© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Soạn Văn 11: Đọc văn: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Phần 1 Tác giả

Thứ ba - 07/01/2020 10:04
Hướng dẫn soạn Ngữ Văn 11: Đọc văn: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Phần 1: Tác giả và trả lời câu hỏi SGK:
Câu hỏi 1. Nêu những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu. Anh (chị) cảm nhận sâu sắc điều gì qua cuộc đời nhà thơ?
Câu hỏi 2. Tìm hiểu giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu
Câu hỏi 3. Với những kiến thức đã học về Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu, anh (chị) cảm nhận được điều gì gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa giữa hai nhà thơ này? Hãy trình bày ý kiến của mình.
Bài tập. Căn cứ vào những kiến thức đã học về Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về nhận định của nhà thơ Xuân Diệu: “Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu”?
ĐỌC VĂN: VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC
Nguyễn Đình Chiểu

I. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT
1. Hiểu được những nét chính trong cuộc đời, nghị lực, nhân cách và giá trị thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.
2. Hiểu được vẻ đẹp hiên ngang, bi tráng mà giản dị của hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc tự giác đứng lên đánh giặc; thái độ cảm phục, xót thương của tác giả đối với các nghĩa sĩ nông dân ấy.
3. Nắm được giá trị nghệ thuật đặc sắc của bài văn tế.
4. Làm quen và rèn luyện kĩ năng đọc – hiểu một tác phẩm văn tế.

II. NỘI DUNG BÀI HỌC
Có ý kiến cho rằng: bài Văn tế nghĩa sĩ cắn Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) đã dựng được bức tượng đài bi tráng về chân dung những người nông dân khởi nghĩa trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài học hôm nay sẽ giúp chúng ta đánh giá được ý kiến này cũng như thấy được tấm lòng yêu nước, thương dân của nhà thơ mù yêu nước Đồ Chiểu.

PHẦN MỘT: TÁC GIẢ
I. ĐỌC VÀ TÌM HIỂU TIỂU DẪN
HS đọc và tóm tắt mục Tiểu dẫn.
Gợi ý tóm tắt:
a. Cuộc đời:
– Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) quê ở làng Bình Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho. Năm 1843, ông đỗ tú tài. Năm 1846, ông ra Huế học, tiếp tục thi tú tài tại quê cha thì nghe tin mẹ mất. Trên đường về chịu tang mẹ, ông bị đau mắt rồi bị mù. Ông trở về Gia Định, mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân.
– Khi giặc Pháp vào Gia Định, ông đã cùng các lãnh tụ bàn mưu, tính kế đánh giặc. Nam Kì mất, ông trở về Bên Tre, giữ trọn tấm lòng thuỷ chung với dân, với nước.

2. Sự nghiệp thơ văn.
– Các tác phẩm chính: Trong giai đoạn đầu, trước khi Pháp đến Nam Kì, ông viết Truyện Lục Vân Tiên và Dương Từ – Hà Mâu. Sau khi giặc Pháp đến Nam Kì ông viết Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tê Trương Định, Ngư Tiêu y thuật vấn đáp…
– Nội dung thơ văn:

+ Đề cao lí tưởng đạo đức, tư tưởng nhân nghĩa + Thể hiện lòng yêu nước, thương dân
– Nghệ thuật thơ văn
+ Vẻ đẹp trong thơ ông không phát lộ rực rỡ bề ngoài mà tiềm ẩn ở tầng sâu cảm xúc, suy ngẫm. Bút pháp trữ tình xuất phát từ cõi tâm trong sáng, nhiệt thành, lòng yêu thương con người của nhà thơ bao giờ cũng nồng đậm hơi thở cuộc sống.
+ Thơ văn của ông mang đậm chất Nam Bộ.

II. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
Câu hỏi 1. Nêu những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu. Anh (chị) cảm nhận sâu sắc điều gì qua cuộc đời nhà thơ?
Như mục a (Cuộc đời…). Có thể làm rõ thêm qua một số ý sau:
– Nghị lực sống và cống hiến cho đời: Nguyễn Đình Chiểu bước vào đời cũng hăm hở và đầy khát vọng như Lục Vân Tiên buổi lên đường ứng thí:

Chí lăm bắn nhạn ven mây
Danh tôi đặng rạng tiếng thầy bay xa
Làm trai trong cõi người ta,
Trước lo báo bổ, sau là hiển vang

Bất hạnh ập đến: 26 tuổi mà đã tàn tật, đường công danh nghẽn lối, đường tình duyên trắc trở, về quê lại gặp buổi loạn li. Tiếp đó là những ngày lao đao chạy giặc, nỗi đau lòng trước cảnh khốn khó, lầm than của nhân dân. Ông vẫn ngẩng cao đầu mà sống, sống có ích cho đến hơi thở cuối cùng. Ông can đảm ghé vai gánh vác trọng trách: làm một thầy giáo, một thầy thuốc, một nhà thơ. Ở trọng trách nào ông cũng làm việc hết mình và nêu một tấm gương sáng cho đời. Khi ông mất, cả cánh đồng Ba Tri rợp khăn tang của các thế hệ học trò suốt bốn chục năm trời. Là một thầy thuốc, ông không tiếc sức mình để cứu nhân, độ thế:

Giúp đời, chẳng vụ tiếng danh
Chẳng màng của lợi, chẳng ganh ghẻ tài.
(Ngư Tiểu y thuật vấn đáp)

Là một nhà thơ, ông đã để lại cho đời những tác phẩm bất hủ.
– Cuộc đời của ông còn thể hiện lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm. Mặc dù mù loà, bệnh tật, gia cảnh thanh bạch nhưng ông vẫn kiên quyết giữ vững lập trường kháng chiến, làm quân sư cho các lãnh tụ khởi nghĩa, viết thơ văn để khích lệ tinh thần chiến đấu. Vì vậy, cuộc đời nhà thơ tuy gặp nhiều bất hạnh nhưng là một tấm gương sáng ngời về nghị lực và đạo đức. Đặc biệt, thái độ suốt đời gắn bó và chiến đấu không mệt mỏi cho lẽ phải và quyền lợi của nhân dân của ông là bài học cho mọi thế hệ.

Câu hỏi 2. Tìm hiểu giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu
- Dựa trên những đoạn trích đã học về Truyện Lục Vân Tiên (ở lớp 9 và lớp 11), hãy cho biết lí tưởng đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng chủ yếu trên cơ sở tình cảm nào?
- Nội dung trữ tình yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu? Tác động tích cực của những sáng tác thơ văn ấy đối với cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đương thời?
- Theo anh (chị) sắc thái Nam Bộ độc đáo của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu biểu hiện ở những điểm nào?
a. Tư tưởng đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu được xây dưng chủ yếu nhằm mục đích trực tiếp truyền dạy đạo lí làm người. Đạo lí đó dựa trên những cơ sở tình cảm chủ yếu sau:
– Xem trọng tình nghĩa giữa con người với con người trong xã hội: tình cha con, mẹ con, tình vợ chồng, tình bè bạn, tình yêu cưu mang những người gặp hoạn nạn.
– Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khốn, phò nguy.
– Thể hiện khát vọng của nhân dân hướng đến lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời

2. Nội dung thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu:
– Ghi lại chân thực một thời đau thương của đất nước
– Khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân, đồng thòi nhiệt liệt biểu dương những anh hùng nghĩa sĩ đã chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc.
– Tố cáo tội ác giặc xâm lăng đã gây bao nhiêu đau khổ cho nhân dân.
Chính vì bám sát cuộc kháng chiến, viết về cuộc kháng chiến ấy bằng lòng căm thù, tình yêu nên thơ văn của ông có giá trị rất lớn trong việc khích lệ tinh thần đấu tranh  của nhân dân.

3. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rất đậm nét sắc thái Nam Bộ. Điều đó được thể hiện qua các nhân vật trong tác phẩm của ông. Đó là lời ăn tiếng nói mộc mạc, bình dị đến tâm hồn nồng nhiệt, chất phác, cách cư xử khoáng đạt, hồn nhiên… Sắc thái Nam Bộ ấy còn được thể hiện trong cách sử dụng lối thơ thiên về kể, mang đậm màu sắc diễn xướng rất phổ biến trong văn học dân gian Nam Bộ.

Câu hỏi 3. Với những kiến thức đã học về Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu, anh (chị) cảm nhận được điều gì gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa giữa hai nhà thơ này? Hãy trình bày ý kiến của mình.
Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu là hai nhà thơ tuy sống trong những thời đại khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm chung: thơ văn của hai nhà thơ đểu thể hiện tư tưởng nhân nghĩa. Tư tưởng nhân nghĩa đối với văn học trung đại là một chân lí mặc nhiên được thừa nhận. Với Nguyễn Trãi, tư tưởng nhân nghĩa được toát lên ngay từ Đại cáo hình Ngô:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Với Nguyễn Đình Chiểu, tư tưởng ấy được toát lên qua Truyện Lục Vân Tiên, qua Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc…
Nhưng điều quan trọng là ở cả hai nhà thơ, tư tưởng nhân nghĩa mang một nội dung mới: nhân nghĩa gắn liền với chống xâm lược. Nội dung này trong quan niệm Khổng, Mạnh và Nho gia Trung Quốc hầu như không có. Nhân nghĩa là chống xâm lược, chống xâm lược là nhân nghĩa.
Trong Đại cáo hình Ngô, Nguyễn Trãi dựa trên tư tưởng nhân nghĩa ấy mới bóc trần được luận điệu nhân nghĩa xảo trá của giặc, mới phân biệt được rạch ròi ta là chính nghĩa, giặc là phi nghĩa. Nước Đại Việt chiến đấu chống xâm lược là chính nghĩa, là phù hợp với nguyên lí chính nghĩa thì sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của dân tộc Đại Việt là một chân lí khách quan phù hợp vói nguyên lí đó.
Với Nguyễn Đình Chiểu, tư tưởng nhân nghĩa được thể hiện qua triết lí sống của những người nghĩa sĩ:
Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô hàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu địch khái, vê theo tổ phụ củng vinh; hơn còn mà chiu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
Trong văn học dân gian, ông cha ta đã từng khẳng định: Chết vinh còn hơn sống nhục. Triết lí sống ấy được chứng minh một lần nữa qua những câu văn hào hùng này. Bởi vì với họ, nhục hay vinh không phải là những triết lí cao siêu mà chính là: đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục. Đó cũng là lí do hết sức giản đơn nhưng vô cùng sâu sắc đã được nhà thơ yêu nước diễn đạt qua cách nói dứt khoát, mạnh mẽ như tính cách của những nghĩa sĩ ấy.

III. LUYỆN TẬP
Bài tập. Căn cứ vào những kiến thức đã học về Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về nhận định của nhà thơ Xuân Diệu: “Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu”?

Cần nêu và phân tích được một số nội dung sau:
– Giải thích ý kiến của Xuân Diệu: Đây là câu nói đã nêu lên được đặc điểm cơ bản nhất trong con người, trong tâm hồn và trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Đó là lòng yêu thương, kính trong người lao động, những con người có cuộc đời nghèo khổ nhưng tâm hồn trong sáng, hướng về cái thiện.
– Khẳng định sự đúng đắn của câu nói:
– Phân tích và chứng minh qua cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:
+ Cuộc đời: gắn bó với nhân dân, bốc thuốc, chữa bệnh cho nhân dân. Ông đứng về phía nhân dân, lên án thế lực tội ác, không hợp tác với giặc mà giữ tấm lòng son sắt vói nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng.
+ Thơ văn: Thơ văn Đồ Chiểu tập trung khắc hoạ những người dân lao động bình thường nhất: ông Ngư, ông Tiều, những người nghĩa sĩ Cần Giuộc…
Ví dụ: Trong đoạn trích Lục Vân Tiên qặp nạn, nhà thơ đã miêu tả được tâm hồn hướng về cái thiện qua các nhân vật như ông Ngư, ông Tiều, những con người có dáng dấp ẩn sĩ nhưng vẫn mang bóng dáng của những con người lao động. Họ hiện diện giữa đời thường, sống trong sạch, khinh ghét sự đen bạc, sự bạo ngược, hung tàn và bao giờ cũng có mặt đúng lúc để cứu giúp người hoạn nạn với tấm lòng trọng nghĩa, khinh tài. Cảm xúc chủ quan của nhà thơ làm cho cuộc sống của những người dân chài bình thường trên sông nước có vẻ như được thi vị hoá, trở nén mơ mộng hơn, nhưng cốt lõi của nó vẫn là chân thực.
Gửi gắm khát vọng vào niềm tin về cái thiện, vào con người lao động bình thường, Nguyễn đình Chiểu đã bộc lộ một quan điểm nhân dân rất tiến bộ. Từng trải trong cuộc đời, nhà thơ hiểu rất rõ rằng cái xấu, cái ác thường lẩn khuất sau những mũ cao, áo dài của những bọn người có địa vị cao sang, nhưng vẫn còn những cái tốt đẹp, đáng kính trọng, đáng khao khát, tồn tại bền vững nơi những con người nghèo khổ mà nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa, khinh tài. Đó là những ông Ngư, ông Tiều, chú tiểu đồng, lão bà dệt vải trong rừng…

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây