© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch sử 8, bài 16: Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội (1921 - 1941)

Thứ bảy - 09/12/2017 21:49
Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch sử 8, bài 16: Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội (1921 - 1941)
1. Chính sách kinh tế mới và công cuộc khôi phục kinh tế (1921 - 1925)
 
Câu hỏi. Vì sao nước Nga Xô-viết phải thực hiện chính sách kinh tế mới?

Sau chiến thắng ngoại xâm và nội phản, năm 1921 nước Nga Xô – viết bước vào thời kì hòa bình, xây dựng đất nước trong hoàn cảnh khó khăn. 7 năm chiến tranh kéo dài (1914 - 1921) đã tàn phá nặng nề nền kinh tế; sản lượng nông nghiệp chỉ bằng ½ so với mức trước chiến tranh, sản lượng công nghiệp chỉ còn 1/7; nền sản xuất bị đình trệ, đất đai bị bỏ hoang; trâu bò, nông cụ, phân bón, giống cây trồng bị thiếu. Đời sống của nhân dân (công nhân, nông dân, binh lính) hết sức khổ cực.
 
Trong tình hình ấy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bị rối loạn nghiêm trọng. Bọn phản cách mạng thừa cơ nổi dậy, kích động nhân dân tích cực chống lại chính quyền Xô-viết. Đặc biệt, bọn tư bản đế quốc bên ngoài cũng đang kêu gọi chống phá chính quyền cách mạng, bao vây kinh tế, cấm vận đối với Liên Xô. Trong hoàn cảnh ấy, tháng 3-1921 Đảng Bôn-sê-vích Nga quyết định ban hành Chính sách kinh tế mới.
 
Câu hỏi. Nội dung chủ yếu của Chính sách kinh tế mới là gì?
 
- Nội dung chính của Chính sách kinh tế mới.

- Bãi bỏ trưng thu lương thực và thay thế bằng thu thuế lương thực (sau khi nộp thuế lương thực quy định, nông dân sẽ được quyền sử dụng sản phẩm dư thừa); thực hiện tự do buôn bán, mở lại các chợ; cho phép tư nhân được mở các xí nghiệp nhỏ và khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư, kinh doanh ở Nga.
 
Câu hỏi. Bức áp phích năm 1921 “Chúng ta tuyên chiến với hậu quả của chiến tranh”. Hình 58. SGK trang 83. Em quan sát, nhận xét và trả lời câu hỏi: Bức tranh nói lên điều gì?
 
- Bức tranh ghi lại hình ảnh kiệt quệ của nước Nga sau chiến tranh: đói rét, bệnh tật, nhà máy, công xưởng bị tàn phá, bạo loạn ở nhiều nơi...
 
- Phía bên trái là hình ảnh những người công nhân, nông dân, chiến sĩ tay búa, tay rìu quyết tâm tuyên chiến với hậu quả của chiến tranh, xây dựng lại đất nước.
 
Câu hỏi. Việc thực hiện Chính sách kinh tế mới đã có tác dụng gì đối với nền kinh tế của nước Nga Xô-viết thời bấy giờ?
 
Nhờ thực hiện Chính sách kinh tế mới, nhất là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có nền kinh tế tư nhân, đã đẩy mạnh nền sản xuất, phát triển lưu thông hàng hóa, làm cho nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh chóng. Đời sống nhân dân do đó được cải thiện. Năm 1925, sản xuất công-nông nghiệp đạt mức xấp xỉ trước chiến tranh.
 
Chính sách kinh tế mới là sự đổi mới sáng tạo của Lê-nin và đất nước Xô-viết.
 
Câu hỏi. Lập bảng so sánh “Chính sách Cộng sản thời chiến”“Chính sách kinh tế mới”. 
 
Tiêu chí so sánh Chính sách cộng sản thời chiến Chính sách kinh tế mới
Hoàn cảnh 1918-1920 tiến hành chiến tranh cách mạng, thù trong giặc ngoài 1921 – 1925 khó khăn khi đất nước bước vào thời kì hòa bình, xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Nội dung - Trưng thu lương thực thừa
- Quốc hữu hóa toàn bộ xí nghiệp
- Nhà nước nắm độc quyền về quản lí, phân phối lương thực, thực phẩm.
- Bãi bỏ trưng thu lương thực, thay bằng thuế lương thực
- Tự do buôn bán, mở lại các chợ
- Cho phép tư nhân mở các xí nghiệp nhỏ
- Khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư kinh doanh ở Nga.
Tác dụng - Tập trung toàn bộ sức người, sức của để chống thù trong, giặc ngoài.
- Bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Mười
- Phục hồi, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.
- Tạo cơ sở kinh tế, chính trị cho Liên Xô bước vào công cuộc xây dụng chủ nghĩa xã hội.
 
Câu hỏi. Em có nhận xét gì về “Chính sách kinh tế mới”? Theo hiểu biết của em Đảng Cộng sản Việt Nam có vận dụng chính sách này trong thời kì đổi mới không?
 
- Có thể xem “Chính sách kinh tế mới” là một bước lùi nhưng là một bước lùi cần thiết để Liên Xô vượt qua những khó khăn, thử thách, tạo đà vững bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Bôn-sê- vích, đứng đầu là Lê-nin.
 
- Đảng ta đã vận dụng kinh nghiệm này vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời kì đổi mới là phát triển nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần có sự định hướng của Nhà nước.
 
Câu hỏi. Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (gọi tắt là Liên Xô) được thành lập trong hoàn cảnh nào?
 
Cuối năm 1922, sau khi lãnh thổ Xô-viết được giải phóng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và củng cố quốc phòng đòi hỏi các dân tộc trên đất nước Xô-viết phải liên minh khăng khít và giúp đỡ nhau hơn về mọi mặt, đồng thời chống lại các âm mưu phá hoại của các thế lực đế quốc bên ngoài kết hợp với bọn nội phản trong nước. Từ yêu cầu và đòi hỏi đó, tháng 12-1922 Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (gọi tắt là Liên Xô) được thành lập. 
 
Câu hỏi. Hãy kể tên các ngành công nghiệp nặng được chú trọng ở Liên xô lúc bấy giờ?
 
Ngành công nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp.
Ngành công nghiệp quốc phòng.
 
Câu hỏi. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô (từ 1925-1941) được thực hiện qua những kế hoạch 5 năm nào?
.
- Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928-1932)

- Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1933-1937)

- Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1937-1942)
 
Câu hỏi. Những biến đổi về mọi mặt ở Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1925 đến năm 1941?
 
1925-1941 Liên Xô đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt. Đến năm 1936, tính theo sản lượng công nghiệp thì Liên Xô đứng đầu châu Âu và đứng thứ hai thế giới (sau Mĩ). Công cuộc tập thể hóa nông nghiệp đã hoàn thành.
 
- Về văn hóa-giáo dục: Nạn mù chữ được thanh toán, thực hiện xong phổ cập giáo dục tiểu học cho toàn dân.
 
- Về xã hội: Các giai cấp bóc lột bị xóa bỏ, chỉ còn lại hai giai cấp lao động là công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức mới xã hội chủ nghĩa.
 
Câu hỏi. Vì sao trong kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1937-1942), nhân dân Liên Xô phải tạm ngừng công cuộc xây dựng đất nước?
 
Sau khi hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928-1932) và kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1933-1937), từ năm 1937 Liên Xô lại tiếp tục kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1937-1942). Tuy nhiên, đến tháng 6-1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô, nhân dân Liên Xô đã buộc phải tạm ngừng công cuộc xây dựng đất nước để tiến hành cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. 
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây