© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê

Thứ hai - 05/10/2020 09:55
Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê
Nhà văn nữ Lê Minh Khuê trước năm 1975, chuyên viết về cuộc sống chiến đấu của lớp trẻ ở tuyến đường Trường Sơn. Những ngôi sao xa xôi là một trong những truyện ngắn đầu tay tạo dựng nên tên tuổi của bà.
Truyện kể về ba nữ thanh niên xung phong, tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên đường Trường Sơn. Mỗi người một tính cách, sống dưới lằn đạn, lửa bom để san lấp mặt đường, đánh dấu những quả bom chưa nổ, và phá hủy chúng. Công việc dù rất nguy hiểm đến tính mạng nhưng họ vẫn lạc quan, hồn nhiên, mơ mộng và gắn bó, yêu thương nhau.

* Nhân vật kể xưng “Tôi” (Phương Định), một phần của “chúng tôi”. Việc chọn vai kể như vậy phù hợp cho việc miêu tả, bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ một cách tự nhiên, không gượng ép.

- Nét chung đã gắn bó ba cô gái thành một khối thống nhất: - Họ cùng một tổ, cùng một công việc. Họ cùng có tinh thần trách nhiệm cao trong hoàn cảnh chiến tranh luôn đe dọa đến tính mạng. Đúng vậy. “Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những qua bom”, cả ba luôn đối diện với thần chết giữa khung cảnh “hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy”, những hố bom và những hầm trú ẩn... Nếu chiến tranh là bóng đêm thì họ chính là ba ngôi sao sáng.

- Ba ngôi sao ấy mỗi người đều có hình dạng, tính cách khác nhau:

+ Thao, tổ trưởng có vẻ từng trải, thích màu sắc, thích làm đẹp. “Chị hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm”. Chị thích ăn vặt và nhiều lúc “chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực”, nhưng lại rất sợ vắt và máu.

+ Nho thì có vẻ yếu đuối, “trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”, nhưng lại rất tinh nghịch.

+ Với nhân vật “tôi” (Phương Định) tự quan sát và đánh giá về mình:
- Hình dáng: “Hai bím tóc dày, cổ cao, đôi mắt dài dài, màu nâu”, sắc đẹp khá, có vẻ đài các.
- Tâm hồn: Có vẻ điệu hạnh bên ngoài nhưng có nhận xét sâu sắc.

+ Công việc cận kề với cái chết đã quyện ba cô gái khác tính khác nết này lại với nhau trong từng trang văn của Lê Minh Khuê. Mỗi ngày, các cô phá bom ít nhất là ba lần. Công việc ấy có thể dẫn đến thương vong, đau khổ cho cả ba người nhưng họ đã hứa với nhau rằng: “Nước mắt đứa nào chảy trong khi cần cái cứng cỏi của nhau này là bị xem như bằng chứng của một sự nhục mạ”.

Đó là khí khái, sự tỉnh táo của cả ba để vượt qua bản chất yếu đuối thường thấy. Họ có nghĩ đến cái chết, nhưng chỉ mờ nhạt, chỉ thoáng qua. Cái chính là họ nghĩ “liệu mìn có nổ, bom có nổ không”. Trong một lần ba người phá bom: “Tôi, một quả bom trên đồi. Nho, hai quả dưới lòng đường. Chị Thao, một quả dưới chân cái hầm ba-ri- e cũ”. Chỉ cần đọc Lê Minh Khuê miêu tả lần phá bom ấy thôi cũng đủ để nhận ra công việc hiểm nguy và tính cách của cả ba người. Lê Minh Khuê miêu tả:

- Bom mìn: “Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng...”.

- Thao tác phá bom căng thẳng đến nghẹt thở của Phương Định: “Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom... Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi... Chị Thao thổi còi... Tôi cẩn thận bó gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi... rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình...”.

Tai nạn xảy ra: Một tiếng nổ. Ngực nhói. Mắt cay, buồn nôn vì thuốc bom. Rồi ba tiếng nổ nữa vang lên. Xong rồi. Chị Thao cười, đi qua chỗ “tôi”. “Tôi” chạy theo chị ... Nhưng rồi chị vấp ngã, “tôi” đỡ chị. “Chị kéo luôn tay tôi sà xuống mô đất ... phủ đầy thuốc bom màu xám”.

“ - Nho, bị thương ở chỗ nào? Bị ở đâu, em?”

Đoạn văn miêu tả có nhịp điệu nhanh bởi câu văn ngắn, hoặc bởi những dấu phẩy, thỉnh thoảng lại chen vào những câu độc thoại khiến người đọc hồi hộp, căng thẳng thêm. Hai chị em moi hầm nấp bị sập đưa Nho lên săn sóc. Nho bị choáng và bị thương ở phần mềm của cánh tay.

Lúc bình thường Thao tỉnh táo đến như vậy thì ngược lại lúc này lại “cứ cuống quýt lên”, nhưng lại sợ máu nên “tôi” phải lo băng bó vết thương, chăm sóc Nho ... Rồi họ lại ca hát để khỏa lấp nỗi lo ...

- Hết bom mìn, nắng cháy đến mưa gió bão bùng: A! Mà là mưa đá “Những niềm vui con trẻ ... lại nà tung ra, say sưa, tràn đầy” ở cả ba người. Riêng Phương Định thì bỗng thần thờ vì cơn mưa tạnh. Cô nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ những hình ảnh thân quen ở Hà Nội...

- Lê Minh Khuê có cách kể chuyện tự nhiên khi chọn vai kể là nhân vật chính.

- Ngôn ngữ sinh động trong những câu văn kết hợp với nghệ thuật miêu tả, nhất là miêu tả tâm lí nhân vật, Lê Minh Khuê đã làm sáng lên tâm hồn của ba cô gái có tính cách khác nhau nhưng lại rất hồn nhiên, lạc quan và dũng cảm trong cuộc chiến trên tuyến đường Trường Sơn. Họ đúng là ba ngôi sao sáng.

- Đã hơn 45 năm trôi qua, truyện Những ngôi sao xa xôi vẫn làm người đọc xúc động khi có dịp đọc lại.

* Ghi chú:
- Truyện ngắn được viết theo lối văn tự sự. Người kể là nhân vật “tôi” (Phương Định).
- Nội dung: Kể về ba cô gái thanh niên xung phong, mỗi người một tính cách khác nhau, cùng làm nhiệm vụ thông đường, phá bom ở đường Trường Sơn trong thời chống Mỹ.
- Học sinh dựa vào dàn ý trên để viết thành bài văn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây