© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích và phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) của Lí Bạch

Thứ ba - 10/03/2020 10:37
Em hãy phân tích và phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch để thấy tình yêu quê hương tha thiết, mãnh liệt đã được nâng cánh bằng những cảm hứng lãng mạn của nhà thơ.
Quê hương là gì hở mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu.
Quê hương là gì hở mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều.

Lời trẻ nhỏ hỏi mẹ trong sáng, ngây thơ nhưng cũng chính là nỗi lòng chung của những người con xa quê hương lãng du nơi đất khách.

Có ai đi xa không nhớ quê hương bởi quê hương với mỗi người đã trở thành máu, thành thơ, thành một phần của tâm hồn. Lí Bạch là một thi nhân suốt đời chống kiếm phiêu du nhưng luôn nặng lòng thương nhớ quê hương. Tình cảm tha thiết mãnh liệt dâng trào ấy còn được nâng cánh bằng cảm hứng lãng mạn, bay bổng, diệu kì, qua bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh:

Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Chính cái chất lãng mạn, trữ tình, đằm thắm, cái chất thơ nồng ấm của Lí Bạch - con người hiệp khách - đã làm cho khúc nhạc lòng vỏn vẹn hai mươi âm tiết chan chứa tình người con xa quê sống mãi với thời gian.

Từ xưa đến nay, các thi nhân bao giờ cũng mượn cảnh để tỏ bày tâm sự, nỗi niềm của mình. Một bức tranh đẹp đập vào mắt ta trước tiên cũng là cảnh rồi mới tới những gì ẩn chứa bên trong. Và Lí Bạch, bậc “thi tiên” của thơ đường Trung Quốc, ngay từ những dòng đầu đã dẫn ta vào một thế giới trăng đầy ảo diệu:

Sàng tiền mình nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.

Ấn tượng đầu tiên để lại trong ta là trăng. Trăng ở khắp nơi, không chỉ giới hạn ở nơi đầu giường mà ánh trăng bao trùm cả không gian, tỏa khắp căn phòng nhỏ, hòa quyện vào ánh trăng của cả vũ trụ bao la. Trăng như một dòng suối chảy miên man trong đêm sâu, trăng như một làn sóng huyền bí và tinh tế chảy tràn qua, vuốt ve mọi vật bằng cái thứ ánh sáng mát dịu. Cảnh vật như say dưới ánh trăng, như lặng đi trong cái tĩnh lặng đến khôn cùng của đêm khuya. Câu thơ với những vần bằng êm ả như càng làm tăng nét êm đềm của dòng sông trăng, gieo vào lòng người cảm giác lâng lâng thanh tịnh lạ thường. Giữa khoảnh khắc đêm thâu chỉ có ánh trăng là chủ thể, thiên nhiên hiện lên cái vẻ đẹp trong sáng nhất, cuộc sống trở về với những nhịp bình lặng, thâm trầm, trút bỏ cái náo động, xô bồ của ban ngày. Tất cả giờ đây chỉ còn là tâm hồn thảnh thơi, say sưa bát ngát đất trời ngập ánh trăng. Hơi thở đất trời cũng nhẹ như sợ làm vỡ cái giây phút huyền điệu của chị Hằng. Trăng đẹp và thơ mộng như một bài thơ, trăng tìm đến với người bạn, Bác Hồ có viết:

Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau.

Bác Hồ đành từ chối người bạn tri kỉ, tri âm để lo việc quân, việc nước, lo “nỗi năm châu”. Còn Lí Bạch, người lãng tử trong phút dừng chân nơi quán trọ, để trọn lòng mình đến với thiên nhiên, say trong thiên nhiên, đập chung nhịp đập bồi hồi, xao xuyến của đất trời. Cuộc sống thật thanh bình, gió trăng vào chơi không cần gõ cửa, như bạn cố tri vốn thân thiết từ lâu rồi. Thật vậy, với một hồn thơ lãng mạn, bay bổng như Lí Bạch thì làm sao có thể vô tình, hững hờ trước một ánh trăng đẹp, nhất là vào khoảnh khắc thời gian của đêm thâu, khi tất cả đã lắng đọng lại, trong sáng và tinh khiết sau những bụi bặm của cuộc sống đời thường. Trăng rọi ngay bên đầu giường của thi nhân, lại là “minh nguyệt”, đủ thấy được nhà thơ yêu trăng đến mức nào! Có lẽ, trong một phút giây xao xuyến, hồn thơ Lí Bạch đã chơi vơi, tan ra, hòa quyện cùng gió với trăng để rồi đặt bút viết ra những dòng thơ thật trữ tình, thể hiện rõ dáng dấp của một “thi tiên”:

Nghi thị địa thượng sương.

Chỉ năm chữ thôi, năm chữ tưởng chừng như không là gì mà câu thơ bừng dậy một sức sống mới, thật mạnh mẽ mà cũng thật huyền ảo như có sắc có hồn. Một ánh trăng rọi mà tác giả ngỡ như là sương khói. Chỉ một hình ảnh thôi mà đủ gợi lên một thế giới cảm xúc miên man. Phải là một con người thiết tha với vẻ đẹp thiên nhiên, say mê và có tình cảm nồng nàn với những gì xung quanh mình mới có cái nhìn thi vị hóa đến thế. Sức liên tưởng phong phú như làm một hình tượng thơ sống dậy, như làm ta tan ra trong thế giới huyền ảo của thi nhân. Trăng hay là sương là là mặt đất? Ánh trăng hắt qua khung cửa sổ soi xuống căn phòng hay là sương khói mông lung? Trăng - thực đó mà như không thực, như mờ ảo, khó nắm bắt đến lạ kì. Bằng chất lãng mạn vốn có, thi nhân đưa ta đến với một thế giới mới, thế giới mơ mộng huyền ảo của thi, ca, nhạc, họa. Trăng đêm nay còn là trăng của cuộc sống đời thường nữa hay không, hay qua cảm quan rất riêng cửa Lí Bạch đã trở thành một vầng trăng hư ảo, trăng của cõi Thiên Thai? Cái sương khói của ánh trăng như làm cho câu thơ ngập trong không khí mơ màng hư hư thực thực, trăng sáng mà sáng bàng bạc, huyền ảo. Trăng ở quanh thi nhân như có mấy tầng mấy lớp. Trăng làm cả không gian hẹp của thi nhân - cản phòng trọ - và không gian bao la của vũ trụ - bầu trời đêm - hòa chung làm một. Cả đất trời và hồn người như quyện chặt vào nhau. Quả thật, phải là một đêm khuya thanh tĩnh lắm mới nghe được tiếng đất trời và vầng trăng đang thầm thì trò chuyện, mới nghe được nhịp đập bồi hồi trong trái tim nghệ sĩ. Chính lúc không gian như đang lắng lại để chìm vào phút giây thanh tĩnh, yên ả nhất của thời gian, khi mảnh trăng của đất trời sáng vằng vặc thì cõi riêng cảm xúc một mảnh hồn cô đơn đang khao khát mơ tìm tri âm, tri kỉ, một thi nhân đang ngắm trăng mà buồn cho cõi đời cát bụi trầm luân và con người đứng trước cảnh đẹp nơi đất khách cũng đang gửi chút tình về chốn quê xưa, đó là Lí Bạch:

Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương)

Một con người đang say sưa thưởng thức và gởi trọn hồn mình vào cảnh đẹp thiên nhiên và phút chốc vội quay về với chính mình, chắc hẳn phải có một nỗi niềm tâm sự trĩu nặng và dồn nén. Từ tư thế “cử đầu”, ngắm trăng, trong giây lát thi nhân quên đi cả một đất trời đang mời gọi để rồi “tư cố hương”. Nỗi lòng của Lí Bạch trào lên mãnh liệt, tha thiết, day dứt hơn bao giờ hết. Đêm nay, nhìn trăng sáng nơi quê người, đứa con phiêu lãng chắc có lẽ đã thấy tâm hồn mình trăn trở khôn nguôi khi hát lên từ thẳm sâu nỗi nhớ của trái tim. Ánh trăng làm ông nhớ đến thuở nhỏ thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà ngắm trăng. Chỉ thoáng một chớp mắt, hình ảnh ấy đã thuộc về quá khứ, thuộc về dĩ vãng quá xa mờ. Con người xa quê thấy lòng mình chùng xuống, ngoảnh đi ngoảnh lại thoắt đã mười mấy năm ròng, giờ đây, đứng trước đất trời trong cảnh trăng vời vợi, bao hình ảnh ngày xưa tái hiện về, dồn dập, nén chặt, chất chứa., như một đoạn phim quay chậm. Quá khứ, hiên tại, quê nhà, quê người, thành công, thất bại, hi vọng, thất vọng, thân thế, sự nghiệp, tất cả như đan xen, như hòa quyện vào nhau, trĩu nặng trong tư thế của một con người cúi đầu mà tâm hồn quay quắt nhớ. “Cử đầu”, đối diện với hiện tại, với ánh trăng của ngày hôm nay nơi đất lạ, nhưng con người ấy lại ngoảnh mặt, phủ nhận hiện tại, muốn quên đi những gì đang diễn ra, con người ấy “đê đầu” để níu kéo, quay trở về nơi quá khứ đã đi qua, quá khứ đã một thời thân thuộc, gắn bó, yêu thương. Khi ngẩng đầu, tư thế hướng ngoài, trông ra mảnh trăng của đất trời, còn khi cúi đầu là hướng nội, là quay về với thế giới nội tâm, đang trăn trở những nỗi niềm thầm kín, bao nhiêu tâm trạng, bao nhiêu suy nghĩ như làm cả bài thơ nghiêng hẳn về câu cuối. Tình ở đây là tấm lòng thương nhớ quê hương, Với con người xa quê đã lâu như Lí Bạch, tình cảm ấy càng da diết khôn nguôi. Hơn nữa, bốn bề không gian yên tĩnh lại càng tô đậm, càng làm sâu sắc thêm nỗi nhớ quê hương, cuộn sóng tâm hồn. Có lẽ, trong suốt cuộc đời chống kiếm lãng du, làm một hiệp khách thi nhân, đây là lúc Lí Bạch để tâm hồn mình lắng lại, sống trọn vẹn với quê hương, sống trọn vẹn với những hoài niệm xinh đẹp của quá khứ hơn bao giờ hết. Thế mới biết, quê hương là những gì thiêng liêng nhất; một ngôi nhà, một góc phố, một cánh đồng, một dòng sông mang dáng dấp quê hương xưa cũng gợi cho ta bao cảm xúc. Đối với Lí Bạch, tình yêu ấy còn được nâng cánh bằng cảm hứng lãng mạn nên chỉ một ánh trăng cũng đủ làm sống dậy hình ảnh cố hương trong tiềm thức. Nhà thơ Chế Lan Viên có câu:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.
(Tiếng hát con tàu)

Khi con người Lí Bạch bắt đầu bước đường đời phiêu lãng, quê hương thật sự đã thành máu, thành hồn. Tình yêu quê hương, hay đúng hơn, cố hương, càng sâu sắc, mãnh liệt, khi ngẩng đầu ngắm trăng, khi cúi đầu nhớ về quê cũ, hai tư thế tưởng chừng đối lập nhau (hai câu thơ đối rất chỉnh từng lời, từng chữ) nhưng lại bổ sung cho nhau, càng làm cho tình yêu và nỗi nhớ cố hương thêm nồng nàn, sâu thẳm, nhờ yêu quê hương mà quên cả vẻ đẹp thiên nhiên. Hình ảnh quê xưa và ánhtrăng như hai mà một, bao hoài niệm cố hương gắn liền với kí ức về trăng. Tình yêu cố hương với một bức tranh chan chứa ánh trăng làm nền bay cao mãi, xa mãi, ngân vang mãi khúc nhạc lòng của chàng trai trẻ ngày nào trên núi Nga Mi, giờ đã là một Lí Bạch sau mấy mươi năm trầm tư suy ngẫm về quá khứ. Câu thơ cuối đã khép lại nhưng tình, nhưng ý còn chưa dứt, bởi dù chỉ có hai mươi chữ nhưng ấn tượng đậm nét trong ta mãi mãi là một con người cúi đầu nhớ về quê cũ.

Là một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, bài thơ còn vấn vương lại mãi trong ta, thấm nhuần trong ta nỗi niềm tiếc nuối, ngậm ngùi như một bản nhạc kết thúc bằng một âm trầm xao xuyến. Trước hết, đó là chất dung dị mà sâu sắc của ngôn từ, chất lãng mạn trữ tình mà chân thật của cảm xúc và bao trùm lên trên hết là tình yêu cố hương tha thiết, mãnh liệt, trào dâng trong từng câu, từng chữ. Tĩnh dạ tứ, một phút trầm lắng suy tư trong đêm thanh tĩnh, gợi nơi ta một cảm giác xao xuyến, bồi hồi và hơn nữa, là chút gì đồng cảm, đồng điệu. Xa quê hương, ai mà lại không nhớ không thương? Lí Bạch đã viết bài thơ bằng tình cảm chân thật nên tình yêu cố hương được thể hiện sống động bao cảm xúc. Ta bồi hồi chất lãng mạn của thơ, ta trân trọng, nâng niu những tình cảm thực sự từ đáy lòng của nhà thơ cũng chính là ta đã hiểu, đã cảm thấy được cái hay, cái đẹp, của nghệ thuật thơ ca, chính là ta đã hiểu và ta tìm thấy sự đồng điệu nơi thi nhân Lí Bạch. Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) xứng đáng là một bản tình ca của tâm hồn, là khúc nhạc lòng chan chứa nghĩa tình của Lí Bạch nói riêng và của bao người con xa bước nặng tình thương quê hương.

Quả thật, Lí Bạch với tình yêu quê hương tha thiết, mãnh liệt được nâng cánh bằng cảm hứng lãng mạn tuyệt vời qua Tĩnh dạ tứ đã hâm nóng những mạch cảm xúc trong ta. Ta yêu quí trân trọng, hòa cùng những dòng thơ Lí Bạch cũng chính là ta đã làm cho giá trị đích thực của thi ca chuyển tải thế giới nội tâm của con người sống mãi với thời gian. Làm sao ta có thể quên dáng hình một hiệp khách thi nhân cúi đầu hồi tưởng về quê hương trong tiềm thức và làm sao ta có thể quên một Lí Bạch “thi tiên”, nhà thơ của những cảm xúc thăng hoa trong tâm hồn, nhà thơ đã góp phần làm diện mạo nền thơ Đường thêm phong phú.

Đây những tập Đường thi bất tuyệt,
Thơ Lí Bạch, Đỗ Phủ tinh hoa.
Cùng với ánh trăng sao vằng vặc,
Chiều ngàn năm mà mới tựa hôm qua
(Tế Hanh - Tình yêu của sách)

Ngọc Diệp

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây