© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn giải bài tập Vật lí 7 bài số 18: Hai loại điện tích.

Thứ tư - 08/02/2017 23:06
Hướng dẫn giải bài tập Vật lí 7 bài số 18: Hai loại điện tích.
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG.
 
Hai loại điện tích.
 
Hai vật giống nhau được cọ xát như nhau thì mang điện tích cùng loại và khi đặt gần nhau thì chúng đẩy nhau.
 
Có hai loại điện tích là điện tích âm và điện tích dương. Các vật nhiễm điện cùng dấu thì đẩy nhau, các vật nhiễm điện khác dấu thì hút nhau.
 
2. Sơ lược về cấu tạo nguyên tử
 
Ở tâm mỗi nguyên tử có một hạt nhân mang điện tích dương.
 
Xung quanh các hạt nhân có các electron mang điện tích âm chuyển động tạo thành lớp vỏ của nguyên tử.
 
Tổng điện tích âm của các electron có trị số tuyệt đối bằng điện tích dương của hạt nhân. Do đó bình thường nguyên tử trung hoà về điện.
 
Electron có thể dịch chuyển từ nguyên tử này sang nguyên tử khác, từ vật này sang vật khác.

Một vật nhiễm điện âm nếu nhận thêm electron, nhiễm điện dương nếu mất bớt electron.
 
B. TRẢ LỜI MỘT SỐ CÂU HỎI CƠ BẢN.

C1. Đặt thanh nhựa sẫm màu lên trục quay sau khi đã được cọ xát bằng mảnh vải khô. Đưa mảnh vải này lại gần đầu thanh nhựa được cọ xát thì chúng hút nhau. Biết rằng mảnh vải cũng bị nhiễm điện, hỏi mảnh vải mang điện tích dương hay điện tích âm? Tại sao?.
 
Trả lời:
 
Thanh nhựa sẫm màu khi cọ xát bằng mảnh vải khô được qui ước là tích điện âm (-). Đưa mảnh vải này lại gần đầu thanh nhựa được cọ xát thì chúng hút nhau. Vậy mảnh vải mang điện tích trái dấu với thanh nhựa tức là mang điện tích dương.
 
C2. Trước khi cọ xát, có phải trong mỗi vật đều có điện tích dương và điện tích âm hay không? Nêu có thì các điện tích này tồn tại ở những loại hạt nào cấu tạo nên vật?.
 
Trả lời:
 
Trước khi cọ xát, trong mỗi vật đều có điện tích dương ở hạt nhân nguyên tử và điện tích âm là các electron.
 
C3. Tại sao trước khi cọ xát, các vật không hút các vụn giấy nhỏ?.
 
Trả lời:
 
Trước khi cọ xát, các vật trung hòa điện hay còn gọi là không tích điện nên không hút các vụn giấy nhỏ.
 
C4. Sau khi cọ xát, vật nào trong hình 18. 1b nhận thêm electron, vật nào mất bớt electron? Vật nào nhiễm điện dương, vật nào nhiễm điện âm?

hinh 18.1b










                                        Hình 18.1
 
Trả lời:
 
Sau khi cọ xát, thanh nhựa nhận thêm electron nên nhiễm điện âm, còn mảnh vải mất bớt electron nên nhiễm điện dương.
 
 
GIẢI BÀI TẬP CƠ BẢN.
 
18.1. Trong một thí nghiệm, khi đứa một đầu thước nhựa dẹt lại gần quả cầu bằng nhựa xốp được treo bằng sợi chỉ, quả cầu nhựa xốp bị đẩy ra xa (hình 18.2). Câu kết luận nào sau đây là đúng?.
 
hinh 18.2












A. Quả cầu và thước nhựa bị nhiễm điện khác loại.
B. Quả cầu không bị nhiễm điện, còn thước nhựa bị nhiễm điện.
C. Quả cầu và thước nhựa đều không bị nhiễm điện.
D. Quả cầu và thước nhựa bị nhiễm điện cùng loại.
 
Hướng dẫn giải:
 
Thước nhựa dẹt đẩy quả cầu nhựa xốp ra xa => Quả cầu và thước nhựa bị nhiễm điện cùng loại.
 
Đáp án: D
 
18.2. Trong mỗi hình 18.3a, b, c, d, các mũi tên đã cho chỉ lực tác dụng (hút hoặc đẩy) giữa hai vật mang điện tích. Hãy ghi dấu điện tích chưa cho biết của vật thứ hai.

 hinh 18.3a
Hướng dẫn giải:

 hinh 18.3b







18.3. Biết rằng lúc đầu cả tóc và lược nhựa đều chưa bị nhiễm điện, nhưng sau khi chải tóc khô bằng lược nhựa thì cả lược nhựa và tóc đều bị nhiễm điện và cho rằng lược nhựa nhiễm điện âm.
 
a) Hỏi sau khi chải, tóc bị nhiễm điện loại gì? Khi đó các electron dịch chuyển từ lược nhựa sang tóc hay ngược lại?.
 
b) Vì sao có những lần sau khi chải tóc thấy có một vài sợi tóc dựng đứng thẳng lên?
 
Hướng dẫn giải:
 
a) Sau khi chải nếu cho rằng lược nhựa nhiễm điện âm thì tóc nhiễm điện dương. Khi đó các electron dịch chuyển từ tóc sang lược nhựa.
 
b) Có những lần sau khi chải tóc thấy có một vài sợi tóc dựng đứng thẳng lên là vì các sợi tóc nhiễm điện cùng loại nên đẩy nhau.
 
18.4. Trong một lần thí nghiệm, Hải đưa một chiếc lược nhựa lại gần một mảnh nilông thì thấy lược nhựa hút mảnh nilông. Hải cho rằng lược nhựa và mảnh nilông bị nhiễm điện khác loại (mang điện tích trái dấu nhau). Nhưng Sơn lại cho rằng chỉ cần một trong hai vật này bị nhiễm điện thì chúng vẫn có thể hút nhau. Theo em thì Sơn hay Hải, ai đúng? Ai sai? Làm cách nào để kiểm tra điều này?.
 
Hướng dẫn giải:
 
❖ Đưa cả lược nhựa và mảnh nilông lần lượt lại gần các vật nhỏ nhẹ như vụn giấy, nếu cả hai vật đều hút vụn giấy thì cả hai vật đều nhiễm điện và bạn Hải nói đúng.
 
❖ Ngược lại, trong hai vật nếu có một vật không hút các vụn giấy thì đó là vật không nhiễm điện và bạn Sơn đúng.
 
18.5. Cọ xát hai thanh nhựa cùng loại như nhau bằng mảnh vải khô. Đặt một thanh trên trục quay, đưa thanh nhựa kia lại gần thanh thứ nhất thì xảy ra hiện tượng nào dưới đây?.
 
A. Hai thanh nhựa này đẩy nhau.
B. Hai thanh nhựa này hút nhau.
C. Hai thanh nhựa này không hút và không đẩy nhau.
D. Hai thanh nhựa này lúc đầu đẩy nhau, sau đó hút nhau.
 
Hướng dẫn giải:
 
Cọ xát hai thanh nhựa cùng loại như nhau bằng mảnh vải khô, hai thanh nhựa này sẽ nhiễm điện cùng dấu. Đặt một thanh trên trục quay, đưa thanh nhựa kia lại gần thanh thứ nhất thì xảy ra hiện tượng hai thanh nhựa này đẩy nhau.
 
Đáp án: A
 
18.6. Có bốn vật a, b, c, d đều bị nhiễm điện. Nêu vật a hút b, b hút c, c đẩy d thì câu phát biểu nào dưới đây là đúng?.
 
A. Vật a và c có điện tích trái dấu
B. Vật b và d có điện tích cùng dấu.
C. Vật a và c có điện tích cùng dấu.
D. Vật a và d có điện tích trái dấu.
 
Hướng dẫn giải:

Nếu vật a hút b, b hút c, c đẩy d thì:
 
- Vật a và c có điện tích cùng dấu.
- Vật b và d có điện tích trái dấu.
- Vật a và c có điện tích cùng dấu.
- Vật a và d có điện tích cùng dấu.
=> Câu c đúng.
 
Đáp án: C
 
18.7. Một vật trung hòa về điện, sau khi được cọ xát thì nhiễm điện âm. Đó là do nguyên nhân nào dưới đây?.
 
A. Vật đó mất bớt điện tích dương,
B. Vật đó nhận thêm electron,
C. Vật đó mất bớt electron.
D. Vật đó nhận thêm điện tích dương.
 
Hướng dẫn giải:
 
Một vật trung hòa về điện, sau khi được cọ xát thì nhiễm điện âm. Đó là do vật có nhận thêm electron.
 
Đáp án: B
 
18.8. Nếu một vật nhiễm điện dương thì vật đó có khả năng nào dưới đây?.
 
A. Hút cực Nam của kim nam châm.
B. Đẩy thanh thủy tinh đã được cọ xát vào lụa.
C. Hút cực Bắc của kim nam châm.
D. Đẩy thanh nhựa màu sẫm đã được cọ xát vào vải khô
 
Hướng dẫn giải:
 
Thanh thủy tinh khi cọ xát vào lụa sẽ nhiễm điện dương (+). Còn thanh nhựa sẫm màu khi cọ xát bằng mảnh vải khô sẽ tích điện âm (-). Do đó nếu một vật nhiễm điện lương thì vật đó có khả năng đẩy thanh thủy tinh đã được cọ xát vào lụa và hút thanh nhựa màu sẫm đã được cọ xát vào vải khô.
 
=> Câu B đúng.
 
Đáp án: B
18.9. Cọ xát một thước nhựa vào một mảnh len thì thước nhựa bị nhiễm điện. Hỏi mảnh len có bị nhiễm điện không? Nếu có thì điên tích trên mảnh len cùng dấu hay khác dấu với điện tích trên thước nhựa? Vì sao?.
 
Hướng dẫn giải:
 
Cọ xát một thước nhựa vào một mảnh len thì thước nhựa bị nhiễm điện âm, mảnh len sẽ bị nhiễm điện khác dấu với điện tích trên thước nhựa, tức là nhiễm điện dương. Vì khi cọ xát electron đã di chuyển từ mảnh len sang thước nhựa.
 
18.10. Cọ xát một thanh thủy tinh vào lụa, rồi đưa lại gần một quả cầu nhỏ bằng kim loại treo trên giá. Quả cầu bị hút về phía thanh thủy tinh. Có thể khẳng định quả cầu đã bị nhiễm điện dương được không? Giải thích.
 
Hướng dẫn giải:
 
Cọ xát một thanh thủy tinh vào lụa, rồi đưa lại gần một quả cầu nhỏ bằng kim loại treo trên giá. Quả cầu bị hút về phía thanh thủy tinh. Không thể khẳng định quả cầu đã bị nhiễm điện dương. Vì sau khi cọ xát thanh thủy tinh vào lụa, thanh thủy tinh sẽ nhiễm điện dương. Mặt khác, trong quả cầu kim loại có rất nhiều electron tự do. Khi đưa thanh thủy tinh nhiễm điện dương lại gần quả cầu kim loại, nó sẽ hút các electron tự do trong quả cầu lại gần. Vì vậy, mặt quả cầu gần thanh thủy tinh sẽ nhiễm điện âm và thanh thủy tinh hút được quả cầu; phần xa sẽ nhiễm điện dương, nhưng trên toàn quả cầu vẫn trung hòa điện.
 
18.11. Làm thế nào để biết một cái thước nhựa có bị nhiễm điện hay không và nhiễm điện dương hay âm?.
 
Hướng dẫn giải:
 
Đưa thước nhựa lại gần các vật nhỏ nhẹ như vụn giấy, nó hút vụn giấy thì thước có nhiễm điện.
 
Đưa thước nhựa trên lại gần một vật nhiễm điện dương, nếu nó hút nhau thì thước nhựa tích điện âm và ngược lại nếu đẩy nhau thì thước tích điện dương.
 
18.12. Trong các thí nghiệm ở hình 18.4, các quả cầu bấc được treo bằng sợi chỉ mềm. Hãy ghi dấu điện tích của các quả cầu trong mỗi trường hợp.
 
 hinh 18.4








 
Hướng dẫn giải:
 
Dấu điện tích của các quả cầu trong mỗi trường hợp như hình 18.4a.
 
18.13. Một quả cầu nhỏ, rỗng, nhẹ, được làm bằng nhôm và được treo bằng một sợi chỉ mềm như trong hình 18.5. Hãy mô tả hiện tượng xảy ra với quả cầu này khi đưa một thanh A bị nhiễm điện dương lại gần quả cầu.
 
 hinh 18.4a
 
 
 







Hướng dẫn giải:
 
Khi đưa một thanh A bị nhiễm điện dương lại gần quả cầu bằng nhôm và được treo bằng một sợi chỉ mềm, trong quả cầu nhôm có rất nhiều electron tự do nên nó sẽ hút các electron tự do trong quả cầu lại gần. Vì vậy mật quả cầu gần thanh A sẽ nhiễm điện âm và thanh A hút được quả cầu; phần mặt cầu xa thanh A sẽ nhiễm điện dương, nhưng trên toàn quả cầu vẫn trung hòa điện.
 
hinh 18.5
 










MỘT SỐ BÀI TẬP VẬN DỤNG
 
Bài 18.1: Em hãy giải thích tại sao khi bị nhiễm điện thì các vật có thể hút dược các sợi bông hoặc các vụn giấy nhỏ?.
 
Bài 18.2: Chọn câu sai:
 
A. Hai vật như nhau cùng được cọ xát như nhau thì nhiễm điện cùng dấu.
B. Hai vật cọ xát với nhau thì nhiễm điện cùng dấu nhau
C. Hai vật nhiễm điện cùng dấu thì đẩy nhau.
D. Hai vật nhiễm điện khác dấu thì hút nhau.
 
Bài 18.3: Chọn câu sai:
 
A. Các vật bị nhiễm điện là các vật mang điện tích
B. Các vật không bị nhiễm điện là các vật không có điện tích.
C. Các vật trung hoà điện là các vật có tổng điện tích âm của các electron có trị số tuyệt đối bằng điện tích dương của hạt nhân.
D. Xung quanh các hạt nhân có các electron mang điện tích âm chuyển động tạo thành lớp vỏ của nguyên tử.
 
Bài 18.4 Tại sao trên các xe bồn chở xăng thường hay có sợi xích sắt thả lòng thòng xuống đất?
 
Bài 18.5: Điền từ thích hợp vào chỗ trống:
 
Một nguyên tử khi nhận thêm một êlectron thì gọi là…………..
 
A. Nguyên tử trung hòa.
B. ion dương,
C. ion âm.
D. Cả ba câu đều sai.
 
Bài 18.6. Điền từ thích hợp vào chỗ trống:
 
Một nguyên lử khi mất đi một êlectrôn thì gọi là……….
 
A. Nguyên tử trung hòa. 
B. Ion dương, ‘
C. Ion âm.
D. Cả ba câu đều sai.
 
Bài 18.7: Hai quả cầu A và B được đặt gần nhau bằng hai sợi chỉ, chứng hút nhau làm cho phương của hai sợi chỉ bị lệch như trên hình 18.6. Trường hợp nào sau đây là sai:
 
hinh 18.6

A. Quả cầu A nhiễm điện dương, quả cầu B nhiễm điện âm hoặc không nhiễm điện.
B. Quả cầu A nhiễm điện âm, quả cầu B nhiễm điện dương hoặc không nhiễm điện.
C. Quả cầu B nhiễm điện dương quả cầu A không nhiễm điện.
D. Quả cầu B và quả cầu A đều nhiễm điện dương.
 
Bài 18.8: Tìm những từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong những câu sau:
 
a) Ở tâm mỗi nguyên tử có một……… mang……………………..

b) Xung quanh các hạt nhân có các……….. mang………… chuyển động tạo thành lớp của nguyên tử.

c) Tổng điện tích âm của các electron có trị số tuyệt đối bằng………… của hạt nhân. Do đó bình thường nguyên tử………. về điện.

d)  ………… có thể dịch chuyển từ …….. sang ………  từ vật này sang vật khác.

e) Một vật nhiễm điện âm nếu………… electron, nhiễm điện dương nếu ……….electron.
 
GIẢI VÀ ĐÁP SỐ BÀI TẬP VẬN DỤNG.
 
Bài 18.1: Vì các vật nhiễm điện dương bị mất electron thì có xu hướng nhận thêm các electron, còn các vật nhiễm điện âm thừa electron thì có xu hướng cho các electron để đạt đến trạng thái trung hoà về điện. Do vậy mà các vật hút nhau để trao đổi điện tích.

Bài 18.2: Hai vật cọ xát với nhau thì nhiễm điện trái dấu nhau => câu B sai
 
Đáp án: B
 
Bài 18.3: Các vật không bị nhiễm điện là các vật trung hòa điện tích, tức là các vật có tổng điện tích âm của các electron có trị số tuyệt đối bằng điện tích dương của hạt nhân => Câu sai B.

Đáp án: B
 
Bài 18.4: Khi các xe bồn chạy trên đường chúng đã bị cọ xát với không khí làm cho bánh xe và thùng xăng tích điện. Xe chạy càng nhanh và càng lâu thì điện sẽ tích càng nhiều và đến một lúc nào đó có thể gây ra sự phóng điện. Để tránh tình trạng này, người ta đã gắn vào thùng xăng một sợi xích sắt để kéo lê dưới đất nhằm truyền các hạt điện tích xuống đất. Và do đó mà không còn điện tích để phóng điện và không gây cháy nổ nữa.
 
Đáp án: C
 
Bài 18.5: Một nguyên tử khi nhận thêm một electron thì gọi là ion âm
 
Đáp án: C
 
Bài 18.6: Một nguyên tử khi mất đi một êlectron thì gọi là ion dương.
 
Đáp án: B
 
Bài 18.7: Hai quả cầu đó chỉ có khả năng:
 
Nhiễm điện trái dấu.
 
Một quả nhiễm điện, một quả không nhiễm điện.
=> Câu D sai
 
Đáp án: D
 
Bài 18.8:
 
a) Ở tâm mỗi nguyên tử có một hạt nhân mang diện tích dương.
 
b) Xung quanh các hạt nhân có các electron mang điện tích âm chuyển động tạo thành lớp vỏ của nguyên tử.
 
c) Tổng điện tích âm của các electron có trị số tuyệt đôi bằng điện tích dương của hạt nhân. Do đó bình thường nguyên tử trung hòa về điện.
 
d) Electron có thể dịch chuyển từ nguyên tử này sang nguyên tử khác từ vật này sang vật khác.
 
e) Một vật nhiễm điện âm nếu nhận thêm electron, nhiễm điện dương nếu mất bớt electron.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây