© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long

Thứ sáu - 25/09/2020 10:23
Phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được nhà văn Nguyễn Thành Long sáng tác vào khoảng giữa năm 1970 và được in trong tập truyện “Giữa trong xanh” năm 1972. Đó là những năm tháng mà miền Bắc nước ta vẫn đang ra sức xây dựng đất nước. Đó là một truyện ngắn nhẹ nhàng nhưng thú vị, mang ý nghĩa về con người và cuộc sống khá sâu sắc...
Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ của bốn nhân vật. Trên đường lên vùng cao Sa Pa tìm cảm hứng để vẽ tranh, bác họa sĩ già được dịp trò chuyện thân mật với cô kĩ sư trẻ mới ra trường, còn đang bỡ ngỡ trên đường đi nhận việc. Và qua lời giới thiệu của bác lái xe, nhân lúc dừng xe, bác họa sĩ già và cô gái lại may mắn gặp được anh thanh niên đang làm công tác khí tượng trên đính núi Yên Sơn cao ngất.

Được mời lên thăm nơi ở, nơi làm việc, rồi trong cuộc tiếp xúc và qua lời tâm sự của anh thanh niên. Bác họa sĩ già đã sung sướng nhận ra anh là một nguồn cảm hứng để vẽ được bức tranh mà bác đang mong mỏi. Anh thanh niên ngượng ngùng chỉ muốn giới thiệu cho bác họa sĩ những người mẫu đáng vẽ hơn.

Nhưng cuộc tiếp xúc quá ngắn ngủi, bác họa sĩ chỉ kịp vẽ phác thảo vài nét rồi họ phải chia tay nhau sau khi hẹn gặp lại. Và trong giây phút gặp gỡ, rồi lạm biệt đó, tâm hồn cô kĩ sư trẻ với bó hoa trên tay, mà anh thanh niên vừa tặng như nhận được những rung động mới đầy rạo rực, xao xuyến, bâng khuâng.

Nhà văn Nguyễn Thành Long đã dựng lên một cốt truyện không có gì là rắc rối, căng thẳng mà ngược lại chỉ là một câu chuyện bình dị, đời thực. Nhưng lại thi vị, có ý nghĩa thấm sâu vào lòng người đọc. Trên cơ sở xây dựng những nhân vật đồng tuyến, có cùng một nét tâm lí chung là lòng yêu thương con người và cuộc sống. Tác giả đã từ cuộc đời thực tại dựng lên được những tình huống đầy hứng thú và vừa thúc đẩy câu chuyện phát triển vừa làm bộc lộ đặc điểm tâm hồn, tính cách nhân vật. Đó là nỗi khát khao của bác họa sĩ già mong muốn vẽ được những bức tranh đẹp về con người và cuộc sống. Là tính cách lặng lẽ e ấp nhưng đầy say mê của cô kĩ sư trẻ trên đường mới đi nhận việc...

Một chi tiết thu hút người đọc cho thấy anh thanh niên ấy làm việc trong một tư thế “cô độc” trên núi đã sáng tạo ra một việc là đem khúc thân cây chặn xe khách lại chỉ để thỏa mãn cái khao khát “thèm người quá” và để được “nhìn trông và nói chuyện một lát”. Và đặc biệt, tình huống mà anh thanh niên cố tình ở lì trên núi cao không chịu xuống đón xe khiến bác lái xe phải dừng xe lại chạy lên tìm. Rồi anh thanh niên có dịp trêu chọc “Đấy, bác cũng chẳng thèm người là gì”, đã làm cho người đọc phải mỉm cười trước vẻ đẹp tâm hồn của hai người.

Nhiều chi tiết trong cuộc gặp gỡ và chia tay được tác giả kể và tả một cách tinh tế, truyền cảm làm xúc động người đọc. Chẳng hạn như những đoạn miêu tả hết sức ý vị về sự thay đổi nồng nàn, sâu sắc nơi tâm hồn cô kĩ sư trẻ trước cách sống, cách làm việc của anh thanh niên...

Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” không chỉ có vẻ đẹp cuốn hút nhẹ nhàng dung dị, truyền cảm nơi các tình tiết phát triển của cốt truyện. Ấn tượng đẹp nhất mà truyện để lại nơi người đọc chính là hình ảnh anh thanh niên làm công tác khí tượng qua lời giới thiệu của bác lái xe và những tình huống gặp gỡ, trò chuyện rồi chia tay với bác họa sĩ cùng cô gái trẻ tại chính nơi sống, nơi làm việc của anh.

Người đọc xúc động trước một mẫu người trẻ tuổi: Sống có lí tưởng, giản dị và sâu sắc, nồng nàn nhân hậu với con người, biết sống khắc phục gian khổ và lặng lẽ tận tụy với việc chung... Chỉ một câu nói chân thành của anh khi anh “hạ giọng nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều” cũng đã cho thấy rõ tâm hồn và cách sống của anh:

“Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Và khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Con người thì ai mà “chả thèm” hở bác?”. “Mình sinh ra làm gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai làm việc? Đấy cháu tự nói với cháu thế đấy...”.

Và để vượt thoát cái cảnh sống, làm việc “cô độc nhất thế gian”, anh thanh niên không chỉ sống bằng suy nghĩ, bằng lí tưởng mà còn tạo ra cách sống giản dị sâu sắc đậm đà nên thơ. Bó hoa, làn trứng mà anh duyên dáng nhẹ nhàng tặng cô gái và bác họa sĩ phải chăng là thành quả đầy ý nghĩa trong cuộc sống nơi anh. Và nỗi cô độc nào có thể vây hãm được anh khi anh trình bày với cô gái một điều bình thường thôi nhưng lại ý vị vô cùng: “... Cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ”.

Từ đó, bó hoa, trang sách đã trở thành biểu tượng cho tính cách đầy sức sống và nghị lực của anh thanh niên, một biểu tượng khiến cô kĩ sư trẻ phải “bàng hoàng”. Và có “một ấn tượng hàm ẩn khó tả dạt lên trong lòng”. Trong giây phút chia tay, dưới ngòi bút của tác giả, cảnh sắc lại hiện ra làm nồng ấm rạo rực thêm cho tâm hồn các nhân vật:

“Lúc bấy giờ nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiều làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo. Hình ảnh sống động của “nắng” của “rừng cây” của “bó hoa” nửa như biểu hiện cho sức sống nồng nàn của rừng núi Sa Pa, của những con người như bác lái xe, bác họa sĩ, ông kĩ sư ở vườn rau, đồng chí nghiên cứu làm bản đồ sét..., nửa như soi tỏ vẻ đẹp cuộc sống của anh thanh niên, một vẻ đẹp đã truyền đến tâm hồn cô kĩ sư trẻ niềm tin yêu rạo rực, đắm say khi bước vào cuộc đời, “vào con đường cô đang đi tới”.

Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” đã đem đến cho người đọc một bức tranh về cuộc gặp gỡ của những con người cụ thể, cả lứa tuổi lão thành lẫn lứa tuổi thanh niên tươi trẻ, cả người lao động bình thường lẫn nghệ sĩ và khoa học gia. Họ chưa được tác giả giới thiệu tên nhưng tâm hồn và cuộc sống của họ đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của những con người mới trong thời kì miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một thời kì đầy phấn khỏi nhưng cũng đầy khó khăn thử thách. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt cũng đang diễn ra ở miền Nam.

Cách xây dựng cốt truyện, cách xây dựng ngôn ngữ và miêu tả tâm trạng nhân vật. Cách kể và đầy tính nghệ thuật của tác giả đã truyền đến người đọc một rung động. Một cảm hứng về con người và cách sống đối với đồng bào cùng đất nước quê hương.

“Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn nhưng lại đậm đà chất thơ, ý vị và sâu lắng. Khép lại trang truyện, tác phẩm như gợi cho mỗi chúng ta một dấu tự hỏi về mình, về mục đích và cuộc sống. Câu hỏi mà Thanh Hải đã từng tự trả lời một cách khiêm tốn trong vần thơ:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc hạc”.
(Mùa xuân nho nhỏ)

* Ghi chú:
- Tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm: Nhà văn trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Pháp và hiểu rõ tâm lí thanh niên.
- Truyện được viết vào năm 1970, lúc miền Bắc vừa đánh đế quốc Mĩ vừa xây dựng xã hội mới.
- Ca ngợi phẩm chất của người thanh niên mới.
- Kĩ thuật dựng truyện, khai thác từng nhân vật để làm rõ thêm nét đẹp của nhân vật trung tâm.
- Bút pháp già dặn, phảng phất chất thơ của tác giả.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây