© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 2 SGK Ngữ Văn 9 trang 115

Thứ ba - 03/10/2017 06:24
Đọc đoạn trích, em cảm nhận Lục Vân Tiên là một con người như thế nào? Hãy phân tích những phẩm chất của nhân vật qua hành động đánh cướp và qua cách cư xử với Kiều Nguyệt Nga?
a. Hướng dẫn tìm hiểu

Phân tích tính cách, phẩm chất nhân vật Lục Vân Tiên thông qua những chi tiết miêu tả hành động, lòi nói của chàng. Đặc biệt chú ý những quan niệm được phát biểu thành lời của nhân vật. Yêu cầu xem kĩ các chú thích trong sách giáo khoa.

b. Gợi ý trả lời

Trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, bằng cách đặt nhân vật vào tình huống gặp cảnh cướp bóc giữa đường, nhà thơ đã khắc họa nhân vật một cách khá rõ nét. Qua những chi tiết miêu tả hành động, lời nói, cách xử sự, Vân Tiên hiện lên đẹp như một người anh hùng áo vải: dũng cảm, nghĩa khí đồng thời lại tao nhã, hồn hậu và chất phác.

Nguyễn Đình Chiểu dành 14 câu thơ đế khắc họa cảnh Vân Tiên đánh nhau với đảng cướp Phong Lai đầy kịch tính, hấp dẫn. “Trận thế” được hình dung rất rõ: Vân Tiên một mình với cây gậy bẻ vội bên đường; bọn cướp đông đúc, trang bị gươm giáo “bốn phía phủ vây bịt bùng" .Chính sự không cân sức ấy càng làm chiến thắng của Vân Tiên thêm lừng lẫy và tư thế của chàng thêm đẹp. Phải rất dũng cảm mới có thể có hành động xông vào giữa bọn cướp đông hơn, vũ khí đầy mình trong khi mình không có đến một tấc sắt như Vân Tiên. Nhân vật được khắc họa bằng cách so sánh, đối chiếu. Một bên là Vân Tiên rất nhanh nhẹn, nhẹ nhàng “ghé lại bên đường”; lời nói đầy nghĩa khí: “Bớ đảng hung đồ, chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”; một bên là bọn Phong Lai “mặt đỏ phừng phừng” với ngôn ngữ đúng chất “lưu manh”: “Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây...”; một bên là Vân Tiên hùng dũng- như hổ tướng:

Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương.


Và bên kia là lũ cướp huênh hoang nhưng lại đớn hèn:

Lâu la bốn phía vỡ tan 
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.


Không chỉ dũng cảm, nghĩa khí, Vân Tiên còn tỏ ra hết sức nho nhã, hào hoa. Đánh cướp xong, chàng ân cần thăm hỏi những người chàng vừa cứu giúp:

Tiểu thư con gái nhà ai 
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kì?
Chang hay tên họ là chi?
Khuê môn phận gái việc gì đến đây?


Cần chú ý rằng ở đây Lục Vân Tiên còn mang nặng tư tưởng Nho gia: nam - nữ thụ thụ bất thân. Vì thế khi Nguyệt Nga định ra khỏi kiệu để tạ ơn chàng, chàng đã ngăn lại:

Khoan khoan ngôi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.


Khi Nguyệt Nga ngỏ ý mời Vân Tiên về nhà để đền đáp ơn cứu mạng thì Vân Tiên phản ứng một cách rất hồn hậu, chất phác:

Vân Tiên nghe nói liền cười

Tiếng cười ấy cho thấy chàng xa lạ với ý nghĩ vụ lợi, làm ơn được trả ơn. Tiếng cười ấy xóa nhòa nét khuôn mẫu Nho gia có phần cứng nhắc ở trên, một nụ cười trong sáng, đáng yêu. Và cũng một cách thẳng thắn, bình dị như thế, chàng nói lên quan niệm của mình: 

Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Nay đà tỏ đặng nguồn cơn 
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.


“Kiến nghĩa bất vi” là thấy việc nghĩa mà không làm. Như vậy, rõ ràng Vân Tiên coi việc đánh cướp vừa rồi là nghĩa vụ của mình và chàng đã thực hiện nghĩa vụ ấy như một lẽ tự nhiên, không chút so đo, tính toán. Đó cũng chính là quan niệm của người anh hùng Từ Hải khi xưa:

Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.


Như vậy, qua hành động đánh cướp và cách xử sự nho nhã với Kiều Nguyệt Nga, chúng ta thấy Lục Vân Tiên là một chàng trai tài ba, dũng cảm nghĩa khí, nho nhã, đồng thời có một tâm hồn trong sáng, khỏe khoắn, một quan niệm sống đẹp đẽ, vị tha.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây