© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích vẻ đẹp bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh (1916- 1991).

Thứ ba - 24/01/2017 05:42
“Muôn trùng sở dĩ rạo rực lòng người vì muôn trùng là nỗi thương nhớ mênh mông của những tấm lòng rất bạn”.
Khi viết về những kỉ niệm tuổi thơ “Trong bóng rừng”, Hồ Dzếnh đã từng nói như vậy, và dường như nỗi “thương nhớ mênh mông” ấy đã trở thành âm hưởng chủ đạo trong các bài thơ của tác giả. Bài thơ “Chiều” là một nốt nhạc trầm trong bản nhạc buồn buồn xa vắng ấy.
 
Ấn tượng đầu tiên của người đọc khi tiếp xúc với bài thơ là âm hưởng dàn trải, mênh mang, được tạo ra do sự phối thanh. Suốt mười ba dòng thơ năm chữ, thanh trắc chỉ chiếm với số lượng ít ỏi: hai mươi từ nằm rải rác từng câu thơ như một điểm nhấn cố định cho cả câu thơ lơ lửng như muốn bay lên khoảng không bát ngát của chiều.
 
Bài thơ mở ra với tâm trạng “nhớ đầy” của một chủ thể ẩn:
 
“Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây”
 
Ta không rõ là ai đang “nhớ đầy”, nhớ về gì. Bắt đầu của bài thơ đã là một nỗi nhớ, không man mác mà đã là nhớ đầy. Sắc thái cao nhất của một nỗi nhớ. “Trên đường về nhớ đầy”. Đã có trong từ chỉ không gian “trên đường” vừa gợi cho người đọc định hướng được nơi chốn cụ thể nhưng cái không gian ấy cũng thật xa xôi. Ta không rõ “trên đường” nên ta không rõ ai đang “nhớ” gì. Câu thơ cứ lơ lửng mang nỗi nhớ phủ đầy. Sự vật tưởng gần mà hoá xa xôi, mà hoá ra khó nắm bắt.
 
Không gian đã hé mở cho ta thấy tâm trạng của một nhân vật trữ tình và thời gian như là một chất men làm ấm lên nỗi nhớ: “Chiều chậm đưa chân ngày”. Thời gian không đứng yên, nó chuyển động, chậm thôi nhưng đều đặn. Ranh giới ngày đêm được đặt ra để ta thấy rõ hơn cuộc tiễn đưa của thời gian. Bóng chiều dần phủ lên không gian, lấn dần những sắc nắng của “ngày”. Biện pháp nhân hoá được sử dụng ở câu thơ như cho ta thấy bước đi chậm rãi nhưng đều đặn của thời gian.
 
Không gian là nỗi nhớ, thời gian là buổi chiều gợi nỗi buồn, nhớ, cô độc, tất cả trở thành chất truyền dẫn để làm bật lên tâm trạng của nhân vật trữ tình. “Tiếng buồn vang trong mây”.
 
Vẫn là thơ phiếm chỉ sắc thái nhớ đầy đã trở thành “tiếng buồn”. Cùng với sự trôi chảy của thời gian là sự tăng cấp của tâm trạng. Không phải là nỗi buồn mà là tiếng buồn tức có âm thanh. Buồn đã thốt lên thành tiếng, đã có sức vang. Ba câu thơ đầu khép lại vẫn chưa hé mở chủ thể tâm trạng. Người đọc có cảm giác thời gian và không gian nhuốm đầy nỗi nhớ với những âm thanh buồn. Nỗi nhớ theo thời gian tăng cấp biến thành nỗi buồn, thành tiếng buồn, giăng mắc khắp nhân gian. Việc sử dụng điệp vần “ấy” trở đi trở lại trong ba câu thơ đầu và trong toàn bài, khiến ta có cảm giác nỗi buồn quanh quẩn, liên kết, không hẳn tan ra, mênh mang. Ba câu thơ không hẳn là tả cảnh, nó như lời kể, lời tâm sự của một chủ thể bước trên đường trong một buổi chiều đầy tâm trạng. Cái nhìn của nhân vật trữ tình thì xa xăm, không chủ định nhưng tâm trạng thì nặng trĩu buồn.

Từ điểm nhìn bâng quơ, câu thơ bắt đầu đi vào từng sự sống cụ thể. Câu thơ tiếp theo ấm dần lên bởi đã xuất hiện sự sống:
 
“Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu cổ vạn
Chất trong hồn chiều nay”
 
Càng đi sâu vào bài thơ, ta cảm giác như mình đang đi vào một khu rừng lạ, có bao điều bỡ ngỡ, bao câu hỏi đặt ra nhưng không lời đáp. Gió say tình gì mà phải “ngây ngây”. “Chim rừng quên cất cánh” vì luyến tiếc thời gian?.  Vì nỗi buồn đã phủ nặng lên đôi cánh?. “Ngây ngây” dường như gió cũng không hiểu mình say vì gì. Gió “ngây ngây”, không phải là “xiêu xiêu”. Trong “thơ duyên” của nhà thơ Xuân Diệu, gió dường như cũng xao xuyến nên “xiêu xiêu” khi biết được tình cảm sâu sắc của chàng trai dành cho cô gái nhưng vẫn chưa thốt lên thành lời. Hồ Dzếnh lại sử dụng cặp từ láy “ngây ngây”, gió cũng say, cũng “ngây ngây” vì tình. Nhưng liệu sắc thái biểu cảm có tương đồng với hình ảnh “thơ thơ, ngây ngây” của hai chị em trong tác phẩm “Toả nhị Kiều” của Xuân Diệu?.

Từ một khoảng không gian, thời gian có chỉ định nhưng dường như vô định, bức tranh chiều có ấm lên bởi sự sống, bởi có “chim rừng”, có “gió” nhưng lại đưa người đọc đến một cánh rừng nặng trĩu tâm trạng. Có gì nằng nặng, kéo dài, không bay mất mà ủ kín như bầu tròi ngột ngạt trước cơn giông. Câu hỏi tu từ vang lên: “Có phải sầu vạn cổ; chất trong hồn chiều nay?”, bật ra như một nhu cầu giao tiếp, như muốn tâm sự, muốn bộc bạch. Trong khoảng không gian nhuốm buồn, thời gian là buổi chiều dần muộn, tâm trạng nhân vật trữ tình vì vậy như chùng lại, co rút lại, cô đặc lại thành “sầu”.
 
Bao buồn bã, bao nỗi cô đơn như gói lại trong từ “sầu ấy”. Không phải là nỗi sầu bâng quơ. Nó như được dồn lại, nén lại từ lớp lóp những nỗi buồn của nhân gian từ quá khứ đến hiện tại. “Sầu vạn cổ”: từ gốc Hán - Việt, phải chăng đây là nỗi buồn, nhớ về quê hương, về vùng Quảng Châu xa xôi chưa một lần tác giả được đặt chân đến?.  Đọc hai câu thơ, ta bỗng chạnh nhớ đến hình ảnh người chinh phụ với nỗi sầu, muộn gặm nhấm từng đêm:
 
“Sầu đã nặng hãy chồng làm gối
 Muộn đã đầy hãy thổi làm cơm”
 
Câu thơ đã khiến ta xót xa thương cảm cho một kiếp người giờ lại khiến cho ta hiểu thêm, đớn đau thêm cho nỗi “sầu vạn cổ” của nhân vật trữ tình. Chỉ trong một buổi chiều dần muộn, tất cả nỗi sầu từ quá khứ đến hiện tại bỗng dồn tự về, trào dâng trong lòng người. Bài thơ không tả lại cảnh chiều rõ rệt, không nói rõ về tâm trạng, chỉ biết nhớ, buồn, sầu. Ta như cảm thấy mình đang lạc bước vào một buổi chiều với sắc nắng nhợt nhạt, thoi thóp, sự sống chuyển động yếu ớt “ngây ngây”; “quên cất cánh”. Khắp không gian là giăng mắc bởi lớp lớp buồn, sầu. Nỗi buồn lan toả từ tâm trạng của nhân vật trữ tình, thấm vào cảnh vật. Cảnh vật dường như cũng mang tâm trạng buồn, tác động vào hồn người. Lòng người buồn, cảnh vật gợi buồn nên nỗi buồn được khuyếch trương lên khiến nó chất ngất, bít bùng như muốn bao phủ, muốn nuốt nhân vật trữ tình vào vòng xoáy ảo não của nó, khiến bất kì ai trong hoàn cảnh đó cũng phải thốt lên đau đáu:
 
“Có phải sầu cô vạn
Chất trong hồn chiều nay?”.
 
Câu hỏi để khẳng định lại tâm trạng. Hỏi để tô đậm thêm vẻ ảo não của buổi chiều.
Đến với trào lưu “Thơ mới” ta như đắm chìm trong nỗi buồn, của cá nhân, của thời đại. Đến với bài “Chiều”, ta lạc vào tâm trạng buồn không rõ của ai, cũng không rõ sao nhưng lại nặng trĩu lòng.
 
Khổ thơ cuối bắt đầu hé mở bức màn bao quanh nỗi buồn với môtip quen thuộc của Thơ mới: “Tôi là”.
 
“ Tôi là người lữ khách
Mầu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây ...”
 
Khổ thơ xuất hiện với một khái niệm mới: “mầu chiều”. Mầu chiều? thật khó mà diễn tả bởi nó luôn thay đổi và khó nắm bắt. Thời gian đi qua mầu chiều mỗi phút một khác. Từ sắc nắng vàng ửng của buổi chiều đến màu đỏ nhuộm thẫm của buổi hoàng hôn. Mầu chiều cũng biến đổi theo tâm trạng. Bởi vậy “mầu chiều” là khái niệm khó suy tưởng, khó lí giải. Chỉ biết nó có màu vàng đặc trưng cho từng tâm trạng. Nguyễn Tuân đã từng tự mắng mình vì bất lực trước việc sử dụng ngôn ngữ trong việc diễn tả mầu sắc của sóng biển. Ngôn ngữ nhiều khi cũng bất lực trước sự đa dạng, phong phú của cuộc sống. “Mầu chiều khó làm khuây” là sự khẳng định của nhân vật trữ tình.

Bức chân dung về một chủ thể ẩn đã phần nào hé mở qua lời giới thiệu “Tôi là người lữ khách”. “Người lữ khách” tạo dáng vẻ cô độc, không một nơi chốn ổn định. Lữ khách chứ không phải lữ hành. Người lữ hành dù sao cũng gợi chốn dừng chân, vẫn có một bến bờ để đi đến. “Lữ khách” như một người lang thang vô định, chưa biết đi về đâu và dừng chân ở đâu. Cô độc - Hai câu thơ gợi cho ta thấy hẳn cả một dáng vẻ cô độc của một con người, và có phần mỏi mệt. Có lẽ bởi mang nặng tâm trạng xuất phát từ sự cô đơn không nơi bấu víu. Hai câu thơ tiếp song hành với nhau, điệp về cú pháp như càng chất chồng lên nỗi buồn vốn dĩ đã quá buồn:
 
“Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây”

“Lòng” - “rừng” gợi cảm giác trải rộng, níu giữ. “Hồn” - “mây” gợi cảm giác bay bổng, không ràng buộc. Hai câu thơ song hành nhưng đối nhau về ý thơ. “Ngỡ lòng mình là rừng” dường như tác giả ước mơ khát khao được trải rộng lòng mình ra cùng không gian mênh mông nhưng cố định, được nương tựa vào một bến bờ.
 
Tuy vậy, từ “ngỡ” đi đầu câu đã như là một lời phủ định lại ước mơ ấy. Tâm trạng của tác giả muốn được níu chặt bởi một bến bờ, nhưng không được, muốn được bay bổng cùng mây, không có gì ràng buộc vướng bận, cũng không được. Tâm trạng muốn thoát khỏi nỗi buồn đeo đẳng nhưng không thành. Hai câu thơ với hai thanh trắc, muốn thoát lên nhưng lại kéo về, lơ lửng (bởi các thanh bằng). Lơ lửng giữa không gian và thòi gian chất đầy nỗi buồn nhớ, không một bấu víu. Hai câu thơ có cảm giác như tiếng reo vui nhưng bị chặn lại, trở thành tiếng thở dài “ngỡ ... là”. Ta có cảm giác như là một sự cố gắng bứt phá, một cuộc chạy trốn của tâm trạng. Và điểm tựa, điểm đến của tâm trạng ấy là hai câu thơ cuối:
 
“Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây ...”
 
Bài thơ được xây lên bằng lớp lớp những hình ảnh, đến cuối bài lại bừng sáng lên bởi đốm sáng toả ra từ hình ảnh “châm điếu thuốc”. Chấm sáng của bài thơ thu gọn về trên tay tác giả. Nhớ nhà đó là tâm trạng vốn có của con người mỗi khi cảm thấy mệt mỏi trên đường đời. Nhà, quê hương như là điểm đến duy nhất của những trái tim xa xứ. Nhân vật trữ tình ở đây cũng vậy. Đứng trước khoảng không là buổi chiều gợi buồn, cảm nhận thòi gian đang trôi chảy, lòng lại chạnh nhớ đến quê nhà. Và người tri ân tri kỷ của tác giả lúc ấy là “điếu thuốc” nhỏ thôi nhưng lại là một bến bờ để hồn tác giả neo đậu ở đấy, không bị cơn bão của nỗi buồn cuốn xa. “Châm điếu thuốc”, hình ảnh gợi mở không gian ấm áp và gợi ra cả hình ảnh quê nhà êm đềm.
 
“Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây ...”
 
Tâm trạng của tác giả đã gợi mở những ngõ ngách sâu kín nhất. Thì ra bao trùm cả bài thơ là nỗi cô đơn của một người con xa quê, nhớ nhà. Nỗi nhớ đã gọi thành tên nhưng vẫn được bọc trong một làn “khói huyền” hư ảo. “Khói huyền”: khói màu đen, hoà vào gam mầu chiều ấy tạo nên sự hư ảo, hư hư, thực thực của câu thơ. Tâm hồn của tác giả vừa được bấu víu vào một bến bờ, được nương tựa vào người bạn tri âm, tri kỷ, giờ lại nhoà đi trong làn “khói huyền” lẩn quất. “Khói huyền bay lên cây ...”: bay lên cây chứ không hẳn tan ra, làn khói ấy như vẫn còn vảng vất nỗi niềm nên quấn quít lại, không lan toả. Dường như tâm trạng của tác giả vẫn như làn khói kia, không yên, còn vương vấn, còn bồi hồi về một điều gì không rõ. Kết thúc câu thơ, cũng kết thúc bài thơ là dấu ba chấm lửng lơ mở ra cả một thế giới tâm trạng, một cơn sóng lòng dữ dội khác.
 
Bài thơ là một điệp khúc buồn của một người con xa xứ, có gì tương đồng như tâm trạng của Huy Cận lúc “bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Tâm hồn của Hồ Dzếnh vừa rõ vừa hư ảo. Nỗi nhớ, buồn, sầu tăng dần như vẫn khiến người đọc khó nắm bắt. Tâm trạng nhà thơ thả lửng lơ như dấu ba chấm kia còn khiến người đọc phải trở trăn, suy nghĩ cùng những điều tâm sự sâu kín của tác giả.
 
Bài thơ trước đây có tên rất lạ “Màu khói trong cây”, về sau tác giả đã đổi lại thành “Chiều”. Tiêu đề mới gợi mở hơn, bởi buổi chiều vôn dĩ tự nó đã biểu hiện rất nhiều cảm xúc, tình cảm. Bài thơ mơ ra với không gian khách quan và khép lại bởi không gian tâm trạng, bao phủ lấy thế giới nội tâm rất khó nắm bắt của Hồ Dzếnh.
 
Bài thơ khép lại với bao suy nghĩ, bao trăn trở của người đọc. Như tứ thơ của Hải Bằng khi nhìn thấy hình ảnh một con chim đang ngậm rác:
 
“Con chim tha rác trên cành phượng
Xây tổ hay là dỡ tổ đi”
 
Thơ của Hồ Dzếnh mãi như tâm hồn của một người con Trung Quốc sinh ra trên sóng nước Việt Nam, mãi như lòng sông sâu rộng luôn giấu trong đó lòng nó bao tâm sự khó giãi bày.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây