© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn tứ tuyệt: Thiên Trường vãn vọng

Thứ năm - 12/10/2023 12:27
Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn tứ tuyệt: Thiên Trường vãn vọng
Thiên Trường Vãn Vọng là một thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Trần Nhân Tông. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên làng quê lúc hoàng hôn đẹp mơ màng, với nhiều đường nét, màu sắc, âm thanh hòa quyện vào nhau làm nổi bật bức tranh làng quê Việt.
Nhắc tới Trần Nhân Tông, người ta nghĩ ngay tới người anh hùng cứu nước, vị vua tài trí lỗi lạc đã cùng quân dân nhà Trần đánh bại quân xâm lược Mông Cổ, làm nên một thời đại anh hùng trong lịch sử dân tộc – thời đại Đông A. Nhắc đến Trần Nhân Tông, người ta cũng nghĩ ngay tới vị tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, nhà hiền triết của Đạo Phật. Trần Nhân Tông còn là một thi sĩ có tâm hồn thanh cao, phóng khoáng và một cái nhìn tinh tế, một hồn thơ mang nặng tình quê thắm thiết. Ngắm cảnh Thiên Trường trong buổi chiều tà (Thiên trường vãn vọng) là một hồn thơ như thế.

Từ trên cung điện ở phủ Thiên Trường, nhà vua phóng tầm mắt ra xa. Cảnh vật hiện lên trước mắt ông mơ hồ, tựa khói lồng, như ở chốn bồng lai:

Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
(Trước thôn, sau thôn đều mờ như khói phủ
Bên bóng chiều cảnh vật nửa như có, nửa như không.)

Bức tranh tả thực cảnh chiều xuống, ánh chiều buông, cảnh vật đổi thay: Hình ảnh ngôi làng mờ dần, mờ dần ẩn hiện qua màn sương khói mong manh, như những làn khói lam chiều. Cảnh ảo hóa dần, mông lung, mơ hồ, gợi nét tĩnh mịch nơi thôn dã, bình yên làm lay động lòng người. Có bóng chiều, sắc chiều đấy nhưng chỉ man mác, chập chờn, nửa như có, nửa như không.

Cái thời điểm giao thời giữa ngày và đêm ở chốn thôn quê gợi lên bao cảm xúc trong lòng người. Nó bâng khuâng, xao xuyến thật khó tả. Và vì thế, cuộc sống càng trở nên thân thương.

Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.
(Trong tiếng sáo, cậu bé chăn trâu lùa trâu về hết,
Từng đôi cò trắng bay xuống cánh đồng.)

Bức tranh cảnh vật hiện lên với sắc màu của buổi hoàng hôn hòa quyện cùng tiếng sáo của mục đồng đang cưỡi trên lưng trâu về làng. Bức tranh buổi chiều thật êm đềm, thanh bình, tĩnh lặng. Đậm nét tà dương nhưng không kém phần sinh động: Từng bước chân trâu trên đường làng, tiếng sáo dập dìu, sự thanh thản của mục đồng sau một ngày làm việc.

Bạch lộ song song phi hạ điền.

Đôi cò trắng liệng xuống đồng. Trước khi đáp xuống ruộng lúa, cò thường bay lượn thành vòng tròn trên không rồi từ từ đáp xuống. Với cái nhìn cảnh vật thật tinh tế, Phật hoàng đã ghi nhận hình ảnh đẹp của đôi cò trắng. Màu trắng của cánh cò hòa cùng màu xanh của lúa non, bức tranh màu sắc còn thêm tươi nguyên.

Trên nền xanh của đồng nội, trong cái mờ ảo của khói sương, điểm xuyết vài cánh cò trắng đang là là hạ xuống. Chao ôi, cánh đồng quê sao mà đẹp thế! Hai câu thơ cuối với bút pháp miêu tả bằng những nét chấm phá, đã vẽ ra trước mắt người đọc cả một vùng quê yên bình và thơ mộng. Con người và cuộc sống ở đây bình dị quá, hồn hậu quá! Bức tranh cảnh vật với những nét chấm phá tài hoa của thi nhân trở nên thật có hồn: có âm thanh ngọt ngào, sâu lắng; có sắc màu tao nhã, sáng trong, có hoạt động nhẹ nhàng êm ả… Một bức tranh thôn dã được cảm nhận bằng một tâm hồn thi nhân tinh tế, nhạy cảm, thiết tha yêu làng quê, yêu cuộc sống.

Ít ai có thể nghĩ được rằng, một vị vua ở tận nơi lầu son gác tía, lại gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã như vậy. Vì thế, càng đọc kĩ bài thơ, ta càng hiểu được cái tình quê, tình người lai láng đậm đà trong tâm hồn một bậc vĩ nhân, khiến cho ta càng thêm quý trọng và mến phục ông.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây