© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bài giảng Công nghệ 6 (Bài số 9)

Thứ năm - 29/09/2016 05:08
THỰC HÀNH: ÔN MỘT SỐ MŨI KHÂU CƠ BẢN (Tiết 1)
A. MỤC TIÊU BÀI HỌC
 
1. Chuẩn bị nội dung
 
• Nghiên cứu kỹ nội dung thực hành.
• Xem lại kỹ thuật khâu các đường khâu cơ bản để ôn lại cho HS, mũi khâu thường, mũi đột, gấp mép khâu được cố định và khâu vắt mép đã lược.
 
2. Phân bố bài thực hành
 
Tiết 1: HS thực hành khâu mũi thường, mũi đột
Tiết 2: Gấp mép khâu lược cố định và khâu vắt mép vải đã lược.

3. Chuẩn bị đồ dùng dạy học, thiết bị
 
• Mẫu hoàn chỉnh các đường khâu để làm mẫu
• Bìa, kim khâu len, len mầu (để GV thao tác mẫu)
• Kim, chỉ khâu, vải
GV chuẩn bị thêm một số mảnh vải để bổ sung cho những em thiếu.
 
C. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HÀNH TIẾT 1
 
I. Giới thiệu bài mới
 
Ở cấp tiểu học các em đã dược học những mũi khâu cơ bản. Để các em có thể vận dụng các mũi khâu đó vào hoàn thành một số sản phẩm đơn giản ở bài thực hành sau, hôm nay cô cùng các em ôn lại kỹ thuật khâu các mũi khâu cơ bản đó.
 
Hỏi: Em hãy kể tên các mũi khâu cơ bản mà em đã được học?
 
GV: Cần kiểm tra việc chuẩn bị của HS: kim, chỉ, vải cho tiết thực hành.
 
II. Tiến hành thực hành
 
A. GV cần ôn lại phương pháp kháu các mũi khâu trước khi HS vào thực hành
1. Khâu mũi thường (mũi tới)
 
- Khâu mũi thường là cách khâu dùng kim chỉ tạo thành những mũi lặn, mũi nổi cách đều nhau. Nhìn ở mặt phải và trái giống nhau.
- Mũi khâu thường được sử dụng trong may nối, khâu vá quần áo, hoặc khi cần khâu lược (khâu lược mũi dài).
 
* Cách khâu:
 
GV: Nhắc lại các thao tác khâu đồng thời thao tác mẫu trên bìa bằng len và kim khâu len.

- Lấy thước và bút chì kẻ nhẹ một đường thẳng lên vải.
- Xâu chỉ vào kim và thắt nút chỉ ở cuối sợi cho khỏi tuột.
- Tay trái cầm vải, tay phải cầm kim, khâu từ phải sang trái.
- Lên kim ở mặt trái vải (hình 1-14a) xuống kim cách 3 canh sợi vải, tiếp tục lên kim cách mũi vừa xuống 3 canh sợi vải (hình 1- 14b)
- Khi có khoảng 3-4 mũi khâu trên kim thì rút kim lên và vuốt nhẹ theo đường đã khâu cho phẳng (hình 1-14c).
- Khi khâu xong cần lại mũi xuống kim sang mặt trái, (dấu nút chỉ ở mặt trái) vòng chỉ qua đầu kim khóa mũi cho khỏi tuột.
* Sau khi khâu xong đường khâu thường ta thấy các mũi chỉ khâu cách nhau 3 canh sợi vải (hoặc 1mm) tạo thành một đường thẳng.

2. Khâu mũi đột mau
 
- Khâu đột là một phương pháp khâu mà mỗi mũi chí nổi được tạo thành bằng cách đưa kim lùi lại từ 3-4 canh sợi vải, rồi lại khâu tiến lên một khoảng 4 canh sợi vải.
- Mũi đột mau có các mũi khâu liền cạnh nhau, bền chắc và thực hiện chậm hơn mũi khâu thường vì phải khâu từng mũi một.
- Mũi đột mau thường được dùng khi may nối mạng hoặc may viền bọc mép...
 
* Cách khâu:
 
GV: Giới thiệu cách khâu và làm thao tác mẫu trên bìa bằng kim khâu len và len.
- Kẻ nhẹ tay một đường thẳng trên vải.
- Lên kim mũi thứ nhất cách mép vải 8 canh sợi vải, xuống kim lùi lại 4 canh sợi vải trên đường kẻ chì, lên kim về phía trước 4 canh sợi vải (hình 1 -15b) xuống kim đúng lỗ mũi kim đầu tiên. Cứ khâu như vậy cho đến hết đường khâu (l-l5c).Lại mũi khi hết đường định khâu và thắt nút ở mặt trái.
 
* Sau khi hoàn chỉnh đường khâu nhìn ở mặt phải vài các mũi chỉ nối tiếp nhau giống như đường may máy, ở mặt trái các mũi chỉ dài gấp 2 mũi chỉ ở mặt phải và đan xen vào nhau, mũi thứ 2 lấn một nửa mũi thứ nhất.
 
B. Phần thực hành
 
HS: làm thực hành cá nhân
 
GV: Quan sát HS thực hành và uốn nắn các thao tác cho đúng kỹ thuật
- Cuối buổi thực hành GV chọn một số bài khâu đúng kỹ thuật, đẹp và một số bài chưa đúng kỹ thuật cần rút kinh nghiệm.
 
♦ Tổng kết - dặn dò
 
- GV nhận xét buổi thực hành về ý thức, thái độ làm việc của HS.
 
- Dặn dò:
 
+ Về nhà tập khâu lại 2 đường khâu vừa học (mỗi đường dài 10cm)
+ Buổi sau vẫn mang vải, kim chỉ để thực hành các đường khâu còn lại.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây