© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra học kì 2 môn Giáo dục công dân 6 - Sách mới

Chủ nhật - 27/03/2022 06:44
Đề kiểm tra học kì 2 môn Giáo dục công dân 6 - Sách mới
Đề kiểm tra học kì 2 môn Giáo dục công dân - Đề dùng chung cho: Sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Có đáp án và hướng dẫn trả lời.

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II
Môn: Giáo dục công dân 6

 

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

Câu 1 (2 điểm). Khoanh tròn vào chữ cái trước phương án đúng.
1. Để rèn luyện tính tự lập, chúng ta cần tránh việc làm nào?
A. Chủ động vạch ra mục tiêu và lập kế hoạch giải quyết công việc.
B. Luôn tự đánh giá, rút kinh nghiệm cho bản thân sau mỗi hoạt động.
C. Tìm ngay đến sự trợ giúp của người khác khi bắt đầu thực hiện.
D. Luôn nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thử thách.

2. Câu ca dao “Con ơi nhớ lấy câu này/ Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua.” là lời khuyên giúp chúng ta phòng tránh tình huống nguy hiểm nào?
A. Đuối nước.
B. Hoả hoạn.
C. Dông, sét.
D. Bị bắt cóc.

3. Việc làm nào thể hiện sự tiết kiệm?
A. Mỗi năm đều mua xe đạp mới để tạo động lực học tập.
B. Viết, vẽ vào sách giáo khoa để trang trí cho đẹp.
C. Nhịn ăn sáng để lấy tiền chơi game.
D. Tắt hết các bóng điện khi là người cuối cùng ra khỏi phòng.

4. Hành vi nào xâm phạm đến quyền trẻ em?
A. Đưa trẻ em hư vào trường giáo dưỡng.
B. Buộc trẻ em nghiện hút phải đi cai nghiện.
C. Thực hiện tiêm chủng bắt buộc cho trẻ em.
D. Bắt trẻ em bỏ học để lao động kiếm sống.

Câu 2 (1 điểm). Đánh dấu vào ô tương ứng cho phù hợp.
Nội dung Đúng Sai
Mỗi khi đi họp, Trang thường đến muộn 5 phút để khỏi phải chờ người khác.    
Sau mỗi năm học, Linh thường cát các tờ giấy trắng còn thừa đóng thành một tập để làm vở nháp.    
Để tiết kiệm thời gian, công sức và xà phòng giặt, Hoa chỉ mang mỗi đôi tất một lần rồi bỏ đi.    
Tuy mới chỉ là học sinh lớp 6 nhưng Thành luôn mạnh dạn trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình trước người lớn.    
 

PHẦN II. TỰ LUẬN (7 điểm)

Câu 1 (3 điểm). Trong giờ ra chơi, do mâu thuẫn nên Bình và An đã có nhiều lời lẽ xúc phạm đối phương và xông vào đánh nhau. Hiền đứng gần đó nên chứng kiến đầu đuôi câu chuyện. Hôm sau, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu cả ba bạn tường trình lại sự việc. Hiền muốn nói lên toàn bộ sự thật nhưng lại sợ mất lòng bạn bè. Suy nghĩ ấy khiến Hiền băn khoăn, lo lắng và không biết phải làm thế nào.
Theo em, Hiền nên ứng xử ra sao trong tình huống trên?

Câu 2 (2 điểm). Mỗi khi gặp một tình huống nguy hiểm (bão lũ, dông sét, hoả hoạn, bị bắt cóc), em cần thực hiện các bước xử lí như thế nào?

Câu 3 (2 điểm). Ngày nào cũng vậy, cứ đi học về là Hoà lại chạy ngay đi chơi với các bạn trong xóm, không chịu phụ giúp bố mẹ làm việc nhà. Mỗi lần mẹ nhờ Hoà làm việc gì đó như trông em, quét nhà,... Hoà luôn nói với mẹ rằng vui chơi giải trí là một trong những quyền mà trẻ em được hưởng, bắt trẻ em làm việc là vi phạm quyền trẻ em.
a. Theo em, Hoà đã đúng hay sai? Vì sao?
b. Nếu là bạn của Hoà, em sẽ khuyên bạn như thế nào?
----------------------

ĐÁP ÁN

 

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

Câu 1 (2 điểm). Khoanh tròn vào chữ cái trước phương án đúng.
1. C
2. A
3. D
4. D
Câu 2 (1 điểm). Đánh dấu vào ô tương ứng cho phù hợp.
Nội dung Đúng Sai
Mỗi khi đi họp, Trang thường đến muộn 5 phút để khỏi phải chờ người khác.   x
Sau mỗi năm học, Linh thường cát các tờ giấy trắng còn thừa đóng thành một tập để làm vở nháp. x  
Để tiết kiệm thời gian, công sức và xà phòng giặt, Hoa chỉ mang mỗi đôi tất một lần rồi bỏ đi.   x
Tuy mới chỉ là học sinh lớp 6 nhưng Thành luôn mạnh dạn trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình trước người lớn. x  
 

PHẦN II. TỰ LUẬN (7 điểm)

Câu 1 (3 điểm). Việc nói ra sự thật sẽ làm mếch lòng một trong hai người bạn nhưng để không ai bị oan sai thì Hiền nên nói lên sự thật. Bởi chỉ có nói lên sự thật thì mới giúp cho hai người bạn nhận ra lỗi lầm của mình, từ đó sẽ không phạm phải sai lầm đó nữa.

Câu 2 (2 điểm). Mỗi khi gặp một tình huống nguy hiểm (bão lũ, dông sét, hoả hoạn, bị bắt cóc), em cần bình tĩnh nhận diện, đưa ra được biện pháp và hành động phù hợp để thoát khỏi mối nguy, bảo vệ an toàn cho bản thân và người khác:
Tình huống nguy hiểm Các bước xử lí
Bão lũ - Theo dõi báo đài để cập nhật thông tin về thiên tai này.
- Tìm nơi trú ẩn an toàn, kiên cố.
- Nắm thông tin về chỗ trú ẩn để nhờ cứu hộ khi cần thiết.
Dông, sét - Tìm nơi trú ẩn an toàn (không trú dưới gốc cây, nơi gần các vật kim loại,…)
- Tắt các thiết bị có sóng điện từ (điện thoại, tivi, máy tính,…)
Hoả hoạn - Hô hoán mọi người, tắt tất cả các thiết bị điện.
- Dùng các vật dụng (bình cứu hoả, nước, cát,…) để dập nếu lửa nhỏ.
- Gọi cứu hoả theo số 114.
- Tìm cách thoát khỏi đám cháy.
Bị bắt cóc - Phát hiện nhanh tình huống nguy hiểm từ người lạ.
- Bỏ chạy thật nhanh.
- Bình tĩnh tìm kiếm sự trợ giúp từ xung quanh.


Câu 3 (2 điểm).
1. Hoà đã sai. Vì: Hoà đã hiểu sai Quyền trẻ em. Vui chơi giải trí là một trong những quyền mà trẻ em được hưởng, nhưng giúp đỡ bố mẹ với những việc vừa sức như trông em, quét nhà,… là những việc mà bổn phận làm con phải làm và nên làm. Việc bố mẹ bắt trẻ em làm việc quá sức mới là vi phạm quyền trẻ em.
2. Nếu là bạn của Hoà em sẽ khuyên bạn ấy hãy giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn, vì bố mẹ đã sinh ra mình, nuôi nấng mình nên người, hằng ngày bố mẹ phải làm lụng rất vất vả mới có miếng cơm, manh áo, sách vở,… cho mình được học hành. Vì vậy, giúp đỡ bố mẹ làm việc nên làm và cảm thấy hạnh phúc vì đã giúp đỡ được bố mẹ. Đấy mới là một đứa con ngoan, hiếu đạo.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây