© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích: Nỗi oán sầu của người cung nữ

Thứ sáu - 11/05/2018 04:56
Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798) là nhà văn lớn của thế kỉ XVIII. Xuất thân từ một gia đình quý tộc thuộc dòng dõi Chúa Trịnh, Nguyễn Gia Thiều tận mắt chứng kiến sự suy tàn, sụp đổ của chế độ phong kiến, cuộc sống xa hoa trụy lạc của vua chúa đương thời. Từ thực tế bi thương của những người cung nữ, Nguyễn Gia Thiều đã viết “Cung oán ngâm khúc”. Khúc ngâm 356 câu song thất lục bát là nỗi oán sầu ngút trời của người cung nữ, là tiếng lòng của thi nhân phản kháng lại chế độ cung tần tàn nhẫn trong chế độ phong kiến đương thời.
Đoạn trích “Nỗi oán sầu của người cung nữ” gồm 5 khổ thơ với 20 câu biểu hiện nỗi mong chờ vò võ, nỗi sầu thương oán hận của người cung phi bị ruồng bỏ.
 
Vua chúa có hàng ngàn cung nữ. Có cung phi cả đời may mắn được một vài lần “chúa dấu vua yêu”, còn phần đông không được biết đến “ơn mưa móc” của vua chúa mà còn bị ruồng bỏ. Nguyễn Gia Thiều là một nghệ sĩ quý tộc, gần gũi và hiểu biết những người cung nữ. Ông thông cảm sâu xa với nỗi bất hạnh của họ:
 
Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền
Lạnh lùng thay giấc cô miên,
Mùi hương tịnh mịch bóng đèn thâm u.
Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ
Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu,
Một mình đứng tủi ngồi sầu,
Những than với nguyệt, lại rầu với hoa!
 
Nỗi mong đợi một đôi chút “ơn mưa móc” của vua chúa với người cung nữ thật là cảm động:
 
“Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền”
 
Không thể nói một cách đại lược là “ngày”, “đêm” người cung nữ mong đợi vua đến, mà phải nói “ngày sáu khắc”, “đêm năm canh”, vế đối này mới được trọn vẹn sự mong đợi vô vọng của người cung nữ. Nhà thơ sẽ phải nhập thân với cung nữ mới hiểu được tâm trạng “Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền”. Từng canh, người cung nữ lắng nghe bước chân “rồng” thì lại chỉ “lắng tiếng chuông rền” thật là buồn tê tái.
 
Thi nhân phải thốt lên lời thương cảm cho kiếp cô đơn của người cung nữ:
 
“Lạnh lùng thay giấc cô miên
Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u”
 
Đảo ngữ “lạnh lùng thay” càng làm nổi bật cảm giác lạnh của “giấc cô miên”, giấc ngủ cô đơn. Mà sao Nguyền Gia Thiều có nỗi đồng cảm sâu xa với kiếp người bất hạnh như vậy? Nỗi thương cảm thật là nghệ sĩ, cảm được cái “tịch mịch” của mùi hương, cái “thâm u” của bóng đèn thì thế giới tâm linh của thi nhân thật đáng kính nể!
 
Nỗi buồn trong lòng người cung nữ hiện ra cử chỉ, hiện ra nét mặt:
 
“Trăng biếng ngắm trong đồ tố nữ
Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu”
 
Trông chờ mòn mỏi nhà vua không đến, người cung nữ hướng về “cửa nghiêm lâu”, nơi vua ở mà buồn ra mặt. Cô đơn vẫn hoàn cô đơn:
 
“Một mình đứng tủi ngồi sầu,
Những than với nguyệt, lại rầu với hoa!”
 
Nỗi buồn cứ tăng lên mãi, từ mong ngón đến buồn tủi, sầu muộn. Biết cùng ai chia sẻ? “Những than với nguyệt, lại rầu với hoa”, những “nguyệt”, “hoa” là biểu tượng của phụ nữ, cho nên than với “nguyệt” là than với chính mình, “rầu với hoa” cũng là rầu với chính mình. Nỗi cô đơn càng nhân lên. Phải thương kiếp hồng nhan lắm mới có những biểu hiện tài hoa như vậy.
 
Thật là “sầu đong càng lắc càng đầy” ( Kiều), nỗi buồn trông, sầu muộn đã thành “khắc khoải”, thành “ngẩn ngơ”, thành oán hận:
 
“Buồn mọi nỗi lòng đã khắc khoải,
Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ,
Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng!”
 
Cặp từ “hoa”, “bướm” ẩn dụ cho tình nhân thì thường, nhưng ẩn dụ cho cung nữ và vua thì lạ. “Hoa này…” là người cung nữ tự thấy mình có hương có sắc vậy mà vua “nỡ thờ ơ” không đoái hoài. “Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng!” . Hình ảnh “gầy”, “xơ” thật là tội cho một kiếp hoa. Hình ảnh có tính cách miêu tả sự tàn phai của hoa mà cũng là của kiếp hồng nhan. Nhịp điệu thơ đay nghiến, trách móc, oán giận.
 
“Đêm năm canh lần nương vách quế,
Cái buồn này ai dễ giết nhau?
Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu
Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa?”
 
Đến đây, người cung nữ đã sụp đổ hoàn toàn cả tinh thần lẫn thể xác. Người cung nữ không còn “đứng tủi ngồi sầu” nữa mà “lần nương vách quế” thật là tội nghiệp. Nhà thơ đã nổi giận bằng một loạt câu hỏi tu từ, “Cái buồn này ai dễ giết nhau?”, “Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa?” Nhà thơ không còn giữ khoảng cách để miêu tả tình cảm tâm trạng của cung nữ mà nhập cuộc, trực tiếp lên tiếng đầy căm giận chế độ cung tần tàn nhẫn . ba câu thơ điệp lại ba từ “giết nhau” đay nghiến những kẻ đã tạo ra cái chết cả thể xác lẫn tinh thần của những cung phi, những người đẹp bất hạnh. Nguyễn Gia Thiều hiển hiện là một trí thức uyên bác, giàu lòng nhân ái, mà lại duy lí trong những câu thơ lạnh, sắc:
 
“Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu
Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa?”
 
Rồi nhà thơ lại trở lại với tâm trạng oán trách phẫn nộ của người cung nữ:
 
“Tay Nguyệt lão khéo xe chằng chỡ
Xe thế này có dở dang không?
Dang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!”
 
Nguyệt lão xe duyên người đẹp với vua mà “xe chằng chỡ” hay lạ lùng, là từ sáng tạo của Nguyễn Gia Thiều. “Xe chằng chỡ” là xe quằng xiên, lằng nhằng, chẳng đâu vào đâu cả.
 
Nguyệt lão thật là đáng trách “Xe thế này có dở dang không?” Từ “dở dang” đã gói gọn trọn cuộc đời bi thảm của cung nữ. Vua yêu thì là may, mà được mấy cung nữ “chúa dấu vua yêu”? Rồi bị ruồng bỏ thật là thê thảm, quãng đời còn lại sống như một con vật đã “tế thần”, mà đâu phải là con vật, đây là những con người, người đẹp vào hàng quốc sắc vậy mà khi vua ruồng bỏ rồi thì bị cấm kị hạnh phúc lứa đôi cho đến già, đến chết, “dở dang” chưa, “độc chưa”?
 
Từ trách móc oán hận người cung nữ phẫn uất:
 
“Dang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”
 
Theo điển cổ xưa, Nguyệt lão có dây tơ hồng xe duyên cho những cặp vợ chồng, đó là sợi dây tơ hồng của tình ái, của hạnh phúc lứa đôi. Còn dây tơ hồng mà Nguyệt lão xe người đẹp với vua chúa đã thành sợi dây oan nghiệt . Trong nỗi đau khổ tuyệt vọng, người cung nữ muốn “dứt tơ hồng”, sợi dây vô hình mà oan trái, độc địa! nàng muốn phá tung sự giam hãm bi thảm này:
 
“Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”
 
Những động từ “dứt”, “đạp” thật là mạnh mẽ, nhưng là những hành động của tâm trạng, chứ chưa phải là hành động của thực tế. Những hành động của ước muốn ấy càng cho thấy sự tàn nhẫn của chế độ cung tần và sự bi thảm của kiếp người cung phi.
 
Nguyễn Gia Thiều là một trí thức quý tộc, ông được hưởng nhiều ân sủng của nhà Chúa, nhưng ông lại có trái tim nghệ sĩ, có lòng nhân đạo cao cả. Ông sống gần gũi với các bậc đế vương và gần gũi với nạn nhân của các bậc đế vương. Ông thương yêu, đồng cảm với những người cung nữ bất hạnh và phản kháng chế độ cung tần thối nát, tàn nhẫn. Chỉ một đoạn trích “Cung oán ngâm khúc”, ta cũng nhận ra tài hoa và tâm hồn lớn của Nguyễn Gia Thiều. Thể thơ song thất lục bát hợp với hình thức “NGÂM”, nhưng không quá du dương như “Chinh phụ ngâm”, mà sắc sảo, nặng lí trí, uyên bác. Nhà thơ đã thể hiện quá trình phát triển tâm trạng của người cung nữ, từ mong chờ sầu muộn đến ngán ngẩm ê chề đến đay nghiến, căm hận, phẫn uất. Khúc ngâm có sự hài hòa tuyệt vời giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân, giữa hình ảnh và nhạc điệu, giữa trữ tình và triết lí. “Cung oán ngâm khúc” là tác phẩm thiên tài của Nguyễn Gia Thiều vì đấy là đỉnh cao của ngôn ngữ, của trí tuệ và của tinh thần nhân văn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây