© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích chi tiết truyện ngắn Chí Phèo

Thứ năm - 26/05/2022 10:58
Phân tích chi tiết truyện ngắn Chí Phèo
Truyện ngắn Chí Phèo viết năm 1941. Lúc đầu, Nam Cao đặt tên cho tác phẩm này là Cái lò gạch cũ. Khi in, nhà xuất bản Đời mới đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Năm 1945, khi cho in lại trong tập Luống cày, tác giả sửa lại là Chí Phèo.
Nam Cao bắt đầu viết từ 1936. Nhưng đến Chí Phèo, ông mới khẳng định thật sự tài nàng và phong cách của ông, vị trí hàng đầu của ông trong nền văn học hiện đại nước ta.

Người ta thường phân biệt trong sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám hai mảng đề tài lớn: đề tài về nông dân và đề tài về trí thức nghèo. Tác phẩm Chí Phèo thuộc mảng đề tài thứ nhất. Và cũng như trong hầu hết tác phẩm của Nam Cao, trong tác phẩm Chí Phèo, nhà văn viết về những người, những việc ông rất quen thuộc, đã thấy, đã nghe kể. Chính Nam Cao một lần đã nói với bạn bề: “Bá Kiến, Chí Phèo, Binh Chức... là có thật cả đấy, tất nhiên là viết ra thì có gọt giũa. Loại này, làng xã nào chả có...”.

Cách viết, cách sáng tác của Nam Cao chủ yếu theo hướng này: từ những sự việc bình thường, hằng ngày xung quanh, những sự việc tưởng chừng như tẻ nhạt, vô nghĩa, với một cách nhìn và một sức nghĩ hết sức độc đáo, sâu sắc và tinh tế, nhà vân đã dựng nên những bức tranh, những hình tượng chân thực, đầy sức sống và có ý nghĩa khái quát cao, mà người đọc môi lần tiếp nhận như lại phát hiện ra những khía cạnh mới, bất ngờ, thú vị.

Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Chí Phèo thể hiện khá rõ ở ba mặt đó là chủ đề, xây dựng nhân vật và sử dụng ngôn ngữ.

Viết về nông thôn ta trước Cách mạng tháng Tám, nhiều nhà văn hiện thực như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... đã miêu tả sắc nét và có sức thuyết phục tình trạng nghèo khổ, tăm tối, khốn cùng của những người dân quê dưới ách áp bức bóc lột tàn tệ của bọn thống trị, bọn địa chủ, cường hào, lí dịch ở các làng xã. Giá trị của những tiểu thuyết như Tắt đèn, Bước đường cùng, Vỡ đê trước hết là ở sự nhận thức đúng đắn thực trạng của đời sống nông thôn, mâu thuẫn gay gắt giữa nông dân và những thế lực áp bức bóc lột họ, và ở thái độ cảm thông, trân trọng của các nhà văn đối với những người lao động, ở sự tố cáo, lên án của họ đối với những kẻ áp bức, bóc lột. Người ta gọi các tác phẩm này có giá trị hiện thực và nhân đạo là vì vậy.

Trong truyện ngắn Chí Phèo, Nam Cao đã nhìn kĩ, nhìn sâu vào thực trạng và mâu thuẫn này của nông thôn ta lúc bấy giờ. Sự quan tâm đến những vấn đề xã hội lớn, khuynh hướng phân tích những vấn đề xã hội đang được đặt ra trong cuộc sống vốn là đặc điểm chung của những nhà văn hiện thực phê phán, cũng luôn hiện diện trong suy nghĩ sáng tạo của Nam Cao. Hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện Chí Phèo là bức tranh thu gọn độc đáo của nông thôn Việt Nam, của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Xã hội này được đặc trưng, một bên, bởi những bộ mặt như Bá Kiến, Lí Cường, đội Tảo, bát Tùng và những bè đảng xung quanh chúng, sống phè phỡn, gian ác, bạo ngược, vừa “du lại với nhau để bóc lột con em, nhưng ngấm ngầm chia rẽ, nhè từng chỗ hở để mà trị nhau”; một bên là đông đảo những người dân quê thấp cổ bé miệng, nơm nớp lo sợ, nhẫn nhục, quanh năm đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn. Tầng lớp những người như Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức họp thành một nhóm riêng. Họ là những dân thường, những người lao động nghèo, nhưng đã lưu manh hóa, bị mua chuộc và trở thành tay sai của bọn cường hào, lí dịch và gây nên không biết bao nhiêu tai vạ cho những người lương thiện. Dưới ngòi bút của Nam Cao, bức tranh xã hội hiện ra đầy kịch tính, chất chứa những xung đột bùng nổ.

Nhưng khác với nhiều tác phẩm hiện thực phê phán lúc đó tập trung xem xét vấn đề trên bình diện xã hội, đi sâu phân tích thực trạng và mâu thuẫn xã hội, Chí Phèo của Nam Cao đồng thời đã chú ý làm nổi bật lên “tình trạng nhân thế”, số phận con người, vấn đề nhân bản.

Trong truyện ngắn Chí Phèo, rồi sau đó trong nhiều tác phẩm khác, Nam Cao đã trực tiếp nêu lên vấn đề con người bị tha hóa, bị vong thân, mất nhân tinh, nhân cách vì bị áp bức bót lột, vì đói khổ, cùng cực.

Về mặt chủ đề, cũng như về mặt tính cách nhân vật. Nam Cao không dừng lại ở bình diện xã hội mà đi sâu vào vân đề cốt tử của văn học là vân đề con người, vấn đề cuộc sống và số phận mỗi con người. Kì lạ hơn nữa là nhà văn đã phát hiện ra ý thức về quyền sống, quyền làm người, ý thức về nhân cách, nhân phẩm ngay ở những con người bị cộng đồng khinh bỉ, hắt hủi, gạt ra bên lề xã hội, ngay ở một “thằng cùng hơn cả dân cùng”, tưởng như đã bị hủy hoại hoàn toàn cả nhân hình và nhân tính.

Đọc Chí Phèo, người ta không chỉ nhận thức được một vấn đề xã hội, hiểu rõ hơn thực trạng và mâu thuẫn ở nông thôn trước đây, mà còn có cơ sở để thông cảm, để chia sẻ với những dằn vặt, đau khố của con người khi không được làm người, chỉ mong ước được sống bình thường, “được làm người lương thiện” như mọi người khác mà không được. Sự kết hợp hai mặt xã hội và nhân bản trong chủ đề mà truyện ngắn Chí Phèo đặt ra càng làm cho tác phẩm này có giá trị văn học sâu hơn, có sức ngân vang lớn hơn.

Nam Cao thật sự có tài xây dựng các nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo. Với dung lượng hạn chế của truyện ngắn, nhà văn vẫn đủ sức tạo ra ở đây có khi với vài nét chấm phá, cả một loạt nhân vật rất đặc sắc, mới mẻ, khó quên, không nhân vật nào giống nhân vật nào, từ Chí Phèo, Thị Nở, cho đến Bá Kiến, Lí Cường, Năm Thọ, Binh Chức, đội Tảo, tự Lãng, bà cô thị Nở v.v... Tất nhiên, trong các nhân vật này, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất ở người đọc là Chí Phèo, Bá Kiến, thị Nở. Mỗi nhân vật đúng là một cá tính, “con người này”, không lẫn vào đâu được, với ngoại hình và tính cách riêng, lối sống riêng, ngôn ngữ riêng, số phận riêng, đồng thời lại tiêu biểu cho một loại người nào đó về mặt xã hội, sinh hoạt, tâm lí.

Bá Kiến là điển hình của bọn lí dịch cường hào ở nông thôn. Chúng đều có những nét chung: hống hách, gian ác, dâm ô, đầy thủ đoạn mưu mô để giành giật và củng cố chức quyền cho cá nhân và con cái, đục khoét, ức hiếp dân lành, hãm hại những kẻ không ăn cánh và chống đối. Bá Kiến càng tỏ ra ranh ma quỷ quyệt trong nghề làm tổng lí, đặc biệt khi phải đối phó với những tên vai vế tranh chấp chức quyền với hắn hoặc những kẻ cố cùng liều thân. Tùy người, tùy việc, y biết lúc nào thì quát tháo, dọa nạt, lúc nào thì nhẹ nhàng, dụ dỗ, mua chuộc. Chính nhờ vậy lão mới thực hiện được mọi ý đồ đen tối của mình, khuất phục được bọn đầu bò đầu bướu, hạ được các phe cánh đối nghịch trong làng, quyền thế ngày càng thăng tiến và vững vàng. Con người khôn ngoan lõi đời ấy đã khống chế lừa bịp được Chí Phèo lâu dài, nhưng cuối cùng đã bị Chí Phèo giết chết, vì từ trong thâm tầm, trong tiềm thức, Chí đã nhận ra lão chính là kẻ thù của mình, kẻ đã tước đoạt quyền làm người của mình.

Nam Cao đã rất có lí khi cuối cùng lại đặt tên truyện là Chí Phèo, mà không phải là Cái lò gạch cũ hay Đôi lứa xứng đôi. Cái tên ấy sẽ làm rõ hơn tính xã hội và nhân bản trong chủ đề của truyện. Hầu hết các nhân vật trong truyện đều được miêu tả, được nhắc đến trong liên hệ với Chí Phèo, để làm sáng tỏ hơn con người Chí Phèo, tính cách Chí Phèo, số phận Chí Phèo. Quan hệ Chí Phèo Bá Kiến xuyên suốt tác phẩm. Đối với Bá Kiến thì Chí Phèo cũng chỉ là một trong số những tên dân cùng liều lĩnh như Năm Thọ, Binh Chức, cho nên cách xử sự của lão đối với Chí Phèo nói chung cũng giống “sách lược” đối với hạng đầu bò đầu bướu: dọa nạt, trấn áp công khai hoặc ngấm ngầm; hoặc nếu cần thì vô hiệu hóa, mua chuộc, lợi dụng làm tay chân. Và Chí Phèo cũng như Năm Thọ, Binh Chức đều biết rõ bản chất, chỗ mạnh và chỗ yếu của Bá Kiến và hạng người như lão. Nhưng Chí Phèo phục vụ cho Bá Kiến lâu dài hơn, đắc lực hơn, ngay từ lúc là một anh canh điền chất phác, khỏe mạnh, và cả sau khi đi tù về trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí Phèo cũng bị lão hành hạ, đày đọa, làm nhục nhiều hơn. Và do vậy, Chí Phèo hiểu rõ lão hơn, nặng oán thù hơn đối với lão. Lúc tỉnh táo, Chí Phèo đã ý thức rõ về cảnh tủi nhục phải hầu hạ mụ vợ ba của Bá Kiến, về chuyện bị Bá Kiến hãm hại đẩy vào tù. Sau khi ở tù ra, hắn đã biến thành một con người khác. Từ một thanh niên hiền lành, rụt rè, hắn đã biến thành một tên lưu manh, liều lĩnh, hung dữ, rượu chè say khướt, chửi bới suốt ngày. Nhưng lúc tỉnh cũng như lúc say, trong ý thức và trong tiềm thức, hắn vẫn không bao giờ quên Bá Kiến. Bá Kiến đúng là nỗi ám ảnh của hắn.

Trong truyện ngắn, Nam Cao đã đặc tả ba lần Chí Phèo gặp Bá Kiến, sau khi hắn ở tù ra. Lần thứ nhất, sau khi uống rượu say, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến gọi tên tục của lão ra mà chửi. Hắn định đến để gây sự. Gây sự, chửi bới, chống đối một người như Bá Kiến vừa để thỏa sự căm giận, vừa có dịp để lên mặt với những người xung quanh, vừa có thể vòi tiền uống rượu. Với một người như Chí Phèo, một người mà sự liều lĩnh hung dữ là một cách để tự giới thiệu mình, để tồn tại và cũng là để che đậy sự sợ hãi cố hữu, thì không có gì có thể nói trước được về dự định và hành động. Tất cả tùy thuộc vào tình huống cụ thể. Gặp Lí Cường, bị Lí Cường quát mắng, tát tai, hắn rạch mặt, la làng, lăn đùng ra ăn vạ. Nhưng khi Bá Kiến “dịu dàng’ chào hỏi, mời mọc, tỏ vẻ ân cần săn sóc, cho tiền, thì hắn lại nguôi ngoai, thích chí, hả hê.

Lần thứ hai, cách đó mấy hôm, sau khi uống rượu say, hắn lại ngật ngưỡng đến nhà Bá Kiến nói là để đòi nợ. Gặp Bá Kiến, hắn xin đi ở tù, vì “Ở tù còn có cơm ăn, còn ở làng ở nước thì không làm gì nên ăn, không mảnh đất cắm dùi’’. Và, tất nhiên, .kèm theo yêu cầu kì quặc ấy, là những lời dọa dẫm úp mở mà Bá Kiến rất hiểu rõ. Nhưng lần này lão Bá Kiến khôn ranh lại đẩy Chí Phèo đi đòi nơ đội Tảo cho lão. Lão nghĩ bất kì kết cục nào cũng đều có lợi cho lão. Ngẫu nhiên, Chí Phèo lại đòi được nợ và được Bá Kiến cho mấy sào vườn ở bãi sông cắm thuê của một người làng trước đó. Và cũng, từ đó, Chí Phèo bao giờ cũng say, và khi hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm, gây ra bao nỗi khiếp sợ và tai vạ cho dân làng.
Lần thứ ba, Chí Phèo gặp Bá Kiến sau khi bị thị Nở từ chối không nhận làm vợ hắn. Cùng quẫn, phẫn chí, Chí Phèo uống rượu say, cầm dao đi định “đâm chết cả nhà nó”. Nhưng Chí Phèo lại quên rẽ vào nhà thị Nở mà lại đi thẳng đến nhà Bá Kiến, đòi được làm người lương thiện, và Chí đã đâm chết Bá Kiến rồi tự sát. Kết thúc này bề ngoài có vẻ ngẫu nhiên, thật ra lại rất tất yếu, bộc lộ rõ tính cách của Chi Phèo, ý đồ tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Đây là một kết thúc khiến cho người đọc phải suy nghĩ rất nhiều về thực trạng và mâu thuẫn xã hội, về cuộc sống và bi kịch của đời người.

Nhân vật thị Nở, quan hệ giữa Chí Phèo và thị Nở mở ra một trang hoàn toàn mới trong cuộc sống Chí Phèo. Gặp thị Nở, sau những ngàỵ hạnh phúc ngắn ngủi với thị, Chí càng cảm thấy thêm cay đắng, khổ sở vì thân phận và điều này càng đẩy nhanh Chí đến một hành động tuyệt vọng.

Dưới ngòi bút của Nam Cao, Chí Phèo là một nhân vật rất phong phú, đa diện, rất sống. Trong xây dựng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp: đặt Chí Phèo trong nhiều tình huống và quan hệ khác nhau, giới thiệu lai lịch và khắc họa ngoại hình của Chí Phèo, miêu tả nhân vật qua cử chỉ, hành động, cách nói năng, đặc biệt là qua những suy nghĩ thầm kín, độc thoại bên trong, bằng những nhận xét của người khác hoặc dư luận về Chí Phèo, và sự đánh giá của chính tác giả. Có thể nói là có nhiều Chí Phèo theo cách cảm nhận khác nhau của các nhân vật trong tác phẩm. Có một Chí Phèo trong con mắt Bá Kiến. Có một Chí Phèo khác trong con mắt của những người dân làng. Lại có một Chí Phèo khác nữa trong con mắt của Thị Nở. Thật ra không ai hiểu hoàn toàn Chí Phèo. Bởi vì chính Chí Phèo cũng là một con người hư hư thực thực. Anh ta dở say dở tỉnh, say thật cũng có, mà say giả vờ, cố tình say cũng có; hung dữ thật cũng có, mà cố tình hung dữ để cướp giật, để người ta sợ mình, để che giấu nỗi sợ hãi cố hữu của chính mình cũng có.

Chí Phèo là một tính cách không đơn giản. Hắn không chỉ say, hung dữ, liều lĩnh, gây tội ác, mà còn biết sợ, tính toán, nhận diện được kẻ thù. Chí suy nghĩ, đau khố về kiếp sống không bình thường, không ra người, không lương thiện của mình. Trong những ngày được hạnh phúc với thị Nở, Chí cũng biết vui, biết mơ ước, biết buồn, biết ăn năn. Bị thị Nở từ chối, đối với Chí, là một đòn đau không chịu đựng nổi. Từ kinh nghiệm sống, từ tiềm thức vô thức, Chí cảm nhận tình trạng bể tắc vô vọng của mình có nguyên nhân sâu xa hơn tội ác của Bá Kiến. Giết Bá Kiến cũng không có được sự giải thoát.. Và hắn đã tự sát.

Dưới ngòi bút của Nam Cao, không phải chỉ những người trí thức như Điền, Như Hộ, như Thứ, mới cảm nhận thấy bi kịch của cuộc sống, mà ngay những người “dưới đáy”, dân cùng như Chí Phèo cũng trải qua bi kịch ấy. Đối với người đọc ngày nay, cuộc sống ấy lại càng hiện rõ là bi kịch. Cái tài, cái sâu sắc của Nam Cao là ở đấy. Và người ta cứ trở đi trở lại với tính cách Chí Phèo để suy nghĩ về xã hội, về cuộc sống, về con người.

Cho nên, Chí Phèo không chỉ là hình ảnh những tên cố cùng liều thân hoặc là điển hình, của những người nông dân lưu manh hóa vì sự áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, mà còn thể hiện bi kịch của con người bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người, quyền được hưởng hạnh phúc. Cái điều rất nghiêm trang, rất đau lòng, rất tội nghiệp mà Nam Cao đã ghi lại và muốn nhắn gửi cho người đời thông qua một câu chuyện tưởng như chẳng có gì, một số nhân vật dị dạng và một giọng văn pha nhiều tính chất hài hước, nội dung thông điệp đó nhiều thế hệ độc giả đã hiểu và càng đánh giá cao tác giả.

Ngôn ngữ của Nam Cao trong truyện ngắn Chí Phèo là ngôn ngữ của đời sống, ngôn ngữ được quần chúng nhân dân sử dụng hằng ngày, rất phong phú, sinh động, giàu hình ảnh. Có thể nói hơn bất kì một nhà văn nào khác cùng thời, ngôn ngữ Nam Cao cho đến bây giờ vẫn tỏ ra không cũ với thời gian, cả về mặt từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp.

Và trong Chí Phèo không phải có ngôn ngữ người kể chuyện. Ở đây, mỗi nhân vật đều có ngôn ngữ riêng của mình phù hợp với tính cách và hoàn cảnh cụ thể.

Đây là ngôn ngữ của Bá Kiến. Với mấy bà vợ đang xưng xỉa tâng công với chồng, lão quát tháo:
- Các bà đi vào nhà: Đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì?

Quay lại bọn người làng, lão dịu giọng hơn một chút, nhưng vẫn ở thế bề trên:
- Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ; Có gì mà xúm lại như thế này?

Với Chí Phèo đang rạch mặt ăn vạ thì lão lại ngọt nhạt, vừa dụ dỗ, vừa ra uy:
- Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?
- Cái anh này mới hay chứ! Ai làm gì anh mà anh phải chết? Đời người chứ phải con ngoé đâu? Lại say rồi phải không?
- Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì nói chuyện tử tế với nhau, cần gì mà phải thanh dộng lên thế, người ngoài biết mang tiếng cả...

Đó quả là ngôn ngữ của một người có quyền thế mà lại rất mực khôn ngoan, quát tháo hay dịu dàng cũng đều để khiến người ta tuân phục, được việc cho mình.

Còn ngôn ngữ của Chí Phèo thì cũng “đặc” Chí Phèo. Thường thì rất hỗn láo, thực dụng, dọa dẫm:
- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.
- Tao đã bảo tao không đòi tiền.
- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách... biết không? Chỉ còn một cách là... cái này, biết không?

Khi phải lễ phép, dịu dàng thì Chí cũng lễ phép, dịu dàng, theo cách của hắn:
- Bẩm không ạ, bẩm thật là không say. Con đến xin cụ cho con đi ở tù, mà nếu không được thì... thì... thưa cụ...
- Vâng, bẩm cụ, không được thì con phải đâm chết dăm ba thằng, rồi cụ bắt con giải huyện.

Đối với thị Nở. Chí Phèo lại có một cách nói khác, thân tình, bỗ bã, nhưng cũng rất “anh chị”:
- Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?
- Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui?
- Đằng ấy còn nhớ gì hôm qua không?

Ngôn ngữ nhân vật tự nói với mình, độc thoại bên trong, lại có một sắc thái riêng. Như vậy là có nhiều lớp ngôn ngữ trong truyện ngắn Chí Phèo: ngôn ngữ của tác giả và ngôn ngữ của các nhân vật (ngôn ngữ của Chí Phèo, của Bá Kiến, của Lí Cường, của Binh Chức, của đội Tảo, của thị Nở và bà cô của thị v.v...), ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong, ngôn ngữ để miêu tả, để kể chuyên, để bày tỏ thái độ, đánh giá... Các lớp ngôn ngữ này chồng lên nhau làm cho nhân vật được soi rọi từ nhiều phía, tác phẩm cũng có nhiều tầng ý nghĩa, sâu thêm.

Để hình dung rõ hơn, ta thử đọc lại đoạn mở đầu truyện ngắn:

“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu say là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: Chắc nó trừ mình ra”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật. Tức chết được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp, thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn mà hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa sao đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại sàng không ai biết ...

Nhân vật không phải được giới thiệu mà hiện ra và tự giới thiệu với độc giả một cách trực tiếp, tự nhiên đầy sức sống, bằng ngôn ngữ kể chuyện, bình luận, đánh giá của tác giả, ngôn ngữ của nhân vật đang độc thoại bên trong. Các lớp ngôn ngữ chồng lên nhau, đối đáp với nhau. Chỉ một đoạn văn mà đã thành một màn, một cảnh đầy kịch tính. Mới vào cảu câu chuyện mà không khí đã sôi động hẳn lên, làm cho người đọc ngạc nhiên, thích thú. Trong xây dựng tác phẩm, miêu tả nhân vật, khi thì nam Cao dùng biện pháp phác họa, nói không hết ý, “hư hư thực thực” để người đọc chờ đợi, suy nghĩ tiếp; khi thì nhà văn dùng biện pháp tăng cấp, trình bày dồn dập các chi tiết để sự vật hiện ra rõ mồn một trong trí tưởng tượng của người đọc. Trong tư duy nghệ thuật, trong hành văn, Nam Cao cũng thường kết hợp sự miêu tả tạo hình và sự suy ngẩm, nhịp điệu dứt khoát, mạnh mẽ với giọng trữ tình thấm sâu.

Nam Cao là một bậc thầy về ngôn ngữ. Sự đóng góp của Nam Cao lối với sự phát triển của ngôn ngữ vàn xuôi dân tộc thật là to lớn.

Chí Phèo là một kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, một tác phẩm thể hiện rõ tài năng và phong cách của ông, cũng là tác phẩm tiêu biểu và có giá trị bậc nhất của khuynh hướng văn học hiện thực và nền văn học hiện đại nước ta.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây