© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Soạn Văn 6, bài 26 - Cây tre Việt Nam

Thứ hai - 18/03/2019 11:24
Soạn bài ở nhà môn Ngữ Văn 6, bài 26 - Cây tre Việt Nam. Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, hướng dẫn trả lời các câu hỏi SGK Ngữ Văn 6.
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
• Tác giả. Thép Mới (1925 - 1991) tên khai sinh là Hà Văn Lộc, quê ở quận Tây Hồ, Hà Nội, sinh ở Thành phố Nam Định. Ngoài báo chí, Thép Mới còn viết nhiều bút kí, thuyết minh phim.
•Tác phẩm
- Bài Cây tre Việt Nam là lời bình cho bộ phim cùng tèn của các nhà điện ảnh Ba Lan. Thông qua hình ảnh cây tre (tượng trưng cho đất nước và con người Việt Nam), bộ phim ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
- Cây tre là người bạn thân thiết lâu đời của người nông dân và nhân dân Việt Nam. Cây tre có về đẹp bình dị và nhiều phẩm chất quý báu. Cây tre đã thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
- Bài Cây tre Việt Nam có nhiều chi tiết, hình ảnh chọn lọc mang ý nghĩa biểu tượng, sử dụng rộng rãi và thành công phép nhân hoá, lời văn giàu cảm xúc và nhịp diệu.
 
II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
Câu 1. Nêu đại ý của bài, tìm bố cục của bài và nêu ý chính của mỗi đoạn.
+ Đại ý của bài: Bài Cây tre Việt Nam nói lên sự gắn bó thân thiết lâu đời giữa cây tre và con người Việt Nam trong mọi phương diện của đời sống. Cây tre còn là tượng trưng cho con người Việt Nam: bất khuất, thuỷ chung, ngay thẳng.
+ Bố cục: chia làm bốn phần:
- Phần một (từ đầu đến trùm mát rượi): Sự hiện diện của tre và phẩm chất thanh quý của tre.
- Phần hai (tiếp đến có nhau chung thuỷ): Sự gắn bó khăng khít giữa tre và con người trong đời sống con người.
- Phần ba (tiếp đến anh hùng chiến đấu): Tre chiến đấu bảo vệ quê hương đấtnước.
- Phần bốn (còn lại): Tre người bạn muôn đời của dân tộc Việt Nam.
 
Câu 2. Tìm những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự gắn bó của tre đối với con người trong lao động và cuộc sống hàng ngày. Giá trị của biện pháp nhân hoá được sử dụng?
* Những chi tiết thể hiện sự gắn bó giữa tre và người:
- Tre là người bạn thân thiết chở che cho con người: bóng tre trùm lên âu yếm làng bản, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp.
- Tre là cánh tay của người nông dân: tre giúp người trăm công nghìn việc, tre vẫn phải vất vả mãi với người.
- Tre là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ: que chuyền đánh chắt bằng tre.
- Tre là nguồn vui của tuổi già: chiếc điếu cày tre khoan khoái.
- Tre gắn bó với đời người từ khi sinh ra đến khi chết: thuở lọt lòng nằm trong chiếc nôi tre, khi nhắm mắt nằm trên chiếc giường tre.
- Tre cùng con người đánh giặc: gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù, tre giữ làng giữ nước.
=> Tre gắn bó, khăng khít với con người trên nhiều phương diện từ đời sống vật chất, đến đời sống tinh thần, từ ngàn xưa cho đến muôn đời mai sau, tre là người bạn không thể thiếu được của con người Việt Nam.
* Phép nhân hoá:
- Những câu văn có sử dụng phép nhân hoá
+ Bóng tre trùm lên âu yếm làng bản.
+ Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Tre là người nhà.
+ Tre vốn cùng ta làm ăn, lại ƯÌ ta mà đánh giặc.
+ Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre hi sinh để bảo vệ con người.
+ Tre anh hùng lao động, tre anh hùng chiến đấu.
- Tác dụng:
Làm cho cây tre bình dị trở nên thân thuộc, thiêng liêng, gắn bó giống như con người, và đưa đến cho người đọc nhiều cảm nhận mới mẻ.
 
Câu 3. Ở đoạn kết tác giả hình dung như thế nào về vị trí của cây tre trong tương lai khi đất nước đã đi vào công nghiệp hoá?
- Tác giả khẳng định: Trong tương lai khi đất nước đã công nghiệp hoá thì tre xanh vẫn là bóng mát, vẫn là khúc nhạc tâm tình, càng tươi “Cổng chào thắng lợi”.
- Tre gắn bó trường tồn bất diệt với con người Việt Nam, luôn là vị trí số một trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Đất nước càng hiện đại hoá, tiếng sáo diều tre càng bay bổng.
 
Câu 4. Bài văn miêu tả cây tre với vẻ dẹp và những phẩm chất gì? Vì sao có thể nói cây tre là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.
+ Những phẩm chất của cây tre:
- Tre vừa giản dị mộc mạc, vừa thanh cao chí khí.
- Tre âu yếm chở che cho con người, làng, bản, xóm, thôn.
- Tre người bạn chung thuỷ với mọi lứa tuổi.
- Tre chia sẻ ngọt bùi cay đắng cùng người.
- Tre là vũ khí chiến đấu với kẻ thù.
- Tre làm cho đời sống sinh hoạt văn hoá nghệ thuật của con người trở nên phong phú.
+ Với tất cả những phẩm chất trên của tre ta có thể nói rằng tre là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam ngay thẳng, thuỷ chung, can đảm bất khuất: là biểu tượng cho văn hoá Việt Nam.
 
III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Một số câu tục ngữ, ca dao, thơ, truyện cổ tích Việt Nam có nói về cây tre.
- Tục ngữ nói về cây tre: Tre già măng mọc, bắn bụi tre, đè bụi hóp
- Ca dao nói về tre:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng
Đan sàng, thiếp củng xin vâng
Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng.
 
Gió đập cành tre, gió đánh cành tre
Con thuyền anh vẫn le te đợi nàng
Gió đập cành bàng, gió đánh cành bàng
Dừng chân anh hát cô nàng hãy nghe.
 
- Truyện cố tích: Cây tre trăm đốt.
- Một số bài thơ:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre.
(Tế Hanh)

Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc.
(Trần Đăng Khoa)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây