Câu 1. Nêu vai trò của nhà ở.
Nhà ở có vai trò bảo vệ con người tránh khỏi những tác hại của thiên nhiên và môi trường. Nhà ở là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường ngày của các thành viên trong gia đình.
Câu 2. Nêu đặc điểm chung của nhà ở
Đặc điểm chung của nhà ở:
- Cấu tạo: Móng nhà, sàn nhà, khung nhà, tường nhà, mái nhà, cửa ra vào, cửa sổ,...
- Cách bố trí không gian bên trong: Nhà ở thường được phân chia thành các khu: Khu vực sinh hoạt chung, khu vực nghỉ ngơi, khu vực thờ cúng, khu vực nấu ăn, khu vực vệ sinh.
Câu 3. Nêu đặc điểm nhà ở các khu vực đặc thù
- Nhà sàn là kiểu nhà được dựng trên các cột phía trên mặt đất, phù hợp với các đặc điểm về địa hình, tập quán sinh hoạt của người dân.
- Nhà nổi là kiểu nhà được thiết kế có hệ thống phao dưới sàn giúp nhà có thể nổi trên mặt nước.
Câu 4. Phân biệt vật liệu nhân tạo và vật liệu thiên nhiên. Cho ví dụ.
- Vật liệu thiên nhiên là vật liệu có sẵn trong tự nhiên còn vật liệu nhân tạo là vật liệu do con người sáng tạo ra.
- Ví dụ: vật liệu thiên nhiên như: đất, đá, cát, gỗ, tre,…; vật liệu nhân tạo như: gạch nung, ngói, tôn, thép, kính, thạch cao,…
Câu 5. Nêu đặc điểm của ngôi nhà thông minh
+ Tiện ích:
- Các thiết bị trong ngôi nhà thông minh có thể điều khiển từ xa thông qua các ứng dụng được cài đặt trên các thiết bị điện tử như: điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối Internet.
- Các hệ thống, thiết bị thông minh trong ngôi nhà có thể hoạt động dựa trên thói quen của người sử dụng.
+ An ninh, an toàn:
- Các thiết bị được lắp đặt sẽ giúp cảnh báo tới chủ nhà các tình huống gây mất an ninh, an toàn như: có người lạ đột nhập, quên đóng cửa hay nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
- Các hình thức cảnh báo có thể là đèn báo, chuông báo, tin nhắn hay cuộc gọi tự động tới chủ nhà.
+ Tiết kiệm năng lượng:
- Các thiết bị công nghệ sẽ điều khiển, giám sát việc sử dụng hợp lí các nguồn năng lượng trong ngôi nhà, từ đó giúp tiết kiệm năng lượng.
- Tận dụng các nguồn năng lượng tự nhiên như gió, ánh sáng, năng lượng mặt trời giúp ngôi nhà vừa tiết kiệm năng lượng vừa thân thiện với môi trường.
Câu 6. Nêu nguyên tắc hoạt động của ngôi nhà thông minh
Nhận lệnh -> xử lý -> Chấp hành
Câu 7. Nêu khái niệm về đồ dùng điện trong gia đình
Đồ dùng điện trong gia đình là các sản phẩm công nghệ, hoạt động bằng năng lượng điện phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Câu 8. Kể tên các thông số kỹ thuật điện
- Điện áp định mức: là mức điện áp để đồ dùng điện hoạt động bình thường và an toàn, đơn vị là vôn (kí hiệu V).
- Công suất định mức: là công suất thể hiện mức độ tiêu thụ điện năng của đồ dùng điện đúng với điện áp định mức, đơn vị là oát (kí hiệu W).
Câu 9. Bộ phận đóng vai trò phát ra ánh sáng của bóng đèn sợi đốt và bóng đèn huỳnh quang là gì?
- Bóng đèn sợi đốt: sợi đốt
- Bóng đèn huỳnh quang: bột huỳnh quang
Câu 10. Nêu cấu tạo và chức năng của từng bộ phận của nồi cơm điện
Nồi cơm điện có các bộ phận chính: Nắp nồi, thân nồi, nồi nấu, bộ phận sinh nhiệt, bộ phận điều khiển.
- Nắp nồi: có chức năng bao kín và giữ nhiệt. Trên nắp nồi có van thoát hơi giúp điều chỉnh áp suất trong nồi cơm điện.
- Thân nồi: có chức năng bao kín, giữ nhiệt và liên kết các bộ phận khác của nồi. Mặt trong của thân nồi có dạng hình trụ và là nơi đặt nồi nấu.
- Nồi nấu: Có dạng hình trụ. Phía trong của nồi nấu thường được phủ lớp chống dính.
- Bộ phận sinh nhiệt: là mâm nhiệt có dạng hình đĩa, thường đặt ở đáy mặt trong của thân nồi, có vai trò cung cấp nhiệt cho nồi.
- Bộ phận điều khiển: được gắn vào mặt ngoài của thân nồi dùng để bật, tắt, chọn chế độ nấu hiển thị trạng thái hoạt động của nồi cơm.
Câu 11. Trình bày cấu tạo và nguyên lí làm việc của bếp hồng ngoại
+ Cấu tạo: Bếp hồng ngoại gồm các bộ phận chính: Mặt bếp; bảng điều khiển; thân bếp; mâm nhiệt hồng ngoại.
- Mặt bếp: Là nơi đặt nồi nấu, có chức năng dẫn nhiệt, thường được làm bằng kính chịu nhiệt, có độ bền cao.
- Bảng điều khiển: là nơi để điều chỉnh nhiệt độ, chế độ nấu của bếp. Trên bảng điều khiển có các nút tăng- giảm nhiệt độ, chọn chế độ nấu, các đèn báo.
- Thân bếp: Là toàn bộ phần còn lại bên dưới mặt bếp và bảng điều khiển, có chức năng bao kín và bảo vệ các bộ phận bên trong của bếp.
- Mâm nhiệt hồng ngoại: Là phần nằm phía trong thân bếp và sát với mặt bếp có chức năng cung cấp nhiệt độ cho bếp.
+ Nguyên lí làm việc:
- Khi được cấp điện, mâm nhiệt hồng ngoại nóng lên, truyền nhiệt tới nồi nấu và làm chín thức ăn.
- Với nguyên lí làm việc như trên, trong quá trình sử dụng, mặt bếp hồng ngoại có nhiệt độ rất cao và có thể có ánh sáng màu đỏ.
Câu 12. An toàn khi sử dụng điện trong gia đình
a. An toàn sử dụng điện
- Không chạm vào chỗ đang có điện.
- Không cầm phích điện, đóng cầu dao, bật công tắc điện hay sử dụng đồ dùng điện khi tay hoặc người bị ướt.
- Không vừa dùng vừa nạp điện, khi nạp đầy cần rút nguồn điện ra để tránh cháy nổ.
- Không tiếp xúc trực tiếp với những bộ phận của thiết bị điện có nhiệt độ cao hoặc đang hoạt động.
- Khi sửa các đồ điện trong nhà phải ngắt nguồn điện, sử dụng các dụng cụ bảo vệ an toàn điện và treo biển cấm cắm điện hoặc cử người giám sát nguồn điện.
- Các đồ dùng điện khi không sử dụng nữa, phải xử lí đúng cách để tránh tác hại ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
b. An toàn đối với đồ dùng điện
- Đặt đồ dùng điện trên bề mặt ổn định hoặc cố định chắc chắn để tránh rơi, đồ trong quá trình vận hành.
- Hạn chế cắm chung nhiều đồ dùng điện có công suất lớn trên cùng một ổ cắm.
- Vận hành đồ dùng điện theo quy trình hướng dẫn.
- Sử dụng đúng chức năng của đồ dùng điện.
- Tránh đặt đồ dùng điện ở nơi ẩm ướt hoặc gần các nguồn nhiệt.
- Ngắt điện hoặc rút phích cắm khỏi ổ điện khi không sử dụng hoặc trước khi làm vệ sinh.