© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước)

Thứ sáu - 29/09/2023 23:39
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước)
Nói đến hiểu biết về lịch sử, ta nghĩ ngay đến vai trò của môn Lịch sử ở nhà trường với những cuốn sách giáo khoa, những tiết học trên lớp, những giờ dã ngoại đến các di tích nổi tiếng. Trước hết là như vậy.
Lịch sử là một môn học trong nhà trường nước ta, cũng như ở bất cứ nền giáo dục nào trên thế giới. Có quốc gia nào không dạy lịch sử nước mình và lịch sử nhân loại cho các thế hệ học sinh.

Tìm hiểu Lịch sử nước nhà, ta như lật mở từng lớp trầm tích lặng lẽ, để quá khứ cất lên tiếng nói, đưa ta về với cội nguồn xa xôi, nơi tổ tiên người Việt đã sống và vượt qua bao gian nan, thử thách, đặt những viên đá đầu tiên xây toà nhà Tổ quốc. Với những bài học lịch sử, ta được biết từ buổi bình minh của dân tộc, nhà nước Văn Lang, Âu Lạc đã ra đời như thế nào. Bài học Lịch sử giúp ta hình dung không khí oai hùng ngày xưa, thuở Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lơi, Quang Trung,... đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi thiêng liêng và khẳng định chủ quyền của đất nước. Bài hoc lịch sử đã làm sống dậy trước mắt ta những sự kiện lớn lao giữa thế kỉ XX: chiến thắng Điên Biên Phủ lừng lẫy năm châu và chiến dịch Hồ Chí Minh oanh liệt thu non sông về một mối. Và, cũng nhờ kiến thức Lịch sử, ta mới biết dân tộc minh từng có thời điểm trải qua những giai đoạn tăm tối, đau thương.

Con người thời đại nào, quốc gia nào cũng cần biết yêu đất nước mình, biết thể hiện tình cảm với quê hương, xứ sở. Lòng yêu nước chỉ thực sự sâu sắc, khi con người có ý thức sâu xa về cội nguồn, hiểu biết quá khứ, tự hào về truyền thống của ông cha, soi mình trước những gương sáng của tiền nhân để biết cách hành động. Vì thế, học lịch sử không chỉ cần nắm những tri thức đã được đúc kết trong sách vở, mà còn phải biết rút ra từ đó bài học cho cuộc sống hôm nay. Với ý nghĩa này, bài học lịch sử là bài học kinh nghiệm, bởi vì, lịch sử không ngủ yên trong sách vở, mà luôn hiện diện, đối thoại, nhắc nhở chúng ta phát huy truyền thống oanh liệt của cha ông và biết tránh những sai lầm không đáng có.

Hiện nay có một thực tế: Nhiều người trẻ cho rằng lịch sử là những gì thuộc về thời xa xưa, không liên quan gì đến cuộc sống sôi động hằng ngày. Dường như họ không có nhu cầu hiểu biết về quá khứ của đất nước. Họ nhầm lẫn các thời kì, các sự kiện, các nhân vật lịch sử. Không ít bạn học sinh lúng túng khi được hỏi về các nhân vật và sư kiện lịch sử nổi bật được dùng đặt tên đường, tên phố nơi mình sinh sống. Việc thiếu hiểu biết về lịch sử ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đến nhân cách của các bạn đó. Bởi vì, một khi con người không có ý niệm gì về lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, thì sự mơ hồ, nhạt phai lòng yêu nước, sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng, với quốc gia là điều khó tránh khỏi.

Đến đây, ta đã biết kiến thức lịch sử có vai trò như thế nào đối với sự trưởng thành của con người. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang đối diện với bài toán nan giải: Làm sao để môn Lịch sử trở thành một môn học được học sinh yêu thích. Làm sao để hiểu biết về lịch sử dân tộc và nhân loại trở thành một nhu cầu của các ban trẻ. Những câu hỏi đó từng được đặt ra, song vẫn chưa có lời đáp thoả đáng từ nhiều phía.

Ở một số nước trên thế giới, Lịch sử là một môn học yêu thích của giới trẻ. Các bạn học sinh thường tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu trong thư viện, trên in-tơ-nét, đến viện bảo tàng, và nếu có điều kiện thì gặp gỡ các nhân chứng để được nghe kể lại một cách sống động những chuyện đã xảy ra… Nhờ vậy, họ có thể viết về sự kiện hay nhân vật lịch sử bằng tất cả niềm hứng thú, say mê. Vậy, cớ gì mỗi học sinh không thể làm điều đó với lịch sử nước minh. Câu trả lời thuộc về tất cả chúng ta.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây