© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích một số tác phẩm tiêu biểu của Xuân Diệu và Nguyễn Bính để làm sáng tỏ điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là cái giọng nói của riêng mình (Bài số 2)

Thứ hai - 20/03/2017 06:08
Anh (chị) có suy nghĩ như thế nào khi có ý kiến cho rằng: Điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là cái giọng nói của riêng mình. Hãy phân tích một số tác phẩm tiêu biểu của Xuân Diệu và Nguyễn Bính để làm sáng tỏ điều đó.
Cái Đẹp trong trang văn Nguyễn Tuân đã từng làm bao người mê đắm? Một thú vui tao nhã, một món ăn dân tộc đậm đà, một khung cảnh mĩ lệ, ... khi được miêu tả bằng ngòi bút tài hoa của một nhà văn “ngông”, kiêu bạc bỗng ấn tượng lạ thường. Hàn Mạc Tử khi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam 1930 - 1945 lại khiến độc giả ám ảnh bơi một hồn thơ lạ, một tiếng thơ thay lòi một thân phận phải chịu nhiều đau thương bất hạnh mà đọc mỗi vần thơ, người ta đều thấy “Mắt mờ lệ sau hàng chữ gấm”. Và Xuân Diệu, chàng thi sĩ đem đến cho độc giả tiếng thơ mới; Nguyễn Bính, người đem đến một tiếng thơ quen ... Những người nghệ sĩ ấy ngày càng khẳng định được vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học dân tộc phải chăng bồi họ thấm thía một lẽ: Điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là cái giọng nói của riêng mình.
 
Văn học thế giới với bề dày phát triển hàng ngàn năm đã ghi dấu sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Bao nhiêu người cầm bút viết văn và bao nhiêu người lưu danh với đời? Những nghệ sĩ nổi tiếng, tác phẩm có sức sống lâu bền, theo như ý kiến, phải là nhà văn có cái giọng nói của riêng mình gửi vào sáng tác. Như thế lời bàn đã khẳng định một cách chắc chắn yếu tố tiên quyết tạo nên vị trí của một nhà văn chính là sự sáng tạo riêng của bản thân người nghệ sĩ.
 
Cần nhớ bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo. Văn học là một trong những hình thái nghệ thuật phản ánh đời sống. Nếu các nhà khoa học lấy mục đích cuối cùng của việc nghiên cứu là nhằm đạt tới chân lí khách quan biểu thị qua những định lý, định luật mang tính khuôn mẫu, là nguyên tắc chung thì các nhà văn lại phải tìm trong hiện thực cuộc sống bộn bề những vấn đề cá biệt mang tính bản chất và phản ánh vào trong tác phẩm thông qua những hình thức nghệ thuật riêng với quan điểm của riêng mình. Văn chương không thể được tạo ra theo hình thức sản xuất có tính dây chuyền, không phải là sản phẩm hàng loạt. Tác phẩm văn học khi được viết ra bằng ngôn từ nghệ thuật nhất thiết phải thể hiện được cách nhìn về hiện thực riêng, những tìm tòi về nghệ thuật riêng của người nghệ sĩ.
 
Hình ảnh cuộc sống trong tác phẩm là hình ảnh của hiện thực đã đi qua một tâm hồn, một cá thể và dấu ấn cá thể in vào trong đó “càng độc đáo càng hay”. Xuân Diệu đã nói chỉ có những tâm hồn đồng điệu chứ không thể có những con người là phiên bản của nhau. Bởi vậy sáng tác văn học, một thứ sản xuất “đặc biệt và cá thể” nhất quyết không thể tạo ra những tác phẩm giống nhau như khuôn đúc. Giọng nói riêng của nhà văn có thể được hiểu là một tâm tư tình cảm riêng, một thái độ sống, cách nhìn, cách đánh giá về hiện thực cuộc sống riêng được biểu hiện trong tác phẩm bằng hình thức nghệ thuật phù hợp. Nam Cao từng nói rất thấm thía một điều: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.
 
Cuộc sống phong phú muôn màu muôn vẻ luôn ẩn chứa nhiêu điều bí mật, kì diệu cần được khám phá. Bề dày lịch sử văn học thế giới đã được tạo dựng hàng loạt những khám phá riêng ấy. Song điều đó không có nghĩa người nghệ sĩ được phép lùi bước trong sáng tạo. Viên Mai cho rằng “Làm thơ quý nhất là lật đổ cái án cũ mới hay”. Điều Viên Mai cho rằng “quí nhất” ấy thực chất cần thiết với văn học nói chung, nào phải chỉ riêng thơ ca, chỉ có điều với tư cách là loại hình nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng phương thức trữ tình, yêu cầu “lật đổ cái án cũ” với thơ ca được đề cao hơn hết thảy. Người nghệ sĩ phải có một con mắt tinh sắc, một tâm hồn nhạy cảm và một tài năng đạt đến độ chín để gửi vào tác phẩm giọng nói riêng của mình. Anh có thể học tập, tiếp thu tinh hoa trong tác phẩm của nhà văn lớp trước nhưng phải trên cơ sở sự sáng tạo, nói như M. Gorki “Các anh hãy học tập tất cả những nhà văn có phong cách điêu luyện, nhưng các anh hãy tìm lấy nốt nhạc lời ca cho riêng mình”. Có nhà phê bình Trung Quốc từng nêu “Văn chương quí bất tuỳ nhân hậu”, có nghĩa là trong văn chương quí nhất ở chỗ không theo đuôi người khác cũng là vì thế.

Mức độ lí tưởng nhất mà nghệ sĩ có thể đạt tới là có hình thức nghệ thuật riêng biệt để chuyển một nội dung mới lạ, độc đáo. Nhưng một nhà văn cũng có thể khẳng định được vị trí nếu đem đến cho hình thức biểu hiện cũ một nội dung mới hay nói những điều ai cũng biết bằng những phương tiện nghệ thuật đặc sắc, mới lạ. Sự sáng tạo của người nghệ sĩ dù là nhỏ nhất cũng rất đáng ghi nhận là vì thế. Nó lí giải vì sao những trang văn Nguyễn Tuân khi mang đậm dấu ấn một cái tôi ngông ngạo, tài hoa, uyên bác, có khả năng phát hiện nhiều vẻ đẹp mới lạ, mang hồn dân tộc và biểu hiện qua câu chữ như gấm như hoa lại khiến nhiều người say mê. Thơ Nguyễn Bính lại khiến triệu triệu người Việt Nam yêu mến và thuộc lòng bởi thi sĩ đã dùng những từ ngữ rất bình dị, mộc mạc, quen thuộc để chuyển tải điệu hồn riêng người nghệ sĩ Thơ mới. Nhà văn Mĩ Hêminguê nổi tiếng đâu phải bởi sáng tác ông đem đến cho bạn đọc điều gì thực sự ghê gớm với vẻ hào nhoáng của ngôn từ. Ngược lại, đó là những áng văn rất mực “trung thực và giản dị” về con người, ở đó người ta có thể hiểu sâu sắc hơn vẻ đẹp con người - những vẻ đẹp ai cũng hơn một lần cảm thấy ở những hình tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa biểu trưng, ở tầng sâu chữ nghĩa đầy hàm súc. Mỗi tác phẩm của Hêminguê đã thật sự là một “tảng băng trôi” chỉ một phần nổi còn bảy phần chìm. Song yêu cầu về giọng nói riêng của nhà văn còn xuất phát từ chính nhu cầu công chúng. Bạn đọc tìm đến với văn chương không phải để thấy những dàn đồng ca không còn nghe đâu là giọng riêng mỗi nghệ sĩ. Lep Tônxtôi từng nói đại ý rằng điều độc giả quan tâm khi một nhà văn mới xuất hiện là liệu anh ta sẽ đem đến điều gì mới trong cách nhìn đời cho họ. Sẽ chẳng ai cần đến tác phẩm văn chương mà người viết ra nó “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Mỗi nghệ sĩ cần như một con sơn ca đem tiếng hót với sắc điệu của riêng mình để phục vụ cuộc đòi cũng vì lẽ đó.
 
Như thế xét đến cùng giọng nói riêng của người nghệ sĩ đâu chỉ là yêu cầu khách quan của hoạt động sáng tạo, của công chúng mà còn là nhu cầu tự biểu hiện và khẳng định cá tính sáng tạo của nghệ sĩ.
 
Văn học thế giới, văn học Việt Nam đã ghi dấu bao giọng nói riêng của nhà văn. Những tên tuổi đạt phong độ đỉnh cao được lịch sử văn học ghi nhận chính là những người bằng nỗ lực đã khẳng định được tiếng nói cá nhân trong sáng tạo. ở “Một thời đại trong thi ca” của Việt Nam, trên mười năm (1932 - 1945), người đọc còn lưu trong trí óc nhiều thi phẩm nổi tiếng. Hoài Thanh - Hoài Chân từng khẳng định: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chê Lan Viên, ... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Đấy thực chất cũng là giọng nói riêng của mỗi nhà thơ mà hai nhà nghiên cứu đã cảm được. Những nghệ sĩ ấy đã thực sự có được vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học dân tộc, cần lưu ý hai thi nhân được rất nhiều người yêu mến và coi là những đỉnh cao của phong trào Thơ mới: Xuân Diệu và Nguyễn Bính. Hai thi sĩ hoàn toàn đối lập nhau nhưng thơ họ đều có sức hấp dẫn lớn bởi các nhà thơ đã đưa vào thi phẩm giọng nói riêng của mình: Xuân Diệu, một tiếng thơ mới; Nguyễn Bính, một tiếng thơ quen. Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nhận xét Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn Việt Nam 1930 - 1945 với bộ phục sức tân kì và ngay lập tức chiếm được cảm tình của công chúng. Thơ Xuân Diệu rất Tây, rất lạ từ nội dung đến hình thức biểu hiện. “Đây mùa thu tới”, thi phẩm đặc sắc của đời thơ Xuân Diệu đủ cho thấy giọng điệu riêng người nghệ sĩ.
 
Trước hết cần thấy thi sĩ họ Ngô đã lựa chọn được những hình thức nghệ thuật hết sức đặc sắc, riêng biệt để miêu tả cảm nhận về mùa thu. Chọn viết về khoảnh khắc giao mùa giữa hạ và thu, Thi sĩ đã xây dựng được một cấu tứ riêng vận động theo thời gian. Thi sĩ nhận ra thu sang ở thời điểm thu chạm vào liễu, lá đổi màu, thu lan sang vườn biếc thành vườn thu, hơi lạnh tới, thu vươn tới trăng, non xa, hiện hình nơi bến đò và khi xâm chiếm hồn người, mùa thu đã hoàn thành cuộc hành trình.
 
Thế hệ nghệ sĩ xưa (văn học cổ điển) miêu tả thiên nhiên để thấy cái tĩnh lặng nghìn đời. Còn nhớ chùm thơ thu Nguyễn Khuyến đặc sắc. Cụ Tam Nguyên tả thu ở thời điểm thu đã định hình bằng những nét phác nhẹ, bởi thế bài thơ thu cũng đồng thời là bức hoạ cảnh thư. “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu lại như một cuốn phim quay chậm giúp người đọc cảm hết sự chuyển đổi tinh vi của thiên nhiên, con người lúc giao mùa. Là một thi sĩ “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, Xuân Diệu được coi là ngươi làm chủ bút pháp tương giao và sử dụng ngôn ngữ rất tân kì. Dấu ấn thơ tượng trưng Pháp hiện rõ qua những vần thơ rất mực tài hoa:
 
“Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”
 
Thu chạm tới vườn. Vườn thu nào phải chỉ được cảm nhận ở hình ảnh lá đổi màu mà còn ở cái lạnh đang dần tới, ở hình ảnh cành nhánh khẳng khiu, gầy guộc. Câu thơ không phải tả gió mà là gợi rét, tả “luồng run rẩy”. “Luồng” vô hình, ai có thể nhìn thấy, nhưng nó lại hiện ra ở hình ảnh lá “rung rinh”, ở vẻ run rẩy. Trong câu thơ có sự tương giao kì diệu giữa cái vô hình và cái hữu hình, giữa cái cảm thấy và cái nhìn thấy. Cũng tương tự như thế, thi sĩ còn nghe được cái chuyển động không lời của rét mướt lúc thu về:
 
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò”.
 
Không phải gió rét mà lại là rét luồn trong gió. Đó là cái rét nhẹ mới đến, cảm giác mong manh lắm mới có thế luồn được trong gió. Nói Xuân Diệu có những câu nghiêng tai kì diệu cũng vì lẽ đó chăng. Hữu hình và vô hình, cảm và thấy phải chăng là những giới hạn mà thi sĩ hoàn toàn làm chủ. Có cảm tưởng thị giác, thính giác, xúc giác thi nhân đều hết sức bén nhọn để nhận cho hết những biến chuyền kì diệu của thiên nhiên thời tiết lúc thu về. Kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp, tương giao của thơ ca hiện đại Pháp và bút phát gợi tả truyền thống của thơ cổ điển Việt Nam, Xuân Diệu đã khiến thơ mình không chỉ có khả năng biểu đạt lớn mà còn có một vẻ riêng mang giọng nói thi sĩ không ai lẫn được.
 
Nhưng cái giọng riêng của một con người hình như lại biểu hiện rõ nhất ở hệ thống ngôn từ. Có phải vậy không mà ở thơ Xuân Diệu nói chung và “Đây mùa thu tới” nói riêng độc giả cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ rất Tây rất lạ, táo bạo mà chính xác và biểu cảm không ngờ.
 
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
 Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
 
Hệ thống các từ điệp âm “buồn” - “buông” - “xuống”; “tang” - ‘‘ngàn” - “hàng” - “vàng” tạo cho lời thơ chất nhạc và đặc biệt một cảnh thư ảm đạm, thê lương. “Đây mùa thu tới, mùa thu tới”, câu thơ viết theo lối điệp, lại ngắt nhịp 4/ 3 gợi được bước đi uyển chuyển nhẹ nhàng của mùa thu. Và đặc biệt, người đọc lập tức ấn tượng bởi hai chữ “Mơ phai” ở dòng thơ cuối, “mơ phai” là sắc riêng của lá ở khoảnh khắc thu chớm tới, là màu vàng thơ mộng, ảo diệu và đang có một sự vận động tinh tế từ mơ sang phai. Như thế với từ “mơ phai”, Xuân Diệu đã đem đến cho lá vàng - một hình ảnh ước lệ vẻ đẹp mới lung linh, kì ảo. Qua hệ thông ngôn ngữ, người đọc cảm được trọn vẹn cái bất ngờ của con người khi nhận ra khoảnh khắc thu sang.
 
Thi sĩ ấy còn dùng những từ rất lạ để tả vườn thu:
 
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”
 
“Hơn một” là cách nói vay mượn từ ngôn ngữ Pháp biểu hiện số lượng. Đặc sắc nhất vẫn là từ “rũa”, nó chứng tỏ khả năng tiếp thu một cách sáng tạo ngôn ngữ Pháp của chàng thi sĩ Thơ mới. Không phải là “rữa” bởi thu chỉ vừa tới, lá chưa thể bị phân huỷ, cũng không phải “rủa” bởi gay gắt quá. Từ “rũa” tinh tế biết bao nhiêu khi biểu đạt được sự lấn dần của thu đến thiên nhiên. Có cảm tưởng sắc lá đang thay đổi trên từng tế bào diệp lục. Điều đó cũng có nghĩa Xuân Diệu đã gói trọn thời điểm giao mùa vào hình ảnh một khu vườn, thậm chí một chiếc lá.
 
Biến vườn thành vườn thu, và thu đi trọn hành trình khi xâm chiếm hồn người:
 
“ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”
 
Ngôn từ đặc biệt giàu sức gợi: “buồn không nói”, “tựa cửa nhìn xa”, “nghĩ ngợi”, đó là hệ thống từ ngữ mô tả trạng thái người thiếu nữ trong quan hệ nhân quả. Bài thơ kết ở chỗ người thiếu nữ không nói mà gợi được biết bao điều. Một khát khao hạnh phúc, một dự cảm về sự chảy trôi của thời gian, đời người, sự ngắn ngủi của tuổi trẻ ...
 
Giọng điệu riêng của Xuân Diệu được tạo ra khi ở “Đây mùa thu tới”, thi sĩ dùng những hình thức nghệ thuật đặc sắc ấy để thể hiện cảm nhận riêng của mình. Một cái nhìn rất động, buồn ảm đạm bao trùm cảnh vật, con người. Thi sĩ thấy mùa thu mang dáng vẻ một thiếu phụ trong cảnh ngộ đau thương, mang dự cảm về sự tàn phai, nhưng ngay trong sự tàn phai nhà thơ vẫn cảm nhận được vẻ riêng huyền ảo, thơ mộng của đất trời vào thu, cái xôn xao trong tâm hồn người thiếu phụ trầm tư. Đấy thực chất cũng là tiếng nói cá nhân tự ý thức, tiếng nói của “niềm khát khao giao cảm với đời”, giọng điệu riêng bao trùm toàn bộ hồn thơ Xuân Diệu mà thôi.
 
Nguyễn Bính lại mang đến cho người đọc cảm nhận về một tiếng thơ quen như mang cả hồn dân tộc từ cách nói, cách nghĩ, lối tư duy đến việc chọn lựa hình ảnh, sử dụng ngôn từ. “Tương tư” là thi phẩm như thế. ở đó ta thấy giọng nói riêng người nghệ sĩ biểu hiện ở lời giãi bày tâm sự của chàng trai với người yêu về mối tình đơn phương của mình, về ước vọng nên duyên chồng vợ. Anh kể lể, than thở với cô gái về nỗi mình phải chờ đợi nhớ mong, hờn trách giận dỗi với cô gái, nâng người yêu lên cao, hạ mình xuống thật thấp để bày tỏ tình cảm. Nhưng dù xa xôi, bóng gió, thì cuối cùng điều chàng muốn nói cũng lộ ra ở những câu kết:
 
“Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào”.

Nhắc tới giầu - cau nghĩa là chàng trai đã ngỏ lời cầu hôn với cô gái, đã nêu lên một ý nguyện nhân duyên rất chính đáng. Tình yêu gắn với hôn nhân, đó cũng là lối nghĩ chung thể hiện nét đẹp riêng trong văn hoá tình yêu của người Việt Nam. Ta còn cảm nhận được cả một không gian làng quê với hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông, mái đình với những tình cảm, những người thân thuộc. Dường như cả hồn quê Việt Nam dần sống dậy trên từng trang thơ Nguyễn Bính.
 
Cái tâm tình ý vị mộc mạc của người trai quê, cái khát khao yêu đương, giao hoà đồng cảm của một thi sĩ Thơ mới được biểu hiện qua một hệ thống các thủ pháp nghệ thuật hết sức bình dị. Thể thơ lục bát truyền thống với âm điệu réo rắt bổng trầm, ngôn từ bịn rịn có cả khẩu ngữ ghi đậm dấu ấn thôn quê, hình ảnh lại xiết bao thân thuộc được lấy từ đời sống thường nhật, từ trong ca dao, là lời của những câu tục ngữ, thành ngữ, ... Bất cứ người Việt Nam nào khi đọc thơ Nguyễn Bính có thể nào không xúc động trước giọng nói riêng của một nhà thơ Chân quê mà mang cả hồn dân tộc.
 
Trở lại với ý kiến, có thể thấy đó là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi nhà văn. Chính giọng nói riêng ấy sẽ tạo phong cách nghệ sĩ, từ đó tạo sức sống, sức hấp dẫn của sáng tác nhà văn. Chỉ có điều đâu phải nghệ sĩ nào cũng có được giọng nói riêng ấy. Trong cuộc đời, phải là một người bản lĩnh, có con mắt tinh sắc, có cái nhìn hiện thực sắc sảo, chân thành và giàu tâm huyết, lại phải đủ tài năng thì nhà văn mới tạo được cho văn mình một giọng riêng. Muốn vậy anh phải sống sát với cuộc đời, viết văn bằng tất cả tấm lòng thành thực và bầu nhiệt huyết, phải quan tâm trau dồi tài năng sáng tạo. Người nghệ sĩ không được phép lười biếng, không được phép bắt chước mà phải luôn trong tâm thế tìm tòi, sáng tạo. Tất nhiên điều đó không có nghĩa nhà văn được phép tìm tòi theo hướng cực đoan, viết những điều không ai hiểu được. Nghệ thuật chỉ chấp nhận những tìm tòi tạo giọng nói riêng phục vụ cuộc sống. Bởi vậy ý kiến đưa ra đâu chỉ là một bài học về sự sáng tạo người nghệ sĩ mà còn là tiêu chí đánh giá sức hấp dẫn một tác phẩm văn chương, đánh giá tài năng người viết ra nó. Đó cũng định hướng cho người đọc khi đến với tác phẩm văn học để tìm hiểu giọng nói riêng nhà văn.
 
Sôlôkhôp trong “Số phận một con người” không chỉ thấy vinh quang đỏ chói trên ngực những chiến sĩ Hồng quân mà còn thấy những mất mát đau thương họ phải gánh chịu khi bước ra từ chiến tranh. Nam Cao bứt phá khỏi lối mòn của những nhà văn hiện thực đương thời khám phá tấn bi kịch tinh thần đau đớn của người nông dân bị cự tuyệt quyền làm người, ... Những nhà văn ấy khi tạo được cho mình một giọng nói văn chương riêng đã thực sự khẳng định được vị trí của mình trong lịch sử văn học, ấy là những minh chứng có thực cho ý kiến được đưa ra.

Nguyễn Thị Hải Hậu

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây