© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trong phần đầu văn bản, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa loài người và toàn bộ sự sống trên trái đất đã được tác giả chỉ ra rất cụ thể bằng cách lập luận như thế nào?.

Thứ tư - 27/09/2017 04:45
Đọc kĩ đoạn văn “Chúng ta... đối với vận mệnh thế giới” và tìm ra những chi tiết tác giả sử dụng để nói đến nguy cơ hạt nhân đang đe dọa sự sống của con người: các con số, các hình ảnh so sánh, các thông tin...

Trong một đoạn văn rất ngắn, Mác-két đã đưa ra lời cảnh báo là nguy cơ hạt nhân đang rình rập cướp đi sự sống trên hành tinh nay. Nguy cơ ấy được tác giả chứng minh bằng các con số hết sức thuyết phục: “hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân đã bố trí khắp hành tinh, có nghĩa là mỗi người đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ”.

Nguy hiểm hơn là sức hủy diệt vô cùng kinh khủng của vũ khí hạt nhân. Bởi nếu như tất cả số đầu đạn hạt nhân cùng phát nổ thì nó sẽ hủy diệt tất cả, “không phải là một lần mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên trái đất, tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa”. Như vậy, sự tàn phá, hủy diệt của hạt nhân không chỉ giới hạn trong trái đất của chúng ta mà còn bao trùm cả các hành tinh khác của hệ Mặt Trời. Tác giả đã dùng hình ảnh so sánh hết sức đặc sắc từ một điển tích trong thần thoại Hi Lạp: “Nguy cơ ghê gớm đó đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Đa-mô-clét”.

Hình ảnh ấy cho chúng ta hình dung cụ thể về nguy cơ luôn rình rập, đe dọa trực tiếp sự sống của hành tinh này. Dẫu biết rằng, có được vũ khí hạt nhân là thành quả vĩ đại của khoa học kĩ thuật, đặc biệt là ngành công nghiệp vũ trụ, nhưng nếu như thành tựu ấy phục vụ cho những mưu toan làm bá chủ thế giới, gây chiến tranh thì đó lại là tội ác tày trời đối với nhân loại. Vì thế, từ khi ra đời (chỉ trong vòng vài chục năm) nó đã nắm trong tay quyền “quyết định đến vận mệnh thế giới”, nhưng cũng đặt nhân loại trong nguy cơ bị hủy diệt.

Chính vì vậy tác giả rất có lí khi lên án nguy cơ ấy là “dịch hạch” hạt nhân, vì cái cảnh tận thế đã tiềm tàng ngay trong các bệ phóng cái chết. Bởi khi một đầu đạn hạt nhân, một quả bom nguyên tử được phóng ra nhằm vào một vùng đất nào đó là đồng nghĩa với việc gây ra cái chết cho hàng triệu con người vô tội, thậm chí con để lại di chứng cho biết bao thế hệ về sau. Đó thực sự là tội ác dã man cần phải lên án. Thảm họa hai quả bom nguyên tử trút xuống hai thành phố lớn của Nhật Bản là Na-ga-xa-ki và Hi-rô-si-ma là những minh chứng hùng hồn mà đến nay thê giới vẫn còn nhắc đến.

 

Những con số mà Mác-két đưa ra đã nâng cao nhận thức cho mọi người về nguy cơ chiến tranh và sự hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây