© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Giải bài tập Khoa học tự nhiên 6, Bài 29. Virus

Thứ tư - 23/02/2022 11:00
Giải bài tập Khoa học tự nhiên 6, Bài 29. Virus
Virus là các tiểu phần không có cấu trúc tế bào, là loài vi sinh vật nhỏ nhất, kích thước điển hình từ 0,02 đến 0,3 µm. Virus chỉ nhân lên hoàn toàn trong tế bào sống của vật chủ (vi khuẩn, thực vật, hoặc động vật, người).

Bài 29: VIRUS

I. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

- Virus là các tiểu phần không có cấu trúc tế bào, là loài vi sinh vật nhỏ nhất, kích thước điển hình từ 0,02 đến 0,3 µm.
- Virus chỉ nhân lên hoàn toàn trong tế bào sống của vật chủ (vi khuẩn, thực vật, hoặc động vật, người).
- Cấu tạo của virus đơn giản bao gồm lớp vỏ bên ngoài là protein hoặc đôi khi là lipit, lõi chứa vật chất di truyền ADN (acid deoxyribonucleic) hoặc ARN (acid ribonucleic), Một số virus còn có thêm lớp vỏ ngoài.
- Virus được phân loại chủ yếu theo tính chất và cấu trúc của bộ gen và phương pháp sao chép của chúng, không phải theo bệnh mà chúng gây ra.
- Virus có hình dạng và kích thước khác nhau và chúng có thể được phân loại:
+ Dạng xoắn ốc: Virus khảm thuốc lá, virus dại,...
+ Dạng hình khối: Virus cúm, virus viêm kết mạc (hầu hết các loại virus động vật đều có hình dạng này).
+ Dạng hỗn hợp: Thực khuẩn thể (phage).
- Vai trò virus:
+ Lợi ích: Có vai trò trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong công nghệ sinh học (sản xuất thuốc kháng sinh, vaccine...) trong nông nghiệp (sản xuất thuốc trừ sâu).
+ Tác hại: Phần lớn gây bệnh ở người, động vật, thực vật,...Virus chủ yếu liên quan đến các bệnh tật (người, động vật), đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Ebola, cúm, sốt xuất huyết, HIV, cúm lợn (dịch cúm H1N1 2009), Coronavirus 2019 (đại dịch Covid - 2019). Hay ở thực vật như: cây còi cọc, biến vàng, khảm hoặc vằn lá, lá vàng hoặc có các vết loét, đốm vòng, lá biến dạng, lá cuốn, trong một số trường hợp gây chết cây. 

II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI

Câu hỏi: (Mục I - Trang 98)
Hướng dẫn trả lời:
- Nhận xét hình dạng của virus: Có 3 dạng chính
+ Dạng xoắn ốc: Virus khảm thuốc lá, virus dại,...
+ Dạng hình khối: Virus cúm, virus viêm kết mạc (hầu hết các loại virus động vật đều có hình dạng này).
+ Dạng hỗn hợp: Thực khuẩn thể (phage) T4, virus đậu mùa,...
- Phân biệt vi khuẩn và virus:
Virus Vi khuẩn
Kích thước nhỏ hơn vi khuẩn.
Chưa có cấu tạo điển hình của 1 tế bào.
Cấu tạo gồm lớp: vỏ protein và lõi chứa vật chất di truyền (ADN hoặc ARN).
Kích thước lớn hơn virus.
Có cấu tạo điển hình của một tế bào gồm: Thành tế bào bảo vệ màng, tế bào chất, vùng nhân.
 
 
Câu hỏi: (Mục II - Trang 99)
Hướng dẫn trả lời:
- Virus chưa có cấu tạo tế bào điển hình vì cấu tạo một tế bào điển hình gồm 3 thành phần (màng, tế bào chất, nhân) nhưng tất cả các virus đều có cấu tạo 2 thành phần là vỏ protein và lõi chứa vật chất di truyền (ADN hoặc ARN). Một số virus có thêm vỏ ngoài và gai glicoprotein.
- Em đồng ý với ý kiến cho rằng virus không phải là vật thế sống mà chỉ là một dạng sống đơn giản. Vì chưa có cấu tạo tế bào, sống kí sinh nội bào bắt buộc, khi ra khỏi cơ thể tế bào vật chủ, virus tồn tại như một vật không sống.

Câu hỏi: (Mục III. 1 - Trang 100)
Hướng dẫn trả lời:
- Kể tên các bệnh do virus gây ra: Virus có thể gây bệnh cho người, động vật, thực vật, nấm và vi khuẩn.
+ Ở người, virus gây ra các bệnh như: Cúm, thuỷ đậu, quai bị, viêm gan B.
+ Ở động vật, virus gây ra các bệnh như: Tai xanh ở lợn, lở mồm long móng ở trâu bò (Hình 29.3), cúm gia cầm,...
+ Ở thực vật, virus gây ra một số bệnh như: Khảm ở cây đậu (Hình 29.4), xoăn lá cà chua,...
hinh 29
- Ngoài các bệnh trên, virus còn gây ra nhiều bệnh khác: 
+ Ở người, virus gây ra các bệnh: Zona, Rubella, bệnh dại, bại liệt, sốt Ebola, HPV gây ung thư và đại dịch AIDS, Covid-19,...
+ Ở động vật, virus gây ra các bệnh như: Các loại cúm A ở gia cầm, cúm lợn....
+ Ở thực vật, virus gây ra một số bệnh như: Lá vàng hoặc có các vết loét, đốm vòng, lá biến dạng, lá cuốn ở nhiều loại cây trồng,...

Câu hỏi: (Mục IV.2 - Trang 101)
Hướng dẫn trả lời:
1. Kể tên các loại vaccine mà em biết: Cúm, lao, sởi, quai bị, thủy đậu, viêm gan A, ho gà - uốn ván - bại liệt, viêm gan B, viêm não Nhật Bản B, vaccine phòng ung thư cổ tử cung, vaccine phòng Covid-19,...
2. - Em đã từng tiêm các loại vaccine: Lao, sởi, viêm gan A, ho gà - uốn ván - bại liệt, viêm gan B, viêm não Nhật Bản B...
- Cần phải tiêm nhiều loại vaccine để kích thích cơ thể sản sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại các bệnh truyền nhiễm. Đối với trẻ nhỏ, việc mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không được tiêm chủng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ, gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Vì vậy tiêm nhiều loại vaccine là biện pháp phòng ngừa bệnh chủ động và hiệu quá nhất.
3. Các biện pháp phòng bệnh do virus gây ra.
- Tiêm nhiều loại vaccine để phòng ngừa bệnh một cách chủ động.
- Ngăn chặn các con đường lây bệnh như: Không tiếp xúc trực tiếp với người và môi trường có nhiễm virus,...
- Một số virus có thể truyền theo đường máu hoặc từ mẹ sang con, vì vậy khi bị nhiễm virus phải nâng cao ý thức và trách nhiệm để bảo vệ cộng động.
- Vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ, ăn uống khoa học, sống tích cực để nâng cao hệ miền dịch tự nhiên.
- Tuyên truyền các biện pháp cho cộng đồng để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh do virus gây ra,...

*Câu hỏi hoạt động:
Câu hỏi: (Mục II - Trang 99)

Gợi ý:
Tên virus Tên thành phần cấu tạo virus
HIV 1. Protein
2. Vật chất di truyền
Sởi 1. Protein
2. Vật chất di truyền
Dại 1. Protein
2. Vật chất di truyền
Dengue (bệnh gây sốt xuất huyết) 1. Protein
2. Vật chất di truyền
 

III. CÂU HỎI PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC

Câu hỏi 1: Dựa vào đặc điểm cấu tạo thì virus được chia thành nhũng dạng nào? Tại sao nó phải sống kí sinh nội bào bắt buộc?
Gợi ý:
- Dựa vào đặc điểm cấu tạo thì virus được chia thành 2 dạng: Virus trần và virus có vỏ.
- Virus phải sống kí sinh nội bào bắt buộc vì: Khi ra khỏi tế bào vật chủ nó tồn tại như vật không sống.

Câu hỏi 2: Nêu các biện pháp phòng virus SARS-CoV-2.
Gợi ý:
- Tiêm vaccine
- Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác (tối thiểu 2m)
- Đeo khẩu trang tại nơi công cộng hoặc nơi tập trung đông người.
- Không tập trung đông người.
- Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt, vật dụng thường xuyên tiếp xúc. Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
- Thực hiện việc khai báo y tế,...

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây