© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Văn chương có quyền, nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát

Thứ năm - 14/01/2021 10:11
Nhà văn Nguyễn Khải đã phát biểu: “Văn chương có quyền, nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”. (Báo Văn nghệ, số Tết Tân Mùi, 16-2-1991).
Từ thực tế cảm nhận văn học của mình, anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ quan niệm trên đây.

BÀI LÀM

Con người là một đối tượng phong phú, phức tạp và đầy bí ẩn của văn chương, nghệ thuật. Các thế hệ những người cầm bút đã dành không ít thời gian và tâm huyết cho việc tìm hiểu con người, khám phá những tiềm ẩn trong con người. Trên bước đường khám phá âm thầm, nhưng không ít gian truân ấy của nghệ sĩ có một; tất nhiên là trong số rất nhiều vấn đề đặt ra: văn chương nên nói về cái tốt hay cái xấu của con người và cái nào cần nói tới nhiều hơn?

Đã không ít ý kiến bàn luận về vấn đề này. Ý kiến của nhà văn Nguyễn Khải gần đây, theo tôi là một ý kiến đáng được ghi nhận: “Văn chương có quyền, nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”.

Ý kiến trên đây của Nguyễn Khải có cơ sở, không chỉ trên phương diện lí luận mà cả trên thực tế văn chương, nó được đúc rút từ sự trắc nghiệm của một nhà văn tài năng có bản lĩnh. Cũng cần phải nói thêm, Nguyễn Khải là một trong số những nhà văn có đóng góp cho xu hướng đổi mới văn nghệ của chúng ta những năm gần đây.
Trước hết, có lẽ Nguyễn Khải muốn khẳng định cái “quyền” được nói về “cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát” mà cho đến nay đâu phải nhà văn nào cũng dám nói. Có một thời chúng ta cho rằng văn chương chỉ được nói về “cái tốt đẹp”, “cái cao thượng”, “cái chung thủy”. Đã có lúc ta cho những tác phẩm viết về những cái xấu là “bôi đen”. Phải chăng quan điểm có tính chất ấu trĩ ấy bắt nguồn từ việc hiểu con người không thật đầy đủ, thấu đáo? Chúng ta nghĩ rằng: Con người là tốt đẹp, là cao thượng trong khi con người là tất cả cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và cái hèn hạ... Vậy thì văn chương vì lẽ gì lại chỉ nói về cái phần tốt đẹp?

Để thực hiện chức năng “Nhân đạo hóa con người” văn chương trước hết phải giúp cho con người nhận thức và tự nhận thức. Chỉ nói về cái tốt thì vô tình văn chương đã làm cho con người chỉ thấy một nửa sự thật về con người mình. Cho nên văn chương cần nói về cả cái xấu và phải được quyền nói về cái xấu. Lỗ Tấn đã không ngần ngại chỉ ra cho người dân Trung Quốc nói riêng và nhân loại nói chung một thói tật của con người, một căn bệnh, đó là phép thắng lợi tinh thần. Sêkhốp qua những trang viết của mình muốn “nói thẳng nói thật với mọi người: hãy nhìn xem chúng ta sống tồi sống tệ như thế nào?” (Lời Sêkhôp nói với một sinh viên). Vũ Trọng Phụng với những chân dung biếm họa đã lên án cái kệch cỡm, cái thớ lợ của con người. Raputin trong Hãy sống và nhớ lấy muốn nói với chúng ta rằng con người cũng có khi hèn nhát như Anđrâỵ Guxcôp và đó là những đầu môi của những bi kịch cho chính mình và cho những người xung quanh.

Nhà văn được phép viết về cái xấu, nhưng theo Nguyễn Khải “không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát”. Con người là đỉnh cao của tự nhiên, là báu vật của tạo hóa, cho nên bản chất của con người là tốt đẹp. Văn chương chỉ viết về cái xấu xa của con người là phiến diện, văn chương cần phải viết cả cái tốt. Nhà văn phải nhận thức được điều này để viết về con người với tất cả những gì họ có vấn đề này theo ý kiến của Nguyễn Khải, “Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”, vấn đề mà con người. Goocki đã rất ý thức được điều này khi ông nhận thấy, nhiệm vụ của mình là phải làm cho con người nhận thấy trong cuộc sống “họ là cái tốt đẹp nhất, có ý nghĩa nhất... ngoài họ ra không còn cái gì đáng chú ý cả”.

Văn chương xưa nay nói nhiều điều tốt đẹp, cái mà Tản Đà, Nguyễn Tuân gọi là “thiên lương” của con người. Nguyễn Du qua hình tượng Thúy Kiều ca ngợi vẻ đẹp của người con gái đẹp người, đẹp nết, đã hy sinh cả hạnh phúc đời mình để làm tròn chữ “hiếu”, con người biết nhỏ nước mắt khóc thương cho số phận đắng cay của một nàng Đạm Tiên xa lạ. Với Thúy Kiều, tôi như muốn nói về sự thủy chung của con người đã mười lăm năm lưu lạc mà không lúc nào không hướng về người mình yêu. Trong số bao nhiêu điều muốn gửi gắm, Nam Cao qua Chí Phèo muốn có một lời thanh minh, một sự khẳng định đối với con người đáng thương hơn là đáng giận ấy. Nhà văn đã nhận ra cái phần người còn sót lại trong quỷ dữ. Nam Cao đứng vững trên miệng vực khi ông đi vào miêu tả mối tình Chí Phèo, Thị Nở không phải để khai thác cái phần lưu manh trong Chí. Cái mà tác giả dụng công làm nổi lên ấy chính là từ những giây phút thức tỉnh hiếm hoi khi lần đầu tiên sau bao nhiêu ngày Chí nghe thấy những âm thanh cuộc sống, từ nỗi buồn của con người đã từ lâu làm mất cái khái niệm “buồn vui” từ tiếng thét nhức nhối tâm can “ai cho tao lương thiện”, cho người đọc nhận ra cái phần người trong một kẻ tưởng như đã mất hết cả nhân hình và nhân tính. Thạch Lam trong những trang viết giàu chất thơ, rất tinh tế đã nói lên cái khao khát rất đẹp của người dân phố huyện khắc khoải đợi chờ ánh sáng của một thế giới khác tốt đẹp hơn đến với cuộc sống tù túng, tẻ nhạt của mình (Hai đứa trẻ).

Cái phần tốt đẹp trong mỗi con người dù rất nhỏ cũng làm cho các nhà văn chú ý và lưu tâm đưa vào sáng tác của mình. Victo Huygô với mong muốn một thế giới có những con người giàu lòng nhân ái đã dựng lên hình tượng Giăng Vangiăng, bao màu nhiệm của lòng từ thiện. Con người ấy lấy việc hy sinh vì người khác làm hạnh phúc của mình. Giăng Vangiăng đã quên đi tai họa giáng xuống đời mình để vì niềm vui, một chút hy vọng dù rất nhỏ của con người sắp từ giã cõi đời - Phăngtin. Đến với Pautôpski, ta hãy lắng lòng, hãy bình tâm để được sông với một thế giới những con người giàu lòng nhân hậu như hạm đội trưởng Âm nhạc Vécđi như Anđécxen Chuyến xe đêm. Văn học của ta những năm chiến tranh nói nhiều đến cái đẹp trong cuộc sống con người, cái đẹp trong mỗi tâm hồn con người. Điều những người cần biết trong chiến tranh chú ý khai thác là sự hy sinh hạnh phúc cá nhân cho vận mệnh của dân tộc:

Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau
(Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ)

đó là sự cao thượng sẵn sàng tha thứ của Lượng (Thư nhà - Hồ Phương), đó là việc tìm thấy niềm vui trong chiến đấu của những chị Sứ (Hòn đất - Anh Đức), Chị út Tịch (Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi), đó là cái lạc quan của anh chiến sĩ ép một cành xấu hổ trong trang sổ khiến cuộc sống đầy gian khổ của mình thêm một chút thi vị (Cây xấu hổ - Anh Ngọc)... sống trong không khí hào hùng của đất nước, các nhà thơ, nhà văn đã đi sâu thể hiện cái tốt đẹp của con người. Chúng ta chấp nhận thứ văn chương như thế trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng sự kéo dài của thứ văn chương nghiêng về ca ngợi trong bối cảnh của đời sống bình thường lại dẫn đến sự nghèo nàn đơn điệu, sự thiếu phong phú cho một diện mạo của nền văn học. Khi trong cuộc đời tiếng súng đã dứt và bom không nổ nữa, người đọc thấy văn chương xa lạ đến với mình. Cuộc sống bộn bề, bên cạnh những phần người tốt đẹp là những kẻ ít tính người, trong khi đó người ta vẫn chỉ thấy trong văn chương những điều đẹp đẽ như cái cao thượng của con người. Trên bước đường đổi mới văn học chiến tranh, các nhà văn đã đưa vào tác phẩm của mình những mặt “tôi” trong mỗi con người: cái xấu, cái tốt, cái hèn hạ, cái cao cả. Ta đã có Biển gọi của Hồ Phương, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh. Tuy nhiên cái tốt đẹp, cái cao thượng vẫn là một đề tài lớn có sức thu hút không nhỏ đến với các nhà văn, nhà thơ. Ta vẫn gặp trong văn chương những nét đẹp vốn đã là bản chất của con người.

Đúng như Nguyễn Khải đã nói: điều mà những người cầm bút ở mọi nơi mọi thời hay nói đến đó là “cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”, những cái đẹp mà chỉ con người mới có. Chúng ta đã xem xét qua một số tác phẩm mà dụng ý viết về cái tốt đẹp của tác giả bộc lộ rõ nét. Cũng cần phải nói đến điều có một số nhà văn được đánh giá là thiên về xu hướng phủ định, nhưng những trang viết của họ vẫn đôi chỗ khẳng định cái đẹp của con người - cái tốt đẹp bao giờ cũng có một sức thu hút rất lớn.

Những điều mà chúng ta bàn trên đây mới chỉ xét trên những phương diện “miêu tả” cái tốt hay cái xấu. Điều quan trọng trong sáng tác văn học chưa hẳn ở chỗ viết về cái gì. Phản ánh để làm gì? Câu hỏi đó có lẽ còn khó trả lời hơn bản thân sự phản ánh. Sẽ rất sai lầm nếu cho rằng nhà văn phản ánh đế mà phản ánh. Nhà văn viết về cái xấu đâu phải như thê là không tốt.

Để tránh sự hiểu lầm có lẽ cũng cần phải nói thêm: nhà văn viết về cái xấu cũng có thể thành công như người viết về cái tốt. Đừng bao giờ lấy đề tài ra làm chuẩn mực để đánh giá văn chương. Sai lầm của chúng ta một thời gian là sai lầm của việc xét đoán, thẩm định giá trị của tác phẩm văn chương qua đề tài của nó. Điều nhà văn đề cập đến trong tác phẩm có thể là cái xấu xa, nhưng mục đích hướng tới của người cầm bút lại chính là cái “cao thượng”, tốt đẹp và thủy chung kia. Lê Lựu khi viết về cái Thời xa vắng đã nói lên cái xấu của ta một thời là không đủ bản lĩnh để sống với cái tôi của mình. Nhưng tác phẩm không vì thế mà thành “xấu”. Người ta vẫn đọc, vẫn thích Thời xa Vắng bởi tấm lòng nhà văn, dụng ý nhà văn ở đó là đẹp. Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng đặt ra một vấn đề nhức nhối, đó là sự xuống cấp của xã hội, nhưng tác phẩm không chỉ dừng lại ở sự phản ánh đơn thuần. Nhà văn muốn cảnh tỉnh con người, hướng con người tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tác phẩm của nhà văn sẽ có ích cho đời nếu nhà văn có những mong muốn đẹp, hướng con người tới sự hòa thuận, dù điều nhà văn nói đến trong trang viết là tốt hay xấu. Hãy viết về cái tiêu cực bằng một thái độ tích cực, nói về cái xấu với một dụng ý đẹp, nhà văn sẽ tìm thấy niềm vui mà Pautôpxki đã nói: “Niềm vui của nhà văn chăn chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp”.

Dù viết về cái gì, thứ văn chương chân chính cùng hướng tới con người, viết về cái xấu để cảnh tỉnh con người, để báo động, giúp con người sống với bản tính tốt đẹp của mình. Viết về cái tốt để con người tự tin ở mình và đó chính là hành trang cần có ở con người trong cuộc hành trình tới tương lai. Nhà văn chân chính phải là người ý thức được thiên chức của mình trong quá trình sáng tạo, là “Nâng đỡ cái phần tốt đẹp để trong đời có nhiều công bằng và yêu thương hơn”. Cho nên để tạo cho đời những giá trị nghệ thuật đích thực, người cầm bút pháải yêu thương và tin yêu con người; Phải biết nhìn ra từ cái bên ngoài có khi bình thường để khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người; Phải có niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người, cho dù điều nhà văn viết về con người có khi xấu xa, ghê tởm. Giữa những trang viết về sự xấu xa, hèn hạ của con người có một số người không chịu được, Nguyễn Huy Thiệp vẫn có một niềm tin vững chắc ở con người. Nguyễn Minh Châu tạo ra được những tác phẩm có sức ám ảnh lớn đối với người đọc, phải chăng có phần do tình yêu thương và niềm tin với con người: “tôi tin ở lương tri của con người” (Lời tâm sự trên giường bệnh). 

Phải có tấm lòng, nhưng để trở thành “nhà văn” anh còn phải có tài năng. Chỉ có tài năng mới có thể làm cho những trang viết đi vào lòng độc giả và sống với thời gian.
Tuy nhiên như thế chưa đủ. Cuộc sống và nghề văn đòi hỏi người cầm bút còn phải có bản lĩnh. Viết về cái tốt thì dễ được chấp nhận, nhưng viết về cái xấu đâu phải ai cũng bằng lòng. Nhà văn phải có bản lĩnh để sống và viết đúng với cái tôi của chính mình, phải đám đi vào những vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của cuộc đời, như Ma Văn Kháng trong Đám cưới không có giấy giá thú, như Tạ Duy Anh dám “Bước qua lời nguyền”.

Chúng ta đã qua cái thời xa vắng. Trong cuộc sống ngày nay, người đọc rất đáng cần những tác phẩm văn học đích thực, những tác phẩm như những thanh nam châm thu hút không chỉ một thế hệ, những tác phẩm luôn cổ động cho cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung.
 
Nguyễn Bích Thảo
Trường THPT chuyên Cà Mau
Bài đạt giải Nhì kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2017
​​​​
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây