấy cây lược” và giọt lệ “tràn đầy qua đôi mắt” cô giao liên vẫn nén lòng để cất tiếng: “Cháu biết ba cháu đã chết rồi... Cháu chịu đựng được, bác đừng ngại, cháu nghe tin ba cháu chết đã hai năm rồi, sau đó thì cháu xin má cháu đi giao liên...”.

Kết hợp lời nói đó cùng với những tư thế mạnh bạo, bình tĩnh ứng xử linh hoạt, thông tin của cô giáo liên khi điều khiển, hướng dẫn các chiến sĩ, các đồng đội thoát khỏi cuộc càn quét của máy bay giặc. Người đọc mới hiểu thêm rằng cô bé Thu cứng đầu xưa kia trở thành cô giao liên bản lĩnh hôm nay là do lòng yêu thương, đau xót cho cha gắn liền với nồi căm ghét quân thù còn đang giày xéo quê hương...

Tóm lại, nếu hình ảnh “Chiếc lược ngà” gợi cho em tình thương con đầy cảm động của ông Sáu, thì hình ảnh và bản lĩnh của bé Thu từ lúc nhỏ cho đến lúc thành chiến sĩ giao liên lại gợi cho em tình thương cha kết tinh sâu lắng vô cùng trong cuộc đời một cô gái.

Ôi, cái bản lĩnh chỉ tin yêu sự thật gắn liền với tình cảm đầy thiêng liêng đó đã giúp bé Thu nén được đau thương, quyết định lên đường trả thù cho cha và báo đền cho nước... Hình ảnh bé Thu như thế chắc hẳn sẽ mãi mãi cho người đọc những suy nghĩ và chỉ hướng hành động phải có đối với gia đình cùng đất nước quê hương...

* Ghi chú:
- Chiếc Lược Ngà chỉ là cái cớ để thể hiện nội dung của truyện ngắn, được viết bằng ngôn ngữ Nam Bộ.
- Tình cha con sâu sắc trong thời chiến của bé Thu và ông Sáu.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây