© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Tục ngữ Việt Nam có câu: Có công mài sắt, có ngày nên kim. Em hãy chứng minh câu tục ngữ trên.

Thứ ba - 03/03/2020 09:54
Tục ngữ là những câu nói có vần điệu, lưu truyền trong dân gian từ xa xưa, đúc kết tri thức, kinh nghiệm thực tiễn của con người về tự nhiên, xã hội, cuộc sống, đạo lí ở đời. Những kinh nghiệm sống quý báu của cha ông ta qua nhiều thế hệ được gửi gắm trong nhiều câu tục ngữ. Bàn về tính kiên nhẫn, cần cù, chịu gian nan, vượt khó khăn, tục ngữ Việt Nam có câu: Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Đọc câu tục ngữ, chúng ta thấy hiện lên hai tầng nghĩa quen thuộc: nghĩa đen và nghĩa bóng. Tầng nghĩa đen cho rằng dù một khối sắt to đến đâu, nếu chúng ta dành nhiều công sức, thời gian mài dũa thì chắc chắn sẽ trở thành một cây kim nhỏ bé.
Nhưng chỉ hiểu một cách sơ sài như thế thì chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa hàm súc của nó. Thật ra, dân gian đã dùng nghệ thuật thậm xưng để khuyên bảo mọi người rằng: nếu chúng ta kiên nhẫn, bền chí, không ngại gian khổ thì sự thành công ở tương lai tươi sáng sẽ mỉm cười với chúng ta. Đó chính là tầng nghĩa bóng của câu tục ngữ trên.

Những tấm gương trong học tập đã chứng minh điều này:

Cách đây khoảng 700 năm, Mạc Đĩnh Chi xuất thân từ gia đình nghèo khổ, nước da đen đủi, tướng mạo xấu xí, không có tiền học. Ngày qua ngày, cậu phải vào rừng kiếm củi để lấy tiền đong gạo, phụ giúp cha mẹ. Mạc Đĩnh Chi rất khao khát được học. Mỗi lần gánh củi qua trường, cậu ngấp nghé học lỏm. Thấy cậu có chí, thầy giáo cho cậu vào học. Buổi tối cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn để học, vì cậu không có tiền mua dầu. Do miệt mài học tập như thế suốt trong một thời gian dài, cậu thi đỗ trạng Nguyên vào năm 1304, được vua Trần phong chức quan to trong triều đình, làm nhiều việc lớn giúp dân, giúp nước. Từ đó, gương khắc phục khó khăn để học thành tài của Mạc Đĩnh Chi luôn được các bậc cha mẹ nhắc nhở con cháu noi theo.

Trong khoa học, cũng có rất nhiều tấm gương suốt đời nghiên cứu khoa học để phục vụ cho lợi ích của nhân loại. Pasteur, nhà bác học người Pháp thế kỉ XIX, dù chân trái bị liệt, đi phải chống gậy nhưng ông đã kiên trì nghiên cứu vắc-xin ngừa bệnh dại cho con người. Sau nhiều ngày mất ăn, đêm thiếu ngủ, vượt qua những thử thách ghê gớm trong khoa học, cuối cùng Pasteur đã chế tạo thành công loại vắc-xin này. Nhờ sự nhẫn nại của ông, biết bao người bị chó dại cắn đã thoát khỏi bàn tay của tử thần.

Trong chiến đấu, nhờ kiên trì, vượt mọi trở ngại, chúng ta đã lật đổ ách thống trị của ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Trong lao động, tấm gương của tiến sĩ nông học Lương Định Của đáng để chúng ta nể phục. Khi nhận lời mời của Bác Hồ, từ nước ngoài, tiến sĩ Lương Định Của sẵn sàng xa rời cuộc sống sung túc, đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần để trở về phục vụ đất nước Việt Nam thân yêu. Mỗi buổi sáng ông thức dậy thật sớm, đi ra đồng trước cả những người nông dân chân lấm tay bùn. Sau một thời gian dài lội ruộng, cấy lúa, phân tích thí nghiệm, ông đã lai tạo thành công một giống lúa mới vừa đạt năng suất cao, vừa có tính kháng sâu rầy mạnh. Điều này không chỉ làm cho bản thân ông hạnh phúc mà mọi người nông dân đều cảm thấy sung sướng và tự hào. Bên cạnh đó, ông còn miệt mài thử nghiệm và lai tạo được nhiều giống cây mới cho năng suất cao.

Hiểu được ý nghĩa sâu xa, thấu đáo của câu tục ngữ, em cảm thấy mình cần phải rèn luyện nhiều hơn nữa. Em xem “chữ nhẫn là chữ tượng vàng” cho sự phấn đấu, sẽ kiên trì học tập, lao động để thấy ánh sáng lung linh, đẹp đẽ của tương lai dù gặp những khó khăn trong cuộc đời. Em quyết nghe theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu:

Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.​​​​​ 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây